Ứng dụng Nhà Thuốc Long Châu

Siêu ưu đãi, siêu trải nghiệm

Long Châu
  1. /
  2. Góc sức khỏe/
  3. Phòng bệnh & Sống khoẻ/
  4. Kiến thức y khoa

Dấu hiệu nhận biết ung thư bàng quang giai đoạn đầu

Ngày 04/05/2023
Kích thước chữ

Việc phát hiện bệnh ung thư bàng quang giai đoạn đầu là vô cùng quan trọng, bởi nó rất có giá trị trong việc điều trị bệnh và nâng cao khả sống cho bệnh nhân. Tuy nhiên, không phải ai cũng nắm rõ về các dấu hiệu sớm của ung thư bàng quang giai đoạn đầu. Hiểu được điều đó, Nhà thuốc Long Châu sẽ chia sẻ với bạn đọc về triệu chứng, phương pháp điều trị và cách phòng ngừa bệnh ung thư bàng quang trong bài viết dưới đây nhé!

Ung thư bàng quang là một bệnh lý khá phổ biến và thường gặp ở nam giới nhiều hơn nữ giới. Các dấu hiệu của ung thư bàng quang giai đoạn đầu thường khá mờ nhạt và không rõ ràng nên dễ bị bỏ qua hoặc nhầm lẫn với một số bệnh lý khác. Do đó, hầu hết bệnh nhân mắc ung thư bàng quang đều được phát hiện bệnh ở giai đoạn muộn, gây ra không ít khó khăn trong việc điều trị và phục hồi sức khỏe cho người bệnh.

Ung thư bàng quang là bệnh gì?

Ung thư bàng quang là một bệnh lý ác tính đứng thứ 2 (chỉ sau ung thư tuyến tiền liệt) trong các loại ung thư của hệ tiết niệu - sinh dục và đứng thứ 4 trong các loại ung thư phổ biến nhất hiện nay. Tỷ lệ mắc ung thư bàng quang ở nam giới cao hơn gấp 3 lần so với nữ giới.

Các yếu tố nguy cơ gây ra bệnh ung thư bàng quang gồm có: 

  • Người lớn tuổi.
  • Tiền sử trong gia đình có người thân mắc bệnh ung thư bàng quang.
  • Phơi nhiễm với một số hóa chất như các amin thơm, asen được dùng trong quá trình sản xuất dược phẩm hay thuốc nhuộm hóa học.
  • Người nghiện hoặc thường xuyên hút thuốc lá.
  • Người bị bệnh nhiễm trùng bàng quang mạn tính.
  • Đái tháo đường, béo phì...
Ung thư bàng quang là gì? Dấu hiệu nhận biết ung thư bàng quang giai đoạn đầu 1
Thường xuyên hút thuốc lá làm tăng nguy cơ mắc ung thư bàng quang

Ung thư bàng quang giai đoạn đầu là tình trạng các tế bào ung thư chưa xâm lấn vào lớp cơ bàng quang. Ở giai đoạn sớm, các tế bào ung thư chỉ mới phát triển và còn nằm trong lớp niêm mạc, chưa xâm lấn qua lớp niêm mạc để tiến sâu vào lớp cơ bàng quang.

Đồng thời, ung thư bàng quang ở giai đoạn đầu cũng chưa di căn sang các hạch bạch huyết lân cận hoặc các cơ quan khác của cơ thể như phổi, xương, gan. Do đó, việc nhận biết được các dấu hiệu sớm của bệnh ung thư bàng quang là rất khó. Vậy dấu hiệu ung thư bàng quang giai đoạn đầu như thế nào?

Dấu hiệu nhận biết ung thư bàng quang giai đoạn đầu

Cũng như nhiều bệnh ung thư khác, ung thư bàng quang rất khó nhận biết trong giai đoạn sớm. Bởi dấu hiệu của khối u bàng quang giai đoạn đầu thường chưa rõ ràng hoặc giống với triệu chứng của một số bệnh lý khác nên dễ bị bỏ qua. 

Do vậy, người bệnh nên đến các cơ sở y tế để kiểm tra và thăm khám chuyên sâu khi thấy cơ thể xuất hiện một số biểu hiện như sau: 

  • Đi tiểu ra máu: Thấy nước tiểu có màu lạ (màu gỉ hoặc đỏ tươi).
  • Tiểu nhiều lần trong ngày.
  • Tiểu khó và đau khi đi tiểu.
  • Tiểu buốt, tiểu không tự chủ và có dấu hiệu bị tắc nghẽn đường tiết niệu.
  • Đau vùng lưng dưới.
  • Mệt mỏi, chán ăn và sụt cân.
Ung thư bàng quang là gì? Dấu hiệu nhận biết ung thư bàng quang giai đoạn đầu 2
Đau lưng dưới có thể là dấu hiệu bệnh ung thư bàng quang giai đoạn đầu

Điều trị ung thư bàng quang giai đoạn đầu như thế nào?

Việc đưa ra chẩn đoán và xác định được giai đoạn của bệnh ung thư bàng quang sẽ giúp bác sĩ đưa ra phương pháp điều trị phù hợp nhất. Việc lựa chọn phương pháp điều trị ung thư bàng quang giai đoạn đầu sẽ phụ thuộc vào kích thước và mức độ phát triển của khối u trong bàng quang. Cũng như một số yếu tố ảnh hưởng khác như giới tính, tuổi tác, các bệnh lý nền và sức khỏe tổng thể của người bệnh.

Dưới đây là một số phương pháp được đưa ra để điều trị ung thư bàng quang giai đoạn đầu, cụ thể là:

Phẫu thuật

Ung thư bàng quang giai đoạn đầu thường được chỉ định điều trị bằng cách cắt bỏ khối u qua phương pháp phẫu thuật nội soi hoặc mổ mở. Phương pháp này được thực hiện nhằm loại bỏ khối u và giúp xác định mức độ lan rộng của ung thư, đồng thời xác định được khối u chỉ mới định vị lại tại lớp niêm mạc mà chưa xâm lấn vào cơ bàng quang dựa trên kết quả giải phẫu bệnh của các tế bào khối u. 

Ung thư bàng quang giai đoạn đầu không cần phải phẫu thuật cắt bỏ bàng quang. Việc cắt bỏ một phần hoặc toàn bộ bàng quang sẽ được chỉ định khi bệnh đã ở giai đoạn muộn.

Ung thư bàng quang là gì? Dấu hiệu nhận biết ung thư bàng quang giai đoạn đầu 3
Cắt bỏ khối u là một phương pháp điều trị ung thư bàng quang giai đoạn đầu

Hóa trị

Hóa trị có thể được thực hiện nhằm hỗ trợ điều trị sau phẫu thuật cắt bỏ khối u bàng quang giai đoạn đầu. Phương pháp này giúp tiêu diệt các tế bào ung thư còn sót lại sau phẫu thuật và ngăn ngừa khối u bàng quang có thể tái phát.

Trong quá trình hóa trị, các thuốc hóa chất sẽ được bơm vào trong lòng bàng quang thông qua ống sonde tiểu. Liệu pháp này còn được gọi là bơm hóa chất nội bàng quang.

Hóa trị ung thư bàng quang giai đoạn đầu cần được thực hiện càng sớm càng tốt, hiệu quả nhất là 2 giờ sau phẫu thuật. Liệu trình này nên được thực hiện với tần suất 1 lần/tuần và kéo dài trong vòng 6 tuần.

Liệu pháp miễn dịch (BCG)

Liệu pháp miễn dịch là sử dụng hệ thống miễn dịch của chính cơ thể người bệnh để tấn công lại các tế bào ung thư. Phương pháp này sẽ sử dụng một loại vaccin được gọi là Bacillus Calmette - Guérin (BCG) nhằm kích thích các phản ứng của hệ thống miễn dịch chống lại tế bào ung thư bàng quang. Liệu pháp BCG nên được thực hiện hàng tuần, kéo dài ít nhất trong 6 tuần và lặp lại từ 3 - 6 tháng/lần.

Bệnh nhân ung thư bàng quang điều trị bằng liệu pháp BCG sẽ gặp phải một số tác dụng phụ như đau hoặc nóng rát khi đi tiểu, bàng quang bị kích ứng, sốt nhẹ và ớn lạnh. 

Biện pháp phòng ngừa bệnh ung thư bàng quang

Dưới đây là các biện pháp dự phòng bệnh ung thư bàng quang mà bạn nên biết, cụ thể như sau:

  • Không hút thuốc lá: Thuốc lá là một trong các nguyên nhân chính gây ra nhiều bệnh ung thư, trong đó có bệnh ung thư bàng quang. Trong khói thuốc lá chứa khoảng 5000 chất gây ung thư và có khả năng tập trung lại tại các cơ quan trong cơ thể để gây bệnh. Vì vậy, không hút thuốc lá là một biện pháp tối ưu để phòng ngừa các bệnh ung thư nói chung và ung thư bàng quang nói riêng.
  • Sử dụng nguồn nước sạch và hạn chế tiếp xúc với các hóa chất độc hại: Cần phải thực hiện các biện pháp an toàn và sử dụng đồ bảo hộ ở nơi làm việc khi phải tiếp xúc với các hóa chất độc hại để phòng ngừa tình trạng phơi nhiễm. Bên cạnh đó, việc sử dụng nguồn nước an toàn và làm các xét nghiệm để kiểm tra hàm lượng thạch tín (chất gây ung thư phổ biến nhất hiện nay) là rất cần thiết.
  • Uống nhiều nước: Việc uống đủ từ 1,5 - 2 lít nước mỗi ngày có thể làm giảm đến 25% nguy cơ mắc bệnh ung thư bàng quang. Bởi khi vào cơ thể, nước có tác dụng đào thải bất kỳ tác nhân nào gây bệnh ung thư bàng quang ra ngoài thông qua đường nước tiểu trước khi chúng thẩm thấu và phát triển trong cơ thể.
  • Xây dựng chế độ ăn hợp lý: Người mắc bệnh ung thư bàng quang giai đoạn đầu nên ăn gì đang là vấn đề được nhiều quan tâm. Theo đó, việc ăn nhiều loại hoa quả và rau xanh như bắp cải, súp lơ xanh, cam, ổi… có thể làm giảm nguy cơ mắc ung thư bàng quang ở nam giới.
  • Kiểm tra sức khỏe định kỳ: Đây là một việc làm thực sự cần thiết và rất quan trọng giúp chúng ta theo dõi tình trạng sức khỏe cũng như phát hiện sớm các bệnh lý mắc phải. Ngoài ra, nếu nhận thấy cơ thể có dấu hiệu bất thường như đi tiểu ra máu thì nên đến bệnh viện thăm khám nhằm phát hiện ung thư bàng quang sớm và điều trị kịp thời.
Ung thư bàng quang là gì? Dấu hiệu nhận biết ung thư bàng quang giai đoạn đầu 4
Khám sức khỏe định kỳ giúp dự phòng sớm ung thư bàng quang

Trên đây là một số thông tin cơ bản mà Nhà thuốc Long Châu đã cung cấp để giúp bạn đọc hiểu rõ hơn về bệnh ung thư bàng quang và các phương pháp điều trị ung thư bàng quang giai đoạn đầu. Việc nhận biết sớm các dấu hiệu bệnh ở giai đoạn đầu sẽ giúp người bệnh được chẩn đoán và điều trị kịp thời. Từ đó, hạn chế được nguy cơ bệnh tiến triển xấu đi và giúp giảm tối thiểu các ảnh hưởng tiêu cực đến chất lượng cuộc sống của người bệnh.

Xem thêm: Bệnh nhân ung thư bàng quang sống được bao lâu?

Ánh Vũ

Nguồn tham khảo: medlatec.vn

Có thể bạn quan tâm

Thông tin và sản phẩm gợi ý trong bài viết chỉ mang tính chất tham khảo, vui lòng liên hệ với Bác sĩ, Dược sĩ hoặc chuyên viên y tế để được tư vấn cụ thể. Xem thêm

Dược sĩ Đại họcTừ Vĩnh Khánh Tường

Đã kiểm duyệt nội dung

Tốt nghiệp Khoa Dược trường Đại học Võ Trường Toản. Có nhiều năm kinh nghiệm trong ngành Dược. Hiện đang là giảng viên cho Dược sĩ tại Nhà thuốc Long Châu.

Xem thêm thông tin