Điểm danh các chất dinh dưỡng cần thiết cho trẻ mà người lớn nên biết
Ngày 28/03/2024
Kích thước chữ
Mặc định
Lớn hơn
Xây dựng chế độ ăn uống khoa học với đầy đủ các chất dinh dưỡng cần thiết cho trẻ trong những năm đầu đời sẽ tạo nền tảng vững chắc cho sự phát triển toàn diện trong tương lai của trẻ. Thiếu các chất này có thể dẫn đến suy dinh dưỡng, có nguy cơ mắc các bệnh về đường ruột, nhiễm trùng, thậm chí làm chậm sự phát triển của trí não,... gây ảnh hưởng nghiêm trọng đến sức khỏe thể chất và tinh thần của trẻ nên cha mẹ hết sức lưu ý.
Trong năm đầu đời, cân nặng của trẻ sẽ tăng gấp ba lần. Để đạt được mức này, trẻ cần nhiều chất dinh dưỡng hơn bao giờ hết. Trẻ lớn lên nhờ hàng chục chất dinh dưỡng tương tác với nhau để thúc đẩy tăng trưởng và phát triển. Vì vậy, việc điều chỉnh hàm lượng các chất dinh dưỡng cần thiết cho trẻ trong khẩu phần ăn hàng ngày là điều vô cùng cần thiết. Nếu không đảm bảo đầy đủ chất dinh dưỡng cho trẻ sẽ rất nguy hiểm, cụ thể ra sao, mời bạn đọc cùng tham khảo bài viết dưới đây.
Trẻ thiếu chất dinh dưỡng sẽ nguy hiểm ra sao?
Sau đây là một số trạng thái trẻ có thể gặp phải nếu như bị thiếu hụt chất dinh dưỡng:
Gặp vấn đề về sức khỏe: Trẻ thiếu chất dinh dưỡng có thể dẫn đến tình trạng suy dinh dưỡng. Trẻ suy dinh dưỡng có thể dễ mắc bệnh tật và các vấn đề sức khỏe hơn như thiếu hụt vitamin và khoáng chất.
Thể chất chậm phát triển: Thiếu hụt chất dinh dưỡng ảnh hưởng đến chức năng của tất cả các hệ cơ quan trong cơ thể, bao gồm cả hệ cơ xương.
Ảnh hưởng đến trí tuệ và tâm lý trẻ: Thiếu hụt chất dinh dưỡng có thể làm suy giảm chức năng nhận thức và khả năng tiếp thu kiến thức, ảnh hưởng đến khả năng tập trung và kết quả học tập.
Có thể thấy, việc thiếu chất dinh dưỡng sẽ ảnh hưởng nghiêm trọng đến sự phát triển của trẻ, nên cha mẹ hết sức lưu ý trong việc bổ sung đầy đủ các các chất dinh dưỡng cần thiết cho trẻ.
Các chất dinh dưỡng cần thiết cho trẻ trong chế độ ăn uống
Để tránh tình trạng trẻ thiếu hụt các chất dinh dưỡng và đảm bảo trẻ phát triển toàn diện, sau đây là các chất dinh dưỡng cần thiết cho trẻ mà cha mẹ nên lưu ý:
Tinh bột (carbohydrate)
Sau khi tiêu hóa, tinh bột được phân hủy thành glucose, có tác dụng cung cấp năng lượng cho mọi chức năng của cơ thể, đặc biệt là cho hoạt động của não và hệ thần kinh ở trẻ em. Nhu cầu về carbohydrate ở từng lứa tuổi cũng khác nhau, cụ thể:
Trẻ từ 0 đến 6 tháng tuổi: Phải được uống sữa mẹ thường xuyên, bởi vì thời điểm này sữa mẹ là nguồn dinh dưỡng duy nhất của bé.
Trẻ trên 6 tháng tuổi: Nhu cầu carbohydrate là 10-15 gam/kg/ngày, 1 gam tương đương 4 kcal. Đối với thức ăn cho bé, mẹ nên chọn gạo hoặc ngũ cốc để cung cấp cho bé đủ năng lượng.
Carbohydrate không chỉ đóng vai trò là nguồn năng lượng mà còn thúc đẩy sự phát triển của vi khuẩn đường ruột và ngăn ngừa tiêu chảy ở trẻ.
Chất béo (lipid)
Vai trò của chất béo là dự trữ năng lượng, điều hòa hoạt động, bảo vệ cơ thể trẻ khỏi sự dao động nhiệt độ, hỗ trợ hấp thu các vitamin A, D, E, K. Nhu cầu cụ thể của trẻ ở từng độ tuổi như sau:
Đối với trẻ dưới 6 tháng tuổi: Bú mẹ hoàn toàn là đủ để đáp ứng nhu cầu về chất béo.
Trẻ trên 6 tháng tuổi: Hàm lượng chất béo nên chiếm khoảng 40% tổng năng lượng.
Ngoài ra, đối với trẻ lớn hơn, các chuyên gia khuyến khích chỉ dùng 70% chất béo động vật (từ mỡ thịt, mỡ cá, bơ, sữa, phô mai) và 30% chất béo thực vật (từ các loại dầu hạt và trái cây).
Chất đạm (protein)
Chất đạm hay còn được gọi là protein. Đây là nền tảng để hình thành các bộ phận quan trọng của cơ thể (gan, thận, tim, da,...). Ngoài ra, protein còn có vai trò cung cấp năng lượng, điều hòa hệ tim mạch, cân bằng lượng đường trong máu, duy trì hệ thống miễn dịch và hỗ trợ vận chuyển các chất khác. Nhu cầu về chất đạm ở từng độ tuổi của trẻ như sau:
Trẻ dưới 6 tháng tuổi: Bú mẹ hoàn toàn có thể đáp ứng nhu cầu protein cho sự tăng trưởng và sức khỏe của trẻ.
Trẻ trên 6 tháng tuổi: Nhu cầu protein hàng ngày là 1,4g/kg trọng lượng cơ thể.
Trẻ trên 1 tuổi: Nhu cầu protein hàng ngày là 2,2 g/kg cân nặng.
Cha mẹ nên tăng cường bổ sung protein cho trẻ, nếu trẻ không được cung cấp lượng protein này thì tốc độ tăng trưởng sẽ chậm hơn và trí thông minh sẽ giảm sút.
Các loại khoáng chất
Khoáng chất cùng với vitamin hỗ trợ các chức năng cơ thể cần thiết cho sự phát triển của trẻ.
Các loại khoáng chất quan trọng cho trẻ:
Canxi: Đây là nguyên tố vi lượng quan trọng tham gia vào cấu trúc xương và răng của trẻ. Trẻ sơ sinh có thể nhận đủ canxi thông qua sữa mẹ hoặc sữa công thức.
Kẽm: Kẽm giúp cải thiện hệ thống miễn dịch, cải thiện chất lượng bữa ăn của trẻ, tăng khả năng hấp thu, thúc đẩy quá trình tổng hợp protein và phân chia tế bào.
Magie: Đây là khoáng chất cần thiết cho sự phát triển thể chất và tinh thần của trẻ. Những thực phẩm giàu magie cho bé trên tuổi ăn dặm như bơ, chuối, các loại đậu, cá hồi, rau lá xanh,...
Cha mẹ nên lưu ý nên bổ sung các khoáng chất dinh dưỡng cho trẻ thông qua các loại thực phẩm thay vì bổ sung qua dạng thực phẩm chức năng.
Các loại vitamin
Vitamin tham gia vào quá trình trao đổi chất của cơ thể và đảm bảo sự phát triển ổn định, cân đối trong những năm đầu đời. Những vitamin quan trọng cho trẻ như: Vitamin A giúp trẻ tăng trưởng kháng thể và phát triển thể chất, đặc biệt là phát triển thị lực. Vitamin C giúp tăng sức đề kháng, chống lại bệnh tật và tham gia vào quá trình trao đổi chất của cơ thể. Vitamin D hỗ trợ hấp thu canxi ở trẻ.
Một số phương pháp phòng ngừa tình trạng thiếu hụt các chất dinh dưỡng ở trẻ em
Biết được tầm quan trọng của các chất dinh dưỡng cần thiết cho trẻ thì cha mẹ nên chủ động bổ sung và phòng ngừa tình trạng thiếu hụt các chất bằng các phương pháp sau:
Cho bé bú trực tiếp ngay cả khi sữa chưa về, điều này kích thích chức năng tuyến vú của người mẹ và em bé nhận được kháng thể trong sữa mẹ. Bắt đầu cho bé ăn dặm từ 6 tháng tuổi. Vì ở giai đoạn này nhu cầu của trẻ bắt đầu tăng cao.
Đảm bảo vệ sinh an toàn thực phẩm khi chuẩn bị và lựa chọn thực phẩm cho trẻ. Nếu đảm bảo vệ sinh, trẻ sẽ không bị nhiễm giun sán, nhiễm trùng đường ruột. Đừng để thức ăn bên ngoài quá lâu. Hạn chế cho trẻ ăn thực phẩm đóng hộp, chế biến sẵn, để lạnh và sống.
Hàng tháng theo dõi tình trạng thể chất, cân nặng, chiều cao của trẻ để kịp thời phát hiện nguy cơ suy dinh dưỡng ở trẻ và có biện pháp can thiệp sớm. Mẹ nên cho bé uống thuốc tẩy giun định kỳ.
Hãy cho bé tập thể dục thường xuyên. Hoạt động thể chất (bơi lội, đạp xe, chạy bộ,…) nó sẽ giúp đẩy nhanh quá trình trao đổi chất, cải thiện khả năng hấp thụ các chất dinh dưỡng cần thiết và giúp hệ bài tiết hoạt động trơn tru hơn.
Ngoài ra, nếu trẻ có dấu hiệu chán ăn hoặc sút cân nhanh chóng cha mẹ nên đưa trẻ đến các cơ sở y tế uy tín để được thăm khám.
Hy vọng những thông tin trong bài viết trên đã giúp bạn đọc hiểu được tầm quan trọng của các chất dinh dưỡng cần thiết cho trẻ cũng như các cách ngăn ngừa tình trạng thiếu hụt các chất dinh dưỡng để có thể giúp trẻ phát triển một cách toàn diện.
Thông tin và sản phẩm gợi ý trong bài viết chỉ mang tính chất tham khảo, vui lòng liên hệ với Bác sĩ, Dược sĩ hoặc chuyên viên y tế để được tư vấn cụ thể. Xem thêm
Dược sĩ chuyên khoa Dược lý - Dược lâm sàng. Tốt nghiệp 2 trường đại học Mở và Y Dược TP. Hồ Chí Minh. Có kinh nghiệm nghiên cứu về lĩnh vực sức khỏe, đạt được nhiều giải thưởng khoa học. Hiện là Dược sĩ chuyên môn phụ trách xây dựng nội dung và triển khai dự án đào tạo - Hội đồng chuyên môn tại Nhà thuốc Long Châu.