Ứng dụng Nhà Thuốc Long Châu

Siêu ưu đãi, siêu trải nghiệm

Long Châu
  1. /
  2. Góc sức khỏe/
  3. Phòng bệnh & Sống khoẻ/
  4. Sức khỏe gia đình

Điểm qua 18 lời khuyên dành cho bệnh nhân suy tĩnh mạch

Ngày 29/09/2023
Kích thước chữ

Suy tĩnh mạch là bệnh lý khá thường gặp, nhất ở những người phải đứng, đi lại thường xuyên. Cùng điểm qua 18 lời khuyên dành cho bệnh nhân suy tĩnh mạch để cải thiện tình trạng bệnh bạn nhé.

Bệnh nhân bị suy giãn tĩnh mạch nên tránh táo bón, ăn đủ chất xơ, uống 2 lít nước mỗi ngày, không mặc quần áo chật, mang giày đế mềm, gót thấp, ngồi đúng tư thế, vận động, đi bộ hàng ngày, tránh khiêng vác nặng… để có thể cải thiện tình trạng bệnh. Vậy cụ thể hơn 18 lời khuyên dành cho bệnh nhân suy tĩnh mạch là gì? Các bạn sẽ được hiểu rõ qua bài viết sau đây.

Tổng quan suy giãn tĩnh mạch

Bệnh giãn tĩnh mạch là bệnh lý xảy ra do sự tổn thương của các van trong lòng tĩnh mạch, làm cho máu chảy theo chiều ngược lại với bình thường. Thay vì được chảy từ bàn chân về tim thì máu sẽ đi theo chiều ngược lại làm tăng áp lực trong lòng tĩnh mạch từ đó làm giãn thành tĩnh mạch. Khi các tĩnh mạch giãn, sẽ co kéo các van và làm nặng hơn tình trạng hở các van và làm cho dòng chảy từ bàn chân về tim nặng thêm, cuối cùng làm tăng áp lực trong tĩnh mạch gây viêm tĩnh mạch, giãn các tĩnh mạch và nhiều biến chứng khác.

18 lời khuyên dành cho bệnh nhân suy tĩnh mạch 1
Suy tĩnh mạch là bệnh lý thường gặp ở những người trên 50 tuổi

18 lời khuyên dành cho bệnh nhân suy tĩnh mạch

Dưới đây là 18 lời khuyên dành cho bệnh nhân suy tĩnh mạch bạn có thể tham khảo.

Thay đổi chế độ dinh dưỡng

Uống nhiều nước, bổ sung thêm chất xơ để hạn chế táo bón. Đảm bảo khẩu phần ăn hằng ngày có đủ chất xơ như rau quả tươi, trái cây, rau củ, ngũ cốc,... 

Uống nhiều nước

Nên duy trì việc uống 2 lít nước mỗi ngày bao gồm: Nước uống và các thức ăn, đồ uống có nước, đặc biệt là vào thời tiết nóng bức.

18 lời khuyên dành cho bệnh nhân suy tĩnh mạch 2
Thay đổi chế độ ăn là điều cần thiết trong 18 lời khuyên dành cho bệnh nhân suy tĩnh mạch

Đi giày gót thấp, đế mềm

Bạn nên mang giày gót thấp, đế mềm, bước đi tự nhiên bằng cả bàn chân. 

Không mặc quần áo quá chật và bó sát

Không nên mặc quần áo quá chật hay bó quá sát, đặc biệt là bó sát ở vùng hông vì khi quần áo bó chật quá sẽ làm cản trở máu lưu thông từ bàn chân trở về tim và làm nặng hơn tình trạng suy tĩnh mạch.

Vận động, thể thao

Vận động nhiều, đi bộ hàng ngày không chỉ tốt cho bệnh nhân suy tĩnh mạch mà kể cả những người khỏe mạnh. Nếu bạn không có thời gian để tập luyện thì bạn có thể đi cầu thang bộ thay vì dùng thang máy. Đó cũng là một cách tốt để cải thiện tình trạng của bệnh nhân.

Ngồi đúng tư thế

Duy trì thói quen ngồi đúng tư thế, tránh đè nén lên mặt dưới đùi. Nên ngồi tư thế chắc chắn với chân chạm đất, để mặt dưới đùi vừa chạm ghế hoặc hổng trên mặt ghế, mặt dưới đùi không tì đè nhiều vào mặt ghế, không ngồi đong đưa chân vì sẽ làm cản trở lưu thông máu tĩnh mạch chạy dọc mặt sau đùi.

Thay đổi tư thế thường xuyên

Nếu công việc của bạn có tính chất phải đứng liên tục thì nên thay đổi tư thế thường xuyên nếu có thể bạn hãy chạy tại chỗ cũng sẽ giúp làm giảm tải lên hệ thống tĩnh mạch của bạn và cải thiện cũng như phòng ngừa suy tĩnh mạch.

Tránh làm việc nặng

Bệnh nhân suy tĩnh mạch cần hạn chế khiêng vác nặng, xách đồ nặng vì những hoạt động như vậy sẽ làm cho máu đẩy xuống chân nhiều hơn và làm cho tĩnh mạch càng bị quá tải và tình trạng giãn tĩnh mạch trầm trọng hơn. Tốt nhất nên dùng xe đẩy trong các trường hợp phải làm việc.

Xoay tròn bàn chân trên gót chân

Thực hiện xoay tròn bàn chân trên gót chân từ trái qua phải, và ngược lại giúp lưu thông khí huyết.

Nhón gót khi ngồi lâu

Nếu bạn phải ngồi lâu làm việc thì nên nhón gót lặp lại nhiều lần. Thực hiện nhón gót: Đứng cùng lúc cả hai bàn chân lên đầu các ngón chân và lặp lại nhiều lần.

Điểm qua 18 lời khuyên dành cho bệnh nhân suy tĩnh mạch 4
Bạn nên nhón gót khi ngồi lâu

Nhịp chân khi ngồi lâu

Bên cạnh việc nhón gót khi ngồi lâu bạn cũng có thể nhịp chân. Nhấc mũi bàn chân lên xuống tốt nhất là cố gắng nâng bàn chân lên tối đa cho đến khi không thể nhấc lên được nữa và thực hiện lặp lại nhiều lần.

Đá chân xen kẽ khi ngồi lâu

Bạn có thể đá xen kẽ hai chân khi ngồi lâu. Thực hiện co và duỗi nhẹ hai chân xen kẽ nhau kiểu như đá chân trước sau xen kẽ phối hợp nhón gót khi co chân lại và nhấc bàn chân khi duỗi chân ra.

Bạn nên tập thể thao nhẹ nhàng

Nếu có thời gian bạn nên tập những môn thể thao có nhẹ nhàng với các động tác nhịp nhàng như chạy bộ, đi bộ, đạp xe, khiêu vũ, bơi lội,…

Hạn chế chơi những môn thể thao cử động nhanh

Hạn chế chơi những môn thể thao mạnh và có tính chuyển động nhanh, chuyển hướng đột ngột có khả năng gây chấn động lên hệ tĩnh mạch chân. Các môn thể thao nặng cần tránh như chạy tốc độ, cử tạ, nhảy xa, tập thể hình, nhảy cao,… hay các môn có đối đầu căng thẳng như tennis, cầu lông,… thậm chí là những môn chơi với bóng như bóng đá, bóng rổ, bóng chuyền,...

Gác chân cao khi ngủ

Gác chân cao khi ngủ giúp máu trở về tim dễ dàng hơn. Đồng thời cũng giúp thư giãn, nghỉ ngơi thoải mái hơn. Khi ngủ nên kê chân cao hơn tim tầm 15cm.

Rửa chân lại bằng nước lạnh sau khi tắm

Sau khi tắm xong nên rửa chân lại bằng nước lạnh nhằm giúp co thắt tĩnh mạch, làm cho sự vận chuyển máu hồi lưu về tim dễ dàng hơn. Hạn chế việc tắm nước nóng.

Sau khi tắm hơi, tắm bồn nên rửa chân lại bằng nước lạnh

Sau khi tắm hơi, tắm bồn nên rửa chân lại bằng nước lạnh và nằm kê chân cao.

Không nên phơi nắng nhiều

Nắng nóng sẽ làm giãn mạch vì vậy không nên phơi nắng nhiều có hại cho tĩnh mạch. Nếu có thời gian bạn nên đi dạo trên bờ biển và đi chân trần trong nước biển lạnh.

Những phương pháp điều trị bệnh suy giãn tĩnh mạch

Suy tĩnh mạch là một bệnh lý mạn tính không có khả năng tự hồi phục. Khi bị suy tĩnh mạch bạn cần sự hỗ trợ của vớ y khoa áp lực và uống thuốc trợ tĩnh mạch, tránh các yếu tố nguy cơ có thể làm trầm trọng hơn tình trạng suy tĩnh mạch ví dụ như tránh ngồi lâu, tránh đứng lâu, không tắm nước nóng, tránh tiếp xúc nhiệt, tránh táo bón, không đi giày cao gót, không mặc quần bó sát, hạn chế những môn thể thao có nâng nặng, đứng lâu.

Bệnh nhân cần tích cực thực hiện những yếu tố có lợi cho tĩnh mạch như nằm gác chân lên gối mềm cao từ 15 đến 20 cm so với tim, duy trì khoảng 15 phút và thực hiện 3 - 4 lần/ ngày, luyện tập những môn thể thao có động tác vận động cổ chân nhiều như bơi lội, đi bộ nhanh, đi xe đạp...

18 lời khuyên dành cho bệnh nhân suy tĩnh mạch 3
Vớ y khoa là phương pháp được áp dụng ở hầu hết các bệnh nhân suy tĩnh mạch 

Những trường hợp giãn tĩnh mạch nặng, thầy thuốc sẽ cho người bệnh mang một loại vớ ép. Nếu bệnh nhân vẫn không đáp ứng với điều trị nội khoa thì sẽ có chỉ định phẫu thuật hay điều trị xâm lấn tối thiểu. Có nhiều phương pháp để loại bỏ tình trạng dòng chảy ngược ở các tĩnh mạch nông như phẫu thuật cắt bỏ tĩnh mạch, chích xơ, đốt laser nội mạch, loại bỏ tĩnh mạch hiển qua ngã nội mạch đốt bằng sóng cao tần. Các phẫu thuật này đã được kiểm nghiệm tính hiệu quả và an toàn, góp phần cải thiện chất lượng cuộc sống của bệnh nhân.

Như vậy trên đây là tất cả những điều người bệnh có thể làm để cải thiện tình trạng suy tĩnh mạch. Kiên trì thực hiện để có được hiệu quả tốt nhất và không làm nặng thêm diễn tiến của bệnh.

Có thể bạn quan tâm

Thông tin và sản phẩm gợi ý trong bài viết chỉ mang tính chất tham khảo, vui lòng liên hệ với Bác sĩ, Dược sĩ hoặc chuyên viên y tế để được tư vấn cụ thể. Xem thêm

Dược sĩ Đại họcNguyễn Chí Chương

Đã kiểm duyệt nội dung

Tốt nghiệp Đại Học Dược Hà Nội - chuyên môn Dược lâm sàng. Hiện đang là giảng viên cho Dược sĩ tại Nhà thuốc Long Châu.