Ứng dụng Nhà Thuốc Long Châu

Siêu ưu đãi, siêu trải nghiệm

Long Châu
  1. /
  2. Góc sức khỏe/
  3. Khỏe đẹp

Cấu trúc da mặt và cách chăm sóc để có được làn da khỏe mạnh

Ngày 05/06/2024
Kích thước chữ
  • Mặc định

  • Lớn hơn

Bạn có bao giờ tò mò về cấu trúc da mặt của chúng ta và vai trò quan trọng của nó trong việc duy trì sức khỏe cho làn da? Hãy cùng tìm hiểu cấu trúc da mặt qua bài viết dưới đây.

Mỗi người trong chúng ta đều mong muốn có một làn da khỏe mạnh, mềm mịn và tươi trẻ. Tuy nhiên, không phải ai cũng hiểu rõ về cấu trúc da mặt và cách chăm sóc da một cách tốt nhất. Hãy cùng tìm hiểu qua bài viết dưới đây về cấu trúc da mặt để có thể hiểu rõ về làn da và cách chăm sóc một cách tốt nhất.

Sơ lược về cấu trúc da mặt

Cấu trúc da mặt được cấu tạo bởi ba phần chính gồm biểu bì, trung bì và hạ bì. Ba lớp này có mối liên kết chặt chẽ với nhau, chịu trách nhiệm trong việc phát triển của các tế bào, sợi cũng như các cấu trúc khác trong da. Điều này góp phần tạo nên một làn da đẹp và khỏe mạnh.

Lớp biểu bì

Lớp biểu bì trên da mặt là lớp ngoài cùng, có nhiệm vụ bảo vệ da khỏi độc tố và duy trì độ ẩm hiệu quả. Cấu trúc của lớp biểu bì trên da mặt bao gồm 5 lớp khác nhau:

  • Lớp đáy: Đây là lớp sâu nhất trong biểu bì, nơi tế bào Keratinocyte được tạo ra.
  • Lớp gai: Lớp này chứa tế bào Keratinocyte, có vai trò sản xuất chất sừng (protein sợi).
  • Lớp hạt: Ở lớp này, quá trình sừng hóa diễn ra. Tế bào sản xuất các hạt nhỏ, sau đó chuyển đổi thành chất sừng cùng với lipid trong biểu bì.
  • Lớp bóng: Lớp này bao gồm các tế bào được nén nhẹ, có thể phẳng và khó phân biệt.
  • Lớp sừng: Đây là lớp bên ngoài cùng của biểu bì và cũng là nơi có tuyến mồ hôi và tuyến bã nhờn. Lớp sừng gồm khoảng 20 lớp da và chứa tế bào da chết mỏng.
Cấu trúc da mặt và cách chăm sóc để có được làn da khỏe mạnh 1
Cấu trúc da mặt được cấu tạo bởi ba phần chính gồm biểu bì, trung bì và hạ bì

Lớp trung bì

Lớp trung bì nằm ở giữa trong cấu trúc da mặt và có vai trò quan trọng trong việc liên kết giữa biểu bì và hạ bì. Đặc điểm đáng chú ý của lớp trung bì là độ dày lớn, trung bình từ 0,5 - 4mm. Lớp này chứa collagen và elastin, hai thành phần quan trọng giúp duy trì sự đàn hồi và độ săn chắc cho da.

Ngoài ra, lớp trung bì còn bao gồm mạng lưới mao mạch, nang lông, tế bào thần kinh, tuyến mồ hôi và tuyến bã nhờn. Chức năng chính của lớp trung bì đối với da và cơ thể bao gồm:

  • Cung cấp dưỡng chất và oxy cho biểu bì;
  • Điều hòa nhiệt độ bằng cách tiết mồ hôi và tăng cường tuần hoàn máu;
  • Bảo vệ cơ học cho các cấu trúc bên trong da và quyết định mức độ nhạy cảm của da.

Lớp trung bì được chia thành hai phần chính:

  • Lớp nhú: Đây là một lớp mỏng, có thể có hoặc không tùy thuộc vào vùng da cụ thể.
  • Lớp lưới: Lớp này được hình thành bởi sợi collagen, sợi lưới, elastin và sợi đàn hồi. Ở tuổi trẻ, các liên kết này giữ cho da săn chắc. Tuy nhiên, khi da lão hóa, các liên kết này bị suy yếu, dẫn đến mất đàn hồi và xuất hiện nếp nhăn. Lớp lưới cũng chứa các tuyến mồ hôi, tuyến bã, nang lông, dây thần kinh và mạch máu.

Lớp hạ bì - Lớp mỡ dưới da

Lớp mỡ dưới da nằm ở ngay bên dưới và kết nối một cách lỏng lẻo với lớp trung bì. Lớp hạ bì của da có cấu trúc tương tự như một mạng lưới, bao gồm sợi collagen, elastin, tế bào mỡ, mạch máu, mạch bạch huyết và tế bào thần kinh. Bề mặt của lớp mỡ dưới da được nối với lớp trung bì thông qua các sợi collagen hướng từ lớp trung bì xuống lớp hạ bì.

Chức năng chính của lớp mỡ dưới da bao gồm:

  • Cung cấp năng lượng: Chất béo là một nguồn năng lượng dồi dào. Mỗi gram chất béo cung cấp 9 calo năng lượng, giúp duy trì hoạt động của cơ thể.
  • Cách nhiệt: Chất béo giữ cho cơ thể luôn ấm áp bằng cách cách ly và cung cấp nhiệt cho cơ thể trong môi trường lạnh.
  • Bảo vệ: Lớp mỡ giúp giảm nhẹ tác động của va chạm, cũng như giữ cho da linh hoạt. Da có khả năng co giãn trong phạm vi nhất định, góp phần bảo vệ da khỏi tổn thương.
  • Sản xuất hormone: Mô mỡ có khả năng tổng hợp một số hormon như estrogen và testosterone một cách độc lập.
Cấu trúc da mặt và cách chăm sóc để có được làn da khỏe mạnh 2
Bề mặt của lớp mỡ dưới da được nối với lớp trung bì thông qua các sợi collagen

Sự khác nhau giữa cấu trúc da mặt và các vùng da khác

Lớp hạ bì trong da mặt thường có sự hiện diện của nhiều mạch máu hơn so với các vùng da khác. Đồng thời, lớp này cũng chứa nhiều tuyến bã nhờn hơn, làm cho da mặt dễ tiết ra nhiều dầu hơn và dễ bị tắc nghẽn gây mụn trứng cá. Một điểm đáng chú ý khác là các tuyến mồ hôi apocrine trên da mặt thường ít hơn so với các vùng da khác.

Về lớp mô mỡ dưới da, chức năng của nó là cách nhiệt và đóng vai trò như một lớp đệm bảo vệ và cung cấp năng lượng cho cơ thể. Da mặt không có nhiều mô mỡ tập trung. Trong khi đó, các vùng khác trên cơ thể như đùi, mông (ở phụ nữ) và bụng, đùi (ở nam giới) có nhiều mô mỡ hơn.

Da mặt là vùng da nhạy cảm và mỏng manh, thường phải tiếp xúc với ánh nắng mặt trời. Do đó, da mặt dễ bị khô và lão hóa hơn so với các vùng da khác trên cơ thể. Điều này nhấn mạnh tầm quan trọng của việc chăm sóc da mặt và sử dụng các sản phẩm chăm sóc da nhẹ nhàng để tránh gây tổn thương cho da.

Cấu trúc da mặt và cách chăm sóc để có được làn da khỏe mạnh 3
Da mặt dễ bị khô và lão hóa hơn so với các vùng da khác trên cơ

Một số loại da mặt và cách chăm sóc

Bên cạnh việc quan tâm đến cấu trúc da mặt, việc chăm sóc da phù hợp với từng loại da cũng rất quan trọng. Dưới đây là một số loại da phổ biến:

Da dầu

Làn da dầu có thể dễ dàng nhận biết ngay từ cái nhìn đầu tiên. Khi soi gương hoặc chạm tay lên mặt, bạn có thể cảm nhận được dầu nhờn trên da. Ngoài ra, da dầu thường có lỗ chân lông to hơn. Nếu không được chăm sóc đúng cách, da dầu sẽ rất dễ bị mụn.

Dưới đây là những cách chăm sóc da dầu:

  • Rửa mặt kỹ bằng nước ấm để ngăn chặn lượng dầu tích tụ và bít tắc lỗ chân lông.
  • Tẩy tế bào chết 1 - 2 lần mỗi tuần để da luôn sạch sẽ và ngăn ngừa mụn.
  • Sử dụng giấy thấm dầu hoặc bông tẩy trang để kiểm soát lượng dầu trên da mặt.
  • Sử dụng kem dưỡng ẩm có tác dụng kiểm soát tuyến bã nhờn. Lựa chọn các sản phẩm từ thiên nhiên và chứa axit hyaluronic.
  • Sử dụng kem chống nắng không chứa dầu để bảo vệ da hiệu quả hơn.

Da khô

Da khô có thể xuất phát từ yếu tố di truyền hoặc bị ảnh hưởng bởi thời tiết hoặc các yếu tố môi trường khác. Dễ nhận biết da khô thông qua cảm giác khi chạm vào da, bạn sẽ thấy da thiếu nước. Ngoài ra, da khô thường gặp vấn đề về sần sùi, bong tróc vảy hoặc bị ngứa. Da khô có tính đàn hồi kém và dễ bị lão hóa.

Khi chăm sóc da khô, cần lưu ý những điều sau:

  • Tránh sử dụng nước nóng để rửa mặt và tránh các sản phẩm có tính tẩy rửa mạnh.
  • Sử dụng các sản phẩm tẩy da chết chứa AHA và BHA để giúp da mềm mại.
  • Thường xuyên sử dụng kem dưỡng ẩm cho da.
  • Uống đủ lượng nước hàng ngày để duy trì độ ẩm cho da.
Cấu trúc da mặt và cách chăm sóc để có được làn da khỏe mạnh 4
Da khô thường gặp vấn đề về sần sùi, bong tróc vảy hoặc bị ngứa

Với sự hiểu biết về cấu trúc da mặt và chăm sóc đúng cách, bạn có thể giữ cho da mặt luôn khỏe mạnh, tràn đầy sức sống và ngăn ngừa các vấn đề da phổ biến như mụn trứng cá, da khô hay lão hóa. Hãy trân trọng và chăm sóc làn da mặt của bạn để có một vẻ ngoài rạng rỡ và tự tin.

Có thể bạn quan tâm

Thông tin và sản phẩm gợi ý trong bài viết chỉ mang tính chất tham khảo, vui lòng liên hệ với Bác sĩ, Dược sĩ hoặc chuyên viên y tế để được tư vấn cụ thể. Xem thêm

Dược sĩ Đại học Ngô Kim Thúy

Đã kiểm duyệt nội dung

Tốt nghiệp loại giỏi trường Đại học Y Dược Huế. Từng tham gia nghiên cứu khoa học đề tài về Dược liệu. Nhiều năm kinh nghiệm làm việc trong lĩnh vực Dược phẩm. Hiện đang là giảng viên cho Dược sĩ tại Nhà thuốc Long Châu.