Ứng dụng Nhà Thuốc Long Châu

Siêu ưu đãi, siêu trải nghiệm

Long Châu

Đâu là nguyên nhân gây nên thận ứ nước? Liệu thận ứ nước độ 1 liệu có nguy hiểm?

Ngày 06/05/2023
Kích thước chữ
  • Mặc định

  • Lớn hơn

Thận ứ nước là một tình trạng bệnh thuộc hệ tiết niệu có thể xảy ra ở bất kỳ đối tượng, lứa tuổi nào. Bệnh lý này có thể được điều trị dứt điểm nếu được phát hiện sớm. Tuy nhiên, bệnh thận ứ nước có thể gây ra các biến chứng nguy hiểm nếu tình trạng này kéo dài. Vậy nguyên nhân gây ra tình trạng thận ứ nước là gì? Thận ứ nước độ 1 liệu có phải là tình trạng đáng lo ngại không?

Thận ứ nước là một trong các nguyên nhân gây ra tình trạng suy thận và có thể đe dọa đến tính mạng của người bệnh. Đây là một căn bệnh khá phổ biến và có thể bắt gặp ở mọi lứa tuổi, mọi đối tượng. Thận ứ nước được chia thành 4 cấp độ với mức độ nguy hiểm tăng dần. Vậy thận ứ nước độ 1 là gì? Nguyên nhân gây ra bệnh lý thận ứ nước như thế nào?

Thận ứ nước là gì?

Hệ tiết niệu của một người bình thường gồm có 2 quả thận, niệu quản, niệu đạo, bàng quang, ống dẫn nước tiểu… liên kết và phối hợp hoạt động với nhau một cách nhịp nhàng. Do đó, nếu bất kỳ vị trí nào bị tổn thương hay tắc nghẽn đều có thể gây ra tình trạng tích lũy nước tiểu lại trong thận. 

Thận ứ nước xảy ra khi có các tổn thương bên trong hoặc bên ngoài đường tiết niệu, khiến cho hệ tiết niệu bị tắc nghẽn tại vị trí nào đó sau thận. Hậu quả là làm cản trở dòng nước tiểu đi từ thận xuống bàng quang thông qua niệu quản. Từ đó, làm cho đài bể thận và niệu quản bị giãn nở nghiêm trọng tại phía trên vị trí bị tắc nghẽn. 

Thận ứ nước có thể xảy ra ở một hoặc cả 2 bên thận, gây tổn thương các tế bào thận, làm suy giảm chức năng của thận, thậm chí là tổn thương thận không hồi phục nếu tình trạng này kéo dài. Nếu chỉ 1 bên thận bị ứ nước thì người bệnh sẽ không thấy sự bất thường trên cơ thể vì bên thận còn lại vẫn duy trì chức năng thận hoạt động bình thường. Nếu cả 2 bên thận đều bị ứ nước sẽ khiến chức năng lọc máu của thận bị ảnh hưởng và gây ra những triệu chứng nghiêm trọng cho cơ thể.

Đâu là nguyên nhân gây nên thận ứ nước? Liệu thận ứ nước độ 1 liệu có nguy hiểm? 1
Thận ứ nước làm cho hệ tiết niệu bị tấc nghẽn tại một vị trí nào đó sau thận

Đâu là nguyên nhân gây ra thận ứ nước?

Khi một vị trí nào đó trong hệ tiết niệu bị tắc nghẽn, làm cản trở quá trình lưu thông nước tiểu sẽ khiến cơ thể gặp phải tình trạng thận ứ nước. Theo các chuyên gia sức khỏe thì các nguyên nhân phổ biến gây ra hiện tượng này là:

  • Ống niệu đạo hoặc lỗ niệu đạo nhỏ hẹp là một trong các nguyên nhân phổ biến gây ra tình trạng một hoặc cả hai bên thận ở trẻ nhỏ bị ứ nước tiểu. Ngoài ra, trong một số trường hợp người trưởng thành phẫu thuật đường tiết niệu có để lại sẹo cũng có thể gây ra hiện tượng nước tiểu bị ứ đọng trong các đài bể thận.
  • Một số bệnh lý thường xảy ra ở hệ tiết niệu như viêm đường tiết niệu, sỏi đường niệu, trào ngược bàng quang - niệu đạo… đều có thể trở thành những nguyên nhân gây tắc nghẽn đường lưu thông của nước tiểu và khiến chúng bị ứ đọng lại trong thận. 
  • Đường niệu đạo bị chèn ép bởi thai nhi ở phụ nữ mang thai, nữ giới bị ung thư cổ tử cung hoặc sa tử cung, nam giới bị ung thư tuyến tiền liệt… cũng được xem là nguyên nhân gây ra tình trạng thận ứ nước.
  • Mắc dị tật bẩm sinh tại đường tiết niệu của thai nhi là một trong những nguyên nhân dẫn đến hiện tượng tắc nghẽn và tích lũy nước tiểu tại thận.
  • Ngoài ra, một số yếu tố làm tăng nguy cơ mắc bệnh lý thận ứ nước như thường xuyên nhịn tiểu, sử dụng rượu bia, lạm dụng thuốc Tây…
Đâu là nguyên nhân gây nên thận ứ nước? Liệu thận ứ nước độ 1 liệu có nguy hiểm? 2
Phụ nữ mang thai có thể gặp phải tình trạng thận ứ nước ở mức độ nhẹ 

Thận ứ nước độ 1 liệu có nguy hiểm hay không?

Để giải đáp thắc mắc thận ứ nước độ 1 có nguy hiểm không, trước hết hãy cùng Nhà thuốc Long Châu tìm hiểu về các cấp độ của bệnh thận ứ nước. Thận ứ nước được chia thành 4 cấp độ với mức độ nguy hiểm tăng dần, cụ thể như sau: 

  • Cấp độ 1: Đây là giai đoạn đầu tiên và cũng là giai đoạn nhẹ nhất của bệnh thận ứ nước. Ở giai đoạn này, bể thận có sự giãn nhẹ, đài bể thận không giãn và như mô thận không bị teo nhỏ. Người bệnh chưa thấy dấu hiệu bất thường nào trên cơ thể.
  • Cấp độ 2: Bể thận và đài thận có sự giãn nhẹ (khoảng 10 - 15mm). Tuy nhiên, cấu trúc của chúng vẫn được bảo tồn. Ở giai đoạn này, người bệnh đã xuất hiện triệu chứng đau hông và đau mạn sườn 2 bên cả ngày, kèm theo đó là tình trạng đi tiểu liên tục (gấp từ 1,5 đến 2 lần so với bình thường).
  • Cấp độ 3: Dấu hiệu giãn đài bể thận rất rõ ràng trên hình ảnh siêu âm thận với kích thước trên 15mm, tạo thành các nang lớn. Đây được xem là giai đoạn nặng của tình trạng thận ứ nước. Lúc này người bệnh có thêm các triệu chứng như mệt mỏi, phù nhẹ mặt và chân do cơ thể bị tích nước, cần được điều trị ngay để ngăn ngừa các biến chứng nguy hiểm.
  • Cấp độ 4: Đài bể thận giãn lớn như một quả bóng. Đây là giai đoạn nặng nhất của bệnh thận ứ nước và mức độ tổn thương thận lên tới 75 - 90%. Người bệnh sẽ có biểu hiện sưng phù mặt mũi và chân tay, đi tiểu ra máu và cần phải được phẫu thuật ngay tức thì. Nếu chậm trễ, bệnh nhân có thể gặp những biến chứng nguy hiểm đến tính mạng như huyết áp tăng đột ngột, suy thận, nhiễm trùng thận cấp tính, thậm chí là vỡ thận… 

Như vậy, thận ứ nước độ 1 là giai đoạn nhẹ nhất của bệnh, chưa cần điều trị và chưa gây nguy hiểm đến sức khỏe cũng như tính mạng của người bệnh. Tuy nhiên, bạn cũng không nên quá chủ quan, hãy thường xuyên theo dõi và kiểm tra định kỳ 3 tháng/lần để bác sĩ có thể kiểm soát chặt chẽ tiến triển của bệnh và đưa ra phương pháp điều trị phù hợp (nếu cần) nhằm ngăn chặn bệnh tiến triển theo chiều hướng tiêu cực.

Đâu là nguyên nhân gây nên thận ứ nước? Liệu thận ứ nước độ 1 liệu có nguy hiểm? 3
Thận ứ nước độ 1 là giai đoạn nhẹ nhất của bệnh lý này

Biện pháp phòng ngừa bệnh thận ứ nước

Sau khi đã hiểu rõ về bệnh thận ứ nước và nguyên nhân gây ra tình trạng này, bạn có thể thực hiện một số biện pháp phòng ngừa và ngăn chặn sự tiến triển xấu đi của tình trạng thận ứ nước độ 1 bằng cách: 

  • Thường xuyên kiểm tra sức khỏe định kỳ từ 3 - 6 tháng/lần, tuân thủ theo các chỉ định điều trị của bác sĩ, kiểm soát bệnh và ngăn chặn những biến chứng nguy hiểm có thể xảy ra của bệnh thận ứ nước.
  • Uống đủ nước từ 1,5 - 2 lít/ngày nhằm thúc đẩy quá trình đào thải độc tố của thận và giúp thận hoạt động tốt hơn. 
  • Xây dựng chế độ ăn uống khoa học và cân bằng, bổ sung đầy đủ các chất dinh dưỡng cần thiết cho cơ thể thông qua các loại thực phẩm khác nhau.
  • Duy trì lối sống lành mạnh, điều chỉnh chế độ nghỉ ngơi và làm việc hợp lý.
  • Tập thể dục nhẹ nhàng như đi bộ, chạy bộ, đạp xe, bơi… để tăng cường sức khỏe tổng thể.
  • Hạn chế sử dụng rượu bia, hút thuốc lá hoặc dùng các chất kích thích không tốt cho cơ thể.
Đâu là nguyên nhân gây nên thận ứ nước? Liệu thận ứ nước độ 1 liệu có nguy hiểm? 4
Đi bộ thường xuyên là một trong các biện pháp phòng ngừa bệnh thận ứ nước hiệu quả

Tóm lại, thận ứ nước là một tình trạng bệnh lý xảy ra trên hệ tiết niệu và có thể điều trị khỏi hoàn toàn nếu được phát hiện sớm. Trong bài viết trên Nhà thuốc Long Châu đã cung cấp những thông tin về bệnh thận ứ nước và giải đáp cho vấn đề thận ứ nước độ 1 có nguy hiểm không. Đồng thời cũng hướng dẫn bạn đọc các biện pháp phòng tránh bệnh thận ứ nước vừa dễ thực hiện và hiệu quả. Cuối cùng, hãy đi kiểm tra sức khỏe định kỳ khoảng 3 - 6 tháng/lần để theo dõi tình trạng sức khỏe của bản thân một cách tốt nhất.

Ánh Vũ

Nguồn tham khảo: Tổng hợp

Có thể bạn quan tâm

Thông tin và sản phẩm gợi ý trong bài viết chỉ mang tính chất tham khảo, vui lòng liên hệ với Bác sĩ, Dược sĩ hoặc chuyên viên y tế để được tư vấn cụ thể. Xem thêm