Ứng dụng Nhà Thuốc Long Châu

Siêu ưu đãi, siêu trải nghiệm

Long Châu
  1. /
  2. Góc sức khỏe/
  3. Phòng bệnh & Sống khoẻ/
  4. Kiến thức y khoa

Nguyên lý chụp X-quang và một số điều cần biết

Ngày 28/10/2023
Kích thước chữ

Hiện nay, chụp X quang là một kỹ thuật chẩn đoán bằng hình ảnh rất phổ biến trong đời sống. Trong nhiều thập kỷ qua, phương pháp này vẫn luôn đóng vai trò cực kỳ quan trọng trong công cuộc khám, chữa bệnh. Dưới đây là một số thông tin tham khảo giúp bạn tìm hiểu thêm về kỹ thuật chụp X-quang.

Chụp X-quang cho ra hình ảnh rất rõ nét về hệ cơ xương và một số mô khác trong cơ thể. Sẽ không tốn quá nhiều thời gian cho một lần chụp cũng như thời gian chờ kết quả ngay sau đó. Điều này giúp các bác sĩ có thể nhanh chóng chẩn đoán các loại bệnh lý và đưa ra những biện pháp điều trị kịp thời nhằm đảm bảo an toàn sức khỏe cho bệnh nhân.

Nguyên lý chụp X-quang

X-quang là loại bức xạ có mức năng lượng cao. Các tia X mang một số tính chất như tính truyền thẳng và đâm xuyên, tính bị hấp thụ, tính quang học, tính hóa học,... nhờ vậy nên nó rất dễ dàng xuyên qua các mô mềm và thành phần dịch trong cơ thể. Tuy nhiên, chúng có thể bị cản lại bởi những mô đặc như xương, mô càng đặc thì tia X càng khó xuyên qua.

Nguyên lý chụp X-quang và một số điều cần biết 1
Máy chụp X-quang dùng loại bức xạ ánh sáng hoặc sóng vô tuyến

Máy chụp X-quang dùng loại bức xạ ánh sáng hoặc sóng vô tuyến. Khi chụp, một tấm phim X quang sẽ được đặt vào phía sau bộ phận cơ thể cần chụp, sau đó, một ống đặc biệt sẽ chiếu tia X đi xuyên qua một bộ phận cơ thể. Các tia X gặp phim sẽ tạo thành hình ảnh, tùy theo đậm độ của các mô mà sẽ cho ra mức độ xám khác nhau. Càng nhiều tia X đến phim thì hình cho ra sẽ càng đen và rõ nét hơn. Các mô đặc trong cơ thể cản tia X lại sẽ hình thành khoảng trắng trên phim.

Hiểu đơn giản, khi thực hiện quá trình chụp X-quang, máy chụp X-quang sẽ chiếu ra các chùm tia X xuyên qua cơ thể, từ đó tạo ra hình ảnh cần thiết rõ ràng, giúp ích rất nhiều trong quá trình chẩn đoán và điều trị các loại bệnh lý như tim mạch, hô hấp, xương khớp,… Mang đến giá trị cực kỳ to lớn cho y học.

Khi nào cần chụp X-quang?

Phương pháp chụp X-quang dùng để:

  • Kiểm tra kỹ càng những bộ phận cơ thể gây ra các cơn đau hoặc khiến bạn cảm thấy khó chịu;
  • Kiểm tra độ hiệu quả của biện pháp điều trị, điều dưỡng được bác sĩ khuyến nghị cho bạn;
  • Giúp theo dõi tiến độ điều trị của bệnh nhân sau một khoảng thời gian điều trị.

Đối tượng thường được chỉ định chụp X-quang là người bệnh đang mắc hoặc nghi ngờ có thể mắc các bệnh lý sau đây:

  • Bệnh có liên quan đến răng và cơ xương khớp như: Sâu răng, răng mọc lệch, viêm nướu, viêm xương/khớp, loãng xương, thoái hóa khớp,… 
  • Bệnh liên quan đến đường hô hấp: Viêm phổi, tràn dịch/khí màng phổi, viêm phổi,…
  • Bệnh lý về tim mạch, tắc nghẽn mạch máu,…
  • Các vấn đề về đường tiêu hóa, nuốt hoặc hóc dị vật cùng nhiều loại bệnh lý khác.

Ngoài ra, X-quang còn được sử dụng trong các trường hợp cần phải tầm soát bệnh lý theo định kỳ.

Nguyên lý chụp X-quang và một số điều cần biết 2
Phương pháp chụp X-quang dùng để chẩn đoán nhiều bệnh lý

Chụp X-quang dùng để kiểm tra những bộ phận nào?

Kỹ thuật X-quang được sử dụng để kiểm tra nhiều bộ phận của cơ thể, chẳng hạn như:

Bụng

Chụp X-quang phần bụng có thể giúp bác sĩ phát hiện ra những vấn đề liên quan đến đường tiêu hóa. Đồng thời cũng có thể xác định được vị trí của dị vật vô tình bị hóc hoặc bị nuốt vào.

Ngực

Chụp X-quang phần ngực giúp hiển thị rõ nét các loại bệnh lý về đường hô hấp bao gồm viêm phổi, ung thư phổi, bệnh lao phổi,… Chụp X-quang phần ngực còn giúp kiểm tra nhiều dấu hiệu của các loại bệnh khác như: Ung thư vú, suy tim sung huyết và tắc nghẽn mạch máu.

Xương và răng

Tình trạng gãy và nhiễm trùng xương, loãng xương, ung thư xương, sâu răng, răng khôn mọc lệch, viêm khớp trong phần lớn các trường đều sẽ hiển thị rất rõ nét trên phim chụp X-quang.

Ngoài những bộ phận trên thì còn có thể chụp X-quang cho nhiều bộ phận khác như đầu, thận, cột sống, phổi,… bằng nhiều phương pháp khác nhau.

Quy trình chụp X-quang

Quy trình chụp X-quang không quá phức tạp, mỗi lần chụp X-quang cũng chỉ diễn ra trong vỏn vẹn vài phút nên bạn không thật sự cần chuẩn bị quá nhiều. Các bước cần thực hiện sẽ được các kỹ thuật viên X-quang hướng dẫn và yêu cầu bạn làm theo. Hãy phối hợp với họ và thực hiện đúng các bước được yêu cầu để đạt được kết quả tối ưu và nhanh nhất có thể.

Nguyên lý chụp X-quang và một số điều cần biết 3
Các bước cần thực hiện sẽ được các kỹ thuật viên X-quang hướng dẫn và yêu cầu bạn làm theo

Một số điều bạn cần lưu ý trong lúc chụp X-quang:

  • Khi được yêu cầu tháo bỏ những vật dụng, thiết bị hoặc đồ trang sức bằng kim loại ra khỏi cơ thể, hãy nhớ nhờ sự hỗ trợ của bác sĩ để giúp tháo những vật dụng hoặc thiết bị y tế bằng kim loại còn ở lại trong cơ thể như niềng răng, khớp nhân tạo, ốc tai điện tử,…
  • Trong lúc chụp, dù chụp ở bộ phận nào, dù đang trong tư thế nào thì bệnh nhân đều cần phải hoàn toàn bất động để có thể nhanh chóng lấy được những hình ảnh rõ nét nhất, vì buổi chụp sẽ chỉ kết thúc khi kỹ thuật viên X-quang cảm thấy hài lòng với kết quả sau cùng.
  • Sau khi chụp xong, có thể bạn có thể sẽ phải tiến hành thực hiện một số chẩn đoán bằng hình ảnh hoặc các chẩn đoán lâm sàng khác nếu được bác sĩ yêu cầu.

Hãy hỏi bác sĩ thật kỹ càng về tình trạng bệnh lý của bản thân và phối hợp tốt với bác sĩ trong quá trình chẩn đoán và điều trị.

Chụp X-quang có ảnh hưởng đến sức khỏe không?

Thông thường, người bệnh không cần phải cảm thấy quá lo lắng vì lượng tia X được dùng trong phương pháp này nằm trong giới hạn an toàn. Hơn nữa, bệnh viện cũng như các bác sĩ sẽ có những biện pháp giúp người chụp hạn chế tối đa những tác hại xấu mà tia X sẽ tác động lên cơ thể, nên hầu như sẽ không có nguy cơ nào sau mỗi lần chụp X-quang.

Tuy nhiên, có một số đối tượng chống chỉ định với chụp X-quang như:

  • Phụ nữ có biểu hiện nghi ngờ mang thai hoặc đang trong thai kỳ, đặc biệt là khoảng thời gian 3 tháng đầu. Chụp X-quang vào lúc này có thể gây ra những tác động xấu đến thai phụ cũng như sự phát triển của thai nhi.
  • Trẻ em. Cơ thể trẻ em chưa phát triển hoàn toàn và cứng cáp như người lớn nên cần phải cố gắng tránh ít tiếp xúc với những tia bức xạ để không ảnh hưởng đến quá trình phát triển và sức khỏe của các em.
  • Người bị dị ứng chất cản quang. Tình trạng này tuy hiếm nhưng lại rất đáng để chú ý. Những người bị tình trạng này thường sẽ có những phản ứng khó chịu về tâm sinh lý khi bị tiêm hoặc uống dung dịch chứa chất cản quang. Hãy tìm đến sự giúp đỡ của bác sĩ khi không thể chịu đựng nổi để tránh các trường hợp đáng tiếc xảy ra.
Nguyên lý chụp X-quang và một số điều cần biết 4
Phụ nữ mang thai hoặc nghi ngờ mang thai không nên chụp X-quang

Trên hết, chụp X-quang nhiều lần liên tục trong một khoảng thời gian cố định có thể tăng mạnh khả năng mắc các bệnh ung thư. Chụp X-quang là một kỹ thuật chẩn đoán đã lâu đời, mặc dù lợi ích mà nó mang lại là gấp nhiều lần so với khả năng mắc rủi ro nhưng cũng không nên vì thế mà lơ là. Đặc biệt, chỉ chụp X-quang khi có chỉ định và hướng dẫn của bác sĩ nhằm đảm bảo an toàn sức khỏe của bản thân.

Xem thêm: Thuốc cản quang được sử dụng khi nào? Một số tác dụng phụ có thể gặp phải

Có thể bạn quan tâm

Thông tin và sản phẩm gợi ý trong bài viết chỉ mang tính chất tham khảo, vui lòng liên hệ với Bác sĩ, Dược sĩ hoặc chuyên viên y tế để được tư vấn cụ thể. Xem thêm

Dược sĩ Đại họcTrần Huỳnh Minh Nhật

Đã kiểm duyệt nội dung

Dược sĩ chuyên khoa Dược lý - Dược lâm sàng. Tốt nghiệp 2 trường đại học Mở và Y Dược TP. Hồ Chí Minh. Có kinh nghiệm nghiên cứu về lĩnh vực sức khỏe, đạt được nhiều giải thưởng khoa học. Hiện là Dược sĩ chuyên môn phụ trách xây dựng nội dung và triển khai dự án đào tạo - Hội đồng chuyên môn tại Nhà thuốc Long Châu.

Xem thêm thông tin