Ứng dụng Nhà Thuốc Long Châu

Siêu ưu đãi, siêu trải nghiệm

Long Châu
  1. /
  2. Góc sức khỏe/
  3. Phòng bệnh & Sống khoẻ

Cười hở lợi là gì? Cải thiện tình trạng cười hở lợi như thế nào?

Ngày 27/09/2022
Kích thước chữ

Cười hở lợi là tình trạng răng miệng phổ biến ở nhiều người. Tuy tình trạng cười hở lợi không gây ảnh hưởng trực tiếp tới sức khỏe người mắc nhưng lại gây mất thẩm mỹ cũng như gây bất tiện trong sinh hoạt và giao tiếp hàng ngày. Vậy cười hở lợi là gì? Có thể cải thiện tình trạng cười hở lợi như thế nào?

Cười hở lợi là tình trạng gặp phải khi vùng nướu hàm trên bị lộ ra quá 2mm khi cười. Điều này gây ra bởi sự bất thường về cấu trúc môi trên, răng trên và xương hàm. Cười hở lợi sẽ gây mất thẩm mỹ và bất tiện, đặc biệt với đối tượng có công việc cần giao tiếp nhiều. Vật cười hở lợi là gì? Phương pháp nào hiệu quả nhất để cải thiện tình trạng này?

Cười hở lợi là gì?

Cười hở lợi là hiện tượng khi cười làm vùng nướu ở hàm trên bị lộ ra quá nhiều. Điều này có thể gây mất thẩm mỹ, khiến nụ cười trở nên kém thu hút và khiến người mắc cảm thấy bất tiện, tự ti và mất tự nhiên. Một nụ cười được đánh giá là hở lợi nếu người đó cười tối đa và bị lộ nướu quá 2mm.

Nguyên nhân gây cười hở lợi có thể tới từ cấu trúc của xương và cơ miệng, cụ thể:

  • Do thân răng trên ngắn: Điều này gây ra bởi tình trạng rối loạn mọc răng khiến răng phát triển không hoàn toàn mà mọc bị ngắn, vuông gây cười hở lợi.
  • Cấu trúc môi trên ngắn: Chiều dài của môi trên ngắn khiến môi không thể che phần lợi ở động tác cười gây tình trạng lộ nướu khi cười, cũng như không khép kín được môi ở tư thế nghỉ.
  • Phì đại cơ nâng môi trên: Cơ nâng môi trên hay cơ vòng môi không được phát triển hoàn toàn, khiến mỗi khi cười thì cơ nâng môi sẽ bị kéo lên quá cao gây tình trạng cười hở lợi.
  • Cười hở lợi do quá phát xương hàm trên: Sự phát triển và đưa ra trước của xương hàm trên khiến nướu bị lộ khi cười, đồng thời răng cũng bị hô ra trước tạo kiểu mặt nhô.
Cười hở lợi là gì? Có thể cải thiện tình trạng cười hở lợi như thế nào? 1 Cười hở lợi là tình trạng không hiếm gặp

Các mức độ cười hở lợi

Theo diện tích nướu bị lộ, cười hở lợi được chia theo 4 mức độ, cụ thể:

  • Cười hở lợi độ nhẹ: Khi cười, nướu bị lộ ít hơn 25% chiều dài của răng và dài hơn 3mm.
  • Cười hở lợi độ trung bình: Biểu hiện khi cười, mô nướu bị lộ ít hơn 50% và nhiều hơn 25% chiều dài của răng cửa.
  • Cười hở lợi độ nặng: Trường hợp khi cười, lợi bị lộ ra ít hơn 100% và nhiều hơn 50% chiều dài của răng cửa.
  • Cười hở lợi rất nặng: Khi này, mô nướu bị lộ nhiều hơn toàn bộ chiều dài của răng cửa.

Hữu ích: Má lúm đồng tiền

Có thể cải thiện tình trạng cười hở lợi như thế nào?

Cười hở lợi gây mất thẩm mỹ và gây bất tiện nhiều cho người mắc. Điều này có thể ảnh hưởng trực tiếp tới cuộc sống hàng ngày và giao tiếp xã hội của họ. Phương pháp điều trị cười hở lợi tối ưu nhất là phẫu thuật thẩm mỹ. Tùy theo nguyên nhân cấu trúc gây nên cười hở lợi mà bác sĩ sẽ chỉ định phương pháp phẫu thuật khác nhau.

Do thân răng ngắn

Trường hợp này sẽ phù hợp với phẫu thuật tái tạo làm dài thân răng, đây cũng là phương pháp phổ biến nhất. Phẫu thuật sẽ được tiến hành bằng cách đẩy lùi nướu về phía chân răng hoặc cắt đi một phần nướu. Ngoài ra, một số trường hợp sẽ cần thực hiện thêm chỉnh sửa ổ răng xương hàm trên nếu cần. Kỹ thuật này sẽ giúp chiều dài thân răng đồng đều với độ dài môi trên, phần nướu được kéo lên trên tạo nụ cười đẹp, không bị lộ lợi.

Cười hở lợi là gì? Có thể cải thiện tình trạng cười hở lợi như thế nào? 2 Cười hở lợi gây ra do thân răng bị ngắn

Do môi trên ngắn

Phẫu thuật kéo dài môi trên sẽ là kỹ thuật hiệu quả giúp cải thiện trường hợp này. Bản chất của phương pháp này là tác động lên vùng môi trên giúp môi có kích thước dài hơn hiện tại, từ đó che được vùng lợi bị hở.

Bạn cũng có thể xử trí trường hợp môi trên ngắn bằng cách tiêm botox. Tuy nhiên, bạn sẽ cần tiêm nhắc lại mũi botox sau mỗi 3 tới 6 tháng.

Người mắc bị phì đại cơ nâng môi trên

Thông thường, biên độ di động của cơ nâng môi trên khoảng 7cm, nếu môi trên di chuyển lớn hơn biên độ này sẽ gây hiện tượng cười hở lợi. Vì vậy, người mắc sẽ cần thực hiện phẫu thuật tái định vị môi trên giúp thu hẹp ngách tiền đình hàm trên. 

Vùng tác động của phẫu thuật này sẽ kéo dài từ răng thứ 6 bên trái tới răng thứ 6 bên phải. Bản chất của phẫu thuật này là cắt đi các nhóm cơ nâng môi đồng thời khâu cố định môi trên, giúp gọn diện tích hở lợi tới 3 - 7mm.

Tuy nhiên, cần chú ý kỹ thuật này có thể gây tái phát hở lợi trong khoảng 1 năm nên bạn cần cân nhắc kỹ và tham khảo ý kiến từ bác sĩ chuyên khoa.

Quá phát xương hàm trên

Đây là trường hợp bất thường giải phẫu khó giải quyết nhất vì người bệnh không chỉ gặp tình trạng cười hở lợi mà còn gặp phải hiện tượng răng bị hô ra phía trước.

Trường hợp quá phát xương hàm trên thường sẽ được chỉ định phẫu thuật tạo hình xương ổ. Nếu cười hở lợi mức độ nhẹ thì bác sĩ sẽ kéo lùi xương hàm trên lên giảm lộ lợi và giảm hô. Trong trường hợp lộ nướu độ nặng, bác sĩ sẽ cần tiến hành di chuyển xương hàm trên để cải thiện thẩm mỹ. Phương pháp này cho kết quả rất tốt, cải thiện thẩm mỹ hoàn thiện. Tuy nhiên, phương pháp phẫu thuật tạo hình ổ xương thường cần điều trị phối hợp với kỹ thuật cắt nướu sau chỉnh nha và bọc răng sứ khiến chi phí tăng cao.

Những ngày đầu sau khi thực hiện phẫu thuật, bạn sẽ cần cẩn thận trong cách ăn uống, hạn chế ăn đồ cứng và đồ ngọt đồng thời vệ sinh răng miệng đúng cách.

Cười hở lợi là gì? Có thể cải thiện tình trạng cười hở lợi như thế nào? 3 Trường hợp quá phát xương hàm trên thường cần kết hợp nhiều kỹ thuật phức tạp

Lưu ý sau phẫu thuật cười hở lợi

Sau khi thực hiện phẫu thuật, bạn cần chú ý nhiều trong cách sinh hoạt và ăn uống để tránh tình trạng chảy máu sau phẫu thuật và những biến chứng khác. Nếu bạn gặp phải tình trạng mũi khâu bị bung chỉ, vị trí phẫu thuật bị rỉ máu trở lại, hãy sử dụng một miếng gạc sạch, ấn với lực mạnh vừa phải vào vùng chảy máu và liên hệ ngay với bác sĩ điều trị.

Mấy ngày đầu sau mổ, bạn có thể gặp phải sưng nề và đau. Tuy nhiên, tình trạng này sẽ đỡ dần và vết thương sẽ lành trong khoảng 1 đến 2 tuần. Nếu cần, bác sĩ sẽ kê thêm một số loại thuốc giảm đau và chống phù nề giúp bạn dễ chịu hơn.

Sau 1 tuần, bạn cần đi khám lại để bác sĩ kiểm tra vùng mổ và cắt chỉ. Lưu ý vệ sinh sạch sẽ, nhẹ nhàng với nước sát khuẩn. Trong vòng 1 đến 2 tuần sau mổ, bạn chỉ nên ăn những món ăn mềm, cháo ấm, nước lọc… Tránh để hàm răng di chuyển và vận động quá mạnh.

Trên đây là bài viết của nhà thuốc Long Châu về câu hỏi “Cười hở lợi là gì”. Hy vọng với bài viết, bạn có thể biết được những thông tin cơ bản về chủ đề này. Cười hở lợi là tình trạng gặp phải ở rất nhiều người. Điều này gây mất thẩm mỹ và làm người mắc mất tự tin vào nụ cười của mình. Phương pháp tốt nhất để điều trị cười hở lợi đó là phẫu thuật. Tùy theo mức độ của tình trạng lộ lợi cũng như bất thường cấu trúc gây cười hở lợi mà bác sĩ sẽ tư vấn những phương pháp phẫu thuật khác nhau.

Ánh Vũ

Nguồn tham khảo: Tổng hợp

Có thể bạn quan tâm

Thông tin và sản phẩm gợi ý trong bài viết chỉ mang tính chất tham khảo, vui lòng liên hệ với Bác sĩ, Dược sĩ hoặc chuyên viên y tế để được tư vấn cụ thể. Xem thêm

Dược sĩ Đại học Nguyễn Tuấn Trịnh

Đã kiểm duyệt nội dung

Từng làm ở Viện ISDS, nhiều năm cộng tác với CDC Thái Nguyên triển khai dự án phòng chống HIV/AIDS, 2 năm cộng tác với WHO.

Xem thêm thông tin