Ứng dụng Nhà Thuốc Long Châu

Siêu ưu đãi, siêu trải nghiệm

Long Châu

Chăm sóc tiền sản như thế nào để có thai kỳ khỏe mạnh?

Ngày 26/03/2024
Kích thước chữ
  • Mặc định

  • Lớn hơn

Trước khi chuẩn bị mang thai, việc chú trọng chắm sóc sức khỏe của người phụ nữ ảnh hưởng lớn đến quá trình mang thai và sức khỏe của thai nhi. Vậy mẹ đã biết cách chăm sóc tiền sản thế nào để có thai kì khỏe mạnh chưa? Cùng Nhà Thuốc Long Châu tìm hiểu vấn đề này chi tiết nhất nhé!

Các bác sĩ chuyên khoa sản phụ khuyên rằng, trước khi mang thai và trong suốt thai kỳ, việc chăm sóc tiền sản là rất quan trọng. Điều này bao gồm việc thực hiện đầy đủ các kiểm tra y tế, xét nghiệm và các phương pháp sàng lọc quan trọng để đảm bảo sức khỏe của mẹ và sự phát triển bình thường của thai nhi. Mời bạn đọc tìm hiểu thêm thông tin trong bài viết dưới đây cung cấp bởi Nhà Thuốc Long Châu!

Chăm sóc tiền sản là gì?

Chăm sóc tiền sản là việc chăm sóc sức khỏe của phụ nữ trước khi sinh, bao gồm cả giai đoạn trước khi mang thai và sau khi mang thai. Trước khi mang thai, phụ nữ cần lên kế hoạch cho việc mang thai, xác định số lượng con mong muốn trong khoảng thời gian nhất định, thực hiện kiểm tra sức khỏe tổng quát để phát hiện sớm các bệnh lý mạn tính như tiểu đường, tăng huyết áp,... để có biện pháp can thiệp phù hợp.

Khi đã mang thai, phụ nữ cần tuân thủ các hướng dẫn về việc thăm khám và các bước chẩn đoán trước khi sinh, bao gồm lịch trình khám thai định kỳ, các xét nghiệm tiền sản quan trọng, và cách xử lý nếu phát hiện vấn đề về sức khỏe thai kỳ.

Chăm sóc tiền sản như thế nào để có thai kỳ khỏe mạnh? 1
Hiểu rõ về chăm sóc tiền sản

Tầm quan trọng của chăm sóc sức khỏe tiền sản

Dữ liệu thống kê cho thấy, trẻ em của mẹ thiếu chăm sóc y tế trước khi mang thai có nguy cơ mắc bệnh nhẹ cân cao gấp ba lần và nguy cơ tử vong cao gấp năm lần so với trẻ em sinh ra từ mẹ được chăm sóc sức khỏe tiền sản đầy đủ.

Do đó, việc chăm sóc y tế trước khi mang thai có thể giảm thiểu nguy cơ này, tạo điều kiện an toàn hơn cho cả mẹ và con.

Thăm khám thai kỳ thường xuyên theo hướng dẫn của bác sĩ giúp phát hiện sớm các vấn đề và can thiệp kịp thời trước khi trở nên nghiêm trọng. Ngoài ra, đây cũng là cơ hội để các cặp vợ chồng chia sẻ và giải tỏa áp lực trong quá trình chuẩn bị và mang thai, tạo điều kiện tốt nhất cho sự phát triển của thai nhi.

Các bước mẹ cần chuẩn bị để có một thai kỳ khỏe mạnh

Sức khỏe và thể trạng của mẹ khi mang thai sẽ ảnh hưởng rất lớn đến sức khỏe cũng như sự phát triển của thai nhi. Vì thế, khi có kế hoạch chuẩn bị mang thai chị em cần xem xét những vấn đề sau để tăng cơ hội trải qua một thai kỳ khỏe mạnh và an toàn. Các bước mẹ cần chuẩn bị để có một thai kỳ khỏe mạnh cụ thể như sau:

Khám tiền sản

Khám tiền sản là một bước quan trọng để đảm bảo thai kỳ diễn ra suôn sẻ. Trong cuộc kiểm tra này, các phụ nữ sẽ được xem xét các yếu tố như tiền sử thai kỳ trước đó, tiền sử bệnh lý cá nhân hoặc gia đình, kiểm tra phụ khoa và các loại thuốc đang sử dụng.

Một số bệnh như tăng huyết áp, tiểu đường, hoặc trầm cảm có thể trở nên nghiêm trọng hơn trong thai kỳ, ảnh hưởng đến cả mẹ và thai nhi. Do đó, chuyên gia sản phụ khoa khuyến nghị điều trị các bệnh mãn tính trước khi mang thai để tăng khả năng có một thai kỳ khỏe mạnh.

Ngoài ra, một số loại thuốc chữa bệnh có thể gây hại cho thai nhi, vì vậy cần cân nhắc kỹ trước khi có thai và nên ngưng sử dụng trước khi có kế hoạch mang thai. Hơn nữa, phụ nữ cũng nên được kiểm tra để phát hiện các bệnh lây truyền qua đường tình dục hoặc viêm gan siêu vi B

Chăm sóc tiền sản như thế nào để có thai kỳ khỏe mạnh? 2
Mẹ nên thăm khám tiền sản với bác sĩ thường xuyên

Điều chỉnh chế độ ăn uống khoa học

Đây là một phần quan trọng trong việc chăm sóc sức khỏe trước khi mang thai. Để chuẩn bị cho việc có thai một cách khỏe mạnh, phụ nữ cần điều chỉnh chế độ ăn uống của mình sao cho cân đối và đầy đủ chất dinh dưỡng, vitamin và khoáng chất cần thiết.

Họ không nên kiêng khem quá mức, mà thay vào đó nên ăn đủ các loại thực phẩm như thịt, cá, hạt, rau củ quả, ngũ cốc, trứng và sữa. Đồng thời, cũng cần hạn chế ăn mặn, ngọt, dầu mỡ và thức ăn chế biến sẵn, đóng hộp.

Ngoài việc tuân thủ chế độ ăn uống khoa học, phụ nữ cũng cần bổ sung thêm một số loại vitamin quan trọng, đặc biệt là axit folic, cho thai kỳ. Uống 400 microgam axit folic mỗi ngày có thể giảm đến 70% nguy cơ dị tật ống thần kinh ở thai nhi.

Việc bổ sung nên bắt đầu từ khoảng 3 tháng trước khi kế hoạch có thai và tiếp tục suốt quá trình mang thai. Nếu có bất kỳ vấn đề gì hoặc nếu thai nhi có nguy cơ dị tật ống thần kinh, phụ nữ nên tham khảo ý kiến của bác sĩ để được tư vấn về liều lượng axit folic phù hợp.

Ngoài acid folic, sắt và i-ốt cũng rất quan trọng đối với phụ nữ trước khi mang thai. Sắt hỗ trợ quá trình tạo máu, đặc biệt là khi nhu cầu này tăng cao trong thai kỳ. Phụ nữ cần bổ sung khoảng 27 miligam sắt mỗi ngày, có thể lấy từ viên vitamin hoặc thức ăn giàu chất sắt như thịt bò, tôm, ngũ cốc, đậu... Đồng thời, việc bổ sung thêm các loại thực phẩm giúp cải thiện sự hấp thu sắt như bông cải, bưởi, cam, dâu tây.

Duy trì mức cân nặng chuẩn

Trước khi mang thai, một mức cân nặng lý tưởng được khuyến cáo là có chỉ số BMI (chỉ số khối cơ thể) nằm trong khoảng bình thường từ 18,5 - 24,9. Những tình trạng như thiếu cân, thừa cân hoặc béo phì có thể gây ra các vấn đề nghiêm trọng cho cả mẹ và thai nhi.

Nếu mẹ có thừa cân hoặc béo phì, cơ hội phát triển các vấn đề như tăng huyết áp, tiền sản giật, đái tháo đường thai kỳ, thai to gây ra khó khăn trong quá trình sinh, và tăng nguy cơ phải thực hiện ca mổ lấy thai. Trong khi đó, nếu mẹ thiếu cân, có thể dẫn đến việc sinh ra trẻ sơ sinh thiếu cân hoặc trẻ sinh non.

Chăm sóc tiền sản như thế nào để có thai kỳ khỏe mạnh? 3
Bạn cần đảm bảo mức cân nặng phù hợp

Tập luyện thể dục, thể thao đều đặn

Làm động tác thể dục và tham gia vào các hoạt động thể thao không chỉ làm cho cơ thể khỏe mạnh mà còn có thể cải thiện khả năng sinh sản. Để duy trì cân nặng ổn định, phụ nữ nên kết hợp chế độ ăn uống lành mạnh và việc tập luyện đều đặn.

Lối sống sinh hoạt lành mạnh

Chị em cần tuân thủ một lối sống lành mạnh, tránh xa các loại rượu bia, thuốc lá và chất kích thích vì chúng có thể gây ra các vấn đề nghiêm trọng trong thai kỳ. Việc hút thuốc lá và uống rượu bia khi mang thai đã được chứng minh làm tăng nguy cơ mắc hội chứng đột tử ở trẻ sơ sinh.

Uống nhiều rượu bia cũng có thể làm tăng nguy cơ mắc hội chứng rối loạn do rượu ở thai nhi (FASD), dẫn đến các vấn đề về thể chất và trí tuệ ở trẻ sơ sinh từ nhẹ đến nghiêm trọng.

Trẻ mắc FASD có thể gặp phải các vấn đề về trí não, thị giác, thính giác, khả năng học tập, giao tiếp và trí nhớ. Mức độ tổn thương ở mỗi trẻ có thể khác nhau, nhưng thường thì những hậu quả của FASD là vĩnh viễn.

Chăm sóc tiền sản như thế nào để có thai kỳ khỏe mạnh? 4
Bạn nên giữ một chế độ ăn lành mạnh

Tránh tiếp xúc với các hóa chất độc hại

Sống hoặc làm việc trong môi trường tiếp xúc thường xuyên với các chất độc hại như tia phóng xạ, thủy ngân, chì hoặc thuốc trừ sâu có thể gây nguy hiểm cho thai nhi. Đối với phụ nữ có kế hoạch mang thai và sinh con, tốt nhất là họ nên tránh tiếp xúc với các loại chất độc hại này.

Hy vọng qua bài viết này chị em đã biết cách chăm sóc tiền sản để chuẩn bị cho một thai kỳ khỏe mạnh. Nếu có bất kỳ thắc mắc hoặc băn khoăn nào, chị em có thể liên hệ đến hotline Hệ thống Nhà Thuốc Long Châu để được các dược sĩ chuyên môn giải đáp tận tình!

Có thể bạn quan tâm

Thông tin và sản phẩm gợi ý trong bài viết chỉ mang tính chất tham khảo, vui lòng liên hệ với Bác sĩ, Dược sĩ hoặc chuyên viên y tế để được tư vấn cụ thể. Xem thêm