Ứng dụng Nhà Thuốc Long Châu

Siêu ưu đãi, siêu trải nghiệm

Long Châu
  1. /
  2. Góc sức khỏe/
  3. Phòng bệnh & Sống khoẻ

Dấu hiệu huyết khối, giảm tiểu cầu sau tiêm vắc xin Covid-19

Ngày 05/07/2021
Kích thước chữ

Tiêm vắc xin ngừa Covid-19 có thể gây ra một số phản ứng phụ, trong đó có dấu hiệu huyết khối, giảm tiểu cầu. Tuy nhiên đây là phản ứng hiếm gặp.

Tổ chức Y tế thế giới (WHO) yêu cầu cảnh giác, theo dõi, phát hiện sớm và xử trí kịp thời những biến cố hiếm gặp ở người sau tiêm vắc xin Covid-19 nghi ngờ giảm tiểu cầu, đông máu rải rác trong lòng mạch, huyết khối tĩnh mạch não.

Nguyên nhân gây huyết khối, giảm tiểu cầu sau tiêm vắc xin Covid-19

Các nghiên cứu cho thấy, sau khi tiêm vắc xin Covid-19, cơ thể có thể sinh kháng thể kháng yếu tố 4 tiểu cầu (platelet factor-PF4). Phức hợp kháng nguyên kháng thể đó hoạt hóa tiểu cầu quá mức dẫn đến giảm tiểu cầu, gây huyết khối và có thể chảy máu. Tình trạng này gặp nhiều hơn ở phụ nữ dưới 60 tuổi.

Để chẩn đoán huyết khối, giảm tiểu cầu sau tiêm vắc xin Covid-19, bệnh nhân cần được thực hiện các chẩn đoán hình ảnh, siêu âm doppler mạch vị trí nghi ngờ lâm sàng, chụp X-quang, cộng hưởng từ... để phát hiện huyết khối, chảy máu.

Dấu hiệu huyết khối, giảm tiểu cầu sau tiêm vắc xin Covid-19 1Sau tiêm vắc xin Covid-19 cần theo dõi thêm 30 ngày.

Tỉ lệ gặp phải huyết khối, giảm tiểu cầu sau tiêm vắc xin

Theo “Hướng dẫn chẩn đoán và điều trị hội chứng giảm tiểu cầu, huyết khối sau tiêm vắc xin Covid-19” do Bộ Y tế ban hành, tình trạng huyết khối kèm giảm tiểu cầu sau khi tiêm vắc xin Covid-19 là những biến cố hiếm gặp, được ghi nhận trong báo cáo của các cơ quan quản lý dược và tổ chức giám sát an toàn vắc xin tại một số quốc gia. Cụ thể, với vắc xin AstraZeneca là 4,6/1 triệu liều tiêm thứ nhất, vắc xin Pfizer-BioNTech là 0,2/1 triệu liều tiêm thứ nhất. Huyết khối sau tiêm vắc xin AstraZeneca chủ yếu gặp ở nữ giới.

Tỉ lệ đông máu sau tiêm AstraZeneca ở người trẻ cao hơn người lớn tuổi. Dường như người trên 60 tuổi ít thấy biểu hiện này, khoảng 0,2/1 triệu liều tiêm đầu.

Biến cố đông máu sau tiêm vắc xin AstraZeneca còn phụ thuộc vào một số yếu tố như di truyền, bệnh nền, lối sống, thuốc đang dùng và yếu tố V Leiden. Cơ chế bệnh sinh được cho là sự hình thành các kháng thể kháng yếu tố 4 tiểu cầu (PF4), gây tiêu thụ tiểu cầu dẫn đến số lượng tiểu cầu thấp và hình thành huyết khối.

Dấu hiệu huyết khối, giảm tiểu cầu sau tiêm vắc xin Covid-19 2Khám sàng lọc trước khi tiêm vắc xin Covid-19.

Dấu hiệu huyết khối, giảm tiểu cầu sau tiêm vắc xin Covid-19

Một số triệu chứng liên quan đến biến chứng huyết khối - giảm tiểu cầu thường gặp như:

Huyết khối mạch máu não, nội tạng và phổi: 

  • Nhức đầu dữ dội;
  • Đau bụng, đau lưng;
  • Buồn nôn và nôn;
  • Thay đổi thị lực;
  • Thay đổi trạng thái tinh thần như cáu gắt, buồn rầu, giận vô cớ, ngủ gà và lơ mơ;
  • Đau ngực và khó thở;
  • Sưng chân và đau chân, tăng hơn khi vận động.

Giảm tiểu cầu từ nhẹ đến nặng: 

  • Vết bầm tím ngoài da có đặc điểm: Dạng chấm, dạng mảng, dạng u máu; Màu đỏ tươi, tím bầm, màu vàng nhạt; Khi ấn hoặc đè vào vết bầm không biến mất; Không đau và xuất hiện tự nhiên. 
  • Chảy máu răng, miệng tự nhiên hoặc sau chải răng. 
  • Chảy máu mũi, xuất huyết kết mạc mắt tự nhiên. 
  • Tiểu ra máu, đại tiện phân đen hoặc máu tươi. 
  • Kinh nguyệt bất thường và rong kinh kéo dài. 
  • Xuất huyết có thể biểu hiện cùng lúc dưới da, niêm mạc và nội tạng.

Từ ngày thứ 4 sau khi tiêm vắc xin Covid-19, nếu bạn gặp các dấu hiệu trên thì cần đến ngay trung tâm y tế gần nhất hoặc các cơ sở tiêm ngừa để được thăm khám, tham vấn và điều trị.

Dấu hiệu huyết khối, giảm tiểu cầu sau tiêm vắc xin Covid-19 3Tiêm vắc xin Covid-19 giúp ngăn tình trạng dịch lây lan nghiêm trọng.

Hướng xử trí tình trạng này như thế nào?

Bộ Y tế cho biết, việc cấp cứu và điều trị biến cố sau tiêm vắc xin Covid-19 sẽ phụ thuộc nhiều vào điều kiện nhân lực các tuyến y tế. 

Tại các cơ sở xã, phường trung tâm y tế quận/huyện: Cần theo dõi người sau tiêm ngừa. Nếu xuất hiện một trong các triệu chứng lâm sàng kể trên cần chuyển đến tuyến cao hơn, xử trí cấp cứu nếu có.

Tại các bệnh viện tuyến quận/huyện: Khi tiếp nhận những trường hợp sau tiêm vắc xin Covid-19 có những triệu chứng như đau đầu dai dẳng; đau bụng (gợi ý huyết khối tĩnh mạch cửa); đau, phù chi dưới (gợi ý huyết khối tĩnh mạch sâu) hoặc biểu hiện chảy máu, xuất huyết dưới da... nên cho bệnh nhân làm các xét nghiệm đếm số lượng tiểu cầu và các thăm dò khác như: siêu âm, X-quang; cộng hưởng từ (nếu có)... Trường hợp đánh giá bệnh nhân có bất thường, cần chuyển tuyến cao hơn hoặc tham vấn ý kiến chuyên gia.

Tại các cơ sở y tế tuyến tỉnh hoặc thành phố: Khi tiếp nhận bệnh nhân cần đánh giá lâm sàng, làm xét nghiệm cơ bản và chẩn đoán hình ảnh để đánh giá huyết khối, nguy cơ chảy máu. Nếu vượt quá khả năng, cần hỏi ý kiến chuyên gia hoặc chuyển tuyến.

Tại các tuyến trung ương: Đây là nơi tiếp nhận người gặp biến cố nặng sau tiêm vắc xin Covid-19 từ các tuyến dưới chuyển đến, thực hiện tất cả các thăm dò cần thiết để chẩn đoán và điều trị theo hướng dẫn của Bộ Y tế. Tham vấn ý kiến chuyên gia khi cần thiết. Đặc biệt lưu ý chẩn đoán và điều trị giảm tiểu cầu huyết khối miễn dịch khi bệnh nhân có cả 2 yếu tố: sau khi tiêm vắc xin Covid-19 từ 4 - 28 ngày và xuất hiện các triệu chứng nghi ngờ huyết khối. Ngay khi nghi ngờ bệnh nhân giảm tiểu cầu huyết khối do vắc xin, cần điều trị càng sớm càng tốt.

Thụy Anh

Nguồn tham khảo: thanhnien.vn

Thông tin và sản phẩm gợi ý trong bài viết chỉ mang tính chất tham khảo, vui lòng liên hệ với Bác sĩ, Dược sĩ hoặc chuyên viên y tế để được tư vấn cụ thể. Xem thêm

Dược sĩ Đại họcNguyễn Thanh Hải

Đã kiểm duyệt nội dung

Tốt nghiệp Đại học Dược Hà Nội, với hơn 10 năm kinh nghiệm trong lĩnh vực Dược phẩm. Hiện là giảng viên giảng dạy các môn Dược lý, Dược lâm sàng,...

Xem thêm thông tin