Ứng dụng Nhà Thuốc Long Châu

Siêu ưu đãi, siêu trải nghiệm

Long Châu
  1. /
  2. Góc sức khỏe/
  3. Phòng bệnh & Sống khoẻ

Cúm mùa và các cách phòng tránh bạn cần biết

Ngày 30/12/2019
Kích thước chữ

Cảm cúm hay cúm mùa là bệnh thường gặp có thể phòng ngừa, thường bị nhầm lẫn với cảm lạnh thông thường. Tuy nhiên, diễn biến của cảm cúm rất khó lường, thậm chí dẫn tới biến chứng và tử vong.

Cúm là bệnh do virus cấp tính đường hô hấp gây ra trên người và động vật có thể để lại nhiều biến chứng nguy hiểm, thậm chí gây tử vong nhanh nếu không điều trị kịp thời. Cúm có khả năng lây truyền khủng khiếp, được xếp vào một trong những căn bệnh đáng sợ nhất thế giới khi bùng phát thành dịch.

Cúm mùa và các cách phòng tránh bạn cần biếtCúm là bệnh do virus cấp tính đường hô hấp gây ra trên người và động vật

Bệnh cúm là gì?

Cúm là bệnh nhiễm trùng đường hô hấp cấp tính có tính lây lan mạnh do các chủng virus cúm gây nên. Chủng virus cúm có 3 loại A, B và C. Chủng cúm hay gặp ở người là cúm A, cúm B và ở Việt Nam gọi là cúm mùa.

Đây là loại virus hay thay đổi tính chất kháng nguyên nên có thể bị tái phát bệnh nhiều lần. Do đó, vai trò của việc tiêm chủng hàng năm từ 1 - 2 lần là rất quan trọng.

Các chủng cúm A, cúm B đều lây lan từ người sang người qua đường hô hấp, các giọt nước bọt hay dịch tiết mũi họng khi người bệnh ho, hắt hơi, hoặc lây qua tiếp xúc với một số đồ vật có chứa virus rồi qua bàn tay đưa lên mắt, mũi, miệng.

Triệu chứng bệnh cúm

Ban đầu, cúm có vẻ giống như cảm lạnh thông thường với sổ mũi, hắt hơi và đau họng. Nhưng cảm lạnh thường phát triển chậm, trong khi cúm có xu hướng xuất hiện đột ngột.

Người dân hay gọi là bệnh cảm cúm, tuy nhiên 2 căn bệnh này khác nhau nhưng do dễ bị nhầm lẫn do các triệu chứng khá giống nhau, thường thì người bệnh tự điều trị theo kinh nghiệm truyền miệng mà ít khi đi đến bệnh viện.

Các triệu chứng điển hình của bệnh cúm bao gồm: Sốt trên 38oC, đau cơ bắp, ớn lạnh, đau đầu, ho khan, mệt mỏi, nghẹt mũi, viêm họng.

Cúm mùa và các cách phòng tránh bạn cần biết 2Sốt trên 38oC cùng với dấu hiệu đau nhức cơ thể là các triệu chứng của bệnh cúm

Đối tượng nào dễ mắc cúm?

Cúm là bệnh hết sức phổ biến, bất cứ ai cũng có thể mắc phải. Cúm có thể diễn tiến với các triệu chứng từ nhẹ đến nghiêm trọng, đặc biệt là các đối tượng:

  • Trẻ em, đặc biệt là trẻ dưới 5 tuổi;
  • Người lớn, đặc biệt là người trên 65 tuổi;
  • Phụ nữ mang thai;
  • Người bị suy giảm hệ miễn dịch;
  • Người bị béo phì nặng;
  • Người có các bệnh lý mãn tính như hen, bệnh phổi mạn tính, bệnh tim mạch, HIV/AIDS hoặc ung thư…
  • Ngoài ra, những người làm việc tại môi trường đông người như bệnh viện, trường học và công sở là những đối tượng có nguy cơ mắc và lây truyền bệnh cúm rất cao.

Biến chứng của cúm

Cúm thường diễn ra quanh năm, có những dấu hiệu dễ nhầm lẫn với cảm thông thường nên rất nhiều người xem nhẹ. Chính vì sự chủ quan không điều trị hoặc điều trị quá muộn đã khiến bệnh chuyển nặng, gây biến chứng nguy hiểm như viêm phổi, suy hô hấp. Cúm còn là khởi nguồn của các bệnh: viêm tai giữa, viêm xoang, viêm đường tiết niệu… nếu không điều trị kịp thời.

Phụ nữ mang thai nhiễm cúm trong 3 tháng đầu có khả năng sảy thai, thai lưu hoặc dị tật thai nhi. Nếu không may mắc cúm trong thời gian mang thai, phụ nữ nên theo dõi sự phát triển của thai nhi bằng cách khám thai và siêu âm mỗi 2 tuần trong 2 tháng đầu và tiếp tục khám thai định kỳ sau đó. Thực hiện tất cả các xét nghiệm cần thiết theo chỉ định của bác sĩ.

Biến chứng nguy hiểm nhất của cúm là hội chứng Reye (gây sưng phù ở gan và não). Mặc dù đây là hội chứng hiếm gặp nhưng rất nghiêm trọng, tỷ lệ tử vong cao. Hội chứng này thường hay gặp nhất ở trẻ em từ 2-16 tuổi. Reye xuất hiện chỉ sau vài ngày bị cúm, khi các triệu chứng có dấu hiệu giảm dần, trẻ đột nhiên nôn mửa, chuyển sang mê sảng, co giật đi vào hôn mê sâu rồi tử vong.

Phòng ngừa bệnh cúm như thế nào?

Cúm mùa và các cách phòng tránh bạn cần biết 3Chích ngừa cúm là biện pháp hữu hiệu phòng ngừa bệnh cúm ở người

Để phòng bệnh cúm mùa, nên tạo thói quen thường xuyên rửa tay bằng nước sạch và xà phòng; che miệng khi ho hoặc hắt hơi; tránh tiếp xúc với người nghi ngờ nhiễm bệnh; giữ gìn vệ sinh thân thể và môi trường sống tốt; mang khẩu trang y tế đến nơi có đông người như bệnh viện, siêu thị, công viên…

Tiêm vắc xin phòng bệnh là biện pháp hiệu quả nhất để phòng ngừa cúm. Báo cáo của các nhà khoa học tại Canada chỉ ra rằng, vắc xin cúm có thể làm giảm tới 50% nguy cơ đau tim, đột quỵ và tử vong vì các bệnh liên quan đến tim mạch.

Vắc xin ngừa cúm có khả năng tạo ra kháng thể chủ động bảo vệ cơ thể trước sự tấn công của virus cúm. Khả năng bảo vệ của vắc xin cúm sau khi tiêm ngừa lên đến 97%. Phụ nữ chuẩn bị mang thai hoặc đang mang thai nên tiêm vắc xin cúm để bảo vệ an toàn cho cả mẹ và con trong suốt thai kỳ, cũng như bảo vệ con sau sinh trong 6 tháng đầu khi trẻ chưa đến tuổi được tiêm phòng vắc xin cúm.

Mẫn Mẫn

Có thể bạn quan tâm

Thông tin và sản phẩm gợi ý trong bài viết chỉ mang tính chất tham khảo, vui lòng liên hệ với Bác sĩ, Dược sĩ hoặc chuyên viên y tế để được tư vấn cụ thể. Xem thêm

Dược sĩ Đại họcTừ Vĩnh Khánh Tường

Đã kiểm duyệt nội dung

Tốt nghiệp Khoa Dược trường Đại học Võ Trường Toản. Có nhiều năm kinh nghiệm trong ngành Dược. Hiện đang là giảng viên cho Dược sĩ tại Nhà thuốc Long Châu.

Xem thêm thông tin