Ứng dụng Nhà Thuốc Long Châu

Siêu ưu đãi, siêu trải nghiệm

  1. /
  2. Góc sức khỏe/
  3. Dinh dưỡng/
  4. Thực phẩm dinh dưỡng

Có nên ăn đồ hộp không? Sử dụng đồ hộp sao cho đúng cách?

Ngày 20/02/2024
Kích thước chữ

Đồ hộp là sản phẩm vô cùng tiện lợi, dành cho các bà nội trợ bận rộn. Dưỡng chất trong đồ hộp có bị biến đổi không? Có nên thêm đồ hộp vào chế độ ăn hàng ngày không?

Nhờ hương vị thơm ngon, hấp dẫn, đồ hộp đã trở thành loại thực phẩm yêu thích của nhiều gia đình. Tuy nhiên, nhiều cha mẹ không khỏi lo lắng rằng đồ hộp chứa nhiều chất bảo quản không tốt cho sức khỏe. Vậy có nên ăn đồ hộp không? Thắc mắc này sẽ được Nhà thuốc Long Châu giải đáp qua bài viết dưới đây!

Đồ hộp là gì?

Đồ hộp là một phương pháp bảo quản thực phẩm bằng cách đóng gói chúng trong hộp kín. Với cách này, hương vị và dưỡng chất trong thức ăn vẫn được giữ nguyên trong thời gian dài mà không bị vi khuẩn, nấm mốc xâm nhập, gây ẩm, mốc. Một số loại thực phẩm đóng hộp phổ biến như: Trái cây, rau, đậu, súp, thịt, hải sản,... có thể bảo quản từ 1 - 5 năm.

Tuỳ từng tính chất của thực phẩm mà quy trình đóng hộp sẽ có sự thay đổi khác nhau. Mặc dù vậy, đồ hộp thường bao gồm 3 công đoạn chính là:

  • Chế biến: Rau, củ, quả được gọt vỏ, thái lát, thịt và hải sản được băm nhỏ, rút xương và nấu chín.
  • Đóng hộp: Bảo quản thức ăn trong hộp kín.
  • Tiệt trùng: Làm nóng lại đồ hộp một lần nữa để tiêu diệt hoàn toàn vi khuẩn và ngăn ngừa hư hỏng.
Giải đáp thắc mắc: Có nên ăn đồ hộp không? 1
Đồ hộp là những loại thức ăn được đóng hộp để bảo quản được lâu hơn 

Đồ hộp có bị suy giảm dưỡng chất không?

Trong quá trình đóng hộp, tỷ lệ dưỡng chất trong thực phẩm sẽ tăng hoặc giảm đáng kể. Tuy nhiên, hàm lượng chất dinh dưỡng có trong đồ hộp vẫn tương đương với thực phẩm tươi và đông lạnh.

Đối với những loại thực phẩm chứa nhiều vitamin B và C, bạn cần lưu ý rằng việc xử lý ở nhiệt độ cao sẽ phá huỷ các chất này. Các chất đạm, chất béo, chất khoáng và các loại vitamin tan trong dầu như: Vitamin A, D, E, và K vẫn được giữ lại, song hàm lượng cũng không còn dồi dào và bổ dưỡng như thực phẩm tươi sống.

Tuy nhiên, một nghiên cứu mới đây đã chỉ ra rằng, ăn khoảng 6 hộp thức ăn đóng hộp/tuần có thể cung cấp hàm lượng dưỡng chất nhiều hơn so với người ăn ít hơn 2 hộp/tuần. Đặc biệt, khi được làm nóng, cà chua và ngô sẽ giải phóng nhiều chất chống oxy hóa hơn. Đây là loại dưỡng chất quan trọng, giúp ngăn ngừa sự phát triển của các tế bào ung thư và làm chậm quá trình lão hoá.

Giải đáp thắc mắc: Có nên ăn đồ hộp không? 2
Hàm lượng của dưỡng chất có trong thực phẩm sẽ bị thay đổi khi chịu nhiệt

Có nên ăn thực phẩm đóng hộp không?

Ưu điểm lớn nhất của đồ hộp là tính tiện lợi, cùng giá cả phải chăng. Chúng cũng rất dễ bảo quản, có thể mang theo mọi lúc, mọi nơi. Tuy nhiên, việc có nên ăn thực phẩm đóng hộp hay không còn là câu hỏi vẫn gây ra nhiều tranh cãi. Nguyên nhân là do sản phẩm này mang lại cả lợi ích và tác hại đối với sức khỏe con người. Đó là:

Đồ hộp có thể nhiễm chất BPA

BPA hay Bisphenol-A là một loại hoá chất được sử dụng trong sản xuất bao bì đựng thực phẩm hoặc bao ni lông. Đây được đánh giá là chất làm tăng nguy cơ mắc các bệnh lý nguy hiểm như: Bệnh tim mạch, tiểu đường tuýp 2, rối loạn cương dương, suy giảm ham muốn tình dục,... ở nam giới.

Việc lưu trữ trong hộp kín một thời gian dài có thể khiến chất BPA chuyển sang thực phẩm. Nghiên cứu được thực hiện trên 78 loại đồ hộp đã chỉ ra rằng, có đến 90% sản phẩm có chứa chất BPA.

Theo đó, người tiêu thụ càng nhiều thực phẩm đóng hộp thì càng có nguy cơ cao mắc phải BPA. Nếu ăn đồ hộp liên tiếp trong 5 ngày, mức độ BPA trong nước tiểu của bệnh nhân có thể đạt đến 100%.

Giải đáp thắc mắc: Có nên ăn đồ hộp không? 3
Thực phẩm đóng hộp càng lâu thì càng có nguy cơ nhiễm BPA 

Đồ hộp có thể gây nhiễm độc kim loại

Hộp kim loại là lựa chọn hàng đầu để bảo quản thực phẩm, do nó kín và ít bị hư hỏng khi va đập. Tuy nhiên, thực phẩm chứa nhiều axit hoặc mỡ hoà tan sẽ hấp thụ kim loại rất nhanh. Kim loại ngấm vào thực phẩm và đi vào cơ thể sẽ gây sức ép lên hoạt động của gan. Nó khiến vừa gan khó đào thải độc tố, vừa cản trở quá trình hấp thu khoáng chất của cơ thể.

Đồ hộp có thể chứa vi khuẩn chết người

Đóng hộp thực phẩm cần được thực hiện theo quy trình nghiêm ngặt. Nếu không chế biến đúng cách, vi khuẩn Clostridium botulinum có thể xâm nhập vào gây ô nhiễm thức ăn, dẫn đến ngộ độc nghiêm trọng. Trong trường hợp bệnh nhân tiêu thụ một lượng lớn vi khuẩn vào cơ thể, nó còn có thể gây tê liệt và tử vong.

Mặc dù tình trạng này rất hiếm khi xảy ra, nhưng người tiêu dùng vẫn cần tránh xa những loại đồ hộp đã bị phồng vỏ, rạn nứt hoặc rò rỉ nước ra ngoài.

Đồ hộp chứa nhiều muối, đường và chất bảo quản

Muối, đường và chất bảo quản thường được thêm vào thức ăn để kéo dài thời gian bảo quản. Bởi vậy, những người có tiểu sử bị huyết áp cao được khuyến cáo không nên ăn thức ăn đóng hộp thường xuyên. Đặc biệt, chúng còn làm tăng nguy cơ mắc các bệnh về tim mạch, béo phì và tiểu đường tuýp 2.

Mẹ bầu cũng được khuyến cáo không nên sử dụng đồ hộp trong tháng đầu tiên của thai kỳ. Nguyên nhân là do chất bảo quản trong thực phẩm đóng hộp có thể gây dị tật thai nhi hoặc sảy thai.

Giải đáp thắc mắc: Có nên ăn đồ hộp không? 4
Mẹ bầu và người bị tiểu đường nên xem xét hàm lượng đường có trong đồ hộp 

Sử dụng đồ hộp sao cho đúng cách?

Thực phẩm đóng hộp là loại thực phẩm không thể thiếu trong cuộc sống của con người. Tuy nhiên, không phải loại đồ hộp nào cũng hoàn toàn tốt cho cơ thể. Do đó, các bà nội trợ thông thái nên ghi nhớ kỹ những lưu ý sau trong quá trình lựa chọn và sử dụng đồ hộp:

Khi chọn mua đồ hộp

Dưới đây là những nguyên tắc khi chọn mua thực phẩm đóng hộp:

  • Xem kỹ ngày sản xuất và hạn sử dụng của sản phẩm, tránh mua phải các loại đồ hộp có hạn dưới 1 tháng.
  • Kiểm tra kỹ càng các thông tin quan trọng trên vỏ hộp như: Giá trị dinh dưỡng, thành phần, cách sử dụng và bảo quản. Tốt nhất, bạn nên chọn thực phẩm không có muối sodium hoặc chứa lượng muối thấp.
  • Không mua đồ hộp bị rách bao bì, hở, móp, méo hoặc tẩy xoá các thông tin cần thiết ghi trên sản phẩm.
  • Tránh sử dụng các sản phẩm bị phồng ở thân, đầu hoặc nắp.
  • Nên chọn mua thực phẩm đóng hộp ở những địa chỉ uy tín như: Các cửa hàng, siêu thị lớn.
  • Không mua các loại đồ hộp không rõ nguồn gốc, xuất xứ.
  • Chỉ nên sử dụng đồ hộp từ 1 - 2 lần/tháng.
Giải đáp thắc mắc: Có nên ăn đồ hộp không? 5
Bạn nên chọn mua các loại đồ hộp có hạn sử dụng còn mới 

Khi đã mở nắp hộp

Cách thức bảo quản đồ hộp đã mở nắp có một số điểm khác biệt so với thực phẩm tươi sống:

  • Nên sử dụng thực phẩm đóng hộp trong ngày để tránh vi khuẩn bên ngoài tấn công vào thực phẩm.
  • Đồ hộp đã mở mà dùng không hết thì nên cho vào tủ lạnh.
  • Không nên dùng thực phẩm đóng hộp đã mở nắp quá 24 giờ.

Khi ăn đồ hộp

Cần lưu ý những vấn đề sau:

  • Cần đun sôi và nấu kĩ đồ hộp trước khi sử dụng, ngay cả khi thực phẩm đã được làm chín.
  • Nên ăn kèm thịt hộp với rau, củ và trái cây tươi để cân bằng chất dinh dưỡng, đảm bảo cung cấp đủ chất xơ, vitamin và khoáng chất cho cơ thể.
  • Không nên hâm nóng đồ hộp ở nhiệt độ 70 - 80 độ C vì vỏ hộp kim loại khi gặp nóng sẽ chảy ra và ngấm vào thức ăn. Lúc này, bạn chỉ nên đổ đồ ăn ra ngoài và hâm nóng bằng nồi.

Đồ hộp là lựa chọn tuyệt vời dành cho những người bận rộn, có ít thời gian nấu nướng. Tuy nhiên, bạn hãy cân nhắc kỹ khi chọn mua và sử dụng sản phẩm này để bảo vệ sức khoẻ của bản thân và gia đình nhé! 

Xem thêm: Ăn thực phẩm đóng hộp có tốt không?

Có thể bạn quan tâm

Thông tin và sản phẩm gợi ý trong bài viết chỉ mang tính chất tham khảo, vui lòng liên hệ với Bác sĩ, Dược sĩ hoặc chuyên viên y tế để được tư vấn cụ thể. Xem thêm

Dược sĩ Đại học Nguyễn Tuấn Trịnh

Đã kiểm duyệt nội dung

Từng làm ở Viện ISDS, nhiều năm cộng tác với CDC Thái Nguyên triển khai dự án phòng chống HIV/AIDS, 2 năm cộng tác với WHO.

Xem thêm thông tin