Ứng dụng Nhà Thuốc Long Châu

Siêu ưu đãi, siêu trải nghiệm

  1. /
  2. Góc sức khỏe/
  3. Mẹ & bé

Dấu hiệu khỏi bệnh tay chân miệng là gì? Chế độ chăm sóc sau khi hết bệnh

Ngày 28/12/2024
Kích thước chữ

Tay chân miệng là bệnh lý vô cùng nguy hiểm, có thể dẫn đến nhiều biến chứng sức khỏe nghiêm trọng nếu không được điều trị và chăm sóc đúng cách. Vậy trẻ mắc phải căn bệnh tay chân miệng bao lâu thì khỏi và đâu là dấu hiệu khỏi bệnh tay chân miệng? Theo dõi hết bài viết sức khỏe hôm nay của Nhà thuốc Long Châu để có được lời giải đáp chi tiết bạn nhé.

Trẻ bị tay chân miệng bao lâu thì khỏi? Dấu hiệu khỏi bệnh tay chân miệng là gì? Đây vẫn luôn là nỗi bận tâm của không ít các bậc cha mẹ. Hiểu được điều đó, trong bài viết dưới đây, Nhà thuốc Long Châu sẽ cung cấp cho bạn đọc những thông tin cơ bản nhất để bạn có thể giải đáp được nỗi băn khoăn này.

Dấu hiệu khỏi bệnh tay chân miệng

Bệnh tay chân miệng là một bệnh nhiễm virus phổ biến ở trẻ em và thông thường, trẻ sẽ phục hồi sau khoảng 7 - 10 ngày. Vậy đâu là dấu hiệu khỏi bệnh tay chân miệng?

Dưới đây là một số dấu hiệu cho thấy trẻ đang bước vào giai đoạn hồi phục và khỏi bệnh:

Mụn nước khô, không mọc thêm và phát ban biến mất

Các triệu chứng điển hình của bệnh tay chân miệng bao gồm nổi mụn nước trong miệng và phát ban, thường xuất hiện ở lòng bàn tay và bàn chân, thường bắt đầu sau 1 - 2 ngày từ khi sốt xuất hiện.

Sau khoảng 3 - 5 ngày, nếu các mụn nước khô lại và không có thêm mụn mới cùng với việc phát ban dần biến mất thì đây là dấu hiệu tích cực cho thấy bệnh đang hồi phục. Trẻ cũng sẽ không còn chảy nước dãi, điều này chứng tỏ miệng và họng của trẻ đã dần bình phục. Tuy nhiên, thời gian phục hồi có thể khác nhau tùy vào tình trạng sức khỏe và hệ miễn dịch của từng trẻ.

Không còn sốt và đau họng

Trong giai đoạn đầu của bệnh tay chân miệng, trẻ thường gặp phải các triệu chứng như sốt, đau họng, đau đầu và mệt mỏi. Những triệu chứng này thường xuất hiện trong khoảng 1-3 ngày đầu và sẽ dần giảm bớt khi bệnh tiến triển. Khi trẻ hết sốt, cảm thấy dễ chịu hơn và bắt đầu chơi đùa, đây là dấu hiệu cho thấy tình trạng sức khỏe của trẻ đang cải thiện.

Tuy nhiên, nếu trẻ sốt kéo dài trên 3 ngày hoặc các triệu chứng không có dấu hiệu giảm, cha mẹ nên đưa trẻ đến bệnh viện để được kiểm tra và điều trị kịp thời. Việc theo dõi tình trạng sốt và các biểu hiện khác là rất quan trọng, vì một số trường hợp bệnh có thể gây biến chứng nguy hiểm nếu không được xử lý đúng cách.

Dấu hiệu khỏi bệnh tay chân miệng và chế độ chăm sóc trẻ sau khi khỏi bệnh tay chân miệng 1
Trẻ hết sốt và đau họng là một trong các dấu hiệu khỏi bệnh tay chân miệng

Ăn uống tốt hơn

Khi trẻ bị tay chân miệng, thường xuyên gặp khó khăn trong việc ăn uống do các mụn nước trong miệng và đau họng. Vì vậy, trẻ có thể cảm thấy khó chịu, chán ăn và không muốn ăn. Tuy nhiên, khi trẻ bắt đầu ăn ngon miệng, không còn cảm thấy đau hoặc khó chịu khi nuốt thức ăn, đó là dấu hiệu cho thấy thể trạng của trẻ đã cải thiện đáng kể và các triệu chứng bệnh đang dần biến mất.

Trẻ mắc phải căn bệnh tay chân miệng bao lâu thì khỏi?

Đến đây chắc hẳn bạn đã nắm được một số dấu hiệu khỏi bệnh tay chân miệng rồi phải không. Vậy trẻ bị bệnh tay chân miệng bao lâu thì khỏi?

Thực tế cho thấy, trẻ bị tay chân miệng thông thường sẽ khỏi bệnh trong khoảng 7 - 10 ngày, nếu được chăm sóc đúng cách tại nhà mà không gặp phải biến chứng nghiêm trọng. Theo thống kê của Trung tâm Kiểm soát và Phòng ngừa Dịch bệnh (CDC), đa số trẻ mắc bệnh tay chân miệng không có triệu chứng nghiêm trọng và sẽ hồi phục hoàn toàn trong thời gian này mà không cần điều trị y tế đặc biệt.

Tuy nhiên, trẻ dưới 2 tuổi có thể sẽ cần thời gian lâu hơn để hồi phục, bệnh có thể kéo dài từ 10 - 14 ngày và những trường hợp nghiêm trọng có thể cần sự can thiệp y tế để giảm nguy cơ biến chứng.

Chăm sóc trẻ bị tay chân miệng như thế nào?

Chăm sóc và hỗ trợ điều trị kịp thời và đúng cách là yếu tố quan trọng giúp trẻ mắc bệnh tay chân miệng nhanh hồi phục, giảm nguy cơ biến chứng nguy hiểm và đạt được hiệu quả điều trị tốt nhất. Đặc biệt đối với trẻ mắc tay chân miệng độ 1 và 2, với các biểu hiện nhẹ, có thể điều trị tại nhà theo chỉ định của bác sĩ, nhưng cần chú ý theo dõi sát sao và tái khám định kỳ để phát hiện kịp thời các biến chứng nếu có.

Theo chia sẻ của bác sĩ chuyên khoa, khi chăm sóc trẻ bị tay chân miệng tại nhà, phụ huynh cần chú ý đến 4 yếu tố quan trọng:

Cách ly trẻ mắc bệnh

Khi phát hiện trẻ mắc tay chân miệng, phụ huynh nên thông báo cho trường học và cho trẻ tạm thời không đến trường trong vòng 10 – 14 ngày. Trẻ cần được cách ly với các trẻ khác và người thân trong gia đình. Khi chăm sóc trẻ, bố mẹ cần đeo khẩu trang và sát khuẩn thường xuyên.

Thực hiện chế độ dinh dưỡng đầy đủ, phù hợp

Trẻ bị tay chân miệng thường gặp khó khăn khi ăn uống do đau và khó chịu khi nuốt. Vì vậy, cần cho trẻ ăn các món mềm, dễ nuốt và dễ tiêu hóa. Mẹ có thể chia nhỏ bữa ăn thành nhiều lần trong ngày, không ép trẻ ăn, tránh tạo áp lực và cảm giác khó chịu cho trẻ. Ngoài ra, nên tránh cho trẻ ăn các món thức ăn quá nóng, chua, cay hoặc dùng dụng cụ sắc bén vì chúng có thể gây tổn thương thêm cho miệng và cổ họng của trẻ.

Giữ vệ sinh sạch sẽ

Việc giữ vệ sinh cá nhân, môi trường sống và các vật dụng sinh hoạt của trẻ là vô cùng quan trọng để bệnh nhanh khỏi. Mẹ nên tắm cho trẻ bằng nước ấm, sử dụng xà phòng sát khuẩn và giữ phòng ngủ kín gió, sạch sẽ. Cần xử lý phân, rác thải và vệ sinh đồ dùng cá nhân của trẻ đúng cách để hạn chế sự lây lan của virus.

Dùng thuốc theo đúng chỉ định của bác sĩ

Khi trẻ bị sốt cao hoặc có các triệu chứng khó chịu, nhiều phụ huynh lo lắng và muốn cho trẻ dùng thuốc giảm đau hoặc hạ sốt. Tuy nhiên, không nên tự ý cho trẻ dùng thuốc khi không có sự chỉ định của bác sĩ. Thuốc cần được sử dụng đúng liều, đúng loại và phù hợp với độ tuổi, cân nặng của trẻ để đảm bảo an toàn.

Dấu hiệu khỏi bệnh tay chân miệng và chế độ chăm sóc trẻ sau khi khỏi bệnh tay chân miệng 2
Cha mẹ cần cho trẻ dùng thuốc theo chỉ định của bác sĩ khi trẻ mắc bệnh tay chân miệng

Chế độ chăm sóc cho trẻ sau khi khỏi bệnh tay chân miệng

Sau khi trẻ khỏi bệnh tay chân miệng, việc chăm sóc dinh dưỡng và lối sống là rất quan trọng để giúp trẻ hồi phục hoàn toàn, tránh những hậu quả sức khỏe lâu dài. Trong giai đoạn phục hồi, trẻ thường còn mệt mỏi, chán ăn và có thể chưa hoàn toàn hồi phục về thể lực, vì vậy cha mẹ cần chú ý các yếu tố sau:

Chế độ dinh dưỡng hợp lý

Cha mẹ nên cung cấp cho trẻ một chế độ ăn đầy đủ dinh dưỡng từ các nguồn thực phẩm dễ tiêu hóa như trứng, sữa, thịt gà, trái cây, rau xanh và ngũ cốc. Các món ăn nên nhẹ nhàng, dễ nuốt và phù hợp với khẩu vị của trẻ.

Nếu trẻ lười ăn hoặc ăn không đủ bữa, cha mẹ có thể chia nhỏ khẩu phần thành 4-5 bữa/ngày để trẻ ăn đủ chất dinh dưỡng mà không cảm thấy ngán.

Trẻ có thể thích ăn bánh kẹo, nước ngọt hay đồ ăn chiên rán nhưng những thực phẩm này không có giá trị dinh dưỡng cao và có thể gây hại nếu ăn quá nhiều. Vì vậy, cha mẹ nên hạn chế hoặc cho trẻ ăn với một lượng vừa phải để không ảnh hưởng đến quá trình hồi phục.

Bổ sung nước đầy đủ

Sau khi mắc bệnh, trẻ rất dễ bị thiếu nước do mệt mỏi hoặc biếng ăn. Việc uống đủ nước rất quan trọng để duy trì các chức năng cơ thể và giúp trẻ phục hồi nhanh chóng. Cha mẹ nên khuyến khích trẻ uống nước lọc, nước ép trái cây hoặc các loại thức uống bổ dưỡng khác để cung cấp đủ nước và vitamin cho cơ thể.

Dấu hiệu khỏi bệnh tay chân miệng và chế độ chăm sóc trẻ sau khi khỏi bệnh tay chân miệng 3
Cho trẻ uống đủ nước mỗi ngày là điều vô cùng cần thiết

Duy trì hoạt động thể chất nhẹ nhàng

Sau khi khỏi bệnh, cơ thể trẻ cần thời gian để phục hồi sức khỏe và tăng cường sức đề kháng. Cha mẹ nên khuyến khích trẻ tham gia các hoạt động thể chất nhẹ nhàng như đi bộ, chơi các trò chơi vận động hoặc thể dục nhịp điệu để giúp trẻ phục hồi sức khỏe và năng lượng một cách từ từ.

Biện pháp phòng ngừa sau khi khỏi bệnh

Mặc dù các triệu chứng của tay chân miệng có thể thuyên giảm, nhưng để tránh nguy cơ tái nhiễm hoặc lây lan cho trẻ khác, cha mẹ nên tiếp tục duy trì các biện pháp vệ sinh tốt như rửa tay thường xuyên, vệ sinh đồ chơi, các vật dụng cá nhân và giữ cho môi trường sống sạch sẽ.

Ngoài ra, việc hạn chế tiếp xúc với các trẻ khác có thể mắc bệnh trong thời gian này cũng rất quan trọng để tránh lây nhiễm.

Dấu hiệu khỏi bệnh tay chân miệng và chế độ chăm sóc trẻ sau khi khỏi bệnh tay chân miệng 4
Cha mẹ nên nhắc nhở trẻ rửa tay với xà phòng thường xuyên

Trên đây là toàn bộ những thông tin cơ bản về dấu hiệu khỏi bệnh tay chân miệng, cách chăm sóc trẻ khi mắc tay chân miệng và sau khi khỏi bệnh tay chân miệng. Hy vọng, qua những chia sẻ hôm nay, bạn đọc sẽ có thêm thật nhiều kiến thức hữu ích để chăm sóc trẻ tốt hơn. Cảm ơn vì các bạn đã luôn ở đây và dõi theo Nhà thuốc Long Châu.

Có thể bạn quan tâm

Thông tin và sản phẩm gợi ý trong bài viết chỉ mang tính chất tham khảo, vui lòng liên hệ với Bác sĩ, Dược sĩ hoặc chuyên viên y tế để được tư vấn cụ thể. Xem thêm

Dược sĩ Đại học Nguyễn Tuấn Trịnh

Đã kiểm duyệt nội dung

Từng làm ở Viện ISDS, nhiều năm cộng tác với CDC Thái Nguyên triển khai dự án phòng chống HIV/AIDS, 2 năm cộng tác với WHO.

Xem thêm thông tin