Chó là vật nuôi phổ biến ở nước ta. Tuy nhiên, không phải gia đình nào cũng có ý thức tiêm phòng ngừa bệnh dại cho chó. Điều đó tiềm ẩn nguy cơ chó nuôi bị bệnh dại và dễ lây truyền bệnh dại cho người. Đây là một căn bệnh nguy hiểm mà nếu không phát hiện và xử lý kịp thời có thể dẫn đến tử vong. Vậy khi chó dại cắn không chảy máu có nguy hiểm không và cần làm gì?
Nguyên nhân và đường lây truyền bệnh dại
Bệnh dại là bệnh nhiễm virus cấp tính, do virus Rhabdovirus gây ra. Bệnh lây nhiễm do virus dại lây từ động vật có vú sang người qua dịch tiết nước bọt. Ở nước ta, bệnh dại chủ yếu lây từ chó sang người (chiếm 99%). Nguyên nhân gây bệnh dại ở người là do con người bị chó dại cắn, liếm hoặc hít phải khí dung nhiễm virus dại. Bệnh dại có thể dẫn đến nhiễm trùng não và thần kinh nghiêm trọng. Tỷ lệ tử vong do bệnh dại khá cao.
Hình ảnh virus dại dưới kính hiển vi Hậu quả khi bị chó dại cắn và lây bệnh dại
Nhiều người muốn biết chó dại cắn không chảy máu bởi nếu bị lây bệnh dại từ chó, hậu quả sẽ thực sự nghiêm trọng. Người bị chó dại cắn và lây bệnh dại có thể gặp hai thể:
Bệnh dại thể viêm não
Bệnh dại thể viêm não xuất hiện với những triệu chứng ban đầu là sốt, đau đầu, mất ngủ, chán ăn dần dần kiệt sức. Bệnh nhân sợ gió, sợ nước, không thể ăn khi tăng tiết nước bọt. Khi đồng tử giãn kèm theo biểu hiện cương dương, xuất tinh ở nam giới, bệnh nhân sẽ tử vong nhanh chóng.
Bệnh dại thể liệt
Ở thể này, người bệnh sẽ bị liệt dần các nhóm cơ tay, chân và không kiểm soát được hoạt động của cơ thể. Khi đường hô hấp bị liệt, bệnh nhân sẽ tử vong.
Con đường lây truyền bệnh dại sang người Chó dại cắn không chảy máu cần làm gì?
Nhiều người chủ quan khi chó dại cắn không chảy máu. Đây là một sai lầm lớn có thể dẫn đến việc tính mạng bị đe dọa. Cần khẳng định lại, chó dại cắn không chảy máu vẫn tiềm ẩn nguy cơ gây nguy hiểm. Lý do là virus dại có thể tồn tại ở trong nước bọt hoặc móng chân của chó dại. Khi chúng cắn hoặc cào, kể cả không gây chảy máu virus vẫn có thể xâm nhập vào cơ thể người bị cắn.
Tuy nhiên, mức độ nguy hiểm phụ thuộc vào lượng virus dại nhiều hay ít, vị trí vết thương có ở khu vực có nhiều dây thần kinh như bắp chân, cổ, mặt hay không. Ngay cả khi không chảy máu nhưng có vết răng gây vết thương hở và đau rát, người bị chó dại cắn vẫn cần đến cơ sở y tế để được tư vấn về việc tiêm phòng vắc xin dại.
Nếu chó dại cắn không chảy máu, không xước da, không có vết cắn trên da, có thể người bị chó cắn không cần tiêm theo phác đồ sau phơi nhiễm. Tuy nhiên, bác sĩ có thể sẽ tư vấn tiêm ngừa dại theo phác đồ dự phòng trước khi phơi nhiễm bệnh dại.
Cùng với đó, chúng ta cần theo dõi con chó từ 1 tuần đến 10 ngày. Trong những trường hợp sau, người bị chó cắn nên lập tức vào bệnh viện:
- Con chó bị dại chết hoặc mất tích.
- Người bị chó cắn có biểu hiện lo âu, sợ ánh sáng, âm thanh, buồn bã, mất ngủ, thảng thốt hay hung dữ bất thường.
Lo âu, sợ ánh sáng, sợ tiếng ồn là biểu hiện của bệnh dại Các biện pháp phòng bệnh dại
Để không phải lo lắng chó dại cắn không chảy máu có sao không, tốt nhất mỗi gia đình phải chủ động áp dụng các biện pháp phòng bệnh dại cho vật nuôi. Cụ thể:
- Nên tiêm phòng cho chó ở 6 - 8 tuần tuổi với vắc xin phòng bệnh dại và nhắc lại hàng năm.
- Không thả rông chó, khi chó ra đường phải được rọ mõm đầy đủ.
- Không đùa nghịch, trêu chọc chó.
- Biết cách nhận biết chó có biểu hiện dại để phòng tránh.
Biểu hiện chó bị bệnh dại
Chó mắc bệnh dại có những biểu hiện khác nhau theo từng thời kỳ:
Thời kỳ tiền lâm sàng: Chó sợ ánh sáng, hay trốn góc tối hoặc vồn vã với hủ một cách thái quá. Con chó có thể bồn chồn, tru lên từng hồi hay sủa vu vơ.
Thời kỳ điên cuồng: Chó bị kích động nên cắn sủa dữ dội với người lạ. Với chủ nó quá vồ vập. Có thể sủa từng hồi khi nghe tiếng động nhẹ. Trên cơ thể con chó bị dại có thể có vết thương bị cắn khiến nó ngứa, liếm, cắn, hoặc cào nhiều dẫn đến rụng lông. Con chó bỏ ăn, sốt, mắt đỏ, đồng tử giãn, khát nước nhưng uống không được. Nước dãi chảy nhiều hoặc sùi bọt mép, cảm giác sợ sệt, bồn chồn thể hiện rõ. Lúc này nó hung dữ hơn và đi lại không chủ đích. Đây cũng là lúc con vật có thể bỏ đi không về nhà. Trên đường đi sẽ cắn, ăn bừa bãi và tấn công người khác.
Thời kỳ bại liệt: Con chó bị liệt hàm và lưỡi, lưỡi thè ra, chảy dãi, không ăn uống được. Các chi sẽ liệt dần, chó liệt hô hấp và chết trong vòng 3 - 7 ngày.
Một số con chó bị dại thể câm sẽ bị liệt như trên, không cắn sủa được và chỉ gầm gừ trong họng.
Nên tiêm phòng dại đầy đủ cho chó Cần làm gì khi bị chó dại cắn?
Chó dại cắn không chảy máu hoàn toàn tiềm ẩn nguy cơ gây bệnh dại. Việc đầu tiên bạn cần làm là sơ cứu khi chó dại cắn bằng cách:
- Rửa vết thương bằng xà phòng và nước sạch trong 15 phút. Khi rửa nên xả dưới vòi nước chảy.
- Dùng rượu hoặc cồn i ốt làm sạch vết thương.
- Không nên dùng ớt bột, nước lá, kiềm... để bôi lên vết thương như cách truyền miệng.
- Dùng gạc băng lại vết thương rồi đến cơ sở y tế gần nhất.
Chó dại cắn không chảy máu khiến nhiều người nghĩ không sao nên rất chủ quan. Việc này đôi khi dẫn đến những hậu quả nghiêm trọng về sức khỏe. Những thông tin trên hy vọng đã giúp bạn có đủ kiến thức để chủ động phòng tránh, biết cách xử lý khi bị chó dại cắn.
Để bảo vệ sức khỏe của bạn và gia đình, hãy chủ động tiêm vắc xin phòng dại tại Trung tâm Tiêm chủng Long Châu ngay hôm nay! Chúng tôi tự hào cung cấp các loại vắc xin thế hệ mới nhất, được nhập khẩu chính hãng từ các nhà sản xuất hàng đầu trên thế giới. Với đội ngũ bác sĩ chuyên môn cao, Trung tâm Tiêm chủng Long Châu luôn đảm bảo chất lượng tiêm chủng và dịch vụ linh hoạt theo yêu cầu của Quý khách. Bạn có thể lựa chọn tiêm lẻ, tiêm theo yêu cầu, mua và đặt giữ vắc xin online. Đến với Long Châu, bạn sẽ nhận được sự tư vấn và hỗ trợ tận tình để bảo vệ sức khỏe cho cả gia đình!