Ứng dụng Nhà Thuốc Long Châu

Siêu ưu đãi, siêu trải nghiệm

Long Châu
  1. /
  2. Góc sức khỏe/
  3. Phòng bệnh & Sống khoẻ

Đau lưng không đứng thẳng được: Nguyên nhân và cách điều trị

Ngày 23/05/2023
Kích thước chữ

Đau lưng không đứng thẳng được có thể là triệu chứng của nhiều căn bệnh nguy hiểm mà bạn không nên bỏ qua. Các cơn đau ở thắt lưng có thể khiến cột sống mất đường cong sinh lý, điều này khiến bệnh nhân khó di chuyển, đứng thẳng hoặc cúi ngửa.

Đau lưng không đứng thẳng được là một tình trạng khá phổ biến hiện nay, gây ảnh hưởng đến khả năng vận động và sinh hoạt hàng ngày của con người. Vấn đề này xuất phát từ nhiều nguyên nhân khác nhau, đôi khi đây chính là dấu hiệu cảnh báo một số bệnh lý nghiêm trọng. Do đó, ngay khi phát hiện triệu chứng bất thường này, người bệnh nên thăm khám bác sĩ để được chẩn đoán kịp thời.

Nguyên nhân gây đau lưng không đứng thẳng được

Một số nguyên nhân thường gặp khiến đau lưng không đứng thẳng được như sau:

Tuổi tác

Tuổi cao làm cho cơ thể bị lão hóa, nhất là bộ phận xương khớp. Vì vậy những người lớn tuổi thường mắc các bệnh về xương khớp trong đó có đau lưng không đứng thẳng được.

Mang thai

Các bà bầu thường hay bị đau lưng và khó khăn khi đi đứng nhất là ở những tháng cuối thai kỳ. Lúc này, thai lớn và nặng nên khiến mẹ bầu bị nghiêng về phía trước gây nhức mỏi và đau cột sống.

Vận động bị sai tư thế

Nhiều người thường không hay để ý đến nguyên nhân này nhưng thật ra đau lưng do vận động sai tư thế nó khá phổ biến. Khi các bạn hoạt động, ngồi hoặc nằm sai tư thế sẽ gây áp lực lên cột sống. Lúc này cột sống sẽ bị tổn thương dẫn đến đau nhức vùng lưng và khó đứng thẳng được.

Đau lưng không đứng thẳng được: Nguyên nhân và cách điều trị 1
Vận động sai tư thế khiến mọi người đau lưng không đứng thẳng được

Do chấn thương

Một số chấn thương trong quá trình lao động hoặc tham gia thể thao như bong gân, giãn dây chằng, gãy xương hay trật đốt sống,… sẽ khiến cho bạn bị đau lưng không đứng thẳng được.

Thoái hóa cột sống

Thoái hóa cột sống là tình trạng suy giảm mô sụn và xương dưới sụn làm chúng bị biến đổi cấu trúc khiến lưng đau nhức ở trạng thái dai dẳng. Các cơn đau sẽ trở nên mạnh mẽ hơn khi người bệnh cố gắng đứng thẳng người lên. Nếu không điều trị kịp thời sẽ dẫn đến các biến chứng như là bị thoát vị đĩa đệm, hình thành gai xương, gây biến dạng cột sống.

Thoát vị đĩa đệm cột sống thắt lưng

Đây là tình trạng nhầy đĩa đệm cột sống thoát ra khỏi vị trí của nó và chèn ép lên tủy sống và dây thần kinh ống sống. Bệnh này gây đau nhức khó chịu ở vùng lưng khiến cho người bệnh khó đứng thẳng lên được. Bệnh thoát vị đĩa đệm này rất nguy hiểm nếu không được phát hiện và điều trị kịp thời.

Viêm khớp dạng thấp

Đây là căn bệnh gây tổn thương đến các khớp nhỏ như ngón tay, ngón chân, cổ tay, cổ chân,… Trong trường hợp nặng, bệnh sẽ ảnh hưởng đến các khớp lớn như khớp gối, khớp lưng, gây khó khăn trong quá trình đi đứng và vận động.

Viêm cột sống dính khớp

Viêm cột sống dính khớp là bệnh lý viêm mạn tính khá hiếm gặp. Theo thời gian sẽ gây ra tình trạng dính khớp khiến cho cột sống mất khả năng di động và phần lưng cũng không thể đứng thẳng lên được.

Đau lưng không đứng thẳng được: Nguyên nhân và cách điều trị 2
Viêm cột sống dính khớp gây đau lưng không đứng thẳng được

Đau thần kinh tọa

Dây thần kinh tọa là dây thần kinh dài nhất trong cơ thể. Nó kéo dài từ dưới thắt lưng đến tận ngón chân giúp cơ thể chi phối và vận động phần chi dưới. Khi bị đau thần kinh tọa người bệnh sẽ đau dọc phần lưng xuống chân. Các cơn đau này có thể kéo dài âm ỉ và cảm thấy đau nhiều hơn khi người bệnh đứng thẳng lên.

Hẹp ống sống

Không gian bên trong ống sống của cơ thể bị thu hẹp và gây chèn ép, tạo áp lực lên bộ phận tủy sống, rễ thần kinh. Khi bị hẹp ống sống sẽ bị đau dữ dội vùng thắt lưng, lan đến chân khi di chuyển hoặc đứng thẳng.

Gai cột sống

Nếu bệnh gai cột sống không được phát hiện và chữa trị kịp thời sẽ khiến cơ thể mất khả năng di chuyển và vận động.

Đau lưng không đứng thẳng được có nguy hiểm hay không?

Tình trạng đau lưng không đứng thẳng được rất nguy hiểm bởi nó là dấu hiệu nhận biết của nhiều căn bệnh liên quan đến xương khớp. Vì vậy, nếu gặp phải các tình trạng này thì không nên chủ quan mà cần phải theo dõi để có hướng điều trị thích hợp và kịp thời nhất.

Đau lưng không đứng thẳng được: Nguyên nhân và cách điều trị 2
Đau lưng không đứng thẳng được khá nguy hiểm

Cách điều trị bệnh đau lưng không đứng thẳng được

Khi bạn bị đau lưng không đứng thẳng được có thể áp dụng một số biện pháp để cải thiện dưới đây:

  • Chườm nóng hoặc chườm lạnh: Biện pháp chườm nóng làm cho các cơ được thư giãn, giảm tình trạng căng cứng và cải thiện quá trình tuần hoàn máu. Còn chườm lạnh giúp giảm cảm giác đau hiệu quả. Vì vậy có thể kết hợp cả 2 cách thức này để giúp bệnh đau lưng thuyên giảm đáng kể.
  • Sử dụng thuốc: Tùy vào nguyên nhân gây bệnh mà bác sĩ sẽ kê cho người bệnh một số loại thuốc điều trị khác nhau. 
  • Vật lý trị liệu: Biện pháp vật lý trị liệu nhằm phục hồi lại các chức năng của cột sống, nâng cao sức mạnh và khả năng chuyển động của cột sống, cải thiện tốt các tư thế. Do đó, nếu cơn đau ngày một nặng có thể hỏi ý kiến chuyên gia để áp dụng chương trình tập luyện phù hợp với cơ thể.
  • Sử dụng nẹp lưng: Nếu không thể đứng lên được bác sĩ có thể để người bệnh sử dụng nẹp lưng để hỗ trợ cột sống, giúp tăng khả năng phục hồi, giảm đau cột sống tốt hơn.
  • Phẫu thuật: Đây là phương pháp cuối cùng khi các biện pháp kể trên không có tác dụng tốt nữa. Phẫu thuật được bác sĩ sử dụng với những người bị thoát vị đĩa đệm hoặc hẹp ống sống. 

Khi nào cần đến gặp bác sĩ?

Nếu trong trường hợp các triệu chứng đau lưng mới xuất hiện một vài ngày và tự hết sau khi người bệnh nghỉ ngơi đầy đủ thì không cần quá lo lắng. Tuy nhiên, nếu cơn đau cứ dai dẳng và không có dấu hiệu thuyên giảm thì cần tìm gặp các bác sĩ để được tư vấn, chẩn đoán và có phác đồ điều trị kịp thời nhất.

Đau lưng không đứng thẳng được: Nguyên nhân và cách điều trị 3
Nên thăm khám bác sĩ nếu tình trạng đau kéo dài

Trên đây là một vài thông tin về vấn đề đau lưng không đứng thẳng được hiện đang gặp ở nhiều người. Hi vọng những kiến thức trên sẽ hữu ích đối với bạn đọc. Chúc tất cả mọi người luôn khỏe mạnh và dẻo dai.

Phạm Diểm

Nguồn tham khảo: Tổng hợp

Có thể bạn quan tâm

Thông tin và sản phẩm gợi ý trong bài viết chỉ mang tính chất tham khảo, vui lòng liên hệ với Bác sĩ, Dược sĩ hoặc chuyên viên y tế để được tư vấn cụ thể. Xem thêm

Dược sĩ Đại họcNguyễn Thanh Hải

Đã kiểm duyệt nội dung

Tốt nghiệp Đại học Dược Hà Nội, với hơn 10 năm kinh nghiệm trong lĩnh vực Dược phẩm. Hiện là giảng viên giảng dạy các môn Dược lý, Dược lâm sàng,...

Xem thêm thông tin