Ứng dụng Nhà Thuốc Long Châu

Siêu ưu đãi, siêu trải nghiệm

Long Châu
  1. /
  2. Góc sức khỏe/
  3. Phòng bệnh & Sống khoẻ

Đau đầu mệt mỏi: Nguyên nhân, cách điều trị và phòng ngừa hiệu quả

Ngày 07/09/2024
Kích thước chữ

Đau đầu mệt mỏi là trạng thái sức khỏe có thể xảy ra ở bất kỳ độ tuổi hay ngành nghề nào. Mặt khác, đây cũng là triệu chứng phổ biến của nhiều bệnh lý khác nhau. Tình trạng này kéo dài không chỉ ảnh hưởng đến chất lượng cuộc sống mà còn trở thành vấn đề đáng lo ngại. Chính vì vậy, bạn không nên chủ quan mà cần tìm hiểu nguyên nhân gây đau đầu mệt mỏi cũng như cách điều trị và phòng ngừa để hạn chế các ảnh hưởng xấu tới sức khỏe.

Đau đầu và mệt mỏi có mối liên hệ chặt chẽ với nhau và đôi khi là dấu hiệu cảnh báo các vấn đề sức khỏe nghiêm trọng. Khi người bệnh gặp cùng lúc hai triệu chứng này và kéo dài trên 2 tuần thì không nên xem thường. Lúc này, bạn cần xác định nguyên nhân gây đau đầu mệt mỏi và tìm cách khắc phục càng sớm càng tốt.

Nguyên nhân gây đau đầu mệt mỏi

Các nguyên nhân phổ biến dẫn đến tình trạng đau đầu mệt mỏi bao gồm:

Mất nước

Tình trạng thiếu nước, mất nước do nôn mửa, uống rượu bia hay không uống đủ 2 lít nước mỗi ngày có thể gây ra triệu chứng đau đầu mệt mỏi. Cơ thể không được bù nước kịp thời sẽ rơi vào trạng thái mất cân bằng nước và điện giải dẫn đến cảm giác đau đầu, choáng váng và thiếu năng lượng.

Đau đầu mệt mỏi: Nguyên nhân, cách điều trị và phòng ngừa hiệu quả - 1
Mất nước có thể là nguyên nhân gây ra tình trạng đau đầu mệt mỏi

Sử dụng thuốc

Tình trạng đau đầu mệt mỏi có thể xuất hiện sau khi sử dụng một số loại thuốc như: Thuốc chống viêm không steroid (NSAIDs), thuốc chống dị ứng hoặc thuốc ảnh hưởng đến hệ thần kinh. Ngoài ra, thuốc huyết áp và thuốc lợi tiểu cũng có thể dẫn đến mất nước và gây đau đầu mệt mỏi.

Đau nửa đầu

Đau nửa đầu có thể gây ra đau đầu mệt mỏi và cảm giác uể oải. Tình trạng này thường đi kèm với các triệu chứng như: Buồn nôn, cứng cơ, nhạy cảm với ánh sáng, tiếng ồn hay mùi hôi. Đau nửa đầu có thể kéo dài từ 4-72 giờ và thường gặp ở trẻ dậy thì và thanh niên.

Do caffeine

Sử dụng thực phẩm chứa caffeine như: Trà và cà phê có thể dẫn đến đau đầu mệt mỏi. Caffeine có khả năng thu hẹp mạch máu xung quanh não và khi ngừng sử dụng, các mạch máu có thể giãn ra đột ngột, gây áp lực lên dây thần kinh và dẫn đến đau đầu. Mặt khác, ngừng tiêu thụ caffeine đột ngột khiến cơ thể sản xuất thừa adenosine - hoạt chất gây lờ đờ, buồn ngủ, buồn nôn.

Đau cơ xơ hóa

Đau cơ xơ hóa là một bệnh mãn tính thường gặp ở người trung niên và đau đầu mệt mỏi là triệu chứng phổ biến ở 50-70% bệnh nhân. Cơn đau đầu chủ yếu là đau nửa đầu kèm theo các triệu chứng khác như: Đau hàm, đau bụng, chân không yên và buồn ngủ.

Đau đầu mệt mỏi: Nguyên nhân, cách điều trị và phòng ngừa hiệu quả - 2
Đau đầu mệt mỏi là biểu hiện phổ biến ở người mắc bệnh đau cơ xơ hóa

Hội chứng mệt mỏi mãn tính

Hội chứng mệt mỏi mãn tính (CFS) gây ra cảm giác mệt mỏi cực độ kéo dài ít nhất sáu tháng, thường đi kèm với đau đầu và cảm giác uể oải. Các triệu chứng có thể thay đổi theo từng người và mức độ nghiêm trọng. Người mắc bệnh sẽ thường mất ngủ, luôn thấy kiệt sức, thiếu năng lượng và khó hồi phục sau khi hoạt động mạnh.

Bị chấn động

Sau khi bị chấn động, chấn thương não bạn có thể cảm thấy đau đầu mệt mỏi và uể oải. Hội chứng chấn động có thể kéo dài hàng ngày hoặc hàng tháng và có thể đi kèm với cảm giác đau căng thẳng hoặc đau ở một bên đầu.

Cảm lạnh, cảm cúm

Đau đầu mệt mỏi là triệu chứng phổ biến khi bị cảm lạnh hoặc cảm cúm. Các triệu chứng này xuất hiện do cơ thể phải chống lại vi khuẩn và virus, gây ra cảm giác mệt mỏi đau đầu kèm theo buồn nôn, choáng váng, tay chân bủn rủn…

Rối loạn giấc ngủ

Các vấn đề rối loạn giấc ngủ như: Mất ngủ, khó ngủ và mộng du có thể gây ra đau đầu mệt mỏi. Chất lượng giấc ngủ kém không chỉ ảnh hưởng đến sức khỏe mà còn gây ra nhiều bất ổn về cảm xúc.

Sử dụng thiết bị điện tử nhiều

Sử dụng thiết bị điện tử như: Điện thoại di động, máy tính và máy tính bảng trong thời gian dài có thể gây căng thẳng mắt và cổ, dẫn đến đau đầu mệt mỏi. Ánh sáng xanh từ các thiết bị này cũng có thể gây ra đau nửa đầu.

Thiếu máu

Thiếu máu, bao gồm thiếu máu do thiếu sắt, thiếu vitamin B12 hoặc chứng tan máu có thể dẫn đến đau đầu mệt mỏi. Bên cạnh đó, thiếu máu cũng có thể là dấu hiệu cảnh báo một số vấn đề nghiêm trọng như: Chảy máu dạ dày, viêm do nhiễm trùng, ung thư, bệnh thận và các bệnh tự miễn.

Đau đầu mệt mỏi: Nguyên nhân, cách điều trị và phòng ngừa hiệu quả - 3
Tình trạng thiếu máu có thể dẫn đến đau đầu mệt mỏi

Bệnh lupus ban đỏ hệ thống

Lupus ban đỏ hệ thống là bệnh tự miễn dịch không chỉ gây viêm nhiễm mà còn ảnh hưởng đến nhiều cơ quan. Các triệu chứng bao gồm: Đau đầu mệt mỏi, đau khớp, khô miệng, khô mắt hay sốt không rõ nguyên nhân.

U não

Bên cạnh các triệu chứng như: Mờ mắt, tê tay chân, huyết áp thấp, khó nói và suy giảm trí nhớ… khối u ở não có thể dẫn đến đau đầu mệt mỏi. Đau đầu do u não thường là những cơn đau dữ dội và tăng dần mức độ đau vào buổi sáng.

Điều trị đau đầu mệt mỏi

Điều trị đau đầu mệt mỏi sẽ phụ thuộc vào nguyên nhân gây ra triệu chứng cũng như tình trạng sức khỏe tổng thể của mỗi người. Dưới đây là một số phương pháp điều trị đau đầu mệt mỏi thường được áp dụng:

Thay đổi lối sống và thói quen

Điều chỉnh lối sống là bước đầu tiên và quan trọng nhất trong điều trị đau đầu mệt mỏi. Bạn cần:

  • Đảm bảo chế độ ăn uống cân đối, đa dạng thực phẩm nhằm cung cấp đủ dưỡng chất cần thiết.
  • Đảm bảo uống đủ nước mỗi ngày.
  • Duy trì lịch trình ngủ đều đặn và ngủ đủ giấc.
  • Tránh căng thẳng tinh thần và dành thời gian thư giãn hàng ngày.
  • Thực hiện các bài tập thể dục từ 20-30 phút mỗi ngày hoặc ít nhất 3-4 ngày mỗi tuần.

Dùng thuốc không kê đơn

Bạn có thể sử dụng các loại thuốc giảm đau như: Ibuprofen hoặc paracetamol để giảm triệu chứng. Tuy nhiên, hãy chú ý đến liều lượng và tần suất sử dụng để tránh quá liều và các tác dụng phụ không mong muốn.

Điều trị dự phòng

Nếu bạn thường xuyên gặp cơn đau đầu mệt mỏi, có thể áp dụng các biện pháp dự phòng bằng cách xác định và tránh các yếu tố gây cơn đau. Ví dụ: Nếu bạn bị đau đầu migraine, nên tránh xa các môi trường có âm thanh lớn hoặc ánh sáng chói.

Đau đầu mệt mỏi: Nguyên nhân, cách điều trị và phòng ngừa hiệu quả - 5
Điều trị đau đầu mệt mỏi theo chỉ định của bác sĩ

Điều trị nguyên nhân gốc rễ

Nếu đau đầu và mệt mỏi là do một bệnh lý cụ thể như: Bệnh tim, thiếu máu hoặc rối loạn tiêu hóa, bạn cần điều trị nguyên nhân gốc rễ để giảm triệu chứng. Bác sĩ sẽ kê đơn thuốc hoặc phương pháp điều trị phù hợp dựa trên nguyên nhân và tình trạng sức khỏe của bạn. Hãy tuân theo hướng dẫn của bác sĩ để đạt hiệu quả điều trị tốt nhất.

Nếu bạn có bất kỳ thắc mắc nào khi bị đau đầu mệt mỏi, hãy thảo luận với bác sĩ để được tư vấn phương pháp điều trị phù hợp với tình trạng của bạn.

Cách phòng ngừa tình trạng đau đầu mệt mỏi

Để phòng ngừa đau đầu và mệt mỏi, bạn có thể thực hiện một số biện pháp đơn giản như sau:

  • Đảm bảo ngủ đủ giấc và tập thể dục thường xuyên để cải thiện sức khỏe tổng thể và giảm căng thẳng.
  • Hãy tìm cách giảm căng thẳng bằng cách tham gia các hoạt động thư giãn như: Gặp gỡ bạn bè, đạp xe, đi du lịch, xem phim hoặc nấu ăn.
  • Hạn chế thời gian sử dụng các thiết bị điện tử, nhất là trước khi đi ngủ. Nếu cần sử dụng, hãy áp dụng quy tắc 20:20, nghĩa là sau mỗi 20 phút sử dụng thiết bị sẽ nghỉ ngơi 20 giây.
  • Đảm bảo nơi làm việc có đủ ánh sáng, không gây căng thẳng cho mắt và cổ để giảm nguy cơ đau đầu mệt mỏi.
  • Ăn uống cân đối với nhiều rau củ quả và thực phẩm giàu nước. Hạn chế thực phẩm chế biến sẵn, ăn mặn và thức ăn nhanh. Tránh uống quá nhiều cà phê và các thức uống chứa caffeine, vì chúng có thể gây căng thẳng và tăng nguy cơ đau đầu.
  • Một số loại thuốc có thể gây đau đầu và mệt mỏi. Nếu nghi ngờ thuốc đang dùng có tác dụng phụ, hãy thảo luận với bác sĩ để có sự điều chỉnh phù hợp.
Đau đầu mệt mỏi: Nguyên nhân, cách điều trị và phòng ngừa hiệu quả - 6
Hạn chế thời gian sử dụng các thiết bị điện tử để phòng ngừa tình trạng đau đầu mệt mỏi

Đau đầu mệt mỏi kéo dài và trạng thái lơ đãng, thiếu tập trung mặc dù công việc không căng thẳng có thể là dấu hiệu của một số bệnh lý cần được lưu ý. Dù tình trạng này không nguy hiểm đến tính mạng, nhưng bạn không nên chủ quan. Khi triệu chứng kéo dài, hãy đến bệnh viện để bác sĩ chuyên khoa thăm khám, xác định nguyên nhân và điều trị phù hợp.

Có thể bạn quan tâm

Thông tin và sản phẩm gợi ý trong bài viết chỉ mang tính chất tham khảo, vui lòng liên hệ với Bác sĩ, Dược sĩ hoặc chuyên viên y tế để được tư vấn cụ thể. Xem thêm

Dược sĩ Đại họcNguyễn Thị Hồng Nhung

Đã kiểm duyệt nội dung

Tốt nghiệp đại học Khoa Dược. Có kinh nghiệm hơn 10 năm trong lĩnh vực Dược phẩm, tư vấn thuốc và thực phẩm chức năng. Hiện đang là giảng viên cho Dược sĩ tại Nhà thuốc Long Châu.

Xem thêm thông tin