Dược sĩ Đại học có nhiều năm kinh nghiệm trong việc tư vấn Dược phẩm và hỗ trợ giải đáp thắc mắc về Bệnh học. Hiện đang là giảng viên cho Dược sĩ tại Nhà thuốc Long Châu.
Ứng dụng Nhà Thuốc Long Châu
Siêu ưu đãi, siêu trải nghiệm
Mặc định
Lớn hơn
Chụp MRI vú là một công cụ chẩn đoán cung cấp hình ảnh rõ nét, chi tiết về vú bằng từ trường, sóng vô tuyến và công nghệ máy tính tiên tiến. Không giống như các phương pháp chụp ảnh truyền thống, chẳng hạn như chụp X-quang, chụp MRI vú không liên quan đến bức xạ ion hóa, khiến đây trở thành lựa chọn an toàn hơn cho các lần sàng lọc lặp lại.
Chụp MRI vú là kỹ thuật chụp ảnh có giá trị trong việc phát hiện sớm, chẩn đoán và quản lý ung thư vú, đặc biệt là đối với những bệnh nhân có nguy cơ cao. Bằng cách kết hợp kỹ thuật chụp ảnh tiên tiến này với các phương pháp khác, các bác sĩ chuyên khoa có thể đảm bảo đánh giá toàn diện hơn, dẫn đến kết quả điều trị tốt hơn.
Chụp MRI vú hay chụp cộng hưởng từ vú là một xét nghiệm hình ảnh chuyên biệt cung cấp hình ảnh chi tiết cao về mô vú. Chụp MRI vú sử dụng từ trường, sóng vô tuyến và công nghệ máy tính tiên tiến để tạo ra hình ảnh rõ nét mà không sử dụng bức xạ ion hóa.
Trong quá trình thực hiện, bạn sẽ nằm trên một bàn khám trượt di chuyển vào giữa một máy MRI hình trụ lớn. Máy này được trang bị một nam châm tròn mạnh có thể chụp hình ảnh chi tiết về mô vú của bạn. Để tăng cường khả năng hiển thị của bất kỳ mô bất thường nào, một chất cản quang được gọi là gadolinium thường được tiêm vào tĩnh mạch ở tay hoặc cánh tay của bạn. Chất lỏng không phóng xạ này giúp làm nổi bật các khu vực đáng lo ngại bằng cách làm cho chúng nổi bật hơn trên hình ảnh MRI.
MRI vú thường được sử dụng kết hợp với các kỹ thuật hình ảnh khác, chẳng hạn như chụp nhũ ảnh hoặc siêu âm, để tăng độ chính xác của kết quả sàng lọc hoặc chẩn đoán. Mặc dù chụp MRI vú có thể cung cấp thông tin chi tiết có giá trị, nhưng nó thường không được sử dụng như một công cụ độc lập. Điều này là do có một số tình trạng nhất định mà qua chụp nhũ ảnh mới có thể phát hiện còn chụp MRI thì có khả năng bỏ sót.
Chụp MRI vú đặc biệt hữu ích cho những bệnh nhân có nguy cơ cao hoặc những người có mô vú dày đặc mà nếu sử dụng các phương pháp chụp ảnh truyền thống sẽ không mang lại hiệu quả mong muốn. Do đó, thông qua việc linh hoạt kết hợp các phương pháp chụp ảnh khác nhau, bác sĩ chuyên khoa sẽ có thể đảm bảo đánh giá toàn diện hơn, từ đó đưa ra các quyết định chuẩn xác nhất về việc chăm sóc bệnh nhân.
Chụp MRI vú thường được sử dụng để bổ sung cho các kỹ thuật chụp ảnh khác, chẳng hạn như chụp nhũ ảnh hoặc siêu âm, nhằm tăng cường độ chính xác của việc phát hiện và chẩn đoán ung thư vú. Sau đây là một số chỉ định chính để chụp MRI vú:
Những phụ nữ có nguy cơ mắc ung thư vú cao, chẳng hạn như những người có tiền sử cá nhân hoặc gia đình mắc ung thư vú, đột biến gen BRCA1 hoặc BRCA2 đã biết hoặc những người đã trải qua xạ trị ở ngực trong độ tuổi từ 10 đến 30, có thể được hưởng lợi từ chụp MRI vú thường xuyên. Phương pháp chụp này có thể giúp phát hiện ung thư vú ở giai đoạn đầu, cải thiện cơ hội điều trị thành công.
Đối với những phụ nữ đã được chẩn đoán mắc ung thư vú thông qua chụp nhũ ảnh hoặc siêu âm, chụp MRI vú có thể giúp xác định mức độ của bệnh. Điều này rất quan trọng trước khi thực hiện sinh thiết, lên kế hoạch phẫu thuật bảo tồn vú hoặc bắt đầu hóa trị trước phẫu thuật. Thông qua hình ảnh rõ nét hơn về kích thước, vị trí và mức độ lan rộng của ung thư, chụp MRI vú giúp bác sĩ đưa ra quyết định điều trị chính xác hơn.
Mặc dù ít phổ biến hơn, chụp MRI vú có thể được thực hiện để đánh giá tính toàn vẹn của túi độn ngực. Khi nghi ngờ túi độn ở một hoặc cả hai bên ngực có thể bị vỡ hoặc bị tổn thương, chụp MRI vú là công cụ có giá trị cung cấp hình ảnh chi tiết để xác nhận xem túi độn có còn nguyên vẹn hay không.
Chụp MRI vú tuy an toàn và hiệu quả nhưng cũng giống như bất kỳ thủ thuật y khoa nào, chụp MRI vú vẫn có thể có một số tác dụng phụ tiềm ẩn.
Đối với hầu hết mọi người, sau khi chụp MRI vú đều không cần thời gian phục hồi (nếu chưa được dùng thuốc an thần). Nghĩa là bạn hoàn toàn có thể tiếp tục các hoạt động và chế độ ăn uống bình thường ngay sau khi chụp MRI vú. Tuy nhiên, một số ít cá nhân có thể gặp các tác dụng phụ nhẹ từ vật liệu cản quang được sử dụng trong quá trình thực hiện. Các tác dụng phụ này có thể bao gồm buồn nôn và đau tại chỗ. Trong một số trường hợp người chụp MRI vú có các triệu chứng như nổi mề đay và ngứa mắt. Những phản ứng dị ứng này thường nhẹ và có thể dễ dàng kiểm soát bằng thuốc kháng histamin tiêm tĩnh mạch.
Các phản ứng dị ứng nghiêm trọng có thể có nhưng rất hiếm gặp, xảy ra ở khoảng 1 trên 10.000 bệnh nhân, chẳng hạn như khó thở và huyết áp rất thấp. Nếu xảy ra phản ứng nghiêm trọng, nhân viên chụp MRI sẽ tiến hành xử lý ngay lập tức và có thể theo dõi bệnh nhân tại bệnh viện trong một thời gian ngắn. Những người có tiền sử hen suyễn hoặc dị ứng với thực phẩm hoặc thuốc có nguy cơ cao hơn một chút đối với các phản ứng như vậy, mặc dù nguy cơ chung vẫn ở mức tối thiểu.
Trong những trường hợp cực kỳ hiếm gặp, những bệnh nhân có chức năng thận kém có thể gặp phải biến chứng nghiêm trọng gọi là xơ cứng hệ thống do thận sau khi tiêm thuốc cản quang gadolinium. Tình trạng này có thể khiến da và mô mềm dày lên, chủ yếu ảnh hưởng đến cánh tay và chân, và trong những trường hợp hiếm gặp có thể ảnh hưởng đến tim và thận. Để ngăn ngừa tình trạng này, các cơ sở chụp MRI thường đánh giá chức năng thận trước khi tiêm thuốc cản quang, đặc biệt là ở những bệnh nhân có vấn đề về thận đã biết trước. Với những người khỏe mạnh không có tiền sử bệnh thận thì thông thường không cần xét nghiệm thêm này.
Ngoài ra, một số bệnh nhân có thể bị bầm tím nhẹ tại vị trí tiêm tĩnh mạch hoặc trong những trường hợp hiếm gặp, một biến chứng gọi là rò rỉ thuốc cản quang, trong đó thuốc cản quang gadolinium rò rỉ vào mô xung quanh. Điều này có thể gây kích ứng da hoặc nhiễm trùng và nếu nghiêm trọng thì cần điều trị kịp thời bằng gây tê tại chỗ và chườm đá. Vẫn có trường hợp, dù hiếp gặp, rò rỉ thuốc cản quang có thể dẫn đến hình thành cục máu đông trong tĩnh mạch bị ảnh hưởng, có khả năng di chuyển đến phổi. Do đó, việc theo dõi và chăm sóc theo dõi là rất quan trọng nếu bạn bị rò rỉ xung quanh vị trí truyền tĩnh mạch.
Đối với các bà mẹ đang cho con bú, việc tiếp tục cho con bú sau khi chụp MRI vú thường an toàn. Các nghiên cứu cho thấy chỉ có một lượng nhỏ chất cản quang được em bé hấp thụ qua sữa mẹ.
Nếu được gây mê trong quá trình chụp MRI, bệnh nhân nên ở lại cơ sở để theo dõi sau khi chụp. Nên tránh lái xe hoặc vận hành máy móc trong ít nhất 6 giờ sau thủ thuật và sắp xếp để người thân hoặc bạn bè hỗ trợ đưa về nhà.
Tóm lại, chụp MRI vú là một công cụ hữu ích để chẩn đoán và theo dõi sức khỏe vú, cung cấp hình ảnh chi tiết mà không cần sử dụng tia X. Quy trình này nhìn chung an toàn nhưng điều quan trọng là phải nhận thức được những rủi ro tiềm ẩn liên quan để kịp thời xử lý khi có xảy ra rủi ro, biến chứng sau chụp MRI vú.
Dược sĩ Đại họcNguyễn Mỹ Huyền
Dược sĩ Đại học có nhiều năm kinh nghiệm trong việc tư vấn Dược phẩm và hỗ trợ giải đáp thắc mắc về Bệnh học. Hiện đang là giảng viên cho Dược sĩ tại Nhà thuốc Long Châu.