Ứng dụng Nhà Thuốc Long Châu

Siêu ưu đãi, siêu trải nghiệm

Long Châu
  1. /
  2. Góc sức khỏe/
  3. Phòng bệnh & Sống khoẻ

Cấu tạo của gan như thế nào? Những điều cần biết về gan

Ngày 19/04/2024
Kích thước chữ

Gan là một cơ quan nội tạng lớn nhất trong cơ thể con người, đóng vai trò không thể phủ nhận trong việc duy trì sức khỏe. Tuy nhiên, không phải ai cũng biết cách chăm sóc và bảo vệ cơ quan này. Vậy cấu tạo của gan như thế nào? Và với cấu tạo đó, gan đảm nhận những chức năng gì?

Trong bài viết này, chúng ta sẽ cùng tìm hiểu cấu tạo của gan và những vấn đề liên quan đến gan bao gồm chức năng, các bệnh lý về gan. Đồng thời, đưa ra lời khuyên hữu ích giúp bạn chăm sóc gan một cách tốt nhất. Nếu bạn quan tâm đến vấn đề này, hãy cùng tìm hiểu qua bài viết “Cấu tạo của gan” bạn nhé!

Cấu tạo của gan như thế nào?

Tổng quan về cấu tạo của gan

Gan có hình dạng đặc biệt với hai mặt chính là mặt hoành lồi và mặt tạng phẳng. Ranh giới ở phía trước của gan là bờ dưới, trong khi ranh giới phía sau không rõ ràng và có thể biến đổi tùy thuộc vào tình trạng sức khỏe. Mặt hoành gồm 4 phần: Phần trên, phần dưới, phần phải, phần sau. Mặt tạng và bờ dưới của gan thường hướng xuống dưới, ra sau và sang trái do liên kết với nhiều cơ quan lân cận, tạo ra sự không đồng đều.

Gan bao gồm bốn thùy: Thùy phải, thùy trái, thùy vuông, thùy đuôi, được tách ra bởi hai rãnh dọc và một rãnh ngang tạo hình chữ H. Bờ dưới của gan nằm giữa phần trước của mặt hoành và mặt tạng, chạy từ phải qua trái bao gồm hai khuyết là khuyết túi mật, khuyết dây chằng tròn.

cau-tao-cua-gan-nhu-the-nao-nhung-dieu-can-biet-ve-gan 1
Gan là cơ quan nội tạng có cấu tạo tương đối phức tạp

Cấu tạo của gan phức tạp, bao gồm:

  • Bao thanh mạc: Là lớp phúc mạc bọc bên ngoài giúp bảo vệ gan.
  • Bao xơ: Kết nối chặt với bao thanh mạc và nhu mô gan, giúp bảo vệ, duy trì cấu trúc gan.
  • Nhu mô gan: Được tạo thành từ tế bào gan, mạch máu và đường mật.
  • Hệ thống mạch máu: Bao gồm các tĩnh mạch chủ dưới, tĩnh mạch vành, tĩnh mạch hoành gan, tĩnh mạch tam giác phải và trái, tĩnh mạch liềm, hệ thống động mạch tương ứng. Hệ thống này cung cấp máu và dưỡng chất cho gan, đồng thời loại bỏ độc tố trong quá trình chuyển hóa.

Gan được cố định thông qua hệ thống tĩnh mạch và dây chằng. Chúng bao gồm dây chằng vành, dây chằng tam giác phải/trái, dây chằng hoành gan, dây chằng liềm và tĩnh mạch chủ dưới.

Vị trí, khối lượng và kích thước của gan

Gan nằm ở phía trên bên phải của ổ bụng, vị trí dưới lồng ngực và gần các cơ quan nội tạng khác trong cơ thể. Điều này giúp gan tham gia vào quá trình tiêu hóa và chuyển hóa các chất dinh dưỡng từ thức ăn dễ dàng.

Gan của nam thường có trọng lượng từ 1,4 đến 1,8kg, trong khi gan của nữ có trọng lượng từ 1,2 đến 1,4kg. Khi tính thêm lượng máu trong gan (khoảng 800 – 900ml), trọng lượng trung bình của gan khoảng 2,3 – 2,4kg.

Kích thước của gan thường là:

  • Bề ngang dài từ 25 đến 28cm.
  • Bề trước sau rộng từ 16 đến 20cm.
  • Chiều cao (độ dày) dao động từ 6 đến 8cm.

Các số liệu này cho thấy gan là một cơ quan lớn trong cơ thể, có kích thước, khối lượng đủ lớn để thực hiện nhiều chức năng quan trọng, đặc biệt là trong việc chuyển hóa và lọc máu.

cau-tao-cua-gan-nhu-the-nao-nhung-dieu-can-biet-ve-gan 2
Gan là cơ quan nội tạng lớn nhất nằm ở vị trí phía trên bên phải của ổ bụng

Cấu tạo của gan liên quan đến những chức năng gì?

Chức năng chuyển hoá của gan

Gan là cơ quan giúp chuyển hóa glucid, lipid và protid thành năng lượng cho cơ thể sử dụng, cụ thể:

  • Glucid (carbohydrate): Đây là nguồn cung cấp năng lượng chính cho cơ thể. Gan chuyển hóa glucid thành glycogen để dự trữ năng lượng và kiểm soát nồng độ đường trong máu.
  • Lipid (chất béo): Gan chuyển hóa lipid thành triglyceride để dự trữ và cung cấp năng lượng. Trong trường hợp cần thiết, gan cũng có thể đốt cháy mỡ dư thừa để tạo ra năng lượng cho cơ thể.
  • Protid (protein): Protid được phân giải thành axit amin, sau đó chuyển hoá thành các loại protein khác nhau tại gan. Các protein này cung cấp năng lượng, vận chuyển dưỡng chất, dự trữ khoáng chất, hỗ trợ các quá trình tổng hợp nội tiết tố hoặc sản sinh tế bào mới.

Chức năng thải độc của gan

Cấu tạo của gan đóng vai trò như một "bộ lọc", ngăn chặn các độc tố xâm nhập vào cơ thể thông qua đường tiêu hóa bằng cách kiểm soát độc tính và loại bỏ một số chất cặn bã. Chức năng chống độc của gan được thực hiện qua hai con đường chính:

  • Phản ứng hóa học: Gan thực hiện các phản ứng hóa học như phản ứng oxy hóa khử, phản ứng tạo ure, phản ứng liên hợp. Những phản ứng này giúp hòa tan hoặc loại bỏ một số độc tố như amoniac, rượu, thuốc, cafein, thủy ngân, thiếc, chì, cadmium để tạo ra các chất mới không độc hoặc ít độc và chuyển đến cơ quan bài tiết.
  • Tạo phức chelate: Gan tạo ra các phức chất chelate bằng cách kết hợp một hoặc nhiều phân tử với kim loại nặng, tạo thành các hợp chất ổn định và dễ dàng loại bỏ khỏi cơ thể qua đường mật hoặc niệu quản.
cau-tao-cua-gan-nhu-the-nao-nhung-dieu-can-biet-ve-gan 3
Gan giúp đào thải độc tố khi chúng xâm nhập vào cơ thể

Chức năng tạo mật của gan

Theo nghiên cứu, mật có vai trò hòa tan chất béo và các loại vitamin tan trong chất béo như vitamin A, D, E, K, giúp hỗ trợ quá trình tiêu hóa. Tại gan, mật được liên tục sản xuất thông qua quá trình tổng hợp muối mật, cholesterol, bilirubin và các chất khác tại tế bào gan. Mật gan sau khi được sản xuất, được dự trữ cô đặc trong túi mật. Trong quá trình tiêu thụ thức ăn, túi mật co bóp để bơm mật xuống ruột non, sẵn sàng tham gia vào quá trình tiêu hoá.

Chức năng dự trữ của gan

  • Dự trữ glucid: Gan lưu trữ glucose dưới dạng glycogen, cung cấp năng lượng khi cơ thể cần.
  • Dự trữ lipid: Gan thu nhận chất béo từ thực phẩm, tổng hợp và "đốt cháy" chúng thành năng lượng. Các mô mỡ dưới da được sử dụng để lưu trữ chất béo dư thừa.
  • Dự trữ máu: Gan có hệ thống cổng gan để lưu trữ máu và tham gia vào quá trình tạo máu và tái tạo máu.
  • Dự trữ sắt: Sắt được lưu trữ tại gan dưới dạng ferritin, giúp duy trì cân bằng nồng độ sắt trong cơ thể.
  • Dự trữ vitamin: Gan lưu trữ vitamin A, D, E, K và cung cấp cho cơ thể khi cần.
cau-tao-cua-gan-nhu-the-nao-nhung-dieu-can-biet-ve-gan 4
Gan giúp dự trữ các dưỡng chất và cung cấp cho cơ thể khi cần thiết

Chức năng tổng hợp của gan

Trong quá trình chuyển hóa, gan đóng vai trò quan trọng trong tổng hợp 5 nhóm dưỡng chất sau:

  • Chất dự trữ năng lượng: Gan sản xuất glycogen và triglyceride, hai chất dự trữ và chuyển hóa năng lượng quan trọng cho cơ thể.
  • Cholesterol: Gan sản xuất cholesterol tốt để duy trì sức khỏe của mạch máu và màng tế bào.
  • Mật: Gan tạo ra mật để hòa tan chất béo vào nước, tăng khả năng hấp thụ chất béo, vitamin tan trong dầu.
  • Yếu tố đông máu: Gan tổng hợp các yếu tố đông máu như fibrinogen và prothrombin, tham gia vào quá trình đông máu và ngăn chặn mất máu khi gặp chấn thương.
  • Hormone: Gan tham gia vào tổng hợp các hormone quan trọng như IGF-1 và somatomedin C, giúp cân bằng hệ nội tiết tố, đảm bảo sự phát triển và sinh tồn của cơ thể.

Phòng tránh các vấn đề về gan như thế nào?

Cấu tạo của gan bị tổn thương có thể ảnh hưởng đến hầu hết các hoạt động trong cơ thể và gây ra nhiều bệnh lý nghiêm trọng, đe dọa tính mạng. Do đó, việc phòng ngừa các vấn đề về gan từ sớm là rất quan trọng, một số biện pháp bao gồm:

  • Tiêm phòng viêm gan A, B từ sớm.
  • Luôn sử dụng bao cao su khi quan hệ tình dục.
  • Hạn chế uống rượu bia và không uống thuốc kèm theo rượu.
  • Rửa tay sạch sẽ trước khi chế biến thức ăn và trước khi ăn.
  • Không dùng chung kim tiêm, chỉ sử dụng thuốc tiêm tĩnh mạch theo hướng dẫn của bác sĩ.
  • Tránh tiếp xúc với máu hoặc dịch từ người khác để ngăn ngừa lây lan bệnh gan.
  • Chỉ sử dụng thuốc điều trị bệnh khi được chỉ định bởi bác sĩ và tuân thủ đúng liều lượng khuyến cáo.
  • Hạn chế tiếp xúc với hóa chất độc hại và đảm bảo sử dụng các biện pháp bảo vệ như đeo khẩu trang, mang găng tay khi cần thiết.
  • Quản lý cân nặng ở mức ổn định, tránh thừa cân và béo phì.
  • Xây dựng chế độ ăn uống lành mạnh, giàu chất xơ, hạn chế chất béo, calo và đường.
cau-tao-cua-gan-nhu-the-nao-nhung-dieu-can-biet-ve-gan 5
Lối sống và sinh hoạt lành mạnh giúp phòng ngừa các vấn đề về gan

Hy vọng rằng bạn đã có thông tin hữu ích về cấu tạo của gan. Việc hiểu về cấu tạo, chức năng của gan giúp chúng ta nhận ra tầm quan trọng của việc bảo vệ, duy trì sức khỏe của cơ quan này. Chăm sóc gan thông qua lối sống lành mạnh và các biện pháp phòng tránh bệnh là cách tốt nhất để đảm bảo gan hoạt động hiệu quả và giữ cho cơ thể luôn khỏe mạnh.

Có thể bạn quan tâm

Thông tin và sản phẩm gợi ý trong bài viết chỉ mang tính chất tham khảo, vui lòng liên hệ với Bác sĩ, Dược sĩ hoặc chuyên viên y tế để được tư vấn cụ thể. Xem thêm

Dược sĩ Đại họcNguyễn Thị Hồng Nhung

Đã kiểm duyệt nội dung

Tốt nghiệp đại học Khoa Dược. Có kinh nghiệm hơn 10 năm trong lĩnh vực Dược phẩm, tư vấn thuốc và thực phẩm chức năng. Hiện đang là giảng viên cho Dược sĩ tại Nhà thuốc Long Châu.

Xem thêm thông tin