Ứng dụng Nhà Thuốc Long Châu

Siêu ưu đãi, siêu trải nghiệm

Long Châu
  1. /
  2. Góc sức khỏe/
  3. Phòng bệnh & Sống khoẻ

Dấu hiệu nấm miệng, nguyên nhân và cách chữa trị

Ngày 12/06/2022
Kích thước chữ

Nấm miệng là một bệnh lý có thể xảy ra ở mọi đối tượng kể cả trẻ sơ sinh và trẻ nhỏ. Bệnh còn được gọi là nhiễm nấm Candida miệng hoặc tưa lưỡi. Vậy nấm miệng có dấu hiệu nhận biết là gì? Cách điều trị như thế nào?

Nhiễm nấm miệng là sự sinh sôi và phát triển của nấm Candida albicans ở niêm mạc miệng, lưỡi. Bệnh có thể lan lên vòm khẩu cái, nướu, amidan hoặc lan tới thành sau họng.

Một số trường hợp bị nặng, nấm Candida Albicans có thể nhiễm sâu xuống hệ tiêu hóa như hạ họng, thực quản, ruột, gan rồi lan xuống phổi, thậm chí nhiễm nấm đa phủ tạng. Các bệnh nhân HIV, tiểu đường, suy thận, ung thư,... có thể sẽ gặp tình trạng trở nặng như trên.

Tuy là bệnh ở mọi đối tượng và lứa tuổi nhưng nấm miệng Candida hay xảy ra ở trẻ sơ sinh và người già. Những người suy giảm miễn dịch hay đang bị bệnh mãn tính khiến sức đề kháng giảm cũng dễ nhiễm bệnh. 

Nhận biết dấu hiệu nấm miệng 

Bị nấm miệng dấu hiệu là gì? Cách nhận biết nấm miệng là thấy nổi lên các mảng màu trắng hoặc màu kem vàng nhẹ ở lưỡi, nướu, bên trong má. Mảng này hơi gồ lên trên mặt phẳng như lát phô mai mỏng. Bệnh tưa miệng hay nấm miệng còn có một số các triệu chứng:

  • Trong miệng có cảm giác cộm lên.
  • Sưng đỏ lên, ngứa rát, cọ xát mạnh hoặc cạo có thể chảy máu.
  • Có thể gây khó nuốt khi ăn uống, nuốt đau hoặc nghẹn nếu nấm lan xuống thực quản.
  • Nứt nẻ ở khóe miệng.
  • Mất vị giác hoặc vị giác bị biến đổi.
  • Gây ra mùi khó chịu trong miệng.
Dấu hiệu nấm miệng, nguyên nhân và cách chữa trị 1 Dấu hiệu nấm miệng là nổi lên các mảng màu trắng hoặc màu kem vàng nhẹ ở lưỡi, nướu, bên trong má

Ở trẻ em, dấu hiệu nấm miệng cũng tương tự, bé sẽ khó khăn khi bú, hay khóc và khó chịu. Khi bệnh lan vào thực quản có thể khiến bé thường xuyên nghẹn, sốt (nếu bị nhiễm trùng lan ra ngoài thực quản). 

Khi bú trẻ bị nấm miệng có thể lan sang vú mẹ với các dấu hiệu như: Núm vú mẹ bị đỏ, nhạy cảm và ngứa, viêm nứt và đau núm vú khi cho bé bú.

Nguyên nhân của bệnh nấm miệng

Nấm miệng là do sự sinh sôi và tiến triển nhiều quá mức của nấm Candida Albicans. Thường ngày vẫn có một lượng vi khuẩn này tồn tại trong miệng nhưng không gây hại. Khi hệ miễn dịch yếu đi, vi khuẩn có lợi không thể kiểm soát được Candida Albicans thì loại nấm này sẽ phát triển mạnh gây ra bệnh nấm miệng. Các yếu tố tăng nguy cơ khiến nấm miệng xảy ra đó là:

  • Do dùng nhiều thuốc kháng sinh khiến các vi sinh vật có lợi trong cơ thể bị ức chế hoặc giảm mạnh, từ đó nấm Candida albicans sẽ có cơ hội bùng phát mạnh mẽ.
  • Các bệnh nhân đang trong quá trình điều trị ung thư, dùng các phương pháp hóa trị và xạ trị cũng như các thuốc chống viêm.
  • Người đang nhiễm HIV đang bị suy yếu hệ miễn dịch, bệnh bạch cầu,... cũng có khả năng cao bị bệnh nấm miệng. Đây là bệnh dễ gặp ở những người bị HIV.
  • Nhiễm nấm Candida âm đạo trong thời gian mang thai cũng tăng khả năng em bé sinh ra bị nấm lưỡi Candida.
  • Đang bị đái tháo đường cũng có nguy cơ cao gặp phải bệnh nấm miệng.
  • Ngoài ra các yếu tố khác cũng tăng cao khả năng bị bệnh như: Đeo răng giả, hút thuốc lá, thiếu máu, hay bị khô miệng, vệ sinh răng miệng không tốt và sử dụng corticosteroid hoặc thuốc ức chế miễn dịch.
Dấu hiệu nấm miệng, nguyên nhân và cách chữa trị 2 Nấm miệng là do sự sinh sôi và tiến triển nhiều quá mức của nấm Candida albicans

Cách chữa trị nấm miệng 

Khi gặp các dấu hiệu nấm miệng trên, chúng ta có thể ngăn chặn và điều trị dứt điểm sự sinh sôi của nấm Candida bằng các loại thuốc ngậm, rơ miệng, uống hoặc hỗn dịch uống.

Để điều trị nấm miệng còn cần xem đối tượng, lứa tuổi sẽ có phương pháp phù hợp.

Các thuốc điều trị nấm miệng thường là những loại:

  • Thuốc kháng nấm fluconazole (Diflucan).
  • Viên ngậm chống nấm clotrimazole (Mycelex Troche).
  • Nước súc miệng hay các dạng thuốc chống nấm Nystatin.
  • Thuốc uống chống nấm itraconazole (Sporanox), chỉ định cho những người không đáp ứng với các phương pháp điều trị khác và người nhiễm HIV.
  • Thuốc điều trị nấm miệng dấu hiệu nặng amphotericin B (AmBisome, Fungizone).

Ngoài ra, đối với trẻ sơ sinh khi đã có các dấu hiệu của bệnh nấm miệng, cần vệ sinh sạch sẽ các đồ dùng như núm vú giả, thìa, máy hút sữa và để khô ráo trước khi sử dụng tiếp để ngăn nấm tiếp tục tái phát.

Đối với người lớn trong quá trình điều trị hoặc sau khi điều trị khỏi bệnh, nên chú ý các điều sau để tránh bệnh lâu lành hoặc dễ tái phát:

  • Thay đổi bàn chải đánh răng mới.
  • Vệ sinh răng miệng sạch sẽ hằng ngày, cạo lưỡi nhẹ nhàng (sau khi lành bệnh) và có thể sử dụng thêm chỉ nha khoa.
  • Súc miệng bằng nước muối loãng mỗi ngày.
  • Nếu sử dụng răng giả, hàm giả nên khử trùng kỹ càng.
  • Hạn chế ăn uống đồ ngọt.
  • Bổ sung lợi khuẩn bằng cách ăn thêm sữa chua.
  • Không nên sử dụng thuốc lá.
  • Khi gặp các vấn đề về răng miệng cần thăm khám nha sĩ để có hướng điều trị sớm nhất.
Dấu hiệu nấm miệng, nguyên nhân và cách chữa trị 3 Vệ sinh răng miệng sạch sẽ hằng ngày, cạo lưỡi nhẹ nhàng để phòng ngừa nấm miệng

Như vậy có thể thấy, dấu hiệu nấm miệng dễ thấy nhất là lưỡi bị cộm lên một lớp mỏng màu trắng ngà gây ngứa rát khó chịu. Bệnh hoàn toàn có thể điều trị dứt điểm với các loại thuốc an toàn cho cả trẻ sơ sinh và người lớn tuổi. Nhưng chú ý với các mẹ bầu và đang cho con bú thì cần thăm khám bác sĩ cũng như đọc kỹ các tác dụng của thuốc trước khi dùng.

Hy vọng qua bài viết này đã giúp bạn nắm được những thông tin cơ bản về nấm miệng Candida Albicans, chúc các bạn nhanh chóng tìm được phương pháp điều trị dứt điểm căn bệnh này nhé!

Minh Hạnh

Nguồn tham khảo: Tổng hợp

Có thể bạn quan tâm

Thông tin và sản phẩm gợi ý trong bài viết chỉ mang tính chất tham khảo, vui lòng liên hệ với Bác sĩ, Dược sĩ hoặc chuyên viên y tế để được tư vấn cụ thể. Xem thêm

Dược sĩ Đại học Nguyễn Tuấn Trịnh

Đã kiểm duyệt nội dung

Từng làm ở Viện ISDS, nhiều năm cộng tác với CDC Thái Nguyên triển khai dự án phòng chống HIV/AIDS, 2 năm cộng tác với WHO.

Xem thêm thông tin