Ứng dụng Nhà Thuốc Long Châu

Siêu ưu đãi, siêu trải nghiệm

Long Châu
  1. /
  2. Góc sức khỏe/
  3. Phòng & chữa bệnh/
  4. Kiến thức y khoa

Chất nhầy trong ngực báo hiệu điều gì? Cách giảm chất nhầy trong ngực

Ngày 27/06/2024
Kích thước chữ
  • Mặc định

  • Lớn hơn

Hàng ngày, cơ thể vẫn sản sinh chất nhầy để bảo vệ hệ hô hấp. Tuy nhiên, nếu chất nhầy xuất hiện quá nhiều sẽ khiến bạn cảm thấy khó chịu. Đây cũng có thể là dấu hiệu cảnh báo những vấn đề sức khỏe. Cùng tìm hiểu nguyên nhân làm dư thừa chất nhầy trong ngực và phương pháp điều trị qua bài viết dưới đây.

Chất nhầy trong ngực được sản sinh một cách tự nhiên, là lá chắn bảo vệ hệ thống hô hấp. Hơn 1 lít chất nhầy được tạo ra trong cơ thể mỗi ngày. Chúng cũng là báo hiệu cho một số tình trạng bệnh lý. Nếu bạn chưa biết đó là báo hiệu của những vấn đề sức khỏe gì và những biện pháp để giảm thiểu tình trạng khó thở do chất nhầy, hãy theo dõi bài viết dưới đây!

Chất nhầy trong ngực báo hiệu vấn đề sức khỏe gì?

Chất nhầy được hình thành một cách tự nhiên tại nhiều bộ phận trong cơ thể. Trong đó, chất nhầy trong ngực chính là đờm và nước mũi. Chúng được tạo ra bởi hệ thống hô hấp bao gồm mô mũi, miệng, cổ họng và phổi. Những chất này bảo vệ bạn thông qua cơ chế lọc vi khuẩn, virus, bụi bẩn và những tạp chất khác khi hít vào, rồi thải ra bằng cách ho, khạc.

Tuy nhiên, việc tích tụ chất nhầy trong ngực sẽ gây cảm giác khó chịu và cũng có thể là báo hiệu của một số vấn đề sức khỏe. Đó là:

Dị ứng

Những dị nguyên xâm nhập vào cơ thể thông qua đường hô hấp có thể gây nên các tình trạng như: Dị ứng phấn hoa, dị ứng mạt bụi,... Các triệu chứng dễ nhận biết nhất là cảm giác ngứa ở mắt, mũi, tức ngực, ho và hắt hơi liên tục. Khi đó, phản ứng của cơ thể sẽ là sản xuất một lượng lớn chất nhầy để đào thải yếu tố gây dị ứng ra ngoài.

Chất nhầy trong ngực báo hiệu điều gì? Điều trị như thế nào? 1
Khi hắt xì hoặc ho, cơ thể sẽ đẩy chất nhầy kèm theo dị nguyên ra ngoài

Trào ngược dạ dày

Trào ngược dạ dày là hiện tượng cơ thắt ở thực quản hoạt động không hiệu quả, dẫn tới dịch dạ dày có chứa axit bị đẩy ngược lên thực quản. Việc này không chỉ gây nên các vấn đề về đường tiêu hóa mà còn làm những cơn ho xuất hiện nhiều hơn để bảo vệ đường thở. Từ đó, dịch mũi sau sẽ chảy xuống cổ họng và làm ứ đọng đờm trong ngực.

Hen suyễn

Đây là một bệnh lý mãn tính về đường hô hấp, xảy ra khi đường thở bị viêm nhiễm và trở nên sưng phù. Tình trạng này khiến đường thở trở nên nhạy cảm hơn khi gặp các dị nguyên như: Lông động vật, phấn hoa, khói bụi,... Người bệnh sẽ xuất hiện các triệu chứng thở khò khè, khó thở, tức ngực, đặc biệt là liên tục ho có đờm.

Nhiễm virus, vi khuẩn

Đây cũng là một trong những nguyên nhân phổ biến làm gia tăng tiết chất nhầy trong ngực, nhất là khi thời tiết thay đổi, độ ẩm không khí tăng cao làm virus và vi khuẩn dễ dàng phát tán. Mắc các bệnh như viêm phổi, cúm, viêm phế quản cấp tính, bệnh nhân thường có đờm màu xanh hoặc vàng.

Chất nhầy trong ngực báo hiệu điều gì? Điều trị như thế nào? 2
Cảm cúm là một trong những nguyên nhân làm gia tăng chất nhầy trong ngực

Xơ nang

Xơ nang là căn bệnh di truyền có ảnh hưởng nghiêm trọng tới hệ hô hấp và hệ tiêu hóa. Bệnh nhân xơ nang có chất nhầy và dịch tiêu hóa đặc hơn bình thường. Chúng dính vào các phế nang và phế quản làm tắc nghẽn đường thở, dẫn tới tình trạng thở khò khè, ho có đờm kéo dài.

Làm thế nào để giảm chất nhầy trong ngực?

Tình trạng chất nhầy trong ngực quá nhiều không chỉ gây cảm giác khó chịu mà còn ảnh hưởng lớn tới quá trình hô hấp. Bạn có thể áp dụng một số biện pháp sau để hạn chế tình trạng đờm kết dính và tắc nghẽn ở đường thở. Đó là:

  • Uống mật ong: Đây là mẹo dân gian được nhiều người sử dụng. Mật ong được coi là kháng sinh tự nhiên và chứa nhiều dưỡng chất. Theo một số nghiên cứu, việc dùng mật ong kết hợp với lá hẹ, chanh hoặc gừng mang lại hiệu quả trị ho, long đờm cao.
  • Súc miệng bằng nước muối: Muối cũng có tác dụng kháng viêm và diệt khuẩn. Vì thế, bạn có thể làm sạch cổ họng khỏi các chất nhầy và vi khuẩn bằng cách khò họng bằng nước muối ấm hàng ngày.
  • Bổ sung nước ấm cho cơ thể: Hơi nóng từ nước ấm có khả năng làm loãng đờm ứ trong cổ họng và giúp chúng thoát ra ngoài dễ dàng hơn.
  • Sử dụng tinh dầu: Một số loại tinh dầu có mùi hương thơm mát như tinh dầu bạc hà, tinh dầu sả chanh, tinh dầu bạch đàn,... có thể được sử dụng để thông mũi khi đường thở bị chặn lại bởi chất nhầy.
Chất nhầy trong ngực báo hiệu điều gì? Điều trị như thế nào? 3
Mật ong kết hợp cùng chanh hoặc gừng là biện pháp long đờm hiệu quả

Khi nào cần khám bác sĩ nếu có quá nhiều chất nhầy trong ngực?

Nhìn chung, việc duy trì ở một lượng vừa phải giúp chất nhầy có thể bảo vệ cơ thể khỏi tình trạng nhiễm trùng. Tuy nhiên, nếu đờm và dịch mũi dư thừa quá nhiều, kèm theo một số biểu hiện đáng lo ngại sau, bạn nên đi khám bác sĩ để được hướng dẫn phương án điều trị thích hợp.

Đó là:

  • Ho có đờm kéo dài;
  • Chất nhầy đặc, có lẫn máu;
  • Màu vàng xanh ở đờm và nước mũi ngày càng đậm;
  • Ho ra máu;
  • Cảm giác tức ngực và thở khò khè không giảm;
  • Có thể bị sốt kèm theo đau rát họng.
Chất nhầy trong ngực báo hiệu điều gì? Điều trị như thế nào? 4
Bạn nên đi khám nếu ho có đờm kèm theo tức ngực liên tục

Chất nhầy trong ngực bị tích tụ có thể là dấu hiệu của một số vấn đề sức khỏe. Hy vọng những thông tin trên đây đã giúp bạn hiểu rõ hơn về nguyên nhân cũng như cách giảm thiểu tình trạng này để có một hệ hô hấp khỏe mạnh.

Có thể bạn quan tâm

Thông tin và sản phẩm gợi ý trong bài viết chỉ mang tính chất tham khảo, vui lòng liên hệ với Bác sĩ, Dược sĩ hoặc chuyên viên y tế để được tư vấn cụ thể. Xem thêm

Dược sĩ Đại học Nguyễn Tuấn Trịnh

Đã kiểm duyệt nội dung

Từng làm ở Viện ISDS, nhiều năm cộng tác với CDC Thái Nguyên triển khai dự án phòng chống HIV/AIDS, 2 năm cộng tác với WHO.

Xem thêm thông tin