Để có những giải pháp cải thiện giấc ngủ, trước hết cùng Nhà thuốc Long Châu cần tìm hiểu: Nguyên nhân của chứng bệnh hoảng hốt vào ban đêm là gì? Dấu hiệu như thế nào? Bài viết sau đây sẽ giúp mọi người làm rõ mọi thắc mắc.
Chứng bệnh hoảng hốt vào ban đêm là gì?
Chứng bệnh hoảng hốt vào ban đêm còn gọi là hoảng loạn trong khi ngủ hay còn có tên là hội chứng giấc ngủ kinh hoàng. Đây là một dạng bệnh rối loạn giấc ngủ, do có những rối loạn lo âu, căng thẳng quá mức cộng thêm sự sợ hãi kéo dài liên tục trong thời gian dài dẫn đến suy nhược cơ thể.
Chứng bệnh này thường xảy ra từ độ tuổi 4 - 12 tuổi, nhưng cũng có thể gặp ở bất kỳ độ tuổi nào với những biểu hiện cụ thể dễ nhận thấy như tinh thần hốt hoảng, mệt mỏi, la hét…
Cần phân biệt giữa chứng bệnh hoảng hốt vào ban đêm với hiện tượng gặp ác mộng:
-
Bệnh hoảng hốt vào đêm thường xuất hiện vào giai đoạn đầu tiên của giấc ngủ, trẻ em khi mắc thường ngủ thiếp đi hay li bì ngay sau khi bị và ngày hôm sau không còn nhớ gì.
-
Hiện tượng gặp ác mộng có thể xảy ra vào bất cứ giai đoạn nào của giấc ngủ, trẻ em gặp ác mộng thường tỉnh ngủ luôn và có thể nhớ lại cơn ác mộng đó.
Chứng bệnh hoảng hốt vào ban đêm hay gặp ở trẻ em
Triệu chứng của chứng bệnh hoảng hốt vào ban đêm ở trẻ
Chứng hoảng hốt khi ngủ thường xuất hiện vào đầu giấc ngủ, trong khoảng thời gian 1 giờ đầu khi bắt đầu vào giấc ngủ. Khi đó, trẻ em thường có những triệu chứng sau:
-
Đang ngủ bỗng nhiên vùng dậy, rồi sợ hãi, toát mồ hôi, hoảng hốt cực độ trong khoảng 5-20 phút. Khi đó, tuy trẻ mở mắt to nhưng dường như vẫn đang ngủ thiếp đi, các bà mẹ không thể dỗ được hay là đánh thức trẻ dậy hẳn được.
-
Đột nhiên vùng dậy la hét khóc lóc, đập giường, đập tay đập chân.
-
Thở nhanh, mạnh, thở hổn hển, mạch đập nhanh, mặt đỏ bừng.
-
Sau 1 lúc, trẻ ngủ thiếp đi. Ngày hôm sau, trẻ tỉnh dậy sẽ bị mệt mỏi và không nhớ những gì đã diễn ra vào đêm hôm qua.
-
Chứng hoảng hốt cũng có biểu hiện của mộng du: Có thể chạy ra khỏi giường, chạy quanh nhà, có thể có những hành động hung bạo khi bị giữ lại, bị kiềm chế.
Trẻ bỗng nhiên hoảng hốt, la hét khóc lóc vào ban đêm
Nguyên nhân gây ra chứng bệnh hoảng hốt vào ban đêm
Chứng bệnh này chủ yếu đến từ các trẻ em nhỏ do hệ thần kinh trung ương não của các em nhỏ chưa phát triển tốt, hoạt động tâm thần chưa được ổn định. Do đó, chúng thường hay có biểu hiện giật mình, dễ xúc động, lo sợ, hoảng hốt… Và đây được gọi là chứng yếu thần kinh.
Ngoài ra, một số yếu tố có thể gây ra chứng bệnh hoảng hốt vào ban đêm phổ biến hay gặp như:
-
Được nghe, được xem những câu chuyện ghê rợn vào ban ngày, trước khi đi ngủ. Ví dụ như: Những cảnh đâm chém máu me đầy mình, những con quái vật hung hãn, phim ma gây ám ảnh…
-
Do có con giun trong ruột. Những con giun này thường kích thích đường ruột vào đêm gây ra đau bụng từ đó tác động lên thần kinh trung ương làm cho chứng bệnh hoảng hốt xảy ra.
-
Do nghẹt mũi. Nghẹt mũi thì sẽ khó thở, sẽ làm cho cơ thể thiếu dưỡng khí, não thiếu oxy gây ra não hoạt động không ổn định, thần kinh trung ương bị rối loạn dễ gây nên chứng hoảng hốt vào đêm.
-
Do bệnh tật, giờ giấc ngủ thất thường, thiếu hoặc mất ngủ.
-
Ngủ nơi không quen, ngủ 1 mình.
-
Do di truyền từ gia đình.
Giải pháp chữa trị chứng bệnh hoảng hốt vào ban đêm ở trẻ
Bất cứ ai, đặc biệt là trẻ em nếu gặp phải chứng bệnh hốt hoảng vào ban đêm mà không điều trị hay cải thiện kịp thời có thể gây ra những tác động xấu đến sức khỏe thể chất cũng như tính thần. Vì vậy, để phòng ngừa và ngăn chặn bệnh xảy ra và kéo dài cần lưu ý một số giải pháp sau đây:
-
Khám sức khỏe cho trẻ khi bệnh xảy ra thường xuyên và ngày càng nặng thêm.
-
Cần tránh cho trẻ em xem những bộ phim rùng rợn hay nghe kể những câu chuyện gây sợ hãi.
-
Không nên cho trẻ uống những loại có chất kích thích như rượu, bia.
-
Vào bữa tối, cho trẻ ăn nhẹ nhàng, không nên ăn no quá để ban đêm trẻ có thể tiêu hoá thức ăn một cách dễ dàng, không bị rối loạn tiêu hoá, không ảnh hưởng đến giấc ngủ của trẻ.
-
Tẩy giun theo định kỳ 6 tháng 1 lần.
-
Bị nghẹt mũi thì nên đến bác sĩ tư vấn, khám và điều trị.
-
Cho trẻ ngủ đúng giờ giấc, tránh thức khuya.
-
Trẻ trong khi ngủ nếu có thể thì tránh những tiếng ồn, các kích thích khác làm gián đoạn giấc ngủ. Nếu trẻ sợ bóng tối thì nên có đèn ngủ.
-
Thư giãn cho trẻ trước khi ngủ như: Cùng đọc những câu chuyện cười, câu chuyện lành mạnh với con. Hoặc cùng nhau tập các bài tập thể dục thư giãn nhẹ nhàng như tập thở, yoga…và tránh các hoạt động tiêu hao năng lượng.
-
Khi trẻ bị căng thẳng thì cần tìm cách để giải quyết căng thẳng. Nếu nặng hơn, cần thiết có thể đưa trẻ đi khám tâm lý.
-
Tạo ra một môi trường an toàn: Để tránh những thương tích không đáng có, trước khi đi ngủ bố mẹ cần phải đóng chặt các cửa ra vào, cửa sổ, không để những vật sắc nhọn ở phòng ngủ để phòng trẻ bị mộng du.
-
Đừng cố đánh thức trẻ dậy khi chúng đang trong cơn hoảng hốt vì trẻ đang trong lúc sợ hãi, tinh thần không được ổn định. Nếu có những hành động mạnh như lay mạnh người để trẻ dậy hay gọi to tên trẻ có thể càng làm cho trẻ thêm sợ hãi. Thay vào đó, hãy vỗ về và thủ thỉ với con để con vượt qua cơn hoảng loạn này.
-
Khi con trẻ bị mộng du do chứng hoảng hốt vào đêm thì phụ huynh nên âu yếm, nhẹ nhàng xoa dịu con, nói nhỏ nhẹ và bình tĩnh, rồi cố gắng đưa con trở lại giường ngủ, không nên lắc nhẹ hay cố làm cho trẻ tỉnh lại.
-
Trong trường hợp trẻ bị hoảng hốt vào đêm mà kèm theo cả chứng động kinh không nên nhét vật gì vào miệng của trẻ bởi vì nó không có tác dụng gì mà còn làm gãy răng trẻ. Trường hợp này nên cho trẻ đến bác sĩ chuyên khoa thần kinh để khám và điều trị sớm nhất.
Phụ huynh đưa con trẻ đi khám khi có biểu hiện của chứng hoảng hốt nặng
Như vậy, chứng bệnh hoảng hốt vào ban đêm ở trẻ có ảnh hưởng rất xấu đến sức khỏe của trẻ nhỏ. Vì vậy, nếu trẻ nhỏ có dấu hiệu của chứng bệnh hoảng hốt vào đêm thì phụ huynh cần tìm hiểu rõ nguyên nhân gây bệnh để có những biện pháp ngăn ngừa hiệu quả. Nhà thuốc Long Châu hy vọng đã đem lại những thông tin bổ ích cho bạn đọc.
Ánh Vũ
Nguồn tham khảo: Tổng hợp