Long Châu

Dấu hiệu khi bị cước chân vào mùa đông và cách khắc phục

Ngày 28/02/2023
Kích thước chữ
  • Mặc định

  • Lớn hơn

Bệnh cước chân tuy không nguy hiểm nhưng sẽ mang đến một số bất tiện trong sinh hoạt hàng ngày của người bệnh. Vậy dấu hiệu khi bị cước chân vào mùa đông là gì? Cách khắc phục tình trạng cước chân này như thế nào?

Sự chuyển mùa từ thu sang đông và xuân cùng sự thay đổi thất thường của khí hậu là chính là điều kiện thuận lợi cho nhiều loại vi rút gây bệnh phát triển. Đặc biệt, cước chân vào mùa đông là một trong những bệnh ngoài da phổ biến.

Cước chân vào mùa đông là một trong những bệnh ngoài da phổ biến Cước chân vào mùa đông là một trong những bệnh ngoài da phổ biến

Bệnh cước chân là gì?

Bệnh cước chân là hiện tượng viêm các mạch máu nhỏ nằm dưới da, khiến da chuyển sang màu đỏ, xanh tím hoặc trắng… Đồng thời, da cũng có thể sưng tấy, phồng rộp và gây ngứa do thường xuyên tiếp xúc với nhiệt độ lạnh và ẩm ướt. Thời tiết lạnh giá và máu lưu thông kém được cho là hai nguyên nhân chính gây ra tình trạng này.

Bị cước chân có thể gây ra những triệu chứng gì?

Bệnh cước chân nếu không được điều trị đúng cách có thể gây ra tình trạng dị ứng phồng da, viêm da, thậm chí là nhiễm trùng. Do đó, khi bạn có các triệu chứng sau đây, đừng nghi ngờ và hãy đến ngay cơ sở y tế càng sớm càng tốt:

  • Đầu ngón chân của bệnh nhân sưng đỏ.
  • Người bệnh có cảm giác nóng rát, đau như bị châm chính, da thường ngứa rát.
  • Da có dấu hiệu đổi màu, chuyển sang màu đỏ, xanh tím.
  • Trường hợp nặng, da bệnh nhân sẽ bị sưng phồng, mưng mủ hoặc viêm loét, nếu không được điều trị kịp thời thậm chí có thể dẫn đến nhiễm trùng.

Bất cứ ai cũng có thể gặp phải tình trạng cước chân, tuy nhiên, dưới đây là một số trường hợp có nguy cơ mắc cao:

  • Người mặc quần áo quá chật, thường xuyên để da tiếp xúc với thời tiết lạnh.
  • Những người bị thừa cân béo phì.
  • Phụ nữ thường nguy cơ bị cước chân vào mua đông cao hơn nam giới.
  • Người sống và làm việc trong môi trường ẩm ướt, lạnh giá.
  • Những người có vấn đề về tuần hoàn máu thường nhạy cảm hơn với sự thay đổi của thời tiết.
  • Trường hợp mắc bệnh Raynaud: Khi mắc bệnh này, các mạch máu ngoại vi của người bệnh dễ bị co thắt trong điều kiện thời tiết lạnh, hoặc có thể gặp phải áp suất cao khiến máu lưu thông kém, máu đến các mô và tế bào bị tắc nghẽn.
  • Người bị bệnh lupus ban đỏ: Đây là bệnh tự miễn dịch phổ biến gây ra tình trạng cước chân.
Người bị bệnh lupus ban đỏ có nguy cơ mắc cước chân cao Người bị bệnh lupus ban đỏ có nguy cơ mắc cước chân cao

Nguyên nhân gây cước chân mùa đông

Hiện tại, các nhà khoa học vẫn chưa tìm ra nguyên nhân chính xác gây ra chứng cước chân. Tuy nhiên, thời tiết lạnh, ẩm ướt và tuần hoàn máu kém được cho là có liên quan chặt chẽ với các triệu chứng bệnh.

Hệ thống tuần hoàn được tạo thành từ các mao mạch, tĩnh mạch và một số động mạch mang máu đến các tế bào của cơ thể. Khi thời tiết nóng bức, các mạch máu này lại càng giãn ra để làm mát cơ thể. Ngược lại, trong điều kiện lạnh và ẩm ướt, các mạch máu co lại để giúp duy trì nhiệt độ cơ thể. Sự co thắt của hệ thống tuần hoàn là nguyên nhân chính làm tăng nguy cơ bị cước chân.

Các triệu chứng cước chân có thể trở nên nghiêm trọng hơn nếu bạn tiếp xúc với điều kiện thời tiết bất thường, chẳng hạn như thay đổi nhiệt độ đột ngột từ nóng sang lạnh hoặc từ lạnh sang nóng. Tuy nhiên, điều kiện thời tiết lạnh nhưng hanh khô thì ít gây ra bệnh cước chân.

Các biến chứng của của cước chân

Bệnh cước chân có thể gây biến chứng nếu da bạn bị phồng rộp, dẫn đến lở loét và nhiễm trùng. Ngoài việc gây đau đớn, nhiễm trùng có thể dẫn đến hoại tử và đe dọa tính mạng nếu không được điều trị. Khi gặp dấu hiệu bị cước như trên, bạn cần đến cơ sở thăm khám ngay lập tức, tránh tự ý sử dụng thuốc khiến các biến chứng trở  nên nghiêm trọng hơn.

Cách chữa bệnh cước chân mùa đông tại nhà hiệu quả

Bệnh cước chân thường sẽ tự khỏi sau 1 đến 3 tuần khi thời tiết và cơ thể ấm dần lên. Tuy nhiên, cảm giác ngứa ngáy, khó chịu đó có thể khiến bạn muốn tìm cách chữa lành bàn chân nhanh nhất có thể. Một số biện pháp khắc phục tại nhà hữu ích cho bệnh cước chân mà bạn có thể áp dụng bao gồm:

  • Giữ ấm cơ thể, đặc biệt là tay và chân, tránh tiếp xúc trực tiếp với nước lạnh hoặc quá nóng. Thay đổi nhiệt độ nhanh chóng có thể làm cho tình trạng cước chân mùa đông của bạn trở nên tồi tệ hơn.
Để tránh bị cước chân vào mùa đông, bạn cần giữ ấm cơ thể, đặc biệt là tay và chân Để tránh bị cước chân vào mùa đông, bạn cần giữ ấm cơ thể, đặc biệt là tay và chân
  • Không gãi khi bị cước, bạn chỉ nên xoa nhẹ để tránh bong tróc và nhiễm khuẩn. Bạn cần tránh làm ấm vùng bị cước bằng cách xoa bóp hoặc chà xát, vì điều này có thể làm tăng cảm giác ngứa rát cho da.
  • Trong khi vết thương đang lành, bạn có thể thoa kem dưỡng da nhẹ, không mùi để giữ ẩm cho da, đặc biệt là khi da bị sưng hoặc mưng mủ. Ngoài ra, bạn hãy cố gắng giữ cho làn da của bạn sạch sẽ và ẩm bằng cách uống nhiều nước để giảm nguy cơ nhiễm trùng da.
  • Bạn cần từ bỏ hút thuốc vì hút thuốc làm co mạch máu và làm chậm thời gian phục hồi.
  • Tắm nước ấm và sau khi tắm, bạn hãy ngâm tay chân vào nước ấm pha gừng và muối trong 5 đến 10 phút. Điều này giúp hạn chế nguy cơ mắc bệnh và hỗ trợ lưu thông khí huyết. Ngoài ra, bạn có thể chà gừng thái lát mỏng lên vùng bị cước chân, thực hiện 1 đến 2 lần mỗi ngày trong một tuần.

Bị cước ở chân tuy gây đau đớn nhưng thường không để lại dấu hiệu bệnh nghiêm trọng và lâu dài nếu bạn biết cách kiểm soát bệnh. Bị cước ở chân không chỉ xuất hiện vào mùa đông mà còn có thể là dấu hiệu của nhiều bệnh khác. Nếu bạn thường xuyên bị cước chân, vết thương lâu lành hoặc bạn nghĩ mình bị nhiễm trùng da, hãy đi khám để có các phương pháp điều trị thích hợp.

Thuý Nguyễn

Nguồn tham khảo: Tổng hợp

Thông tin trong bài viết chỉ mang tính chất tham khảo, vui lòng liên hệ với Bác sĩ, Dược sĩ hoặc chuyên viên y tế để được tư vấn cụ thể. Xem thêm