Ứng dụng Nhà Thuốc Long Châu

Siêu ưu đãi, siêu trải nghiệm

Long Châu

Chụp nhũ ảnh tăng cường độ tương phản (CEM) là gì?

Ngày 26/03/2024
Kích thước chữ
  • Mặc định

  • Lớn hơn

Chụp nhũ ảnh tăng cường độ tương phản (CEM) là gì? Kỹ thuật này được chỉ định trong trường hợp nào và quy trình thực hiện ra sao? Bài viết dưới đây sẽ giúp bạn giải đáp tất tần tật những thông tin liên quan đến kỹ thuật này, tham khảo ngay nhé!

Chụp nhũ ảnh tăng cường độ tương phản (CEM) được xem là tiêu chuẩn “vàng” trong tầm soát ung thư vú. Kỹ thuật này có khả năng cho hiệu quả chẩn đoán gần tương tự như MRI vú ở phụ nữ, giúp đánh giá được các khối u vú ác tính và đưa ra kế hoạch điều trị phù hợp. Vậy chụp nhũ ảnh tăng cường độ tương phản là gì? Được chỉ định trong trường hợp nào và quy trình thực hiện ra sao? Hãy cùng Nhà thuốc Long Châu tìm hiểu rõ hơn về kỹ thuật này trong bài viết dưới đây nhé!

Tìm hiểu kỹ thuật chụp nhũ ảnh tăng cường độ tương phản (CEM)

Chụp ảnh tăng cường độ tương phản (CEM - Contrast Enhanced Mammography) là kỹ thuật chụp hình ảnh tuyến vú nhanh chóng và hiệu quả, kết hợp giữa chụp nhũ ảnh 3D kỹ thuật số (DBT – Digital Breast Tomosynthesis) và chất tương phản tiêm trực tiếp vào tĩnh mạch để phát hiện các khối u ác tính.

CEM là một kỹ thuật hình ảnh mới được ưa chuộng được sử dụng để phát hiện nguy cơ ung thư vú. Kỹ thuật này không chỉ được áp dụng trong việc chẩn đoán mà còn trong tầm soát ung thư vú đối với phụ nữ có nguy cơ trung bình hoặc cao. Với hiệu suất chẩn đoán được đánh giá là gần tương tự như MRI, CEM có thể được xem là giải pháp thay thế tương đương với kỹ thuật chụp MRI.

Chụp nhũ ảnh tăng cường độ tương phản (CEM) là gì? 1
Chụp ảnh tăng cường độ tương phản được áp dụng trong việc chẩn đoán ung thư vú

Tầm soát bằng CEM

Đối với những phụ nữ có mô vú dày đặc, kỹ thuật chụp nhũ ảnh tiêu chuẩn sẽ có độ nhạy ít hơn 30 - 40% so với bình thường. Do vậy, việc tầm soát bằng kỹ thuật CEM được chỉ định thay cho tầm soát ung thư vú hàng năm nếu có:

  • Mô vú dày đặc tuýp C hoặc tuýp D.
  • Không có triệu chứng lâm sàng ở thời điểm hiện tại.
  • Người có nguy cơ trung bình hoặc nguy cơ cao mắc bệnh ung thư vú.

Chẩn đoán bằng CEM

Ngoài việc sử dụng để tầm soát ung thư, kỹ thuật chụp nhũ ảnh tăng cường độ tương phản (CEM) cũng được áp dụng trong các trường hợp sau:

Xác định rõ hơn các phát hiện không thuyết phục khi chụp nhũ ảnh tiêu chuẩn tầm soát.

  • Đánh giá những trường hợp có triệu chứng ở vú.
  • Đánh giá tình trạng bệnh trước khi thực hiện phẫu thuật.
  • Theo dõi sự đáp ứng của bệnh nhân với điều trị tân hỗ trợ.
  • Đánh giá khả năng tái phát của bệnh trên tuyến vú sau khi thực hiện phẫu thuật bảo tồn vú.

Chụp nhũ ảnh tăng cường độ tương phản (CEM) hoạt động như thế nào?

Các khối u trong quá trình phát triển thường sẽ cần được cung cấp máu. Tuy nhiên, các mạch máu tạo ra bởi khối u lại bất thường. Khi chất cản quang được lưu thông qua máu, các mạch máu không bình thường này có thể bị rò rỉ, dẫn đến sự tích tụ của chất cản quang trong khối u với nồng độ vừa đủ để tạo điều kiện cho việc chụp hình.

Chụp nhũ ảnh tăng cường độ tương phản (CEM) là gì? 3
Chất tương phản giúp làm nổi bật tế bào ung thư hơn trong hình ảnh

Tế bào ung thư vú thường có lưu lượng máu lớn hơn, do đó chúng có xu hướng thu hút chất tương phản. Nhờ vậy, chất tương phản giúp làm nổi bật tế bào ung thư hơn trong hình ảnh, so với việc chụp nhũ ảnh thông thường.

Chụp nhũ ảnh tăng cường độ tương phản được chỉ định trong trường hợp nào?

Nghiên cứu đã cho thấy, việc áp dụng chụp nhũ ảnh kỹ thuật tăng cường độ tương phản (CEM) sẽ giúp phát hiện ung thư vú hiệu quả hơn so với phương pháp chụp nhũ ảnh truyền thống và MRI vú. Kỹ thuật CEM có khả năng phát hiện những khối u ung thư vú mà các phương pháp như chụp nhũ ảnh tiêu chuẩn hoặc siêu âm có thể bỏ sót. Trong một số trường hợp, CEM thậm chí có thể thay thế cho MRI vú.

Các trường hợp thường được chỉ định thực hiện kỹ thuật chụp nhũ ảnh tăng cường độ tương phản bao gồm:

  • Những người có nguy cơ cao mắc bệnh ung thư vú do có tiền sử gia đình hoặc yếu tố di truyền.
  • Những trường hợp phát hiện khối u trên phim chụp nhũ ảnh. Lúc này, bác sĩ sẽ chỉ định thực hiện thêm CEM để có đánh giá chính xác hơn về tình trạng bệnh.
  • Người có mô vú dày đặc thuộc tuýp C hoặc D.
  • Những người không tương thích với kỹ thuật chụp cộng hưởng từ MRI vú.
  • Những người đã mắc bệnh ung thư vú và đang tiếp tục quá trình hóa trị trước khi thực hiện phẫu thuật (hóa trị tân hỗ trợ).

Quy trình thực hiện chụp nhũ ảnh tăng cường độ tương phản

Trước và sau khi thực hiện kỹ thuật chụp nhũ ảnh tăng cường độ tương phản (CEM), người bệnh cần tuân thủ theo các hướng dẫn sau đây:

Trước khi thực hiện chụp

CEM là một phương pháp chụp nhũ ảnh đặc biệt, thường được thực hiện sau khi tiêm chất cản quang tia X vào tĩnh mạch (chất tương phản i-ốt). Trước khi thực hiện chụp nhũ ảnh tăng cường độ tương phản, người bệnh cần:

  • Tuân thủ chỉ định nhịn ăn, chỉ uống nước lọc trong khoảng 3 giờ trước khi khám.
  • Cung cấp thông tin về tiền sử bệnh tiểu đường, chức năng thận, cao huyết áp hoặc phản ứng với thuốc cản quang trước đó cho bác sĩ.
  • Đối với những bệnh nhân trên 60 tuổi, cần tiến hành xét nghiệm máu để kiểm tra chức năng thận trước khi chụp.
  • Trước khi chụp CEM, bệnh nhân sẽ được bác sĩ tiêm chất cản quang gốc i-ốt, quá trình này sẽ mất khoảng 15 phút. Sau đó, bệnh nhân sẽ được quan sát trong vòng 30 phút để đảm bảo không có phản ứng dị ứng nào xảy ra.
  • Không cần sự chuẩn bị đặc biệt nào trước khi thực hiện chụp nhũ ảnh tăng cường độ tương phản, bệnh nhân có thể tiếp tục sử dụng thuốc như thường lệ.

Trong quá trình chụp

Sau khi tiêm chất cản quang thông qua ống thông, hai hình ảnh sẽ được chụp liên tiếp ở mức năng lượng cao và thấp bằng kỹ thuật năng lượng kép. Qua đó, một hình ảnh tổng hợp duy nhất sẽ được tạo ra và làm nổi bật các mạch máu bất thường, tương tự như những hình ảnh do MRI tạo ra.

Chụp nhũ ảnh tăng cường độ tương phản (CEM) là gì? 2
Bệnh nhân sẽ thực hiện chụp CEM sau khi tiêm chất cản quang

Sau khi chụp

Sau khi hoàn thành chụp CEM, điều dưỡng hoặc kỹ thuật viên sẽ loại bỏ đường truyền từ tĩnh mạch ở cánh tay và thực hiện băng vết tiêm. Người bệnh cần uống đủ nước (khoảng 6 - 8 ly) trong vòng 24 giờ sau chụp để giúp loại bỏ chất cản quang ra khỏi cơ thể. Nếu vị trí tiêm không còn chảy máu, bệnh nhân có thể tháo băng sau khoảng 1 giờ.

Như vậy, bài viết trên đây đã cung cấp đến bạn những thông tin liên quan đến kỹ thuật chụp nhũ ảnh tăng cường độ tương phản (CEM), bao gồm cả chỉ định và quy trình thực hiện. Có thể thấy, kỹ thuật này cho hiệu quả chẩn đoán chính xác độ rộng ung thư vú mà kỹ thuật chụp nhũ ảnh tiêu chuẩn khó phát hiện được. Hy vọng những chia sẻ này sẽ hữu ích đối với bạn nhé!

Có thể bạn quan tâm

Thông tin và sản phẩm gợi ý trong bài viết chỉ mang tính chất tham khảo, vui lòng liên hệ với Bác sĩ, Dược sĩ hoặc chuyên viên y tế để được tư vấn cụ thể. Xem thêm