Ứng dụng Nhà Thuốc Long Châu

Siêu ưu đãi, siêu trải nghiệm

Long Châu
  1. /
  2. Góc sức khỏe/
  3. Phòng bệnh & Sống khoẻ/
  4. Kiến thức y khoa

Chỉ định của xét nghiệm tủy đồ là gì? Quy trình thực hiện xét nghiệm

Ngày 05/05/2024
Kích thước chữ

Tủy xương là cơ quan tạo máu vô cùng quan trọng, đồng thời cũng là nơi sản sinh máu chủ yếu ở người trưởng thành. Xét nghiệm tủy đồ là một kỹ thuật phân tích số lượng và hình thái của tế bào tủy xương nhằm mục đích thăm dò cũng như tìm ra nguyên nhân của tình trạng rối loạn chức năng tạo máu. Vậy chỉ định của xét nghiệm tủy đồ là gì?

Xét nghiệm tủy đồ là một trong các kỹ thuật cận lâm sàng quan trọng hỗ trợ cho quá trình chẩn đoán cũng như điều trị các rối loạn về chức năng tạo máu của tủy xương. Kết quả của tủy đồ sẽ cho biết những điều bình thường và bất thường trong các bệnh lý về máu. Vậy vai trò của xét nghiệm tủy đồ là gì? Các chỉ định và quy trình của loại xét nghiệm này là gì?

Tìm hiểu về vai trò của xét nghiệm tủy đồ

Tủy xương là phần mô mềm, xốp và được tìm thấy trong các xương lớn của cơ thể như xương hông, xương chậu. Bên cạnh tham gia vào hệ thống miễn dịch của cơ thể thì chức năng chính của tủy xương là sản sinh ra các tế bào tạo máu gốc. Sau đó, các tế bào này sẽ phân chia, biệt hoá và phát triển để tạo thành bạch cầu, hồng cầu, tiểu cầu, lympho T, lympho B… di chuyển vào vòng tuần hoàn thực hiện chức năng bảo vệ cơ thể.

Để thăm dò về chức năng tạo máu và xác định nguyên nhân gây ra các bệnh lý về máu, bác sĩ sẽ chỉ định chọc hút tủy xương của người bệnh trong vòng 20 - 30 phút nhằm thực hiện xét nghiệm tủy đồ.

Xét nghiệm tủy đồ là một kỹ thuật phân tích chất lượng, số lượng và hình thái của tế bào gốc tủy xương để tìm ra những bất thường xảy ra ở tủy xương. Do đó, phương pháp tủy đồ được ứng dụng rộng rãi trong việc chẩn đoán cũng như theo dõi về kết quả điều trị các bệnh về cơ quan tạo máu.

Xét nghiệm này có tính xâm lấn và gây đau đớn cho bệnh nhân, tuy nhiên, tủy đồ được đánh giá là có giá trị cao và an toàn. Vị trí chọc hút tủy xương của mỗi bệnh nhân là khác nhau, tùy thuộc vào độ tuổi của họ. Đối với người lớn có thể chọc hút tủy xương ở xương ức, gai xương chậu hoặc đỉnh xương hông. Đối với trẻ nhỏ thường là ở mặt trước của xương chày. Vậy chỉ định của xét nghiệm tủy đồ là gì?

Chỉ định của xét nghiệm tủy đồ là gì? Quy trình thực hiện xét nghiệm tuỷ đồ 1
Xét nghiệm tủy đồ hỗ trợ bác sĩ tìm ra nguyên nhân của các bệnh lý về máu

Chỉ định của phương pháp xét nghiệm tủy đồ

Trong một số trường hợp, bác sĩ sẽ chỉ định người bệnh làm xét nghiệm tủy đồ nhằm mục đích:

  • Kiểm tra số lượng tế bào máu gốc mà tủy xương sản sinh có xảy ra bất thường không.
  • Xác định nguyên nhân của nhóm tế bào máu bất thường.
  • Nguyên nhân gây ra rối loạn quá trình tạo máu và các bệnh lý ảnh hưởng xấu đến tủy xương.
  • Khảo sát tình trạng sản sinh tế bào máu của tủy xương trong bệnh đa u tuỷ, tăng sinh tuỷ, bệnh hệ thống, sau xạ trị hoặc lao.
  • Tìm hiểu về tình trạng nhiễm trùng tại tủy xương.
  • Chẩn đoán các bệnh lý ung thư máu, ung thư di căn tủy xương và ung thư tủy xương.
  • Kiểm tra tủy xương của người mắc bệnh u lympho ác tính và các loại u khác.
  • Theo dõi sự đáp ứng của phương pháp điều trị các bệnh lý liên quan đến tủy xương.
  • Đánh giá tủy xương ở bệnh nhân ghép tuỷ.
  • Lấy mẫu nhằm ghép tế bào gốc và thực hiện các thủ thuật liên quan.
  • Phân tích tế bào ngoại vi bất thường ở những người sốt không rõ nguyên nhân.
Chỉ định của xét nghiệm tủy đồ là gì? Quy trình thực hiện xét nghiệm tuỷ đồ 2
Xét nghiệm tủy đồ được chỉ định nhằm kiểm tra tủy xương ở bệnh nhân u lympho ác tính

Quy trình thực hiện xét nghiệm tủy đồ

Thủ thuật chọc hút dịch tủy cần được thực hiện bởi các bác sĩ có chuyên môn cao cùng với sự phụ giúp của điều dưỡng viên hoặc kỹ thuật viên xét nghiệm. Dưới đây là quy trình thực hiện xét nghiệm tủy đồ, cụ thể như sau:

Chuẩn bị

Trước khi thực hiện xét nghiệm tủy đồ, bệnh nhân sẽ được:

  • Thăm khám sức khỏe toàn thân, hỏi về tiền sử bệnh, tiền sử dị ứng thuốc hay vật tư y tế như thuốc tê, hoá chất, băng gạc…
  • Bệnh nhân có đang sử dụng bất kỳ loại thuốc hay thực phẩm chức năng nào không?
  • Bác sĩ giải thích về quy trình thực hiện xét nghiệm tủy đồ, các rủi ro có thể gặp phải.
  • Bác sĩ sẽ tư vấn về các phương pháp giảm đau để bệnh nhân có thể đưa ra lựa chọn phù hợp như gây tê tại chỗ, tiêm thuốc tê qua đường tĩnh mạch, gây mê một phần hoặc toàn bộ trong quá trình làm thủ thuật.
  • Kiểm tra huyết áp và nhịp tim.
Chỉ định của xét nghiệm tủy đồ là gì? Quy trình thực hiện xét nghiệm tuỷ đồ 3
Bệnh nhân làm xét nghiệm tủy đồ sẽ được kiểm tra huyết áp trước tiên

Tiến hành chọc hút tủy xương

Bác sĩ sẽ tiến hành chọc hút tủy dưới sự hỗ trợ của điều dưỡng viên hoặc kỹ thuật viên xét nghiệm. Thủ thuật chọc hút tủy xương được thực hiện như sau:

  • Chuẩn bị tư thế của bệnh nhân: Bệnh nhân sẽ được hướng dẫn nằm sấp hoặc nằm nghiêng về một bên để bác sĩ xác định vị trí chọc hút.
  • Tiếp theo, bác sĩ sẽ tiến hành sát khuẩn bằng betadin và làm sạch tại vùng da xung quanh vị trí đâm kim, sau đó trải khăn vô khuẩn có lỗ lên sao cho bộc lộ được một vùng nhỏ cần thiết.
  • Bác sĩ sẽ tiến hành gây tê tại chỗ để giảm cảm giác đau nhức cho bệnh nhân. Đối với bệnh nhân là trẻ nhỏ thì thường được gây mê toàn thân theo đường tĩnh mạch, trẻ lớn thì được cho uống thuốc an thần kết hợp với gây tê tại chỗ.
  • Tiếp theo, bác sĩ sẽ sử dụng kim chuyên dụng để đâm xuyên qua da đến tủy xương theo chiều vuông góc với mặt da. Sau đó, lắp bơm tiêm 10ml vào kim và hút 1 - 1,5ml dịch tủy xương.
  • Sau khi đã rút đủ lượng tủy xương cần thiết, bác sĩ sẽ tiến hành rút kim và sử dụng miếng gạc vô trùng băng lại vị trí chọc hút để cầm máu.
  • Cho dịch tủy xương vào ống nghiệm có chứa chất chống đông EDTA, lắc đều và gửi đi phân tích.
  • Sau cùng, hướng dẫn bệnh nhân cách chăm sóc vết thương và nghỉ ngơi để tránh nguy cơ nhiễm trùng.

Mẫu sinh thiết tủy xương sẽ được đem đi phân tích dưới máy đếm tự động, làm tiêu bản và xét nghiệm nhằm ghi lại số lượng bạch cầu, tiểu cầu, hồng cầu tương ứng có trong tủy xương. Từ đó, tính ra tỷ lệ phần trăm của mỗi loại tế bào và ghi vào phiếu kết quả xét nghiệm. Đồng thời, bác sĩ cũng có thể phát hiện ra các rối loạn sinh sản hoặc biệt hoá của tế bào ung thư.

Dựa vào kết quả xét nghiệm tủy đồ, bác sĩ sẽ xem xét có nên cho bệnh nhân thực hiện thêm các loại xét nghiệm, thủ thuật khác hay không. Đồng thời, bác sĩ sẽ đưa ra hướng điều trị và chăm sóc phù hợp nhất cho người bệnh.

Chỉ định của xét nghiệm tủy đồ là gì? Quy trình thực hiện xét nghiệm tuỷ đồ 4
Thời gian chọc hút tủy xương diễn ra trong vòng 20 - 30 phút

Rủi ro của phương pháp chọc hút tủy xương

Thông thường, thủ thuật chọc hút dịch tủy xương để làm tủy đồ sẽ không gây ra vấn đề gì nghiêm trọng. Tuy nhiên, ở một vài trường hợp, người bệnh có thể gặp phải những rủi ro như:

  • Đau nhức tại vị trí đâm kim;
  • Xuất hiện vết bầm tím hoặc xuất huyết tại vị trí chọc hút;
  • Sưng đỏ tại vị trí đâm kim;
  • Để lại sẹo xấu trên da;
  • Mẫu tủy xương lấy được không đủ hoặc lấy sai vị trí khiến người bệnh phải thực hiện chọc hút tủy xương một lần nữa.

Xét nghiệm tủy đồ đóng vai trò rất quan trọng để giúp bác sĩ xác định được nguyên nhân của các bệnh lý về máu. Hy vọng với những thông tin được chia sẻ trong bài viết đã giúp bạn nắm rõ về vai trò, chỉ định cũng như quy trình thực hiện xét nghiệm tủy đồ. Nếu thấy bất kỳ dấu hiệu bất thường nào sau khi chọc hút tủy xương, người bệnh nên báo lại ngay với bác sĩ để được xử trí sớm nhất.

Xem thêm: 

Có thể bạn quan tâm

Thông tin và sản phẩm gợi ý trong bài viết chỉ mang tính chất tham khảo, vui lòng liên hệ với Bác sĩ, Dược sĩ hoặc chuyên viên y tế để được tư vấn cụ thể. Xem thêm

Dược sĩ Đại họcNguyễn Chí Chương

Đã kiểm duyệt nội dung

Tốt nghiệp Đại Học Dược Hà Nội - chuyên môn Dược lâm sàng. Hiện đang là giảng viên cho Dược sĩ tại Nhà thuốc Long Châu.