Ứng dụng Nhà Thuốc Long Châu

Siêu ưu đãi, siêu trải nghiệm

Long Châu
  1. /
  2. Góc sức khỏe/
  3. Phòng bệnh & Sống khoẻ

Sơ cứu khi bị chó dại cắn và những điều cần biết

Ngày 04/05/2022
Kích thước chữ

Khi ra đường, chúng ta thường rất sợ chó cắn đặc biệt nếu chúng bị dại thì càng nguy hiểm hơn. Vậy hãy cùng Nhà thuốc Long Châu tìm hiểu cách sơ cứu khi bị chó dại cắn chính xác và hạn chế tình huống nguy hiểm xảy ra bạn nhé!

Sơ cứu khi bị chó dại cắn là một kĩ năng rất cần thiết trong hoàn cảnh môi trường ở Việt Nam. Mặc dù tỉ lệ các gia đình có nuôi chó ở Việt Nam rất cao, nhưng tỉ lệ số chó được tiêm chủng dại thì thấp và tỉ lệ chó có đeo bảo hộ ở mõm để phòng tránh thương tích cho người khác thì lại càng hiếm.

Nếu đã nhận diện là bị chó dại cắn, chúng ta cần biết cách xử trí nhanh, chính xác. Để quá thời gian vàng điều trị và người bệnh khởi phát triệu chứng thì tỉ lệ tử vong rất cao. Trước hết, hãy cùng tìm hiểu những kiến thức cơ bản về bệnh dại để biết nó nguy hiểm như thế nào bạn nhé!

Sơ cứu khi bị chó dại cắn 1 Chó cắn là tai nạn sinh hoạt phổ biến ở Việt Nam

Bệnh dại là gì?

Bệnh dại là bệnh do nhiễm virus Rhabdovirus của hệ thần kinh trung ương từ động vật sang con người qua chất tiết, thường là nước bọt có nhiễm virus dại. Đa số các trường hợp bị phơi nhiễm bệnh dại là qua vết cắn, vết liếm của động vật bị dại. Một số trường hợp xảy ra ít hơn là nhiễm qua đường tiếp xúc khi người bệnh hít phải khí dung có virus dại. Dù là động vật hay con người khi lên cơn dại đều dẫn tới tử vong.

Nguồn lây truyền bệnh dại

Tại Việt Nam, chó là động vật chứa virus dại phổ biến nhất với tỉ lệ 96-97%, tiếp sau đó là mèo với tỉ lệ 3-4% và còn lại là các động vật khác như thỏ, sóc… chưa phát hiện ra.

  • Thời kỳ ủ bệnh: Ở người, thời gian ủ bệnh kéo dài từ 2 tới 8 tuần, đôi khi có thể chỉ ngắn khoảng 10 ngày hoặc dài hơn là 1 tới 2 năm. Thời gian ủ bệnh tùy thuộc vào lượng virus đã xâm nhập vào cơ thể, sự nghiêm trọng của tổn thương và cũng như khoảng cách từ khu vực tổn thương tới não bộ. Thời kỳ ủ bệnh ngắn hơn đối với những vết thương nặng và gần hệ thần kinh trung ương.
  • Thời kỳ lây bệnh: Thường ở chó là từ 3 đến 7 ngày trước khi xuất hiện dấu hiệu lâm sàng và trong suốt thời gian súc vật mắc bệnh. Theo Tổ chức Y tế Thế giới, thời kỳ lây truyền của chó là trong vòng khoảng 10 ngày.
Sơ cứu khi bị chó dại cắn 2 Chó dại nên được kiểm soát chặt chẽ hơn với tình hình hiện nay

Các giai đoạn của bệnh dại

Các giai đoạn phát triển của bệnh dại:

  • Tiền triệu chứng: Giai đoạn này thường diễn ra từ 1 tới 4 ngày, biểu hiện của bệnh nhân là cảm giác sợ hãi, sốt, khó chịu, đau đầu, mệt mỏi, tê và đau tại vị trí tổn thương.
  • Viêm não: Giai đoạn này bệnh nhân thường có biểu hiện như mất ngủ, tăng kích thích: Sợ ánh sáng, âm thanh và gió nhẹ. Ngoài ra, bệnh nhân còn có triệu chứng rối loạn hệ thần kinh thực vật bao gồm: Tăng tiết nước miếng, vã mồ hôi, hạ huyết áp, đôi lúc có thể có tình trạng xuất tinh tự nhiên.

Sơ cứu khi bị chó dại cắn

Sơ cứu khi bị chó dại cắn 3 Rửa vết thương bằng xà phòng trong sơ cứu khi bị chó dại cắn 
  • Bước 1: Vệ sinh vết cắn. Đây là bước cực kỳ quan trọng bởi nếu chúng ta không xử lí vết thương không kịp thời và đúng cách thì có thể sẽ làm tăng thêm nguy hiểm cho cơ thể.

Loại bỏ quần áo ra khỏi khu vực vết cắn. Việc làm này sẽ hạn chế được nước bọt của chó dính trên vải bám thêm vào vết thương.

Nhanh chóng tiến hành rửa vết thương dưới vòi nước xối mạnh nếu có thể hãy dùng nước ấm. Chúng ta có thể sử dụng xà phòng, nước muối sinh lý hoặc một số dung dịch sát trùng nhưng hãy hạn chế động tác chà xát quá mạnh có thể làm cho tổn thương nặng thêm.

  • Bước 2: Dùng thuốc sát trùng. Sử dụng thuốc sát trùng như cồn hoặc dung dịch oxy già. Chúng sẽ giúp loại bỏ các vi khuẩn có hại một mức nhất định.
  • Bước 3: Nâng cao vùng bị cắn. Khi bị động vật cắn, chúng ta có thể sẽ bị chảy máu rất nhiều tại vết thương. Việc giơ cao vùng bị cắn của nạn nhân lên sẽ giúp việc cầm máu dễ dàng hơn.
  • Bước 4: Sau khi đã tiến hành vệ sinh vết cắn sạch sẽ, chúng ta cần kiểm tra để đánh giá lại tình trạng của vết thương nghiêm trọng thế nào. Nếu đó chỉ là vết xước bề mặt da hoặc tổn thương nhỏ thì chúng ta có thể hoàn toàn băng bó tại nhà.
  • Bước 5: Băng bó vết cắn. Sử dụng băng gạc hoặc mảnh vải sạch để thực hiện băng bó vết cắn giúp cầm máu và giảm nguy cơ nhiễm khuẩn. Tuy nhiên, hãy lưu ý rằng không nên băng vết thương quá chặt sẽ làm cho máu khó có thể lưu thông bình thường.
  • Bước 6: Tới cơ sở y tế để tiến hành tiêm huyết thanh kháng dại. Đồng thời hãy thông báo cho bác sĩ biết về tình trạng của con vật đã cắn. Theo dõi con vật đó trong vòng 15 kể từ ngày xảy ra tai nạn.
Băng bó vết thương trong sơ cứu khi bị chó dại cắn 4 Tới cơ sở y tế để tiêm huyết thanh kháng dại

Một số biến chứng khi bị chó dại cắn

Dù là chó có bị dại hay không thì tại nạn do chó cắn vẫn có thể gây ra những biến chứng khác như:

  • Nhiễm trùng: Vi khuẩn sống trong miệng của chó bao gồm tụ cầu, capnocytophaga, pasteurella. Nguy cơ nhiễm trùng cao hơn ở những người có hệ miễn dịch kém.
  • Tổn thương hệ thần kinh và cơ: Độ sâu của vết cắn lớn có thể dẫn tới tổn thương các dây thần kinh, cơ và mạch máu.
  • Gãy xương: Những con chó lớn có thể có lực cắn rất mạnh dẫn tới gãy hoặc nứt xương.
  • Uốn ván: Là tình trạng nhiễm trùng nhưng nguyên nhân do chó cắn không phổ biến.
  • Tử vong: Thường là do sự nhiễm trùng hoặc mất máu quá nặng mà không được can thiệp kịp thời và đúng cách.

Cách nhận biết chó dại

Chó bị dại có hai thể lâm sàng là thể điên cuồng và thể liệt kiểu hướng thượng.

Sau thời kỳ ủ bệnh từ 3 đến 5 ngày, chó mắc bệnh dại sẽ có biểu hiện:

  • Thường xuyên chán ăn, bỏ ăn.
  • Những thói quen hàng ngày bị thay đổi.
  • Nhiều lúc thể hiện sự vui mừng hay hung dữ quá mức trong vài giờ tới vài ngày. 

Sau đó là giai đoạn lên cơn, chó dại có những triệu chứng:

  • Luôn vận động, kêu khàn giọng, sủa kéo dài sau đó rướn cao lên thành tiếng rú nghe rất đáng sợ.
  • Những kích thích và tác động nhỏ đều khiến chúng lên cơn điên dại, chồm vào người, động vật hoặc đồ đạc xung quanh rồi cắn mạnh.

Chó dại hay bỏ nhà, chạy rông lang thang nhiều nơi và tấn công bất kỳ ai chúng gặp. Sau đó vài ngày, chúng dần phờ phạc, gầy yếu, tiếng kêu thất thanh sau đó bị liệt và tử vong trong 7 ngày. Ngược lại, có những loại chó dại dù lên cơn nhưng không hề hung dữ, chỉ nằm im tại chỗ, nước bọt chảy liên tục, không sủa, không kêu, không cắn và ra đi trong vòng từ 3 tới 5 ngày.

Biện pháp phòng tránh chó dại cắn

Bệnh dại vô cùng nguy hiểm vì vậy chúng ta cần có những biện pháp phòng tránh chó dại cắn như:

  • Tiếp thu những kiến thức cần thiết về bệnh dại cũng như cách phòng chống bệnh này, đặc biệt là việc nhận dạng súc vật bị bệnh và cách sơ cứu sau khi bị chó dại cắn.
  • Phối hợp với y tế địa phương thực hiện giám sát khu vực từng có ổ dịch chó dại, những nơi thường xảy ra bệnh dại ở súc vật và đồng thời các địa điểm mua bán động vật như chó, mèo…
  • Không sát sinh chó để làm thức ăn.
  • Nếu có nuôi súc vật trong gia đình, đảm bảo chúng đã được tiêm phòng dại. Khi đưa chó ra đường cần tiến hành xích và rọ mõm để bảo vệ mọi người xung quanh.
  • Hạn chế gây gổ, trêu chọc chó.
  • Không để chó đi lang thang nhiều nơi, chúng có thể mang bệnh về hoặc gây hại tới mọi người.
Sơ cứu khi bị chó dại cắn Xích và rọ mõm chó khi đưa chúng ra ngoài đường

Chó là một loài động vật trung thành, chúng rất phổ biến và được yêu quý ở các hộ gia đình tại Việt Nam. Có được những thông tin về bệnh dại, cách sơ cứu khi bị chó dại cắn vừa giúp bảo vệ bản thân, gia đình vừa là để bảo vệ cả chính vật nuôi của chúng ta.

Ánh Vũ

Nguồn tham khảo: Tổng hợp

Có thể bạn quan tâm

Thông tin và sản phẩm gợi ý trong bài viết chỉ mang tính chất tham khảo, vui lòng liên hệ với Bác sĩ, Dược sĩ hoặc chuyên viên y tế để được tư vấn cụ thể. Xem thêm

Dược sĩ Đại họcPhạm Nguyễn Hoàng Kim

Đã kiểm duyệt nội dung

Dược sĩ chuyên ngành Dược lâm sàng, với nhiều năm kinh nghiệm làm việc trong lĩnh vực dược phẩm. Là Dược sĩ Long Châu đạt được chứng chỉ bệnh học cấp quốc tế. Hiện đang là giảng viên tại Trung tâm Đào tạo FPT Long Châu.

Xem thêm thông tin