Ứng dụng Nhà Thuốc Long Châu

Siêu ưu đãi, siêu trải nghiệm

Long Châu
  1. /
  2. Góc sức khỏe/
  3. Mẹ & bé/
  4. Chăm sóc bé

Trẻ bị tay chân miệng bao lâu thì khỏi? Cách phòng ngừa bệnh tay chân miệng hiệu quả

Ngày 24/09/2023
Kích thước chữ

Tay chân miệng đã và đang là nỗi lo lắng của nhiều bậc phụ huynh có con nhỏ. Vậy khi trẻ mắc bệnh tay chân miệng sẽ có triệu chứng gì? Trẻ bị tay chân miệng bao lâu thì khỏi? Nhà thuốc Long Châu mời các bậc phụ huynh cùng tìm hiểu bài viết sau đây để có thêm nhiều kiến thức, từ đó giúp bé yêu của mình vượt qua bệnh tay chân miệng một cách dễ dàng hơn nhé!

Tay chân miệng nếu được chăm sóc đúng và kịp thời sẽ không để lại các biến chứng nguy hiểm cho bé yêu của bạn. Vậy trẻ bị tay chân miệng bao lâu thì khỏi? Các biện pháp để phòng bệnh tay chân miệng là gì? Cùng tìm hiểu dưới đây bạn nhé!

Tay chân miệng là bệnh gì?

Tay chân miệng là bệnh nhiễm trùng gây ra bởi virus Coxsackievirus A16, Coxsackievirus B, Enterovirus (E71, E68). Đây là bệnh xảy ra phổ biến ở các trẻ nhỏ dưới 5 tuổi. Do hệ miễn dịch của trẻ lúc này chưa được hoàn thiện, vì thế mà khả năng chống lại virus xâm nhập chưa tốt, dẫn đến việc trẻ dễ mắc bệnh truyền nhiễm. Tuy nhiên, trên thực tế, trẻ em trên 5 tuổi và người lớn vẫn có khả năng mắc phải bệnh tay chân miệng, nhất là vào mùa xuân, mùa hè và mùa thu.

Tay chân miệng là một bệnh truyền nhiễm. Bệnh lây truyền phổ biến qua đường hô hấp (ho, hắt hơi) thông qua tiếp xúc thông thường. Nếu tiếp xúc trực tiếp với dịch nhiễm bệnh từ mũi, họng, nốt phỏng hoặc nước bọt của người bệnh, trẻ sẽ có nguy cơ lây nhiễm cao. Bệnh cũng có thể được lây truyền khi trẻ tiếp xúc với các vật mà bệnh nhân đã sử dụng như đồ chơi hoặc nền nhà, bàn ghế, đồ ăn thức uống,...

Giải đáp thắc mắc: Trẻ bị tay chân miệng bao lâu thì khỏi? 1
Tay chân miệng thường lây qua đường hô hấp thông qua tiếp xúc thông thường

Triệu chứng khi trẻ bị bệnh tay chân miệng

Trước khi tìm hiểu trẻ bị tay chân miệng bao lâu thì khỏi, ta cùng điểm qua các triệu chứng mà trẻ mắc phải khi bị tay chân miệng qua 4 giai đoạn. Trong mỗi giai đoạn, trẻ sẽ biểu hiện các triệu chứng khác nhau như sau:

Giai đoạn ủ bệnh

Giai đoạn ủ bệnh của tay chân miệng thường kéo dài từ 3 - 7 ngày. Trong giai đoạn này, các triệu chứng thường không rõ rệt, chỉ biểu hiện nhẹ hoặc thoáng qua như sốt, đau họng, chán ăn, tiêu chảy, tiết nhiều nước bọt, kém linh hoạt hơn,... Một vài trường hợp ba mẹ có thể thấy hạch nổi ở cổ và hàm dưới của bé khi sờ tay vào.

Giai đoạn khởi phát

Ở giai đoạn này, trẻ sẽ xuất hiện triệu chứng sốt nhẹ hoặc có thể sốt cao đến 40 độ, kèm theo biểu hiện chán ăn, đau họng, mệt mỏi và tiêu chảy. Tiếp theo, các triệu chứng điển hình của tay chân miệng sẽ xuất hiện với những nốt phát ban trên da và loét ở miệng:

  • Loét miệng: Trẻ sẽ bị nổi những bọng nước với đường kính từ 2 - 3mm ở niêm mạc má, lưỡi và lợi. Những nốt này vỡ tạo nên các vết loét làm cho trẻ tăng tiết nước bọt và có cảm giác đau khi ăn. Vì thế, trẻ sẽ biếng ăn và quấy khóc.
  • Ở da: Lòng bàn tay và lòng bàn chân của trẻ xuất hiện những bóng nước với kích thước từ 2 - 10mm, hình bầu dục, màu xám, có thể nổi lên trên da hoặc ẩn dưới da, khi sờ vào sẽ thấy cộm. Tuy nhiên, ẩn vào lại không thấy đau. Bóng nước nổi tại vùng đầu gối và mông của trẻ thường sẽ xuất hiện trên nền hồng của nốt ban.
Giải đáp thắc mắc: Trẻ bị tay chân miệng bao lâu thì khỏi? 2
Khi bị tay chân miệng, lòng bàn tay, lòng bàn chân và niêm mạc miệng của trẻ sẽ xuất hiện bóng nước

Giai đoạn toàn phát

Giai đoạn toàn phát thường sẽ kéo dài từ 3 - 10 ngày với những triệu chứng điển hình nặng hơn ở trẻ như phát ban dạng bỏng nước, loét miệng. Những vết này xuất hiện và tồn tại trong khoảng thời gian ngắn (thường dưới 7 ngày). Tuy nhiên, sau đó có thể để lại các vết thâm trên da, hiếm có trường hợp gây bội nhiễm hoặc loét.

Trong giai đoạn này, nếu trẻ có biểu hiện nôn nhiều và sốt cao, trẻ dễ có nguy cơ gặp phải các biến chứng của bệnh. Biến chứng của tay chân miệng chủ yếu trên tim mạch, hô hấp, hệ thần kinh, thường xảy ra sớm từ ngày thứ 2 đến ngày thứ 5 của bệnh).

Giai đoạn lui bệnh

Giai đoạn lui bệnh thường diễn ra 3 - 5 ngày sau, cơ thể trẻ sẽ hồi phục bình thường nếu không xảy ra các biến chứng.

Giải đáp: Trẻ bị tay chân miệng bao lâu thì khỏi?

Tay chân miệng thường xuất hiện ở trẻ nhỏ dưới 3 tuổi. Vì thế mà nhiều bậc phụ huynh thắc mắc trẻ bị tay chân miệng bao lâu thì khỏi? Đa số các trường hợp tay chân miệng ở trẻ, hơn 90% sẽ hồi phục sau 7 - 10 ngày. Khi phát hiện những dấu hiệu đầu tiên của tay chân miệng ở trẻ, các bậc cha mẹ nên đưa bé đến thăm khám các bác sĩ chuyên khoa nhi để được hướng dẫn điều trị phù hợp. Trong trường hợp bé có biểu hiện sốt cao hơn 39 độ, không hạ sốt khi đã dùng dùng thuốc hoặc nôn ói, thở mệt, mạch trẻ quá nhanh hoặc không thấy mạch, cha mẹ nên đưa trẻ đến bệnh viện để được nhập viện điều trị kịp thời.

Giải đáp thắc mắc: Trẻ bị tay chân miệng bao lâu thì khỏi? 3
Trẻ bị tay chân miệng bao lâu thì khỏi là thắc mắc của nhiều phụ huynh

Cách phòng ngừa tay chân miệng tại nhà hiệu quả

Tính đến nay vẫn chưa có thuốc đặc trị cho bệnh tay chân miệng. Vì thế, việc phòng ngừa bệnh cho con em mình là giải pháp hiệu quả nhất để giúp con tránh xa căn bệnh truyền nhiễm này. Theo Bộ y tế, các biện pháp phòng ngừa tay chân miệng được khuyến cáo bao gồm:

  • Thường xuyên cho bé rửa tay trước khi ăn và sau khi đi vệ sinh bằng xà phòng. Ba mẹ cũng nên rửa tay trước khi chế biến thức ăn cho bé, trước khi bế bé, trước và sau khi thay tã để đảm bảo vệ sinh cho trẻ.
  • Thực hiện việc ăn uống đảm bảo vệ sinh như ăn chín, uống chín, vệ sinh vật dụng ăn uống bằng cách tráng qua nước sôi hoặc nước muối loãng trước khi sử dụng.
  • Đảm bảo nguồn nước dùng để chế biến thức ăn và sinh hoạt là nước sạch.
  • Không cho trẻ dùng chung khăn tắm, khăn mặt và những vật dụng khác như đồ chơi bát, đũa chưa được khử trùng.
  • Bố mẹ nên vệ sinh thường xuyên những vật dụng mà con hay tiếp xúc hàng ngày như ta vịn cầu thang, sàn nhà, bàn, ghế, dụng cụ học tập, đồ chơi bằng xà phòng hoặc những chất tẩy rửa thông thường khác.
  • Không cho trẻ tiếp xúc với những người nghi ngờ ủ bệnh hoặc với người bệnh.
  • Sử dụng nhà tiêu hợp vệ sinh, chất thải của người nhiễm bệnh cần phải được thu gom và xử lý nhằm tránh lây lan bệnh.

Bên cạnh đó, nếu như con em mình đã bị nhiễm bệnh, ba mẹ cần lưu ý các điều sau:

  • Không được cho con gãi, chạm hoặc chọc vào các mụn nước trên cơ thể.
  • Tránh không để cho con tiếp xúc với nước bẩn, không khí bẩn.
  • Không tự ý dùng các thuốc chữa trị cho con em mình nếu như chưa có chỉ định của các bác sĩ.
Giải đáp thắc mắc: Trẻ bị tay chân miệng bao lâu thì khỏi? 4
Bố mẹ nên vệ sinh thường xuyên đồ chơi để phòng bệnh tay chân miệng cho trẻ

Trên đây là những thông tin chúng tôi cung cấp đến bạn để giải đáp cho thắc mắc tay chân miệng bao lâu thì khỏi. Tay chân miệng là bệnh truyền nhiễm thường hay xuất hiện ở trẻ. Vì thế mà các bậc phụ huynh cần có những kiến thức về bệnh để kịp thời xử lý khi con mình không may mắc phải. Đừng quên phòng ngừa tay chân miệng cho con mình theo các biện pháp kể trên bố mẹ nhé!

Xem thêm: 

Tay chân miệng độ 1 mấy ngày thì khỏi?

Mẹo dân gian chữa bệnh chân tay miệng tại nhà

Có thể bạn quan tâm

Thông tin và sản phẩm gợi ý trong bài viết chỉ mang tính chất tham khảo, vui lòng liên hệ với Bác sĩ, Dược sĩ hoặc chuyên viên y tế để được tư vấn cụ thể. Xem thêm