Hiện nay, retinol đặc biệt nổi tiếng với khả năng thúc đẩy sản xuất collagen, tăng cường khả năng giữ ẩm, làm giảm các dấu hiệu lão hóa trên da. Một nghiên cứu năm 2019 cho thấy rằng, mặc dù các lợi ích của retinol đã được nghiên cứu y tế chứng minh rõ ràng, nhưng việc sử dụng thường xuyên có thể làm da bị dị ứng retinol hay còn được gọi là bỏng retinol.
Retinol là gì?
Retinol là một hoạt chất tiền vitamin A, được chỉ định điều trị và dự phòng cho trường hợp thiếu vitamin A (quáng gà, khô mắt). Trong tự nhiên, hoạt chất này có nhiều trong các loại thực phẩm như thịt, cá, gan, trứng, các sản phẩm từ sữa…
Bên cạnh đó, retinol cũng là một chất chống oxy hóa mạnh, có hiệu quả cao trong giảm mụn, kích thích sản xuất collagen và các tế bào da mới, làm mờ nếp nhăn và ngăn ngừa lão hoá. Thiếu hụt retinol khiến chất sừng trong nang lông dày lên, tạo thành các sẩn nổi trên da. Do đó, hoạt chất này được sử dụng nhiều trong ngành mỹ phẩm chăm sóc da nhằm điều trị viêm nhiễm do mụn, làm lành vết thương và phục hồi vùng da tổn thương.
Retinol phổ biến trong nhiều sản phẩm chăm sóc da
Da bị dị ứng retinol là gì?
Da bị dị ứng retinol hay còn gọi là bỏng retinol, kích ứng retinol, retinization, hoặc "uglies retinol", xảy ra với một số người trong lần đầu tiên bắt đầu sử dụng retinol.
Các sản phẩm chứa retinol nồng độ cao hoặc những chất tương tự có hoạt tính mạnh hơn (như tretinoin) có nguy cơ gây bỏng retinol cao hơn.
Các triệu chứng của bỏng retinol bao gồm:
-
Da khô;
-
Kích ứng gây đau đớn;
-
Đỏ da hoặc đổi màu da;
-
Bong da.
Da bị dị ứng với hoạt chất retinol (bỏng retinol)
Nguyên nhân gây ra tình trạng da bị dị ứng retinol?
Khi lần đầu tiên bắt đầu sử dụng retinol, các tế bào sẽ thay đổi cách chúng hoạt động. Sự thay đổi này trên da tác động đến lớp trên cùng (biểu bì) và các lớp sâu hơn của da (lớp hạ bì).
Trong lần đầu sử dụng, da chưa quen với tác dụng của retinol nên có thể bị kích ứng hoặc viêm da tiếp xúc nhẹ.
Về lý thuyết, retinol thúc đẩy quá trình luân chuyển tế bào da nhanh hơn. Sự tăng trưởng tế bào mới làm bong tróc nhiều tế bào da chết hơn. Điều này tạo ra một khoảng thời gian trễ trước khi các tế bào mới, khỏe mạnh xuất hiện trên bề mặt da khiến lớp da mới lộ ra sớm và hậu quả là gây đỏ hoặc đổi màu da và kích ứng.
Bỏng retinol xảy ra trong vòng 24 giờ sau sử dụng các sản phẩm chăm sóc da chứa hàm lượng retinol cao.
Ngay cả với các biện pháp khắc phục tại nhà, có thể mất khoảng một tuần để các dấu hiệu có thể nhìn thấy của bỏng retinol biến mất.
Sau khi sử dụng một thời gian, độ nhạy của da với retinol giảm dần và da sẽ trở lại bình thường.
Cách điều trị da bị dị ứng retinol
Vết bỏng do retinol thường lành lại khi da thích nghi với các thành phần retinol. Ngoài ra, cũng có thể điều trị dị ứng retinol tại nhà.
Trước thực hiện bất kỳ bước nào để điều trị các vết bỏng retinol, hãy ngừng sử dụng các sản phẩm có chứa retinol. Không nên tiếp tục bôi retinol lên da khi có dấu hiệu tổn thương.
-
Nếu da bị đỏ hoặc đổi màu và bị viêm đến mức bị đau, hãy chườm đá hoặc chườm lạnh để giúp làm dịu da.
-
Rửa mặt bằng nước sạch hoặc nước muối sinh lý mỗi ngày và hạn sử dụng mỹ phẩm trang điểm.
-
Có thể sử dụng kem hydrocortisone không kê đơn (OTC) để điều trị viêm và mẩn đỏ hoặc đổi màu với lượng ít, đặc biệt là quanh mắt và không sử dụng bất kỳ loại kem steroid nào lâu hơn 2 tuần mỗi đợt điều trị vì chúng có thể làm mỏng da.
-
Các chiết xuất từ thực vật làm dịu da như lô hội hoặc cây phỉ có thể kích thích quá trình chữa lành và điều trị các triệu chứng bỏng rát, nứt nẻ.
-
Thoa kem dưỡng ẩm nhẹ nhàng, ít gây dị ứng lên da sẽ giúp tái cấp nước cho da. Nó cũng sẽ giúp giữ độ ẩm và bất kỳ sản phẩm điều trị nào khác trên da vì vậy có thể chữa lành và giúp giảm bong tróc, khô da.
Nếu có phản ứng dị ứng retinol với sản phẩm mà bác sĩ da liễu kê đơn, hãy liên hệ ngay với bác sĩ để mô tả các triệu chứng và có hướng điều trị phù hợp.
Cách ngăn ngừa tình trạng da bị dị ứng retinol
Để ngăn ngừa tình trạng da bị dị ứng retinol, có thể thực hiện các cách sau:
Bắt đầu với nồng độ retinol thấp hơn
Các loại thuốc bôi ngoài da kê đơn thường có nồng độ retinol cao, dễ gây hiện tượng bỏng retinol. Vì vậy, đối với người lần đầu điều trị, nên sử dụng các sản phẩm retinol nồng độ thấp (thường là 0,03% trở xuống) và bôi thử một lớp mỏng ở những vùng da ít nhạy cảm nhất.
Thông thường, chỉ nên bắt đầu sử dụng các sản phẩm retinol 2 lần/ tuần và tăng tần suất từ từ nếu dung nạp được.
Kiểm tra thành phần trên nhãn các sản phẩm chăm sóc da và nói chuyện với bác sĩ da liễu để tránh các hoạt chất sau: Tazarotene, adapalene, tretinoin.
Sử dụng đồng thời với các sản phẩm dưỡng ẩm da khác
Thoa retinol cùng lúc với kem dưỡng ẩm sẽ làm loãng nồng độ retinol nhưng không làm cho hoạt chất hoàn toàn mất tác dụng. Điều này có thể giúp cho da có khả năng chống chịu, thích ứng từ từ với retinol mà không bị khô.
Thường xuyên sử dụng kem chống nắng
Kem chống nắng luôn quan trọng như một biện pháp bảo vệ làn da đặc biệt với những người đang sử dụng retinol hoặc bất kỳ dạng vitamin A nào khác trên da mặt.
Sử dụng bất kỳ dạng retinol nào cũng khiến da dễ bị cháy nắng hơn. Tác hại của ánh nắng mặt trời kết hợp với bỏng retinol làm tăng nguy cơ gây ra mẩn đỏ hoặc đổi màu, viêm nhiễm trên da.
Cần lựa chọn sử dụng kem chống nắng thỏa mãn những yêu cầu sau:
-
Thành phần phù hợp với da mặt.
-
Có chỉ số SPF từ 30 trở lên.
-
Chứa các hoạt chất dưỡng ẩm.
Để có kết quả tốt nhất, hãy thoa kem chống nắng của bạn vào ban ngày trước khi trang điểm cùng như sử dụng các loại kem dưỡng ẩm khác và bôi retinol vào ban đêm.
Luôn sử dụng kem chống nắng trong thời gian điều trị bằng retinol
Dị ứng retinol thường sẽ tự biến mất sau một thời gian sử dụng, nhưng có thể bị bùng phát một vài cơn trước khi da thích nghi dần với các thành phần retinol.
Các phương pháp điều trị và phòng ngừa tại nhà có thể giúp kiểm soát các triệu chứng của bạn trong hầu hết các trường hợp.
Nếu trên da xuất hiện các triệu chứng giống như phản ứng dị ứng (chẳng hạn như phát ban, sưng phù, ngứa ngáy) hoặc nếu các triệu chứng bỏng retinol gây đau đớn và nghiêm trọng, hãy ngừng sử dụng và liên hệ ngay với bác sĩ da liễu của bạn để được chẩn đoán và điều trị kịp thời.
Bạn cũng có thể tham khảo thêm "Cẩm nang dùng retinol cho người mới bắt đầu" để sử dụng các sản phẩm chứa retinol hiệu quả nhất.
DS Phương Chi
Nguồn tham khảo: Tổng hợp