Ứng dụng Nhà Thuốc Long Châu

Siêu ưu đãi, siêu trải nghiệm

Long Châu
  1. /
  2. Góc sức khỏe/
  3. Phòng bệnh & Sống khoẻ/
  4. Kiến thức y khoa

Đặc điểm giải phẫu xương vai: Vị trí, cấu tạo và chức năng

Ngày 15/07/2024
Kích thước chữ

Xương vai là một cấu trúc linh hoạt và mạnh mẽ, kết nối cánh tay với thân mình. Vai là bộ phận có khả năng cử động linh hoạt và hoạt động nhiều nhất trong cơ thể. Vì vậy, người bệnh nên tìm hiểu về giải phẫu xương vai, chức năng và các vấn đề liên quan để có kế hoạch chăm sóc phù hợp.

Xương vai không chỉ kết nối cánh tay với thân mình mà còn đóng vai trò quan trọng trong việc duy trì sự ổn định và khả năng vận động. Nhà thuốc Long Châu đã tổng hợp chi tiết về giải phẫu xương vai trong bài viết dưới đây. Hy vọng giúp bạn đọc có cái nhìn tổng thể và bảo vệ sức khỏe bản thân.

Tổng quan xương vai

Vai của con người là khớp di động nhất trong cơ thể. Khả năng di động này cung cấp cho chi trên phạm vi chuyển động cực lớn bao gồm khép, dạng, gấp, duỗi, xoay trong, xoay ngoài và quay 360 độ theo mặt phẳng đứng. Ngoài ra, vai còn cho phép xương bả vai co, rút, nâng và hạ. Tuy nhiên, phạm vi chuyển động rộng này cũng làm cho khớp vai không ổn định. Sự không ổn định này được bù đắp bởi các cơ chóp xoay, gân, dây chằng và vành ổ chảo.

Đặc điểm giải phẫu xương vai: Vị trí, cấu tạo và chức năng
Vai của con người là khớp di động nhất trong cơ thể

Đặc điểm giải phẫu xương vai

Vị trí xương vai

Vai là một khớp nối hình cầu, có nhiệm vụ kết nối cánh tay với thân mình. Xương vai bao gồm ba loại xương: Xương bả vai, xương cánh tay trên và xương đòn. Các xương ở vai tạo thành một hình tam giác, nằm ngay bên dưới cổ và kết nối với cơ thể để thực hiện nhiều nhiệm vụ như:

  • Di chuyển và xoay cánh tay.
  • Nâng trọng lượng lên cao.
  • Đưa tay ra sau lưng hoặc ra phía trước cơ thể.

Xương vai, đặc biệt là xương đòn (xương quai xanh) được gắn vào khớp vai một cách tương đối lỏng lẻo để giúp vai di chuyển linh hoạt. Tuy nhiên, điều này cũng làm tăng nguy cơ gãy xương và các chấn thương vai khác.

Giải phẫu cấu tạo xương vai

Vai được cấu tạo từ ba xương: Xương đòn, xương bả vai và xương cánh tay trên. Những xương này kết hợp với nhau tạo thành khớp vai, giúp hỗ trợ khả năng vận động và cho phép cánh tay hoạt động linh hoạt. Cụ thể, các xương quan trọng ở vai bao gồm:

Xương bả vai

Xương bả vai là một xương lớn, phẳng, có hình tam giác, nằm giữa xương cánh tay trên và xương đòn. Xương này nằm ở phía sau cơ thể và liên kết với một số cơ bắp tay bao gồm cơ delta và gân cơ nhị đầu. Do vị trí của nó bên dưới cơ, xương bả vai cũng chứa một số hạch bạch huyết. Mạng lưới bạch huyết này giúp thoát nước và cân bằng các chất lỏng trong cơ thể.

Xương bả vai chịu trách nhiệm cho nhiều chuyển động hàng ngày và giúp chi trên linh hoạt hơn. Sự co thắt của xương bả vai hỗ trợ chuyển động của cơ ngực ra phía trước và phía sau. Độ cao và độ lõm của xương bả vai giúp vai di chuyển lên và xuống chẳng hạn như khi nhún vai.

Xương bả vai là một xương tương đối chắc và mạnh nên gãy xương ở vị trí này rất hiếm. Tuy nhiên, các dây chằng xung quanh dễ bị tổn thương, dẫn đến đau nhẹ và hạn chế phạm vi chuyển động của vai.

Đặc điểm giải phẫu xương vai 2
Nắm được giải phẫu xương vai giúp chẩn đoán và điều trị bệnh hiệu quả

Xương cánh tay trên

Xương cánh tay trên nằm giữa vai và xương khuỷu tay. Đây là một xương dài và dễ bị gãy do phản xạ chống đỡ khi bị té ngã, chấn thương hoặc khi cố gắng chống đỡ một cuộc tấn công.

Xương cánh tay trên là xương dài nhất của cánh tay, bao gồm ba phần chính:

  • Xương gần vai: Phần đầu của xương cánh tay, kết nối trực tiếp với vai.
  • Thân hoặc trục xương: Phần giữa của xương cánh tay.
  • Xương xa vai: Phần dưới cùng của xương cánh tay, nằm gần khuỷu tay.

Xương cánh tay trên có hai chức năng quan trọng là chuyển động và hỗ trợ. Cụ thể, chức năng của xương cánh tay bao gồm:

  • Xoay khớp vai.
  • Đưa tay ra khỏi cơ thể.
  • Hạ cánh tay trở về cơ thể.
  • Di chuyển cánh tay về phía trước hoặc sau cơ thể.
  • Duỗi thẳng và uốn cong khuỷu tay.

Gãy xương cánh tay là một vấn đề phổ biến. Nguyên nhân thường do một cú đánh trực tiếp vào cánh tay, thường xảy ra trong các tình huống như bị tấn công, chơi thể thao hoặc tai nạn giao thông. Ngoài ra, xương cánh tay cũng có thể bị gãy khi ngã nếu cánh tay được mở rộng.

Xương đòn

Xương đòn, hay còn gọi là xương quai xanh, là một xương dài (khoảng 15 cm) và mỏng, nằm giữa vai và đỉnh của lồng ngực. Xương đòn có vai trò nâng đỡ và giữ cho cánh tay cố định khi di chuyển ra xa cơ thể.

Xương đòn có kết cấu cong, nằm ngay phía trên xương sườn đầu tiên và hoạt động như một thanh chống để ổn định vai. Ở nam giới, xương đòn thường dài và to hơn so với nữ giới. Đồng thời, xương đòn bên trái thường dài hơn nhưng yếu hơn so với xương đòn bên phải.

Xương đòn có phạm vi di chuyển rộng, do đó rất dễ bị trật khớp và gãy. Gãy xương đòn dễ dàng nhận biết vì xương nằm ngay dưới da và khi gãy thường gây ra biến dạng có thể thấy bằng mắt thường.

Chức năng của xương vai

Các xương và khớp ở vai cho phép vai di chuyển trong một phạm vi rộng, làm cho vai trở thành một trong những khớp cơ động nhất trong cơ thể người. Chức năng chính của vai là tạo ra sự vận động của cơ thể, bao gồm:

  • Xoay.
  • Nâng lên phía trước và phía sau cơ thể.
  • Di chuyển 360 độ.
  • Đưa cánh tay ra xa khỏi cơ thể hoặc khép cánh tay vào cơ thể.

Vì vai có phạm vi di chuyển rộng và thực hiện nhiều hoạt động linh hoạt, điều này khiến cho vai dễ không ổn định, dễ bị chấn thương hoặc trật khớp.

Đặc điểm giải phẫu xương vai  3
Các xương và khớp tại vai giúp vai thực hiện các cử động như xoay khép, dạng gấp...

Các vấn đề thường gặp ở vai

Vai là một trong những cấu trúc phức tạp và lớn nhất trong cơ thể. Với tính cơ động cao, vai rất dễ bị chấn thương và chịu ảnh hưởng của nhiều bệnh lý cơ xương khớp khác nhau. Cụ thể, các vấn đề sức khỏe thường gặp ở vai bao gồm: Gãy xương đòn, gãy xương gần cánh tay trên, gãy xương bả vai, trật khớp vai, viêm quanh khớp vai, thoái hóa khớp vai, viêm khớp dạng thấp, gout và nhiều vấn đề khác.

Để hạn chế và phòng ngừa các chấn thương vai, bạn có thể tham khảo một số biện pháp bảo vệ sau:

  • Sử dụng ghế có điểm tựa lưng khi ngồi làm việc để hỗ trợ lưng và vai. Đồng thời, ngồi ở tư thế chính xác, giữ thẳng cột sống để tránh các vấn đề xương khớp.
  • Nghỉ ngơi và di chuyển xung quanh ít nhất một lần mỗi giờ.
  • Sử dụng các kỹ thuật phù hợp khi nâng các vật nặng. Khi nâng, cần giữ thẳng lưng và uốn cong đầu gối để tránh gây tổn thương cho lưng và vai.
  • Thực hiện các bài tập tăng cường để cải thiện sức mạnh của các cơ và xương ở vai.
Đặc điểm giải phẫu xương vai 4
Trật khớp vai là một trong những vấn đề thường gặp ở vai khi hoạt động quá mức

Tóm lại, vai là một trong những khớp và xương lớn nhất trong cơ thể, hỗ trợ việc di chuyển cánh tay và khả năng vận động cơ bản như đưa tay ra khỏi cơ thể, hạ tay vào cơ thể hoặc xoay vai-cánh tay. Để giữ cho vai luôn khỏe mạnh, hãy áp dụng tư thế hoạt động chính xác và thực hiện các bài tập tăng cường. Nếu có dấu hiệu chấn thương vai, bạn nên đến bệnh viện để được chẩn đoán và hướng dẫn biện pháp xử lý phù hợp.

Có thể bạn quan tâm

Thông tin và sản phẩm gợi ý trong bài viết chỉ mang tính chất tham khảo, vui lòng liên hệ với Bác sĩ, Dược sĩ hoặc chuyên viên y tế để được tư vấn cụ thể. Xem thêm

Dược sĩ Đại họcNguyễn Thanh Hải

Tốt nghiệp Đại học Dược Hà Nội, với hơn 10 năm kinh nghiệm trong lĩnh vực Dược phẩm. Hiện là giảng viên giảng dạy các môn Dược lý, Dược lâm sàng,...

Xem thêm thông tin