Ứng dụng Nhà Thuốc Long Châu

Siêu ưu đãi, siêu trải nghiệm

Long Châu
  1. /
  2. Góc sức khỏe/
  3. Tin tức sức khỏe

Vùng dưới đồi của não: Vai trò, chức năng và một số rối loạn liên quan

Ngày 20/10/2023
Kích thước chữ

Vùng dưới đồi của não là một cấu trúc quan trọng, điều khiển các hoạt động chức năng trong cơ thể từ sự tăng trưởng và phát triển cho đến tâm trạng, sức khỏe tim mạch và sinh nở. Một số tình trạng có thể ảnh hưởng đến vùng dưới đồi của não, gây ra nhiều vấn đề sức khỏe.

Vùng dưới đồi là một cấu trúc nằm sâu trong não, có vai trò như trung tâm điều phối, kiểm soát các hoạt động của cơ thể. Chức năng chính của vùng dưới đồi là giữ cho cơ thể bạn ở trạng thái cân bằng nội môi thông qua việc tác động trực tiếp đến hệ thần kinh tự chủ hoặc kiểm soát các hormone trong cơ thể. Một số bệnh lý có thể làm tổn thương vùng dưới đồi của não, dẫn đến hậu quả là nhiều hoạt động của cơ thể bị ảnh hưởng. Sau đây, Nhà thuốc Long Châu sẽ giới thiệu tới bạn đọc về bộ phận này nhé!

Vùng dưới đồi của não là gì?

Vùng dưới đồi là một phần của não bộ, là một cấu trúc nhỏ nhưng phức tạp, đóng vai trò vô cùng quan trọng. Bộ phận này điều khiển nhiều hoạt động chức năng của cơ thể, từ sự tăng trưởng và phát triển đến tâm trạng, sức khỏe tim mạch và sinh nở. Vùng dưới đồi của não kiểm soát quá trình cân bằng của cơ thể ở một trạng thái ổn định được gọi là cân bằng nội môi, đồng thời điều hòa các hormone.

Vùng dưới đồi của não: Vai trò, chức năng và một số rối loạn liên quan 1
Vùng dưới đồi nằm sâu trong cấu trúc não và đóng vai trò quan trọng

Về mặt giải phẫu, vùng dưới đồi nằm giữa hai bán cầu não và là một phần của gian não. Vùng dưới đồi có nhiệm vụ gửi tín hiệu trực tiếp đến não và các bộ phận khác của cơ thể để điều chỉnh các quá trình sinh học, chẳng hạn như điều hòa thân nhiệt và nhịp sinh học, hoặc sản xuất hormone tác động lên các cơ quan đích khác nhau, bao gồm tuyến yên và tuyến giáp. Bằng cách gửi tín hiệu cho tuyến yên tiết ra một số hormone nhất định để kiểm soát hệ thống nội tiết, vùng dưới đồi đảm bảo rằng các quá trình bên trong cơ thể bạn được cân bằng và hoạt động bình thường. Do đó, vùng dưới đồi được coi là một phần thiết yếu nhất của hệ thống nội tiết.

Vai trò và chức năng của vùng dưới đồi

Vai trò chính của vùng dưới đồi là giữ cho cơ thể ở trạng thái cân bằng nội môi một cách tối ưu nhất. Cân bằng nội môi là một trạng thái mà ở đó đạt được sự cân bằng ổn định, thuận lợi diễn ra các quá trình sinh học của cơ thể. Đây là trạng thái cân bằng mà cơ thể luôn cố gắng để đạt được.

Vùng dưới đồi của não hoạt động giữa hệ thống nội tiết và hệ thống thần kinh. Hệ thống nội tiết là một mạng lưới các tuyến và cơ quan sản xuất hormone, giúp điều chỉnh các chức năng của cơ thể. Khi các hệ thống và bộ phận khác nhau của cơ thể gửi tín hiệu đến não, chúng có thể cảnh báo với vùng dưới đồi về bất kỳ yếu tố mất cân bằng nào cần giải quyết. Vùng dưới đồi sẽ phản ứng bằng cách kích thích hoạt động nội tiết liên quan để giải quyết đưa về sự cân bằng. Ví dụ, nếu vùng dưới đồi nhận được tín hiệu rằng thân nhiệt của bạn đang quá cao, nó sẽ báo cho cơ thể đổ mồ hôi. Nếu nhận được tín hiệu thân nhiệt quá lạnh, cơ thể sẽ tự tạo nhiệt bằng cách run rẩy.

Bên cạnh đó, vùng dưới đồi cũng đóng vai trò trong các quá trình sau:

  • Sự phát triển của cơ thể;
  • Điều hòa thân nhiệt;
  • Điều hòa huyết áp;
  • Cảm giác khát nước;
  • Cảm giác thèm ăn;
  • Kiểm soát cân nặng;
  • Kiểm soát cảm xúc, tâm trạng;
  • Kiểm soát nhịp sinh học (chu kỳ ngủ - thức);
  • Ham muốn tình dục;
  • Sinh con;
  • Tiết sữa mẹ.
Vùng dưới đồi của não: Vai trò, chức năng và một số rối loạn liên quan 2
Vùng dưới đồi của não kiểm soát cân bằng nội môi giúp duy trì cơ thể khỏe mạnh

Để duy trì cân bằng nội môi, vùng dưới đồi sẽ tương tác hoạt động với tuyến yên để kiểm soát việc sản xuất hormone, bao gồm hormone tuyến giáp, tuyến cận giáp, tuyến thượng thận, tuyến tụy, buồng trứng (ở nữ) và tinh hoàn (ở nam). Hệ thống nội tiết chịu trách nhiệm điều hòa huyết áp, nhịp tim, sản xuất enzyme tiêu hóa và duy trì cân bằng các dịch trong cơ thể.

Có nhiều loại hormone được sản xuất bởi vùng dưới đồi. Những hormone này hoặc tác động lên thùy trước tuyến yên hoặc được lưu trữ ở thùy sau tuyến yên, bao gồm:

  • Hormone giải phóng thyrotropin (TRH): TRH kích hoạt giải phóng hormone kích thích tuyến giáp (TSH), sau đó kích thích giải phóng hormone tuyến giáp điều chỉnh quá trình trao đổi chất, năng lượng cũng như sự tăng trưởng và phát triển.
  • Hormone giải phóng corticotropin (CRH): Gửi tín hiệu đến thùy trước tuyến yên để kích thích tuyến thượng thận tiết ra corticosteroid, giúp điều hòa quá trình trao đổi chất và đáp ứng miễn dịch.
  • Hormone giải phóng gonadotropin (GnRH): Kích thích thùy trước tuyến yên giải phóng hormone kích thích nang trứng (FSH) và hormone tạo hoàng thể (LH), phối hợp với nhau để đảm bảo hoạt động bình thường của buồng trứng và tinh hoàn.
  • Hormone giải phóng hormone tăng trưởng (GHRH) hoặc hormone ức chế hormone tăng trưởng (GHIH) (còn được gọi là somatostatin): GHRH thúc đẩy thùy trước tuyến yên tiết ra hormone tăng trưởng (GH); GHIH có tác dụng ngược lại. Ở trẻ em, GH rất cần thiết để duy trì cơ thể khỏe mạnh. Ở người lớn, GH hỗ trợ củng cố lượng xương, giúp cơ khỏe mạnh và ảnh hưởng đến việc vận chuyển chất béo.
  • Hormone giải phóng prolactin (PRH) hoặc hormone ức chế prolactin (PIH) (còn được gọi là dopamine): PRH thúc đẩy thùy trước tuyến yên kích thích sản xuất sữa mẹ thông qua việc sản xuất prolactin. Ngược lại, PIH ức chế prolactin, do đó ức chế sản xuất sữa.
  • Hormone chống lợi tiểu (ADH): Gây giữ nước và co mạch, dẫn đến làm tăng huyết áp. Hormone này làm tăng khả năng hấp thụ nước vào máu của thận.
  • Oxytocin: Tham gia vào nhiều quá trình khác nhau, chẳng hạn như cực khoái, khả năng tin tưởng, thân nhiệt, chu kỳ giấc ngủ và giải phóng sữa mẹ.

Một số rối loạn tại vùng dưới đồi

Khi vùng dưới đồi của não bị tổn thương sẽ xuất hiện một số rối loạn ảnh hưởng đến cơ thể. Vùng dưới đồi có thể bị tổn thương do tình trạng tổn thương gián tiếp hoặc trực tiếp do chấn thương sọ não, phẫu thuật, khối u hoặc bị phá hủy trong bệnh tự miễn.

Các rối loạn vùng dưới đồi có thể bao gồm rối loạn thèm ăn và giấc ngủ, tuy nhiên vì vùng dưới đồi ảnh hưởng đến rất nhiều bộ phận khác nhau của hệ thống nội tiết nên khó có thể xác định liệu nguyên nhân gốc rễ của rối loạn vùng dưới đồi có thực sự liên quan đến một tuyến khác hay không.

Một số tình trạng di truyền có thể gây ra rối loạn vùng dưới đồi có thể kể đến như:

  • Hội chứng Kallman: Một tình trạng di truyền đặc trưng bởi dậy thì muộn và mất khứu giác.
  • Hội chứng Prader Willi: Trẻ sinh ra với biểu hiện ăn kém, trương lực cơ yếu, khi lớn sẽ thèm ăn, ăn quá nhiều, thiểu năng trí tuệ và lượng hormone giới tính thấp.
Vùng dưới đồi của não: Vai trò, chức năng và một số rối loạn liên quan 3
Một số tình trạng di truyền có thể gây rối loạn vùng dưới đồi

Bên cạnh đó, tổn thương vùng dưới đồi có thể dẫn đến một số tình trạng như sau:

  • Béo phì với đặc trưng bởi sự thèm ăn và tăng cân quá mức;
  • Vô kinh chức năng do rối loạn vùng dưới đồi;
  • Bệnh đái tháo nhạt với đặc trưng bởi tình trạng thiếu ADH gây đi tiểu nhiều và khát nước;
  • Hội chứng tiết hormone chống bài niệu không thích hợp (SIADH), trong đó cơ thể sản xuất ra lượng ADH quá mức, dẫn đến giảm áp lực thẩm thấu máu, yếu cơ và thay đổi trạng thái tinh thần (chẳng hạn như bồn chồn, khó chịu và lú lẫn).

Nội dung trên đây đã giới thiệu cho bạn thêm thông tin về vùng dưới đồi của não là gì, vai trò, chức năng và một số rối loạn của bộ phận này. Hy vọng bạn đọc sẽ nhận được thông tin hữu ích từ bài viết này.

Xem thêm:

Có thể bạn quan tâm

Thông tin và sản phẩm gợi ý trong bài viết chỉ mang tính chất tham khảo, vui lòng liên hệ với Bác sĩ, Dược sĩ hoặc chuyên viên y tế để được tư vấn cụ thể. Xem thêm

Dược sĩ Đại học Nguyễn Tuấn Trịnh

Đã kiểm duyệt nội dung

Từng làm ở Viện ISDS, nhiều năm cộng tác với CDC Thái Nguyên triển khai dự án phòng chống HIV/AIDS, 2 năm cộng tác với WHO.

Xem thêm thông tin