Ứng dụng Nhà Thuốc Long Châu

Siêu ưu đãi, siêu trải nghiệm

Long Châu
  1. /
  2. Góc sức khỏe/
  3. Phòng bệnh & Sống khoẻ

Chỉ định lọc máu cho bệnh nhân suy thận khi nào?

Ngày 26/03/2024
Kích thước chữ

Lọc máu là một phương pháp điều trị quan trọng để loại bỏ các chất độc hại và chất cặn tích tụ trong máu đối với bệnh nhân bị suy thận. Tìm hiểu rõ hơn về phương pháp điều trị này trong bài viết dưới đây của Nhà thuốc Long Châu nhé!

Suy thận là tình trạng khi một hoặc cả hai thận không còn khả năng lọc máu để loại bỏ các chất độc hại và chất cặn ra khỏi cơ thể một cách hiệu quả. Quá trình lọc máu không chỉ là một biện pháp điều trị, mà còn là một cách thay thế chức năng của thận để ngăn chặn sự tiến triển nhanh chóng của bệnh, đồng thời bảo vệ tính mạng của bệnh nhân. Vậy khi nào bệnh nhân suy thận được chỉ định lọc máu?

Tổng quan về phương pháp lọc máu

Lọc máu là phương pháp quan trọng trong điều trị suy thận, giúp loại bỏ các chất độc nội và ngoại sinh cùng với các cặn bã trong máu ra khỏi cơ thể.

Chỉ định lọc máu cho bệnh nhân suy thận khi nào? Những điều bạn cần biết 1
Lọc máu được xem là một phương pháp loại bỏ các chất độc nội sinh lẫn ngoại sinh

Tuy nhiên, lọc máu chỉ thực hiện thay thế chức năng bài tiết của thận và không thể thay thế được chức năng nội tiết như kích thích sản sinh hồng cầu, điều hòa huyết áp, cân bằng nội môi và chuyển hóa canxi-phospho,... Do đó, việc kết hợp lọc máu với điều chỉnh các rối loạn do suy giảm chức năng nội tiết gây ra là rất quan trọng.

Có một số phương pháp lọc máu phổ biến được áp dụng hiện nay:

  • Chạy thận nhân tạo và lọc máu liên tục: Máu được bơm qua một bộ lọc gắn vào máy lọc máu, nơi mà các chất lỏng dư thừa và cặn bã được loại bỏ. Máy lọc máu cũng kiểm tra huyết áp và điều chỉnh tốc độ dòng máu, đảm bảo sự hiệu quả của quá trình lọc.
  • Trong lọc màng bụng: Màng bụng của bệnh nhân được sử dụng như một màng lọc để loại bỏ nước dư thừa và các chất cặn, trước khi được thải ra ngoài cơ thể qua một đường ống.

Chỉ định lọc máu cho người bệnh suy thận khi nào?

Thường thì, bệnh nhân sẽ cần thực hiện lọc máu khi mắc suy thận cấp hoặc mạn (ở giai đoạn cuối). Đây là phương pháp điều trị phổ biến nhất, giúp họ duy trì sự sống.

Tùy thuộc vào tình trạng suy thận cấp hoặc mạn, các bác sĩ sẽ áp dụng các điều kiện và phương pháp lọc máu khác nhau để điều trị cho bệnh nhân.

Bệnh suy thận cấp

Suy thận cấp là tình trạng mà chức năng của thận suy giảm đột ngột, gây ra sự tích tụ các chất độc hại trong cơ thể cũng như mất cân bằng nước và chất điện giải. Nếu không được điều trị kịp thời, suy thận cấp có thể gây ra những hậu quả nghiêm trọng, thậm chí là đe dọa tính mạng của bệnh nhân.

Chỉ định lọc máu cho bệnh nhân suy thận khi nào? Những điều bạn cần biết 2
Suy thận là tình trạng thận bị suy giảm chức năng đột ngột

Chỉ định lọc máu cho người bệnh suy thận cấp

Các chuyên gia sẽ quyết định thực hiện lọc máu khi bệnh nhân suy thận cấp bộc lộ các dấu hiệu như sau:

  • Không phản ứng với liệu pháp nội khoa, thiểu niệu hoặc không có nước tiểu.
  • Nồng độ ure máu cao hơn 30 mmol/l.
  • Nồng độ kali máu vượt quá 6 mmol/l, có dấu hiệu tăng nhanh và các biến chứng như nhịp tim chậm, rối loạn nhịp tim thất không đáp ứng với liệu pháp nội khoa.
  • Áp lực tĩnh mạch trung ương tăng, có biến chứng phù phổi.
  • Toan máu nặng với pH dưới 7.2.
  • Nồng độ Na+ máu cao hơn 150 mmol/l hoặc thấp hơn 115 mEq/l.

Phương pháp lọc máu cho bệnh nhân suy thận cấp

  • Lọc màng bụng là một phương pháp tiên tiến trong điều trị suy thận, sử dụng lớp niêm mạc mỏng của bụng (phúc mạc) như một bộ lọc. Quá trình lọc màng bụng diễn ra trong khoảng 4 - 6 giờ, mang lại hiệu quả đáng kể. Tuy nhiên, lọc màng bụng không phù hợp cho các trường hợp: Thoát vị cơ hoành, nhiễm khuẩn phúc mạc, viêm đại tràng mãn tính, tồn tại khối u ở ổ bụng hoặc bệnh phổi tắc nghẽn mãn tính và các rối loạn tâm thần,...
  • Thận nhân tạo là một phương pháp lọc máu được thực hiện bên ngoài cơ thể bệnh nhân, giúp duy trì sự sống và giảm nguy cơ tử vong từ 70 - 80% xuống còn 10%. Tuy nhiên, phương pháp thận nhân tạo không thích hợp cho các trường hợp bệnh nhân mắc các bệnh lý tim mạch nặng, rối loạn đông máu và những trường hợp tương tự,...

Bệnh suy thận mạn

Bệnh suy thận mạn được phân loại thành 5 giai đoạn và khi bước vào giai đoạn 3, 4 và 5, chức năng lọc của thận bắt đầu suy giảm hoặc mất dần do tổn thương ngày càng trầm trọng. Điều này đặt ra nhu cầu cấp thiết về các biện pháp như chạy thận nhân tạo hoặc ghép thận để duy trì sự sống.

Chỉ định lọc máu cho bệnh nhân suy thận khi nào? Những điều bạn cần biết 3
Suy thận mạn là khi khả năng của thận bắt đầu suy giảm hoặc mất dần do bị tổn thương

Việc chỉ định lọc máu cho những người suy thận mạn khi có các triệu chứng của hội chứng Ure huyết cao, một dấu hiệu thường thấy khi suy thận đang tiến triển sang giai đoạn cuối (giai đoạn 5). Điều này tiếp tục làm suy giảm chức năng của thận, dẫn đến sự suy giảm nặng nề hoặc thậm chí ngừng hoạt động hoàn toàn.

Chỉ định lọc máu bệnh nhân suy thận mạn

Người bệnh được chỉ định lọc máu khi có các điều kiện sau đây:

  • Ure máu cao.
  • Kali trong máu cao hơn 6.5 mmol/L và xuất hiện rối loạn điện giải, tan máu nặng, phù phổi.
  • Độ lọc cầu thận <15 ml/phút.

Phương pháp lọc máu cho người suy thận mạn

Tương tự như trong trường hợp suy thận cấp, lọc máu cho người bệnh suy thận mạn cũng có thể thực hiện thông qua hai phương pháp chính: Lọc màng bụng và thận nhân tạo. Trong lọc màng bụng, có hai phương pháp cụ thể:

  • Lọc màng bụng liên tục ngoại trú: Đây là phương pháp điều trị linh hoạt mà không cần sử dụng máy móc, cho phép bệnh nhân tự thực hiện tại nhà mà không cần đến bệnh viện. Quá trình này diễn ra khoảng 4 lần mỗi ngày, với các thao tác đơn giản và chi phí điều trị thấp, phù hợp với mọi đối tượng.
  • Lọc màng bụng tự động bằng máy: Phương pháp này sử dụng máy móc để thực hiện quá trình trao đổi dịch lọc. Thường được thực hiện vào ban đêm trong khi bệnh nhân đang ngủ, đem lại sự thuận tiện và hiệu quả trong việc điều trị suy thận mạn.

Tùy vào điều kiện kinh tế và mong muốn của bệnh nhân, các bác sĩ sẽ lựa chọn phương pháp điều trị phù hợp nhất, có thể là một phương pháp độc lập hoặc kết hợp cả hai, nhằm đạt được hiệu quả tối ưu trong điều trị.

Khi bệnh tiến triển đến giai đoạn cuối, người bệnh suy thận cần phải lọc máu theo chỉ định lọc máu của bác sĩ điều trị. Hiểu rõ về các phương pháp điều trị giúp bạn vững tâm hơn và sẵn lòng đối mặt với bệnh tình. Với tiến bộ trong lĩnh vực y tế cùng chuyên môn của đội ngũ y bác sĩ, suy thận có thể được kiểm soát tốt, mang lại cuộc sống tốt hơn cho bệnh nhân.

Có thể bạn quan tâm

Thông tin và sản phẩm gợi ý trong bài viết chỉ mang tính chất tham khảo, vui lòng liên hệ với Bác sĩ, Dược sĩ hoặc chuyên viên y tế để được tư vấn cụ thể. Xem thêm

Dược sĩ Đại họcNguyễn Mỹ Huyền

Đã kiểm duyệt nội dung

Dược sĩ Đại học có nhiều năm kinh nghiệm trong việc tư vấn Dược phẩm và hỗ trợ giải đáp thắc mắc về Bệnh học. Hiện đang là giảng viên cho Dược sĩ tại Nhà thuốc Long Châu.

Xem thêm thông tin