Ứng dụng Nhà Thuốc Long Châu

Siêu ưu đãi, siêu trải nghiệm

  1. /
  2. Góc sức khỏe/
  3. Dinh dưỡng

Con người nhịn đói được bao lâu? Hậu quả của việc nhịn đói kéo dài

Thanh Hương

03/01/2025
Kích thước chữ

Ăn uống là nhu cầu thiết yếu hàng đầu của con người. Vậy con người nhịn đói được bao lâu? Câu hỏi này đã thu hút sự tò mò của nhiều người. Nếu bạn cũng là một trong số đó, hãy cùng Long Châu đi tìm câu trả lời nhé!

Đói khát là một trong những nỗi sợ hãi nguyên thủy của con người. Và con người nhịn đói được bao lâu cho đến nay vẫn là thắc mắc khơi gợi sự tò mò của hầu hết chúng ta? Khả năng chịu đựng của cơ thể trước sự thiếu hụt thức ăn là một vấn đề đã được các nhà khoa học quan tâm từ lâu. Bài viết này sẽ giúp bạn khám phá giới hạn của cơ thể con người khi nhịn đói và tìm hiểu những tác động của việc nhịn ăn kéo dài đến sức khỏe.

Con người nhịn đói được bao lâu?

Theo Archiv für Kriminologie, cơ thể con người có thể tồn tại từ 8 đến 21 ngày mà không có thức ăn và nước uống, tùy thuộc vào lượng mỡ dự trữ, sức khỏe tổng quát và mức độ cung cấp nước. Một số trường hợp đặc biệt có thể lên đến 60 ngày nếu được cung cấp đủ nước. Tuy nhiên, nếu không có nước, cơ thể thường chỉ chịu đựng được 3 - 7 ngày.

Hầu hết các nghiên cứu hiện đại chỉ ra rằng con người có thể nhịn đói từ vài ngày đến vài tuần, thậm chí tới 1 - 2 tháng trong một số trường hợp đặc biệt. Ngày nay, nhiều người áp dụng chế độ nhịn ăn gián đoạn trong một tuần, chỉ uống nước để thanh lọc cơ thể. Trung bình, một người trưởng thành khỏe mạnh có thể sống sót trong khoảng 1 đến 2 tháng nếu chỉ uống nước và không ăn. Tuy nhiên, để đạt được thời gian này, cơ thể phải có đủ lượng mỡ và glycogen dự trữ để chuyển hóa thành năng lượng. Nước là yếu tố thiết yếu, vì cơ thể không thể chịu đựng được khi mất nước quá 3 - 7 ngày, ngay cả khi vẫn nhịn ăn.

Con người nhịn đói được bao lâu? Hậu quả của việc nhịn đói kéo dài 1
Khả năng nhịn đói của mỗi người là khác nhau

Lịch sử đã ghi nhận một số trường hợp sống sót sau thời gian nhịn ăn kéo dài. Chẳng hạn, Mahatma Gandhi, ở tuổi 74, đã nhịn ăn hoàn toàn trong 21 ngày, chỉ uống nước trắng. Ngoài ra, trong cuộc tuyệt thực năm 1981 của các tù nhân chính trị ở Đông Bắc Ireland, có người còn sống đến 73 ngày. Một nghiên cứu trên Tạp chí Y khoa Anh Quốc đã trích dẫn một số cuộc tuyệt thực kết thúc sau 21 đến 40 ngày do xuất hiện các triệu chứng nghiêm trọng, đe dọa tính mạng.

Chưa có nghiên cứu nào đưa ra một con số chính xác về thời gian tối đa mà con người có thể nhịn ăn. Thời gian con người nhịn đói được bao lâu phụ thuộc vào nhiều yếu tố như sức khỏe, lượng mỡ dự trữ, độ tuổi, mức độ hoạt động thể chất, và việc có cung cấp đủ nước hay không.

Sự thích nghi của cơ thể khi chúng ta nhịn đói

Khi chúng ta nhịn đói, cơ thể sẽ tìm cách để thích nghi. Giai đoạn đầu, thường kéo dài từ 6 đến 24 giờ sau khi chúng ta ngừng ăn, cơ thể sử dụng glycogen dự trữ trong gan và cơ để cung cấp năng lượng. Đây là nguồn năng lượng nhanh chóng, nhưng chỉ duy trì được trong thời gian ngắn.

Sau 24 giờ nhịn ăn, cơ thể sử dụng glycogen dự trữ. Từ 2 - 3 ngày tiếp theo, chất béo trở thành nguồn năng lượng chính. Đây là giai đoạn mà chất béo dự trữ trong cơ thể trở thành nguồn cung cấp năng lượng chính, giúp duy trì hoạt động cơ bản của các cơ quan. Giai đoạn này có thể kéo dài hơn nếu cơ thể có lượng mỡ dự trữ lớn.

Con người nhịn đói được bao lâu? Hậu quả của việc nhịn đói kéo dài 2
Việc nhịn đói kéo dài có thể gây hại nghiêm trọng cho sức khỏe

Giai đoạn cuối xảy ra khi nguồn chất béo cạn kiệt. Lúc này, cơ thể bắt đầu phân hủy protein từ cơ và các cơ quan để duy trì sự sống. Đây là giai đoạn nguy hiểm, vì sự chuyển hóa protein có thể gây suy giảm chức năng của các cơ quan quan trọng như tim và gan, dẫn đến tử vong nếu không được can thiệp kịp thời.

Yếu tố ảnh hưởng đến việc con người nhịn đói được bao lâu

Con người nhịn đói được bao lâu phụ thuộc vào nhiều yếu tố, bao gồm yếu tố sinh lý, môi trường, và tâm lý. Về mặt sinh lý, lượng mỡ dự trữ trong cơ thể đóng vai trò quan trọng. Lý do là vì chất béo là nguồn năng lượng chính trong giai đoạn nhịn đói kéo dài. Những người có lượng mỡ dự trữ cao có thể nhịn đói lâu hơn.

Tình trạng sức khỏe tổng quát cũng ảnh hưởng lớn đến khả năng nhịn đói của một người. Những người khỏe mạnh thường có khả năng chống chịu tốt hơn so với người mắc bệnh hoặc suy dinh dưỡng. Ngoài ra, tuổi tác và giới tính cũng là yếu tố quyết định. Trẻ em và người lớn tuổi thường dễ bị ảnh hưởng hơn do khả năng thích nghi của cơ thể kém. Trong khi đó, nam giới thường có khối lượng cơ lớn hơn, giúp duy trì năng lượng lâu hơn trong một số trường hợp.

Yếu tố môi trường cũng tác động mạnh đến khả năng nhịn đói. Nhiệt độ và độ ẩm môi trường ảnh hưởng đến tình trạng mất nước và tốc độ tiêu hao năng lượng. Trong môi trường nóng, cơ thể dễ mất nước và chất điện giải, làm giảm khả năng sống sót khi nhịn đói. Ngược lại, thời tiết lạnh đòi hỏi cơ thể đốt nhiều năng lượng hơn để duy trì thân nhiệt.

Con người nhịn đói được bao lâu? Hậu quả của việc nhịn đói kéo dài 3
Con người nhịn đói được bao lâu cũng phụ thuộc vào nhiều yếu tố

Cảm xúc và mức độ căng thẳng có thể ảnh hưởng đến khả năng chịu đựng. Những người có tâm lý vững vàng thường duy trì khả năng nhịn đói lâu hơn. Trong khi đó, căng thẳng hoặc lo lắng có thể làm giảm hiệu suất thích nghi của cơ thể.

Ngoài ra, hoạt động thể chất cũng là một yếu tố không thể bỏ qua. Người vận động nhiều tiêu tốn năng lượng nhanh hơn, khiến thời gian nhịn đói bị rút ngắn. Sự kết hợp của tất cả các yếu tố trên đây quyết định giới hạn nhịn đói của từng người.

Ảnh hưởng của việc nhịn đói kéo dài

Nhịn đói kéo dài gây ra nhiều ảnh hưởng nghiêm trọng đối với cơ thể. Ban đầu, người nhịn đói có thể chỉ gặp triệu chứng mệt mỏi, hoa mắt, buồn nôn, chóng mặt,... Khi cơ thể không được cung cấp năng lượng, hạ đường huyết mạnh gây ra cảm giác yếu đuối và rối loạn tâm thần. Càng kéo dài, các triệu chứng càng nặng nề hơn, chẳng hạn như rối loạn nhịp tim, mất cơ và suy giảm khả năng miễn dịch.

Ảnh hưởng đến các cơ quan trong cơ thể rất rõ rệt khi nhịn ăn kéo dài. Gan và thận, vốn đảm nhận chức năng chuyển hóa và lọc thải, phải làm việc quá mức để duy trì sự sống. Điều này khiến chúng bị suy giảm chức năng nghiêm trọng. Cơ tim và cơ bắp bị teo lại khi cơ thể chuyển sang phân hủy protein để lấy năng lượng. Đồng thời, hệ tiêu hóa gần như ngừng hoạt động sẽ dẫn đến các vấn đề như suy giảm enzyme tiêu hóa và khả năng hấp thụ kém khi quay lại ăn uống.

Con người nhịn đói được bao lâu? Hậu quả của việc nhịn đói kéo dài 4
Nhịn ăn kéo dài có nguy cơ cao dẫn đến tử vong

Nguy cơ lớn nhất của việc nhịn ăn kéo dài là tử vong. Khi cơ thể cạn kiệt hoàn toàn năng lượng dự trữ, các cơ quan quan trọng như tim, não, và phổi không còn hoạt động hiệu quả, dẫn đến suy đa tạng và tử vong. Đặc biệt, mất nước trong quá trình nhịn ăn làm tăng tốc độ suy sụp của cơ thể. Vì vậy, nhịn ăn kéo dài không chỉ gây hại mà còn có thể dẫn đến hậu quả không thể khắc phục nếu không được giám sát và can thiệp y tế kịp thời.

Tóm lại, con người nhịn đói được bao lâu phụ thuộc vào nhiều yếu tố như tuổi tác, giới tính, sức khỏe, lượng mỡ dự trữ, điều kiện môi trường, tâm lý. Người có dự trữ mỡ cao, uống đủ nước và có sức khỏe tốt có thể chịu đựng nhịn ăn lâu hơn so với người gầy yếu hoặc bệnh lý nền. Mặc dù cơ thể có khả năng thích nghi với tình trạng thiếu thức ăn, nhưng việc nhịn ăn quá lâu có thể gây ra nhiều hệ lụy nghiêm trọng cho sức khỏe. Vì vậy, việc duy trì một chế độ ăn uống cân bằng và khoa học là vô cùng quan trọng để đảm bảo sức khỏe tốt nhất.

Có thể bạn quan tâm

Thông tin và sản phẩm gợi ý trong bài viết chỉ mang tính chất tham khảo, vui lòng liên hệ với Bác sĩ, Dược sĩ hoặc chuyên viên y tế để được tư vấn cụ thể. Xem thêm

Dược sĩ Đại họcNguyễn Vũ Kiều Ngân

Đã kiểm duyệt nội dung

Tốt nghiệp Đại học Y Dược TP. Hồ Chí Minh. Có nhiều năm trong lĩnh vực dược phẩm. Hiện đang là giảng viên cho Dược sĩ tại Nhà thuốc Long Châu.

Xem thêm thông tin