Ứng dụng Nhà Thuốc Long Châu

Siêu ưu đãi, siêu trải nghiệm

Long Châu
  1. /
  2. Góc sức khỏe/
  3. Phòng bệnh & Sống khoẻ

Chụp CT đầu mặt cổ là gì? Đối tượng chỉ định và chống chỉ định

Ngày 22/08/2024
Kích thước chữ

Chụp CT đầu mặt cổ là một trong những phương pháp cận lâm sàng thường được chỉ định để kiểm tra bất thường ở vùng đầu, mặt và cổ. Kết quả chụp CT đầu mặt cổ chính là cơ sở để bác sĩ chẩn đoán bệnh lý, nguyên nhân gây bệnh, đồng thời đưa ra phác đồ điều trị phù hợp nhất.

Để có thể chẩn đoán chính xác tình trạng bệnh và đưa ra điều trị hiệu quả, ngoài việc thăm khám lâm sàng, các bác sĩ còn phải kết hợp các xét nghiệm cũng như các kỹ thuật cận lâm sàng khác. Khám cận lâm sàng là khâu quan trọng không thể thiếu trong quy trình khám chữa bệnh ở các cơ sở y tế. Các phương pháp này không chỉ giúp chẩn đoán bệnh, phân biệt với các bệnh lý khác mà còn đưa ra kết quả chính xác, có giá trị giúp bác sĩ theo dõi diễn biến bệnh, đánh giá hiệu quả điều trị và tiên lượng bệnh.

Khám cận lâm sàng bao gồm nhiều xét nghiệm và kỹ thuật như xét nghiệm máu, siêu âm, chụp X-quang, chụp cắt lớp vi tính (CT), chụp cộng hưởng từ (MRI),... Trong đó, chụp CT đầu mặt cổ là chẩn đoán hình ảnh thường được tiến hành khi khám, điều trị các bệnh lý ở vùng đầu, mặt và cổ.

Khái niệm chụp CT đầu mặt cổ

Chụp CT đầu mặt cổ hay chụp cắt lớp vi tính đầu mặt cổ là kỹ thuật dùng tia bức xạ X để chụp ảnh vùng đầu mặt cổ cung cấp hình ảnh 3D bằng công nghệ vi tính hóa. Đây là điểm khác biệt rất lớn giữa chụp CT và chụp X-quang thông thường. Với hình ảnh 3 chiều, chụp CT đầu mặt cổ sẽ giúp bác sĩ có cái nhìn cụ thể và rõ ràng hơn về các cơ quan trong cơ thể con người. Từ đó có cơ sở để đánh giá, chẩn đoán các bệnh lý liên quan vùng đầu mặt cổ.

Chụp CT đầu mặt cổ là gì? Đối tượng chỉ định và chống chỉ định 1
Chụp CT là kỹ thuật cận lâm sàng được áp dụng phổ biến trong quá trình khám chữa bệnh hiện nay

Trong khi chụp, chùm tia bức xạ X sẽ quay xung quanh vùng đầu mặt cổ để lấy hình ảnh từ nhiều góc khác nhau. Sau đó những hình ảnh này sẽ được hệ thống máy xử lý và tạo ra các hình ảnh cắt ngang (lát cắt) của vùng đầu mặt cổ. Những lát cắt này chính là hình ảnh chụp cắt lớp cung cấp thông tin chi tiết gồm cả mạch máu và mô mềm. Những lát cắt liên tiếp được máy tính thu thập, xếp chồng lên nhau tạo thành hình ảnh 3D. Kết quả chụp CT đầu mặt cổ hỗ trợ đắc lực giúp bác sĩ phát hiện những tổn thương bên trong một cách chính xác nhất.

Để kết quả chụp CT đầu mặt cổ chính xác và rõ nét, người bệnh sẽ được yêu cầu nằm trên một bàn chụp được gắn với máy chụp CT scan sao cho vùng từ cổ đến đầu nằm ở bên trong máy chụp để các tia X chiếu xuyên qua.

Ưu điểm và nhược điểm của phương pháp CT đầu mặt cổ

Phương pháp chụp CT đầu mặt cổ có độ chính xác, tương phản cao, đồng thời phù hợp với nhiều đối tượng. Kết quả chụp cũng mang lại giá trị chẩn đoán cao nhờ khả năng phân biệt mức độ tổn thương thông qua những khác biệt có độ đậm rất nhỏ. Phương pháp này cũng cho phép chụp được nhiều góc độ và nhiều lát cắt, tránh bỏ sót những tổn thương nhỏ.

Bên cạnh đó, thời gian chụp CT đầu mặt cổ rất nhanh chỉ khoảng 3 đến 5 phút, có kết quả sau khoảng 20 đến 30 phút. Đây là phương pháp thường được chỉ định trong những trường hợp chẩn đoán và điều trị cho bệnh nhân đang cấp cứu hoặc cần đánh giá nhanh các bộ phận gan, tim, ruột, phổi,…

Chụp CT đầu mặt cổ là gì? Đối tượng chỉ định và chống chỉ định 2
Hình ảnh thu được từ chụp CT đầu mặt cổ mang lại ý nghĩa rất lớn trong chẩn đoán và điều trị bệnh

Tuy nhiên, chụp CT đầu mặt cổ vẫn có thể gây ra những rủi ro nhất định. Do sử dụng tia X nên có thể gây nhiễm xạ, đặc biệt không an toàn với phụ nữ mang thai. Ngoài ra, một số trường hợp người bệnh phản ứng với thuốc cản quang, nặng có thể gây ra sốc phản vệ. Phương pháp này cũng không cho kết quả chính xác nếu cơ quan chụp và tổn thương có cùng độ đậm.

Chụp CT đầu mặt cổ: Đối tượng chỉ định và chống chỉ định

Đối tượng chỉ định chụp CT đầu mặt cổ

Chụp CT đầu mặt cổ được thực hiện trong trường hợp người bệnh cần cấp cứu. Ngoài ra, phương pháp này cũng được chỉ định trong các trường hợp sau:

  • Người bị chấn thương ở vùng đầu mặt cổ gồm chấn thương xương, chảy máu não, chấn thương mô mềm,...
  • Người có dấu hiệu đột quỵ như buồn nôn, mất thăng bằng, chóng mặt, đau đầu,…
  • Người nghi ngờ có khối u não hoặc bất thường về não.
  • Người có tiền sử bị bệnh não úng thủy.
  • Người vừa phẫu thuật thu nhỏ khối u não.
  • Người có dấu hiệu khó cử động, thay đổi tính cách, khó phát âm.
  • Người bị thay đổi ý thức hoặc mất ý thức.
  • Người có vấn đề bất thường ở xương tai giữa và dây thần kinh thính giác.
  • Người có vấn đề về mắt và thần kinh thị giác gồm có vật lạ trong mắt, gãy xương quanh mắt.
  • Người cần kiểm tra các bộ phận vùng đầu mặt cổ như mũi, xương khớp hàm, gò má,…
  • Người đang bị tổn thương cổ, tổn thương cột sống trên.
  • Người bị dị tật cột sống cổ.
  • Người bị gãy xương hoặc bị tổn thương gây chèn ép cột sống cổ.
  • Người mắc bệnh ung thư hoặc xuất hiện khối u ở cổ.
Chụp CT đầu mặt cổ là gì? Đối tượng chỉ định và chống chỉ định 3
Chụp CT đầu mặt cổ thường được chỉ định khi có chấn thương vùng đầu, mặt và cổ

Đối tượng chống chỉ định chụp CT đầu mặt cổ

Mặc dù được sử dụng phổ biến, tuy nhiên phương pháp này cần cân nhắc trước khi thực hiện hoặc chống chỉ định với:

  • Người dễ bị kích thích, không thể nằm yên trong quá trình thực hiện.
  • Người từng bị dị ứng với thuốc cản quang.
  • Phụ nữ đang mang thai.
  • Người bị bệnh tiểu đường, hen suyễn, tim mạch, bệnh lý về thận,…

Tóm lại, chụp CT đầu mặt cổ là phương pháp cận lâm sàng rất cần thiết giúp bác sĩ chẩn đoán, đánh giá và hỗ trợ trong quá trình điều trị bệnh. Hy vọng những thông tin trong bài viết sẽ giúp bạn đọc hiểu rõ hơn về phương pháp này, từ đó giảm bớt lo lắng khi phải thực hiện chụp CT trong quá trình khám chữa bệnh.

Thông tin và sản phẩm gợi ý trong bài viết chỉ mang tính chất tham khảo, vui lòng liên hệ với Bác sĩ, Dược sĩ hoặc chuyên viên y tế để được tư vấn cụ thể. Xem thêm

Dược sĩ Đại họcNguyễn Mỹ Huyền

Đã kiểm duyệt nội dung

Dược sĩ Đại học có nhiều năm kinh nghiệm trong việc tư vấn Dược phẩm và hỗ trợ giải đáp thắc mắc về Bệnh học. Hiện đang là giảng viên cho Dược sĩ tại Nhà thuốc Long Châu.

Xem thêm thông tin