Sau đây là dấu hiệu của những bệnh nhân mắc bệnh Alzheimer ở các mức độ khác nhau. Không phải tất cả các bệnh nhân đều có các triệu chứng được liệt kê dưới đây hay đều phát triển bệnh theo các giai đoạn được mô tả dưới đây. Không phải tất cả bệnh nhân sa sút trí tuệ đều tử vong do bệnh Alzheimer giai đoạn cuối mà có thể do bất kỳ biến chứng liên quan đến bệnh khác như suy tim, viêm phổi,...
Các giai đoạn tiến triển của bệnh Alzheimer
Bệnh Alzheimer giai đoạn đầu
Trong giai đoạn đầu, mọi người gặp khó khăn hơn trong việc quản lý cuộc sống của chính mình, nhưng vẫn có thể sống độc lập. Thường rất khó nhận biết các triệu chứng của giai đoạn đầu. Không có sự khác biệt nhiều giữa vấn đề về lão hoá bình thường và tình trạng bệnh Alzheimer nhẹ.
Giai đoạn này thường kéo dài khoảng 2 - 4 năm, bệnh nhân có thể xuất hiện các triệu chứng sau: Thờ ơ, kém chú ý, ít quan tâm đến các hoạt động và sở thích, không có khả năng thích ứng với sự thay đổi, giảm khả năng ra quyết định, thường hay quên các chi tiết của các sự kiện gần đây, thường lặp đi lặp lại hoặc quên mất điều đang suy nghĩ,...
Tâm trạng có thể thay đổi trong giai đoạn đầu của bệnh Alzheimer, một số cảm xúc tiêu cực như sợ hãi, căng thẳng, tức giận hoặc thậm chí xấu hổ.
Bệnh Alzheimer là tình trạng các tế bào não biến mất dần gây nên hiện tượng teo não
Bệnh Alzheimer giai đoạn trung bình
Những người ở giai đoạn này của bệnh Alzheimer thường không có khả năng độc lập. Họ vẫn có thể tự ăn, uống, tắm rửa và làm những công việc đơn giản nhưng cần sự nhắc nhở của người thân. Họ có thể nấu ăn, mua sắm, dọn dẹp nhà cửa nếu có sự giúp đỡ của người khác.
Đây thường là giai đoạn dài nhất của bệnh và có thể kéo dài từ 2 - 10 năm. Người bệnh có thể không nhớ những gì vừa xảy ra hoặc nhầm lẫn một số chi tiết, lúng túng về thời gian và địa điểm, quên tên hoặc nhầm lẫn các thành viên khác trong gia đình, lang thang trên đường và bị lạc, cảm thấy an toàn hơn khi ở nhà và tránh ra ngoài, bỏ bê ăn uống và vệ sinh (có thể họ nói rằng họ đã tắm hoặc ăn xong nhưng thực sự chưa tắm hoặc ăn), rất dễ nổi giận hoặc buồn bã,...
Giai đoạn mất trí nhớ trầm trọng
Đây là giai đoạn cuối cùng và có thể dẫn đến tử vong. Giai đoạn này thường kéo dài 3 năm hoặc lâu hơn. Trong giai đoạn này, bệnh nhân trở nên bất lực và hoàn toàn phụ thuộc vào sự chăm sóc của người khác. Bệnh nhân có thể có các triệu chứng sau:
- Không thể nhớ những gì đã xảy ra dù chỉ trong vài phút, quên hết bạn bè và gia đình.
- Cần người cho ăn, tắm rửa, đi vệ sinh, mặc quần áo.
- Bị kích động do cố gắng tìm người thân đã qua đời từ lâu.
- Có thể phải ngồi xe lăn hoặc nằm một chỗ, mất kiểm soát cử động,...
Bệnh Alzheimer tiến triển phức tạp theo thời gian khiến cuộc sống người bệnh mệt mỏi
Giải pháp phòng ngừa và điều trị bệnh Alzheimer giai đoạn đầu
Điều trị
Bệnh Alzheimer rất phức tạp và không thể điều trị hoàn toàn bằng bất kỳ loại thuốc hoặc phương pháp điều trị nào. Điều trị hiện tại bao gồm thực hiện các bước để giúp bệnh nhân duy trì chức năng thần kinh, hành vi cũng như cảm xúc và làm chậm sự phát triển của một số triệu chứng.
Các nhà nghiên cứu đã tìm ra một số loại thuốc có thể giúp điều trị các triệu chứng như Galantamine, Donepezil và Rivastigmine đã được chứng minh là rất hữu ích trong việc cải thiện trí nhớ.
Sự chăm sóc của gia đình đóng vai trò rất quan trọng trong việc cải thiện tình trạng của người bệnh cũng như. Tạo môi trường sống lành mạnh, an toàn và hỗ trợ nhu cầu sinh hoạt hàng ngày cho người bệnh. Đặc biệt chú ý đến lối chế độ ăn uống:
- Chế độ ăn điều độ, giàu chất dinh dưỡng, ưu tiên thực phẩm giàu vitamin C, vitamin E, B9,…. Nên hạn chế đồ uống có cồn, không hút thuốc lá, ăn đồ béo,...
- Tích cực tham gia các hoạt động thể dục thể thao, tham gia các hoạt động xã hội, đọc sách, rèn luyện trí nhớ,...
Phòng ngừa
Để phòng ngừa bệnh Alzheimer hay suy giảm trí nhớ tuổi già, bạn có thể áp dụng các biện pháp sau:
- Ăn uống và sinh hoạt khoa học như tập thể dục thường xuyên, ăn uống đầy đủ dinh dưỡng (ăn nhiều rau củ xanh, trái cây giàu vitamin, thực phẩm giàu chất chống oxy hóa). Hạn chế những thói quen xấu như thức khuya, uống nhiều rượu bia, lười vận động, hút thuốc lá,...
- Tham gia các hoạt động xã hội, nói chuyện, giao tiếp với nhiều người, chơi các trò chơi ghi nhớ, để vận động trí não.
- Khám định kỳ khi có các bệnh về tim mạch, tiểu đường, cholesterol cao, huyết áp,...
Sự quan tâm và chăm sóc của người thân chính là cách giúp người bệnh không thấy gánh nắng vì mang bệnh
Trên đây là dấu hiệu nhận biết bệnh Alzheimer giai đoạn đầu và cách phòng tránh. Hiện nay, tỷ lệ mắc bệnh Alzheimer ngày càng gia tăng. Để bảo vệ bản thân và gia đình khỏe mạnh, chúng ta phải có một lối sống lành mạnh, ăn uống điều độ, rèn luyện thể chất và tinh thần. Nếu có các triệu chứng bất thường liên quan đến não bộ, hành vi hoặc cảm xúc, hãy đến các trung tâm y tế để được xét nghiệm và có hướng điều trị tốt nhất.
Cao Hiếu
Nguồn tham khảo: Tổng hợp