Ứng dụng Nhà Thuốc Long Châu

Siêu ưu đãi, siêu trải nghiệm

Long Châu
  1. /
  2. Góc sức khỏe/
  3. Phòng bệnh & Sống khoẻ/
  4. Kiến thức y khoa

Dây thần kinh tủy sống là gì? Cấu trúc và chức năng của dây thần kinh tủy sống

Ngày 18/10/2023
Kích thước chữ

Dây thần kinh tủy sống là sợi dây liên kết vô cùng quan trọng trong cơ thể con người. Như một mạng lưới tinh xảo, nó trải dài từ não bộ đến các cơ quan trong cơ thể. Đây là dây thần kinh cho chúng ta khả năng cảm nhận, di chuyển và suy nghĩ. Trong bài viết này, hãy cùng Nhà thuốc Long Châu khám phá sâu hơn về dây thần kinh tủy sống nhé!

Dây thần kinh tủy sống đóng vai trò vô cùng quan trọng trong hệ thần kinh, ảnh hưởng sâu sắc đến khả năng vận động và cảm giác của cơ thể. Nếu mất đi tính năng của những dây thần kinh này do các tổn thương hay bệnh lý có thể dẫn đến sự suy giảm đáng kể về chất lượng cuộc sống của con người. Bài viết sau đây sẽ phân tích cấu trúc và chức năng của dây thần kinh tủy sống, từ đó giúp bạn hiểu rõ hơn về vai trò của nó nhé!

Dây thần kinh tủy sống là gì?

Dây thần kinh tủy sống nằm trong hệ thần kinh, là hệ thống cơ quan phân hóa cao nhất trong cơ thể người, bao gồm hệ thần kinh trung ương và hệ thần kinh ngoại biên. Hệ thần kinh trung ương bao gồm não và tủy sống. Hệ thần kinh ngoại biên gồm 12 đôi thần kinh sọ, 31 đôi dây thần kinh tủy sống và các hạch thần kinh.

Dây thần kinh tủy sống 1
Dây thần kinh tủy sống là hệ thống cơ quan phân hóa cao nhất trong cơ thể người

Có tất cả 31 đôi dây thần kinh tủy sống. Chúng được đặt tên và phân nhóm dựa trên các đốt sống có liên quan, bao gồm:

  • 8 đôi dây thần kinh sống cổ;
  • 12 đôi dây thần kinh sống ngực;
  • 5 đôi thần kinh sống thắt lưng;
  • 5 đôi thần kinh sống cùng;
  • 1 đôi thần kinh sống cụt.

Mặc dù cơ thể chúng ta có 7 đốt sống cổ nhưng lại có đến 8 đôi thần kinh sống cổ. Nguyên nhân là do đôi thứ nhất rời khỏi ống sống ở giữa xương chẩm và đốt cổ thứ I, đôi thứ tám thoát ra ở dưới đốt sống cổ số VII. Từ đó trở xuống, các thần kinh sống được đặt tên và đánh số dựa trên đốt sống nằm phía trên.

Các dây thần kinh tủy sống thắt lưng, đốt sống cùng và cụt thoát ra khỏi tủy sống ở đoạn cuối của tủy sống (ở mức đốt sống thắt lưng I). Chúng chạy xuống bên trong ống sống và khoang dưới nhện, tạo thành một bó thần kinh được gọi là đuôi ngựa vì trông giống như đuôi ngựa. Các dây thần kinh này thoát ra khỏi ống sống ở mức bờ dưới các đốt sống thắt lưng và đốt sống cùng tương ứng.

Cấu trúc của dây thần kinh tủy sống

Dây thần kinh tủy sống thuộc dây thần kinh hỗn hợp. Cấu trúc của nó là sự kết hợp của rễ trước và rễ sau của các sợi thần kinh. Trong đó:

  • Rễ trước (radix anterior, radix motoria): Hay còn gọi là rễ vận động, có nguồn gốc từ các sợi thần kinh đi. Đây là nhánh trục của các nơron thần kinh ở cột trước chất xám tủy sống. Trong các đoạn tủy ngực và thắt lưng bên, rễ trước còn chứa các sợi thần kinh tự chủ trước hạch, có bản chất là nhánh trục của những tế bào cột bên của chất xám tủy sống. Rễ trước chủ yếu liên quan đến việc điều khiển các hoạt động của cơ thể.
  • Rễ sau (radix posterior, radix sensoria): Hay còn gọi là rễ cảm giác, được hình thành bởi các sợi thần kinh đến. Những nhánh ngoại vi của nơron hạch phân bố tới các cấu trúc ở ngoại vi, bao gồm các tạng và bộ phận cơ thể. Các nhánh trung ương chạy qua rễ sau và vào tủy sống. Rễ sau chịu trách nhiệm cho việc truyền tải cảm giác từ ngoại vi vào hệ thần kinh trung ương theo các nhánh này.
Dây thần kinh tủy sống 2
Cấu trúc của thần kinh tủy sống là sự kết hợp của rễ trước và rễ sau

Khi chưa phân chia, thân dây thần kinh tủy sống sau khi ló ra từ lỗ gian đốt sống sẽ chia thành 4 nhánh:

  • Nhánh màng tủy (r.menigeus): Hay còn gọi là nhánh quặt ngược.
  • Nhánh thông (r.comminicans): Là nhánh nối thân thần kinh tủy sống với thân giao cảm.
  • Nhánh sau (r.posterior): Chi phối hoạt động của da và các cơ sâu ở mặt sau đầu, cổ, thân (vùng lưng).
  • Nhánh trước (r.anterior): Điều khiển mặt trước, mặt bên của đầu, cổ, thân, chi trên và chi dưới.

Dây thần kinh tủy sống có chức năng gì?

Rễ trước của dây thần kinh tủy sống chịu trách nhiệm truyền tín hiệu vận động và rễ sau truyền tín hiệu cảm giác. Chúng có chức năng liên kết hệ thần kinh trung ương với các chi và cơ quan, dẫn truyền tín hiệu thần kinh đi vào và đi ra khỏi não bộ thông qua tủy sống đến vị trí chính xác trong cơ thể.

Bên cạnh đó, một số nhánh trước của các dây thần kinh tủy sống kết nối một cách đan xen và tạo thành các đám rối thần kinh chi phối vận động và cảm giác cho nhiều vùng trên cơ thể. Bao gồm đám rối thần kinh cổ, đám rối thần kinh cánh tay và đám rối thần kinh thắt lưng cùng. Đám rối thần kinh cánh tay đảm nhiệm việc truyền tín hiệu cảm giác và vận động cho chi trên, vùng vai và vùng ngực. Đám rối thần kinh thắt lưng cùng thực hiện vai trò tương tự cho vùng chi dưới, khoang sau phúc mạc và chậu hông.

Dây thần kinh tủy sống 3
Dây thần kinh tủy sống chịu trách nhiệm truyền tín hiệu vận động và tín hiệu cảm giác

Dây thần kinh tủy sống là sợi liên kết kỳ diệu giúp truyền tải thông tin giữa não bộ với các cơ quan khác trong cơ thể. Thần kinh tủy sống là một phần quan trọng không thể thiếu của hệ thần kinh trung ương, cho phép chúng ta cảm nhận và tương tác với thế giới xung quanh. Việc bảo vệ và duy trì sức khỏe của dây thần kinh tủy sống là điều quan trọng để có cuộc sống khỏe mạnh và linh hoạt.

Xem thêm:

Có thể bạn quan tâm

Thông tin và sản phẩm gợi ý trong bài viết chỉ mang tính chất tham khảo, vui lòng liên hệ với Bác sĩ, Dược sĩ hoặc chuyên viên y tế để được tư vấn cụ thể. Xem thêm