Ứng dụng Nhà Thuốc Long Châu

Siêu ưu đãi, siêu trải nghiệm

  1. /
  2. Góc sức khỏe/
  3. Phòng bệnh & Sống khoẻ

Chó con cắn có bị dại không?

Ngày 24/10/2022
Kích thước chữ

Chó con vốn nghịch ngợm, hiếu động. Trong lúc nô đùa hoặc chơi cùng chó con, có thể chúng ta sẽ bị chúng cắn. Vậy chó con cắn có bị dại không, có cần tiêm phòng hay không? Cùng tham khảo ý kiến chuyên gia trong bài viết này bạn nhé!

Bị chó cắn là điều không mấy hiếm gặp. Khi đó, chúng ta thường rất lo lắng và vội vàng đi tiêm phòng dại để tránh những mối nguy hiểm có thể xảy ra. Nhưng đó là khi chúng ta bị chó to hoặc chó dại, chó hoang cắn, còn khi chó con cắn có bị dại không lại là điều không phải ai cũng biết. Những thông tin chi tiết dưới đây sẽ giúp bạn có câu trả lời chính xác nhất. 

Chó con có thể bị dại không? 

Nhiều người vẫn nghĩ chó con khá “lành” và ít có nguy cơ bị bệnh dại. Tuy nhiên, đây là quan niệm hoàn toàn sai lầm. Trên thực tế, dù là chó con hay chó đã trưởng thành thì nguy cơ có mầm bệnh là như nhau. Thậm chí ngay cả với chó con mới được sinh ra hoặc đang được chó mẹ cho bú thì chúng cũng có nguy cơ nhiễm bệnh dại. Vi-rút bệnh dại từ chó con sẽ được lây qua nguồn sữa mẹ và bệnh dại sẽ xuất hiện sau một khoảng thời gian từ 1 - 2 tuần. 

Chó con nếu được nuôi trong nhà thường là “người bạn” được các em nhỏ rất yêu thích và chơi đùa mỗi ngày. Việc trẻ bị chó cắn và có những vết thương trên cơ thể là điều khó tránh khỏi. Do đó, chúng ta không nên chủ quan và cần tiêm phòng dại đầy đủ cho chó để tránh nguy cơ lây bệnh. 

chó con cắn có bị dại không 1 Chó con hoàn toàn có thể mắc bệnh dại

Chó con cắn có bị dại không? 

Như thông tin đã nêu ở trên, chó con hoàn toàn có thể bị dại, nhưng có phải khi bị bất kỳ chó con nào cắn chúng ta cũng gặp nguy hiểm, liệu chó con cắn có bị dại không? Trước hết, chúng ta cần hiểu cơ chế lây truyền của bệnh dại. Đây là căn bệnh có thể lây từ chó sang người, thông qua vết cắn hoặc vết liếm của động vật lên vết thương hở trên da người do virus dại có trong nước bọt.

Vì thế, khi chó con bị dại cắn, chúng ta có thể lây nhiễm căn bệnh này. Ngược lại, nếu chó con không mắc căn bệnh này thì đương nhiên chúng ta cũng an toàn. Do đó, với băn khoăn “chó con cắn có bị dại không” thì câu trả lời chính là tùy thuộc vào tình trạng sức khỏe, bệnh lý của chính chú chó cắn chúng ta.

Vậy làm thế nào để biết chó con đang mắc bệnh dại? Dưới đây là một số đặc điểm có thể nhận biết:

  • Chó con bị mất kiểm soát: Một khi bệnh dại phát tác thì biểu hiện đầu tiên dễ nhận thấy là chó con sẽ trở nên mất kiểm soát, cắn xé mọi thứ và chạy nhảy khắp nơi. Bất kể đó là người chủ nuôi nó hoặc thậm chí là với chó mẹ, chó con cũng đều cắn hết. Lúc này chúng ta có thể tin chắc rằng trong nước dãi của nó đang tiềm ẩn những ổ vi rút dại có thể gây hại cho ta bất kì khi nào.
  • Chó con chảy dãi bọt mép: Nếu chó con có nhiều bọt mép, chảy dãi nhiều, mắt lừ đừ thì khả năng cao nó đã bị nhiễm dại. 
  • Chó con sợ ánh sáng: Sợ ánh sáng mặt trời là biểu hiện đặc biệt của chó con khi bị nhiễm vi rút dại. Ngoài ra, chúng còn sợ gió và hay sinh ra ảo giác, dẫn đến hành động mất kiểm soát.
  • Chó con bỏ ăn, hàm bị liệt: Khi bị dại, chó con sẽ bỏ ăn và chỉ muốn gặm những thứ như gậy gộc hay tấm bìa… Vì thế, khi thấy chó con bỗng dưng bỏ ăn, hãy nghi ngờ ngay chúng có khả năng bị dại. 
2 Khi chó con bỏ ăn rất có thể nó đã bị nhiễm dại 

Làm gì khi bị chó con cắn? 

Khi bị chó con cắn, để chủ động phòng ngừa các tình huống xấu nhất có thể xảy ra, chúng ta nên thực hiện theo đúng quy trình xử lý như sau:

Bước 1: Vệ sinh sạch sẽ vết thương

Trước hết, bạn hãy nhanh chóng sơ cứu vết chó cắn tại nhà bằng cách rửa sạch vết thương với xà phòng dưới vòi nước chảy khoảng 5 phút. Việc này sẽ hạn chế nguy cơ nhiễm bệnh một cách tối đa, khi các vi rút (nếu có) chưa kịp “tấn công” cơ thể.

Bước 2: Theo dõi tình trạng sức khỏe của bản thân và chó con

Nếu bạn thấy chó con có những biểu hiện của bệnh dại nêu trên, hãy nhanh chóng đến cơ sở y tế gần nhất để được tiêm vắc xin phòng dại. Trường hợp chó vẫn chưa có biểu hiện bất thường ngay sau khi cắn bạn, hãy tiếp tục theo dõi thêm.

Nếu chó con vẫn ăn uống, sinh hoạt bình thường nhưng vết thương trên cơ thể bạn có dấu hiệu nhiễm trùng, sưng tấy hoặc đau nhức khó chịu, bạn cũng cần đến ngay cơ sở y tế để được hướng dẫn điều trị. May mắn hơn, nếu sức khỏe bạn vẫn ổn định, chú chó cắn bạn sau 2 tuần vẫn khỏe mạnh bình thường thì có thể bạn đã an toàn. 

3 Nếu chó con cắn bạn bị dại, bạn cần được chích ngừa ngay

Ngoài ra, một lưu ý quan trọng khác là khi đến các cơ sở y tế, bạn cũng cần thông báo những nội dung quan trọng với bác sĩ như: Các bước sơ cứu khi bị chó cắn bạn đã thực hiện, chó con đã được tiêm phòng dại trước đó hay chưa, địa điểm bạn bị chó con cắn có dịch bệnh liên quan đến chó mèo hay không... để có hướng xử lý chính xác nhất. 

Cách phòng bệnh dại cho chó con 

Dưới đây là một số giải pháp phòng bệnh dại cho chó con mà bạn nên lưu ý để tránh những nguy cơ gây hại: 

  • Bạn nên đưa chó đi tiêm phòng vắc xin hàng năm, với chó con, nếu chó mẹ đã được tiêm vắc xin phòng dại thì chó con tiêm khi 3 tháng tuổi, nếu chó mẹ chưa tiêm phòng dại thì chó con cần tiêm khi được 4 tuần tuổi. 
  • Bạn không nên cho chó con ăn các thức ăn bẩn hoặc không rõ nguồn gốc bởi rất có thể sẽ lây truyền từ nước dãi của con chó khác khi đã tiếp xúc với thức ăn đó.
  • Khi bạn dắt chó con ra ngoài đi tập thể dục hay đi dạo chơi cần rọ mõm chó lại.
  • Luôn vệ sinh môi trường xung quanh chuồng chó hoặc môi trường xung quanh đó sạch sẽ.
  • Hạn chế nô đùa quá đà với chó con để tránh trường hợp nó sẽ gây thương tích trên cơ thể bạn. 
  • Bạn nên từ bỏ thói quen ngủ cùng thú cưng, nhất là với chó con chưa được tiêm phòng vắc xin. 

Như vậy, bài viết đã cung cấp chi tiết thông tin để giúp bạn giải đáp băn khoăn “chó con cắn có bị dại không?”. Bệnh dại là căn bệnh tiềm ẩn nhiều mối nguy hiểm đến sức khỏe và tính mạng con người. Do đó, bạn hãy trang bị những kiến thức cần thiết và chủ động phòng ngừa nhằm tránh những trường hợp đáng tiếc xảy ra nhé! 

Thanh Hương

Nguồn tham khảo: Tổng hợp

Có thể bạn quan tâm

Thông tin và sản phẩm gợi ý trong bài viết chỉ mang tính chất tham khảo, vui lòng liên hệ với Bác sĩ, Dược sĩ hoặc chuyên viên y tế để được tư vấn cụ thể. Xem thêm