Ứng dụng Nhà Thuốc Long Châu

Siêu ưu đãi, siêu trải nghiệm

Long Châu
  1. /
  2. Góc sức khỏe/
  3. Phòng bệnh & Sống khoẻ

Cấu tạo của mắt gồm những gì và cách chăm sóc mắt đúng cách?

Ngày 17/10/2022
Kích thước chữ

Mắt là bộ phận chiếm diện tích nhỏ trên cơ thể con người nhưng lại có nhiệm vụ vô cùng quan trọng. Công việc chính của mắt là giúp con người quan sát và thu nhận sự vật. Những gì xảy ra xung quanh được mắt thu nhận hình ảnh và màu sắc truyền đến não để xử lý và lưu trữ. Vậy cấu tạo của mắt như thế nào? Chăm sóc mắt như thế nào cho đúng?

Mắt là cơ quan thị giác, mắt cũng là một phần của não bộ, được hình thành từ tuần thứ ba của thai kỳ dưới dạng hai túi thị nguyên thủy phát triển và lồi ra phía trước để hình thành võng mạc, thủy tinh thể và các thành phần hoàn chỉnh khác.

Cấu tạo của mắt

Cấu tạo bên ngoài

Nhìn bên ngoài, cấu tạo của mắt gồm các bộ phận sau: 

  • Lông mi và mí mắt: Cử động đóng mở của mắt là do cơ chế hoạt động của mi mắt, phản xạ đóng mở này giúp mắt tự điều tiết tránh khô mắt và tránh khói, bụi hàng ngày. Trên mi mắt còn có một hàng lông mi như lớp màng bảo vệ mắt khỏi các dị vật, có lông mi trên và dưới. 
  • Củng mạc: Là một màng dày và rất cứng bao quanh nhãn cầu và tạo thành.
  • Giác mạc: Nằm ở phía trước củng mạc và có hình dạng chóp cầu hơi nhô ra khỏi hốc mắt và hoạt động giống như một thấu kính, tập trung hình ảnh lên võng mạc và giúp nhìn thấy vật thể. 
  • Kết mạc: Là lớp chất nhầy bao phủ củng mạc (lòng trắng) có chức năng duy trì sự ổn định của lớp nước mắt và tiết ra một số chất trong nước mắt chống lại tác nhân xâm nhập giác mạc.
  • Mống mắt: Ngay sau giác mạc là một màng sắc tố bọc quanh con ngươi, được gọi là mống mắt. Mống mắt có những đặc điểm quyết định màu sắc của mắt như màu nâu, đen,...
  • Đồng tử: Là lỗ đen tròn nằm ở trung tâm của mống mắt. Đồng tử có thể được kích thích bởi các cơ trong mống mắt, thu hẹp hoặc mở rộng để cân bằng lượng ánh sáng đi vào mắt. 

Đây là những thành phần cấu trúc bên ngoài của mắt có thể được kiểm tra bằng mắt thường hoặc bằng các công cụ đơn giản như đèn pin hoặc kính lúp. 

Cấu tạo của mắt gồm những gì và cách chăm sóc mắt đúng cách? 1 Bên ngoài, mắt được cấu tạo bởi các bộ phận khác nhau có thể kiểm tra bằng mắt thường

Cấu tạo bên trong

Cấu trúc bên trong của mắt rất phức tạp, trong đó thủy tinh thể và võng mạc là hai bộ phận quan trọng đóng vai trò quan trọng trong việc đảm bảo chức năng thị giác của mắt. Tất cả các bộ phận của cấu trúc bên trong của mắt chỉ có thể được kiểm tra bằng các máy móc chuyên dụng: 

  • Thuỷ dịch: Chất lỏng được tiết ra bởi khoang trước của thể mi (khoang giữa giác mạc và thể thủy tinh) và khoang sau (khoang nằm sau mống mắt) tạo ra một áp suất gọi là nhãn áp để duy trì hình dạng cầu của mắt và nuôi dưỡng giác mạc và thủy tinh thể. 
  • Thuỷ tinh thể: Là một thành phần quang học quan trọng của mắt. Quan trọng nhất là phía sau con ngươi có một cấu trúc trong suốt có tác dụng như một thấu kính hội tụ các tia sáng chiếu trực tiếp vào võng mạc tạo ra hình ảnh rõ ràng, sắc nét.
  • Võng mạc: Đây là một lớp màng bao phủ ở lớp trong cùng của nhãn cầu mỏng có nhiệm vụ thu nhận ánh sáng từ thuỷ tinh thể và truyền tín hiệu đến não qua hệ thần kinh thị giác.
  • Dịch kính: Một cấu trúc trong suốt giống như thạch nằm giữa thủy tinh thể và võng mạc và hoạt động như một bộ giảm chấn để giúp nhãn cầu duy trì hình dạng ổn định. Bạn chỉ có thể nhìn thấy mọi vật khi giác mạc, dịch kính và thể thủy tinh vẫn trong suốt, cho phép ánh sáng truyền qua võng mạc.
  • Hắc mạc: Màng mỏng giữa củng mạc và võng mạc, hắc mạc nối với mống mắt ở phía trước và có nhiều mạch máu giúp nuôi dưỡng mắt.
Cấu tạo của mắt gồm những gì và cách chăm sóc mắt đúng cách? 2 Cấu trúc bên trong của mắt rất phức tạp, có vai trò quan trọng trong việc đảm bảo chức năng thị giác của mắt

Cơ chế hoạt động của mắt

Mắt có một hệ thống thấu kính ở phía trước nhãn cầu bao gồm giác mạc, đồng tử và thủy tinh thể. Ánh sáng đi vào mắt sau khi khúc xạ qua giác mạc và thủy tinh thể sẽ hội tụ trên võng mạc của mắt. Tại đây, tín hiệu ánh sáng được chuyển đổi thành tín hiệu thần kinh bởi các tế bào nhạy cảm với ánh sáng trong võng mạc. Tín hiệu này sau đó được truyền qua dây thần kinh thị giác đến não và được xác nhận là hình ảnh trong não. Đây là cơ chế hoạt động của mắt để cho phép bạn nhìn thấy mọi vật được quan sát. 

Mắt có thể tự điều chỉnh tiêu cự, ánh sáng bằng cách thay đổi độ cong của thuỷ tinh thể, co giãn mống mắt và đồng từ để thu nhận được hình ảnh rõ ràng nhất. Bên cạnh đó, để không bị khô mắt, các tuyến lệ luôn hoạt động để bôi trơn giác mạc. Đây là cơ chế tự nhiên giúp bảo vệ mắt khỏi tác nhân của môi trường.

Cách chăm sóc mắt đúng cách

Bổ sung dinh dưỡng cho mắt bằng thực phẩm

Để có một đôi mắt khỏe, cần ăn nhiều rau xanh đậm, hoa quả màu vàng cam, gan động vật, trứng, cá, vịt,… Tất cả các loại thực phẩm trên đều giàu vitamin A, C, E, beta-carotene, lutein và selen giúp cải thiện thị lực và dưỡng mắt. 

Thư giãn mắt sau thời gian dài làm việc

Sau mỗi giờ làm việc với máy tính, bạn nên thư giãn mắt bằng cách nhìn ra xa màn hình, nhắm mắt hoặc chớp mắt thường xuyên để mắt không bị khô. Đọc sách và làm việc ở nơi có đủ ánh sáng, tránh tiếp xúc gần với màn hình và sách vở. Khi sử dụng máy tính, bạn nên ngồi thẳng lưng, cách màn hình 30 - 40cm.

Tránh tổn thương mắt

Khi gặp ánh đèn chói như mỏ hàn, lò nung thủy tinh hoặc đèn pha ô tô, bạn nên tránh nhìn thẳng vào các chùm sáng này. Hạn chế sử dụng kính áp tròng trong thời gian dài, vệ sinh và khử trùng kính áp tròng cẩn thận. Khi đi ngoài trời nắng nên đeo kính râm, tránh đưa tay dụi mắt khi chưa rửa sạch sẽ. Bạn nên sử dụng nước muối sinh lý 0.9% hàng ngày để vệ sinh và rửa mắt. Nhanh chóng đi khám nếu phát hiện mắt có vấn đề như nhức mắt, mờ mắt, quáng gà, đỏ và rát mắt.

Cấu tạo của mắt gồm những gì và cách chăm sóc mắt đúng cách? 3 Vệ sinh mắt mỗi ngày bằng nước muối sinh lý và bảo vệ mắt bằng cách đeo kính râm khi trời nắng 

Như vậy có thể thấy, cấu tạo của mắt khá phức tạp và gồm nhiều bộ phận nhỏ, mỗi bộ phận có nhiệm vụ riêng biệt nhưng thống nhất để hoàn thiện thị giác của con người. Nếu có bất kỳ dấu hiệu bất thường của mắt nên đi khám và điều trị sớm nhất có thể.

Cao Hiếu

Nguồn tham khảo: Tổng hợp

Có thể bạn quan tâm

Thông tin và sản phẩm gợi ý trong bài viết chỉ mang tính chất tham khảo, vui lòng liên hệ với Bác sĩ, Dược sĩ hoặc chuyên viên y tế để được tư vấn cụ thể. Xem thêm