Ứng dụng Nhà Thuốc Long Châu

Siêu ưu đãi, siêu trải nghiệm

Long Châu
  1. /
  2. Góc sức khỏe/
  3. Phòng bệnh & Sống khoẻ

Đứt cơ thắt hậu môn là gì? Cách điều trị như thế nào?

Ngày 27/08/2024
Kích thước chữ

Đứt cơ thắt hậu môn là gì? Nguyên nhân gây ra tình trạng này là gì và cách khắc phục ra sao? Bài viết dưới đây sẽ giúp bạn hiểu rõ hơn về nguyên nhân cũng như cách điều trị đứt cơ thắt hậu môn nhé!

Đứt cơ thắt hậu môn là tổn thương xảy ra do vết thương hở ở vùng hậu môn hoặc do biến chứng sau phẫu thuật vùng cơ thắt hậu môn, hậu sinh đẻ. Cơ thắt hậu môn bị đứt có thể gây mất kiểm soát hậu môn ở nhiều mức độ khác nhau. Mời bạn đọc tham khảo bài viết dưới đây để tìm hiểu nguyên nhân, triệu chứng và cách phòng ngừa tình trạng này nhé!

Đứt cơ thắt hậu môn là gì?

Cơ thắt hậu môn có hai phần chính bao gồm cơ thắt trong và cơ thắt ngoài. Cơ thắt trong được điều khiển bởi hệ thần kinh tự động, trong khi cơ thắt ngoài có thể được kiểm soát theo ý muốn nhờ hệ thần kinh chủ động. Chức năng của cơ thắt hậu môn là đảm bảo việc kiểm soát quá trình đào thải chất thải ra ngoài cơ thể.

Đứt cơ thắt hậu môn là gì? Cách điều trị như thế nào? 1
Đứt cơ thắt hậu môn xảy ra do vết thương hở ở vùng hậu môn hoặc sau phẫu thuật

Đứt cơ thắt hậu môn có thể do nhiều nguyên nhân khác nhau như do can thiệp phẫu thuật trong quá trình sinh nở, chấn thương vùng hậu môn - trực tràng hoặc phẫu thuật điều trị rò hậu môn.

Khi bị đứt cơ thắt hậu môn, người bệnh có thể mất khả năng tự chủ hậu môn với mức độ nặng nhẹ tùy thuộc vào tình trạng tổn thương. Điều này ảnh hưởng nghiêm trọng đến chất lượng cuộc sống, do đó không nên chủ quan mà cần điều trị kịp thời. Phương pháp điều trị cơ thắt hậu môn bị đứt hiệu quả nhất là khâu nối cơ thắt hậu môn, giúp khôi phục chức năng và nâng cao chất lượng cuộc sống cho người bệnh.

Cách điều trị đứt cơ thắt hậu môn

Khâu nối cơ thắt hậu môn là một phương pháp điều trị cho các trường hợp đứt cơ thắt hậu môn do chấn thương hoặc phẫu thuật tầng sinh môn gây ra.

Chỉ định và chống chỉ định khâu nối cơ thắt hậu môn

Khâu nối cơ thắt hậu môn được chỉ định trong trường hợp bệnh nhân mất kiểm soát hậu môn do đứt cơ thắt sau phẫu thuật hoặc chấn thương vùng hậu môn - trực tràng. Phẫu thuật chỉ nên được tiến hành khi vết thương ở hậu môn hoặc tầng sinh môn đã ổn định (ít nhất 4 tháng sau phẫu thuật hoặc chấn thương). Đồng thời, bệnh nhân cần có trạng thái tinh thần tỉnh táo và hệ thần kinh điều khiển cơ thắt hậu môn hoạt động bình thường.

Đứt cơ thắt hậu môn là gì? Cách điều trị như thế nào? 2
Phẫu thuật được thực hiện khi vết thương ở hậu môn hoặc tầng sinh môn đã ổn định

Một số trường hợp không nên thực hiện thủ thuật khâu nối bao gồm:

  • Tổn thương cơ vòng quá rộng, chiếm hơn 1/2 chu vi hậu môn.
  • Vết thương vùng hậu môn và tầng sinh môn chưa lành dưới 4 tháng.
  • Mất kiểm soát hậu môn do tổn thương thần kinh điều khiển.
  • Bệnh nhân già yếu, sức khỏe không đủ đảm bảo cho phẫu thuật hoặc cơ thắt hậu môn yếu.
  • Bị nhiễm trùng tầng sinh môn hoặc vùng hậu môn chưa được điều trị ổn định.

Quy trình tiến hành khâu nối cơ thắt hậu môn

Chuẩn bị trước phẫu thuật

Bệnh nhân cần nắm rõ tình trạng bệnh, phương pháp phẫu thuật dự kiến, các tai biến và biến chứng có thể xảy ra do bệnh lý, phẫu thuật, thuốc gây mê hay cơ địa của bệnh nhân. Trước khi thực hiện phẫu thuật, bệnh nhân cần phải thụt tháo sạch đại tràng bằng thuốc tẩy và thực hiện các xét nghiệm cần thiết đánh giá thể trạng sức khỏe. Vào ngày phẫu thuật, bệnh nhân sẽ được yêu cầu nhịn ăn uống và đi tiểu sạch sẽ.

Thực hiện phẫu thuật

Bệnh nhân nằm ở tư thế phụ khoa. Tùy vào tình trạng cụ thể mà phương pháp vô cảm sẽ được chọn, thường là gây tê tủy sống. Khi bệnh nhân đã được gây mê hoặc gây tê hoàn toàn, bác sĩ sẽ rạch một đường vòng quanh nếp hậu môn hoặc mép hậu môn theo hình nan hoa. Sau đó, lấy đi sẹo và tách các khối cơ tròn khỏi mô xơ dính. Cơ tròn hậu môn được khâu nối trực tiếp bằng các mũi khâu chữ U và loại chỉ chậm tiêu, đảm bảo ống hậu môn không bị hẹp sau khâu. Cuối cùng, niêm mạc hậu môn được khâu từ trong ra ngoài bằng chỉ chậm tiêu, sau đó sẽ tiến hành khâu lớp dưới da và da để đóng vết mổ.

Đứt cơ thắt hậu môn là gì? Cách điều trị như thế nào? 4
Phẫu thuật được thực hiện khi bệnh nhân đã được gây mê hoặc gây tê hoàn toàn

Theo dõi và chăm sóc sau phẫu thuật

  • Theo dõi thể trạng của người bệnh (mạch, huyết áp, nhiệt độ) và tình trạng tại chỗ (chảy máu, đau).
  • Đặt sonde bàng quang đối với những bệnh nhân gây tê tủy sống.
  • Giữ sạch vết mổ, sử dụng kháng sinh, giảm đau và thuốc làm khô phân trong khoảng 3 ngày đầu sau phẫu thuật.
  • Bắt đầu ăn uống và dùng thuốc nhuận tràng sau 4 - 5 ngày.
  • Tập vận động và thực hiện bài tập cơ thắt sau khi mổ khoảng 4 tuần.

Một số tai biến thường gặp và cách xử trí

  • Chảy máu: Thường hiếm gặp do vết thương được khâu chủ động. Nhưng nếu có xuất hiện tình trạng chảy máu thì cần sử dụng thuốc để cầm máu.
  • Đau sau phẫu thuật: Thường xuất hiện vào những ngày đầu sau mổ. Có thể sử dụng paracetamol giảm đau với liều lượng khoảng 10 - 15mg/kg cân nặng.
  • Nhiễm trùng vết mổ: Nếu xảy ra, cần giữ vệ sinh, thay băng và dùng kháng sinh. Nếu vết mổ bị nhiễm trùng nặng dẫn đến bục chỉ, cần mổ lại sau 4 - 6 tháng.

Tình trạng đứt cơ thắt hậu môn nếu không được chú ý và điều trị kịp thời sẽ ảnh hưởng nghiêm trọng đến chất lượng cuộc sống của bệnh nhân. Vì vậy, cần thăm khám và điều trị ngay khi có dấu hiệu đứt cơ thắt sau phẫu thuật hoặc chấn thương.

Phân biệt nứt kẽ hậu môn và đứt cơ thắt hậu môn

Nứt kẽ hậu môn và đứt cơ thắt hậu môn là hai tình trạng khác nhau ở vùng hậu môn với mức độ nghiêm trọng và cách điều trị khác biệt.

Nứt kẽ hậu môn là vết rách ở lớp niêm mạc của ống hậu môn. Tình trạng này thường xảy ra do táo bón kéo dài, phân cứng gây đau đớn và chảy máu nhẹ khi đi tiêu. Nứt kẽ hậu môn là một tổn thương nhẹ và phần lớn có thể được điều trị bằng phương pháp nội khoa, chẳng hạn như điều chỉnh chế độ ăn uống, sử dụng thuốc làm mềm phân và thuốc giảm đau. Phẫu thuật chỉ cần thiết khi bệnh chuyển sang giai đoạn mạn tính hoặc tái phát nhiều lần.

Đứt cơ thắt hậu môn là gì? Cách điều trị như thế nào? 3
Nứt kẽ hậu môn và đứt cơ thắt hậu môn khác nhau về mức độ nghiêm trọng

Đứt cơ thắt hậu môn lại là một tổn thương nghiêm trọng hơn, ảnh hưởng đến các cơ thắt trong và ngoài của hậu môn. Tình trạng này thường do chấn thương nặng, phẫu thuật vùng hậu môn hoặc do tai nạn. Khi cơ thắt hậu môn bị đứt, người bệnh có thể mất khả năng kiểm soát việc đại tiện, gây ra tình trạng đại tiện không tự chủ. Điều trị đứt cơ thắt hậu môn thường phải can thiệp bằng phẫu thuật phức tạp và cần được thực hiện tại các bệnh viện chuyên khoa.

Tóm lại, nứt kẽ hậu môn là một tổn thương nhẹ ở niêm mạc hậu môn và có thể điều trị nội khoa. Trong khi đó, đứt cơ thắt hậu môn là một tổn thương nặng ở cơ thắt hậu môn, thường phải điều trị bằng phẫu thuật.

Trên đây là tổng hợp những thông tin liên quan đến tình trạng đứt cơ thắt hậu môn. Hy vọng những chia sẻ này đã giúp người bệnh có thêm nhiều cập nhật hữu ích để phát hiện và điều trị bệnh hiệu quả.

Xem thêm: Mổ rò hậu môn và tầm quan trọng của phẫu thuật mổ rò hậu môn

Có thể bạn quan tâm

Thông tin và sản phẩm gợi ý trong bài viết chỉ mang tính chất tham khảo, vui lòng liên hệ với Bác sĩ, Dược sĩ hoặc chuyên viên y tế để được tư vấn cụ thể. Xem thêm

Dược sĩ Đại họcNguyễn Mỹ Huyền

Đã kiểm duyệt nội dung

Dược sĩ Đại học có nhiều năm kinh nghiệm trong việc tư vấn Dược phẩm và hỗ trợ giải đáp thắc mắc về Bệnh học. Hiện đang là giảng viên cho Dược sĩ tại Nhà thuốc Long Châu.

Xem thêm thông tin