Ứng dụng Nhà Thuốc Long Châu

Siêu ưu đãi, siêu trải nghiệm

Long Châu
  1. /
  2. Góc sức khỏe/
  3. Phòng bệnh & Sống khoẻ/
  4. Sức khỏe gia đình

Chảy máu hậu môn nhưng không đau là bệnh gì?

Ngày 30/04/2024
Kích thước chữ

Chảy máu hậu môn nhưng không đau là dấu hiệu bạn đang gặp phải vấn đề tại đường tiêu hóa hoặc mắc bệnh lý tại trực tràng. Tuy vậy theo số liệu thống kê, đa số bệnh nhân tự điều trị và chưa đến một nửa số người khi chảy máu hậu môn sẽ đến bệnh viện thăm khám.

Chảy máu hậu môn nhưng không đau có thể được nhận thấy qua vết máu đỏ tươi hoặc đỏ thẫm khi bạn đi vệ sinh. Mức độ chảy máu có thể từ nhẹ, trung bình đến nặng, tùy vào nguyên nhân gây ra tình trạng này.

Triệu chứng chảy máu hậu môn nhưng không đau

Chảy máu hậu môn được phát hiện khi bạn đi vệ sinh ra vết máu có màu đỏ hoặc hồng, thường lẫn với phân và có thể xuất hiện cục máu đông. Máu được tìm thấy trong phân có thể xuất phát từ các tổn thương ở đường tiêu hóa, trực tràng hoặc hậu môn.

Tình trạng đi tiêu ra phân có lẫn máu có nhiều mức độ nghiêm trọng khác nhau. Trong đa số trường hợp, chỉ dừng lại ở mức chảy máu hậu môn nhưng không đau và sẽ tự hết một thời gian sau đó.

Nhiều bệnh nhân cho biết họ thấy nước bồn cầu có màu hồng hoặc vết máu trên giấy vệ sinh, nhưng không cảm thấy đau. Nếu vậy thì bạn không cần quá lo lắng, vì nếu chảy máu nhẹ thì có thể sắp xếp đến viện thăm khám và điều trị, mà không cần phải gọi cấp cứu.

Chảy máu hậu môn cũng có thể ghi nhận ở mức độ vừa phải hoặc nặng, với số lần đi tiêu ra máu nhiều hơn, máu có màu đỏ tươi và/hoặc trong phân có cục máu đông. Khi chảy máu tại trực tràng mức độ từ trung bình đến nặng, bệnh nhân sẽ xuất hiện các triệu chứng như chóng mặt, ngất xỉu, suy nhược cơ thể, huyết áp đo được ở mức thấp hoặc hạ huyết áp tư thế đứng. Trường hợp này người bệnh cần phải được nhập viện cấp cứu và hồi sức tích cực.

Chảy máu hậu môn nhưng không đau 01
Chảy máu hậu môn là dấu hiệu đang có tổn thương tại đường tiêu hóa

Nguyên nhân gây chảy máu hậu môn

Tổn thương tại vùng trực tràng hoặc hậu môn thường là nguyên nhân gây ra tình trạng chảy máu hậu môn, bao gồm một số bệnh lý như:

Bệnh trĩ

Bệnh trĩ xảy ra khi các tĩnh mạch trực tràng tại hậu môn bị co giãn. Bệnh thường gây ra chảy máu hậu môn, có nguồn gốc từ các búi trĩ bị giãn. Trĩ làm bệnh nhân cảm thấy khó chịu, đau rát và ngứa ngáy.

Đặc biệt, trong giai đoạn khi mới bị bệnh trĩ, bạn có thể bị chảy máu hậu môn nhưng không đau. Bệnh thường được phát hiện khi bạn cảm nhận được khối phồng bất thường ở hậu môn khi đi vệ sinh.

Nứt kẽ hậu môn

Nứt kẽ hậu môn được chẩn đoán khi bác sĩ tìm thấy có vết rách ở niêm mạc ống hậu môn, nguyên nhân đa phần là do bạn thường xuyên đi ngoài phân quá cứng. Nứt kẽ hậu môn có thể gây chảy máu nhẹ khi bạn đi ngoài, thường sẽ là máu đỏ tươi.

Niêm mạc bị tổn thương làm mạch máu và dây thần kinh lộ ra ngoài, gây ra cơn đau dữ dội. Nứt kẽ hậu môn bị nghi ngờ khi có triệu chứng đau nặng khi đi ngoài, sau đó giảm dần mức độ đau giữa các lần đại tiện.

Để cải thiện tình trạng đau khi bị trĩ hoặc nứt kẽ hậu môn, việc làm phân mềm giúp phân dễ tống xuất ra ngoài hơn có thể hữu ích. Cụ thể là bạn có thể sử dụng thuốc làm mềm phân, uống nhiều nước, ăn nhiều chất xơ và thường xuyên tắm nước ấm.

Chảy máu hậu môn nhưng không đau 02
Nứt kẽ hậu môn có thể gây ra chảy máu hậu môn nhưng không đau

Bệnh viêm ruột (IBD)

Bệnh viêm ruột (IBD) đang dần trở nên phổ biến và là một trong những nguyên nhân thường gây chảy máu hậu môn ở người dưới 50 tuổi. Viêm ruột có hai dạng phổ biến, bao gồm viêm loét đại tràng và bệnh Crohn.

Chảy máu đỏ tươi thường xảy ra ở những bệnh nhân viêm ruột (với những mức độ khác nhau) và thường lẫn với chất nhầy và phân. Việc chẩn đoán và điều trị khi bệnh viêm ruột còn ở giai đoạn sớm là rất quan trọng, giúp phòng ngừa các biến chứng nguy hiểm.

Chảy máu hậu môn nhưng không đau 03
Bệnh viêm ruột thường là nguyên nhân gây ra tiêu chảy, tiêu máu và sụt cân

Khối u ở trực tràng hoặc đại tràng

Đại tràng và trực tràng là hai nơi rất hay xuất hiện các khối u lành tính hoặc u ác tính, thường ghi nhận nhiều ở những người trên 50 tuổi. Khi có biến chứng, khối u sẽ xuất huyết với lượng ít, chậm và kéo dài.

Khối u có thể tiến triển thành bệnh ung thư, với các triệu chứng như sụt cân, thay đổi đặc tính phân hoặc táo bón. Lúc này, chẩn đoán bệnh bằng nội soi đại tràng và sinh thiết mô cần được thực hiện.

Các bệnh về túi thừa

Túi thừa là các túi nhỏ ở trong thành đại tràng, thường gặp tại những điểm nơi mạch máu xuyên qua lớp cơ. Qua thời gian, mạch máu trong thành các túi trở nên xơ cứng và vỡ ra, làm người bệnh chảy máu hậu môn nhưng không đau.

Nguyên nhân từ đường tiêu hóa trên

Chảy máu hậu môn cũng có thể do nguyên nhân từ đường tiêu hóa trên, cụ thể là dạ dày hoặc tá tràng. Xuất huyết tiêu hóa trên có triệu chứng phổ biến là đi tiêu phân đen, tuy vậy nếu xuất huyết quá nặng thì người bệnh vẫn có thể thấy máu đỏ tươi. 

Điều trị chảy máu ở hậu môn

Cách điều trị chảy máu khi đi tiêu phụ thuộc vào nguyên nhân thật sự gây ra tình trạng này.

Nếu bệnh nhân mất máu từ trung bình đến nặng, việc cấp cứu để truyền máu và ổn định các chỉ số sống cơ bản cần được thực hiện ngay.

Khi tình trạng bệnh nhân đã ổn định, bác sĩ sẽ tiến hành các xét nghiệm cần thiết để xác định nguyên nhân chảy máu, sau đó đưa ra hướng điều trị phù hợp. Việc lên kế hoạch điều trị cho bệnh nhân có thể cần đến sự tham gia của bác sĩ nội-ngoại khoa tiêu hóa và bác sĩ chuyên về bệnh viêm loét đại tràng (hoặc bệnh Crohn).

Chăm sóc tại nhà nếu hậu môn chảy máu

Việc có cần thiết nhập viện để theo dõi và điều trị chảy máu hậu môn hay không, phụ thuộc vào nguyên nhân gây ra tình trạng này và mức độ chảy máu.

Nếu chỉ chảy máu hậu môn nhưng không đau, bạn có thể đến nhà thuốc để mua các loại thuốc điều trị dạng thuốc mỡ hay thuốc đặt hậu môn, mà không cần đơn thuốc từ bác sĩ. Nếu sau một tuần chữa trị mà triệu chứng không có dấu hiệu thuyên giảm, bạn cần đến cơ sở y tế để được thăm khám và điều trị dứt điểm nguyên nhân.

Cách chăm sóc cơ thể nếu hậu môn bị chảy máu bao gồm:

  • Uống nhiều nước (khoảng 8 đến 10 cốc mỗi ngày).
  • Bổ sung chất xơ qua chế độ ăn nhiều rau xanh.
  • Tắm rửa thường xuyên để làm sạch vùng hậu môn.
  • Hạn chế sử dụng rượu bia. Do các thành phần trong rượu bia làm cơ thể bạn mất nước, dễ làm cơ thể bị táo bón.
  • Ngâm mình trong bồn tắm nước nóng giúp giảm ngứa, đau và các triệu chứng khó chịu khác của bệnh trĩ.
Chảy máu hậu môn nhưng không đau 04
Bổ sung chất xơ từ rau xanh giúp bạn cảm thấy thoải mái hơn khi đi vệ sinh

Chảy máu hậu môn nhưng không đau có thể là dấu hiệu cảnh báo cơ thể bạn đang có bệnh lý tại đường tiêu hóa, trực tràng hoặc hậu môn. Thường gặp có thể kể đến như bệnh trĩ, nứt kẽ hậu môn hoặc bệnh viêm ruột. Nếu tình trạng chảy máu hậu môn thuyên giảm sau khi dùng thuốc, thay đổi chế độ ăn và lối sống, thì người bệnh có thể không cần đến viện điều trị. Tuy nhiên, nếu chảy máu nhiều hoặc kéo dài dai dẳng, người bệnh cần nhanh chóng đến thăm khám và điều trị tại các cơ sở y tế.

Xem thêm: Những điều cần biết về tình trạng tụ máu âm đạo và hướng xử trí

Có thể bạn quan tâm

Thông tin và sản phẩm gợi ý trong bài viết chỉ mang tính chất tham khảo, vui lòng liên hệ với Bác sĩ, Dược sĩ hoặc chuyên viên y tế để được tư vấn cụ thể. Xem thêm

Dược sĩ Đại họcNguyễn Thị Hồng Nhung

Đã kiểm duyệt nội dung

Tốt nghiệp đại học Khoa Dược. Có kinh nghiệm hơn 10 năm trong lĩnh vực Dược phẩm, tư vấn thuốc và thực phẩm chức năng. Hiện đang là giảng viên cho Dược sĩ tại Nhà thuốc Long Châu.

Xem thêm thông tin