Ứng dụng Nhà Thuốc Long Châu

Siêu ưu đãi, siêu trải nghiệm

Long Châu
  1. /
  2. Góc sức khỏe/
  3. Phòng bệnh & Sống khoẻ

Bệnh suy giãn tĩnh mạch có nguy hiểm không?

Ngày 29/07/2024
Kích thước chữ

Suy giãn tĩnh mạch là bệnh lý thường gây phù nề chi dưới, thay đổi da và khó chịu do tăng áp lực tĩnh mạch. Đây là một bệnh phổ biến, làm giảm chất lượng cuộc sống và năng suất làm việc. Hiện nay, tỷ lệ người mắc suy giãn tĩnh mạch chân ngày càng tăng, đây là một con số đáng báo động do bệnh này có liên quan đến các vấn đề về tim mạch. Vậy suy giãn tĩnh mạch có nguy hiểm không?

Bệnh suy giãn tĩnh mạch có thể xảy ra ở bất kỳ tĩnh mạch nào trên cơ thể, nhưng thường xảy ra nhất ở các tĩnh mạch chân. Điều này là do hệ thống tĩnh mạch chân dài, cấu tạo phức tạp và thường phải chịu áp lực lớn.

Tình trạng giãn tĩnh mạch xảy ra khi nào?

Giãn tĩnh mạch xảy ra khi thành tĩnh mạch bị viêm và máu bị trào ngược xuống chân, gây cản trở sự di chuyển của máu từ chân trở về tim, dẫn đến ứ trệ tuần hoàn. Kết quả là tĩnh mạch dần dần giãn to và có thể gây ra các biến chứng như suy tĩnh mạch và huyết khối tĩnh mạch. Trước khi tìm hiểu suy giãn tĩnh mạch có nguy hiểm không? Chúng ta hãy điểm qua một vài thông tin về yếu tố nguy cơ dẫn đến tình trạng này:

  • Tiền sử gia đình: Có người trong gia đình mắc suy giãn tĩnh mạch.
  • Giới tính: Phụ nữ có nguy cơ mắc bệnh cao hơn nam giới.
  • Cân nặng: Người thừa cân hoặc béo phì có nguy cơ cao hơn.
  • Tuổi tác: Người cao tuổi có nguy cơ mắc bệnh cao hơn so với người trẻ tuổi.
  • Mang thai: Phụ nữ mang thai do tử cung ngày càng to, gây áp lực lên mạch máu ổ bụng, làm tăng áp lực tĩnh mạch ở chân và gây giãn tĩnh mạch.
  • Công việc: Người thường xuyên phải đứng nhiều, như giáo viên hoặc nhân viên bán hàng, cũng có nguy cơ cao.
Bệnh suy giãn tĩnh mạch có nguy hiểm không? - 1
Giãn tĩnh mạch xuất hiện khi thành tĩnh mạch bị viêm và máu bị trào ngược xuống chân

Bệnh suy giãn tĩnh mạch có nguy hiểm không?

Suy giãn tĩnh mạch có nguy hiểm không? Theo chia sẻ của nhiều bác sĩ, mặc dù bệnh suy giãn tĩnh mạch không gây nguy hiểm trực tiếp đến tính mạng, nó vẫn tác động đáng kể đến sức khỏe và chất lượng cuộc sống của bệnh nhân. Cụ thể như sau:

  • Người bệnh thường gặp khó khăn khi phải vận động nhiều hoặc vận động mạnh. Những người lao động nặng nhọc dễ mất việc vì bệnh lý này, gây ảnh hưởng lớn đến công việc và cuộc sống.
  • Tĩnh mạch có thể bị vỡ nếu bệnh nhân không cẩn thận, dẫn đến các chấn thương hoặc va chạm ở khu vực này. Trong trường hợp nặng, nhiều cục máu đông có thể hình thành trong tĩnh mạch, gây tắc nghẽn quá trình vận chuyển máu và đe dọa tính mạng.
  • Nếu không giữ gìn vệ sinh, các vết loét rất dễ bị nhiễm trùng, và việc điều trị dứt điểm thường rất khó khăn.

Có những trường hợp suy giãn tĩnh mạch trở nên rất nghiêm trọng có thể dẫn đến huyết khối tĩnh mạch. Nếu là huyết khối tĩnh mạch nông, tình trạng có thể không quá nguy hiểm, nhưng nếu nhiễm trùng xảy ra ở các mô xung quanh hoặc dẫn đến huyết khối tĩnh mạch sâu, người bệnh có nguy cơ tử vong. Nguyên nhân là do cục máu đông có thể bị vỡ ra, trôi theo dòng máu và đi đến phổi, gây thuyên tắc phổi và đe dọa tính mạng.

Bệnh suy giãn tĩnh mạch có nguy hiểm không? - 2
Đa số các trường hợp suy giãn tĩnh mạch đều không nguy hiểm nhưng bạn không nên chủ quan

Đối với phụ nữ mang thai, suy giãn tĩnh mạch thường tự khỏi trong vòng 2-3 tuần sau khi sinh. Tuy nhiên, mẹ bầu vẫn nên thăm khám để được hướng dẫn cách khắc phục, giảm triệu chứng và giảm nguy cơ bệnh tiến triển nặng hơn. Nếu mẹ bầu bị suy giãn tĩnh mạch, rối loạn đông máu và ít vận động, khả năng hình thành cục máu đông sẽ cao hơn.

Mức độ nguy hiểm tiến triển theo giai đoạn suy giãn tĩnh mạch

Chứng suy giãn tĩnh mạch thường diễn ra theo từng giai đoạn, càng về sau, mức độ nguy hiểm của bệnh càng cao:

Giai đoạn 1: Sưng tĩnh mạch

Ở giai đoạn đầu, người bệnh thường cảm thấy khó chịu ở vùng bị suy giãn tĩnh mạch. Các triệu chứng như đau nhức, chuột rút, nóng rát, sưng tấy, ngứa chân và mắt cá chân có thể tăng dần theo thời gian.

Giai đoạn 2: Tĩnh mạch mạng nhện

Tĩnh mạch mạng nhện biểu hiện bằng các tĩnh mạch nhỏ li ti, có màu đỏ hoặc xanh. Đây là một loại giãn tĩnh mạch nhẹ hơn, tuy nhiên người bệnh vẫn nên thăm khám kỹ khi nhận thấy các triệu chứng bao gồm: Thay đổi màu sắc trên da, loét chân, cảm giác nặng nề, bỏng rát hoặc đau nhức.

Giai đoạn 3: Tĩnh mạch sưng to

Khi các tĩnh mạch sưng lên sẽ gây đổi màu da, ngứa, đau, nặng nề. Lúc này, chứng giãn tĩnh mạch có thể ảnh hưởng đến một số hoạt động trong sinh hoạt hàng ngày của người bệnh như mặc quần áo, vận động mạnh, khuân vác… Khi tình trạng tiến triển, giãn tĩnh mạch có thể vỡ ra, chảy máu hoặc hình thành các vết loét, và những vết loét này thường lâu lành. Ở giai đoạn 3, cảm giác đau sẽ trở nên nặng hơn vào cuối ngày.

Bệnh suy giãn tĩnh mạch có nguy hiểm không? - 3
Tĩnh mạch sưng to là dấu hiệu nguy hiểm vì có thể vỡ ra làm xuất hiện các vết loét

Giai đoạn 4: Phù nề và mỏi chân

Suy giãn tĩnh mạch có nguy hiểm không? Suy giãn tĩnh mạch tiến triển nghiêm trọng có thể hình thành cục máu đông bên trong bộ phận cơ thể bị ảnh hưởng, thường là ở chân ở giai đoạn này. Các triệu chứng thường gặp là: Sưng đau ở mắt cá chân hoặc chân, cảm giác nặng nề ở chân vào buổi tối hoặc sau thời gian đứng lâu.

Giai đoạn 5: Ảnh hưởng đến mắt cá chân

Các tĩnh mạch nhỏ bắt đầu nổi lên, có thể sờ được hoặc có hình mạng nhện trên mắt cá chân, khiến vị trí này sưng lên, đau, ngứa hoặc bỏng. Những triệu chứng này trở nên nghiêm trọng hơn khi đứng lâu hoặc thực hiện một số hoạt động nặng.

Giai đoạn 6: Thay đổi làn da

Khi suy giãn tĩnh mạch tiến triển, da trở nên sẫm màu, cứng hơn và nhạy cảm hơn với các cơn đau.

Giai đoạn 7: Loét ở chân hoặc mắt cá chân

Giai đoạn 7 suy giãn tĩnh mạch có nguy hiểm không? Ở giai đoạn này sẽ xuất hiện các vết thương hoặc vết loét ở chân gây đau đớn cho người bệnh. Một số vết loét có thể lành, nhưng có những vết loét lâu lành, thậm chí không lành. Nguy cơ cao phát triển cục máu đông đe dọa đến tính mạng người bệnh.

Bệnh suy giãn tĩnh mạch có nguy hiểm không? - 4
Suy giãn tĩnh mạch giai đoạn 7 có thể gây ra những ảnh hưởng xấu ảnh hưởng đến tính mạng người bệnh

Cách phòng ngừa suy giãn tĩnh mạch tiến triển nguy hiểm

Để ngăn ngừa suy giãn tĩnh mạch trở nên nguy hiểm, người bệnh nên chủ động đến gặp bác sĩ để thăm khám và điều trị sớm. Tùy thuộc vào tình trạng và mức độ suy giãn tĩnh mạch, bác sĩ sẽ đưa ra phương pháp điều trị thích hợp như: Điều trị nội khoa, phẫu thuật, laser, hoặc sóng cao tần nội mạch… giúp người bệnh giảm đau, giảm bớt các triệu chứng và ngăn ngừa những biến chứng nguy hiểm.

Cùng với đó, người bệnh nên kết hợp với lối sống khoa học và lành mạnh để phòng ngừa suy giãn tĩnh mạch tiến triển nguy hiểm và giúp điều trị bệnh hiệu quả hơn:

  • Nên đứng dậy đi lại hoặc vận động nhẹ nhàng sau mỗi 30 phút ngồi/đứng làm việc để giúp máu lưu thông tốt hơn.
  • Rèn thói quen vận động đều đặn, ưu tiên những bài tập giúp tăng cường sức khỏe các cơ ở chân, giúp ngăn ngừa sự hình thành các búi giãn tĩnh mạch mới như bài tập nâng cẳng chân, nhón chân, đi tại chỗ, xoay cổ chân…
  • Thừa cân, béo phì sẽ gây áp lực lớn lên chân. Do đó, duy trì cân nặng ở mức phù hợp có thể ngăn ngừa chứng giãn tĩnh mạch mới hình thành.
  • Vì quần bó sát có thể tăng thêm áp lực lên chân, khiến tình trạng giãn tĩnh mạch trở nên trầm trọng hơn. Vì vậy, bạn nên lựa chọn trang phục rộng rãi, thoải mái.
  • Nâng cao chân khi ngủ giúp máu chảy ngược về tim tốt hơn.
  • Mang vớ nén giúp cải thiện dòng máu lưu thông đến tim, giảm đau, sưng và giảm bớt triệu chứng khó chịu ở chân.
  • Thực phẩm giàu flavonoid giúp cải thiện lưu thông tuần hoàn, giúp máu lưu thông tốt và ít bị ứ trệ trong tĩnh mạch. Một số thực phẩm giàu flavonoid như ớt chuông, hành tây, bông cải xanh, cam, quýt, táo, việt quất, gừng…
  • Thực hiện các động tác massage nhẹ nhàng khu vực bị ảnh hưởng có thể giúp máu lưu thông qua các tĩnh mạch tốt hơn.
Bệnh suy giãn tĩnh mạch có nguy hiểm không? - 5
Mang vớ nén giúp cải thiện dòng máu lưu thông hạn chế suy giãn tĩnh mạch tiến triển nguy hiểm

Trên đây là thông tin giúp bạn giải đáp thắc mắc suy giãn tĩnh mạch có nguy hiểm không? Căn bệnh này không chỉ gây ra những triệu chứng khó chịu như đau nhức và sưng phù, mà còn tiềm ẩn nhiều nguy cơ và biến chứng nghiêm trọng nếu không được điều trị kịp thời. Do đó bạn không nên chủ qua cần chú ý thăm khám sức khỏe định kỳ và chú ý các yếu tố làm tăng nguy cơ mắc bệnh.

Có thể bạn quan tâm

Thông tin và sản phẩm gợi ý trong bài viết chỉ mang tính chất tham khảo, vui lòng liên hệ với Bác sĩ, Dược sĩ hoặc chuyên viên y tế để được tư vấn cụ thể.Xem thêm

Dược sĩ Đại họcNguyễn Thị Hồng Nhung

Đã kiểm duyệt nội dung

Tốt nghiệp đại học Khoa Dược. Có kinh nghiệm hơn 10 năm trong lĩnh vực Dược phẩm, tư vấn thuốc và thực phẩm chức năng. Hiện đang là giảng viên cho Dược sĩ tại Nhà thuốc Long Châu.

Xem thêm thông tin