Ứng dụng Nhà Thuốc Long Châu

Siêu ưu đãi, siêu trải nghiệm

Long Châu
  1. /
  2. Góc sức khỏe/
  3. Mẹ & bé/
  4. Kế hoạch mang thai

Đình chỉ thai là gì? Các phương pháp thực hiện và nguy cơ có thể gặp phải

Ngày 06/05/2024
Kích thước chữ
  • Mặc định

  • Lớn hơn

Nếu là người đang mong muốn sinh con, việc có thai là một tin mừng với bạn. Ngược lại, việc mang thai ngoài ý muốn có thể ảnh hưởng rất nhiều tới cuộc sống, công việc, sự nghiệp hiện tại và cả tương lai của các chị em. Lúc này nhiều người thường nghĩ tới việc đình chỉ thai.

Mỗi phương pháp đình chỉ thai sẽ có quy trình và yêu cầu thực hiện riêng. Việc lựa chọn biện pháp thích hợp phụ thuộc vào sự phát triển của thai nhi, tình trạng sức khỏe của người mẹ, cũng như các yếu tố và hoàn cảnh cá nhân của họ.

Đình chỉ thai là gì?

Đình chỉ thai là một thuật ngữ y học dùng để chỉ quá trình sử dụng các biện pháp can thiệp y tế để kết thúc sự phát triển của thai nhi trong tử cung, bao gồm cả việc phá thai. Đây là một quyết định cá nhân phức tạp có thể xuất phát từ nhiều lý do khác nhau như:

  • Sức khỏe của mẹ: Khi thai kỳ đe dọa đến sức khỏe hoặc tính mạng của người mẹ, việc đình chỉ thai có thể được xem xét. Điều này có thể bao gồm các vấn đề y tế nghiêm trọng như: Ung thư, bệnh tim, hoặc tiểu đường không kiểm soát.
  • Vấn đề sức khỏe của thai nhi: Việc đình chỉ thai có thể xem xét thực hiện trong trường hợp thai nhi được xác định có các vấn đề sức khỏe nghiêm trọng, không phát triển đúng cách hoặc không thể sống sót sau khi sinh.
  • Nguy cơ nhiễm bệnh: Nếu thai nhi có nguy cơ cao bị nhiễm các bệnh truyền nhiễm nguy hiểm như: HIV hoặc Rubella.
  • Hậu quả của cưỡng bức hoặc lạm dụng tình dục: Trong trường hợp thai kỳ là kết quả của cưỡng bức hoặc lạm dụng tình dục, phá thai có thể được xem xét để bảo vệ tinh thần và tâm lý của nạn nhân.
Đình chỉ thai là gì? Các phương pháp thực hiện và nguy cơ có thể gặp phải
Đình chỉ thai là việc áp dụng các biện pháp can thiệp y tế để kết thúc sự phát triển của thai nhi

Pháp luật chỉ cho phép phá thai đến tuần thứ 22 của thai kỳ, ngoại trừ trường hợp thai lớn hơn và có các dị tật không thể sống sót sau khi sinh, đòi hỏi sự chấp thuận từ Hội đồng chẩn đoán trước sinh.

Sau khi chấm dứt thai nghén, sản phụ có thể xuất hiện các triệu chứng như: Chảy máu âm đạo trong vòng 5 ngày đầu, buồn nôn và đau ngực. Hiện tượng này sẽ giảm đi sau khoảng 2 tuần khi cơ thể trở lại trạng thái bình thường về hormone.

Các phương pháp đình chỉ thai

Có 2 phương pháp đình chỉ thai gồm:

Phương pháp nội khoa

Phá thai nội khoa còn được gọi là phá thai bằng thuốc là biện pháp sử dụng thuốc để kết thúc thai kỳ. Phương pháp này có thể áp dụng cho thai từ khi được phát hiện trong tử cung cho đến tuần thứ 22 của thai kỳ. Tùy thuộc vào tuổi thai và thời gian từ nhà đến cơ sở y tế, bạn có thể thực hiện tại nhà, tại phòng khám hoặc cần nhập viện để theo dõi. Phương pháp này thuận tiện, riêng tư và ít xâm lấn. Tuy nhiên, nếu không thành công, bạn cần phải sử dụng phương pháp ngoại khoa.

Đình chỉ thai là gì? Các phương pháp thực hiện và nguy cơ có thể gặp phải - 1
Phương pháp nội khoa là phương pháp định chỉ thai ít xâm lấn

Phương pháp ngoại khoa

Phá thai ngoại khoa bao gồm các phương pháp như: Hút chân không (VA), nong và nạo (D&C), nong và gắp thai (D&E). Các thủ thuật khác nhau có thể thực hiện dựa vào tuổi thai. Cụ thể:

  • Thai từ 6-12 tuần vô kinh: Tiến hành thủ thuật hút thai chân không bằng tay (MVA) hoặc bằng máy (EVA). Bác sĩ sẽ sử dụng một ống hút chuyên dụng đưa vào buồng tử cung thông qua cổ tử cung để và dùng lực hút chân không để loại bỏ thai. Quá trình này được theo dõi bằng máy siêu âm, đảm bảo tính chính xác, an toàn và hiệu quả. Ưu điểm của phương pháp này là an toàn, không đau, triệt để và ít tổn thương đến tử cung, giảm thiểu rủi ro sót nhau và nhiễm trùng, cùng khả năng phục hồi nhanh.
  • Thai từ 12-18 tuần tuổi: Sử dụng thủ thuật nong - gắp thai, các bác sĩ sẽ đưa một dụng cụ qua cổ tử cung vào dạ con để loại bỏ thai. So với hút thai, phương pháp này có thể gây đau đớn cho thai phụ và để lại tổn thương nhiều hơn ở tử cung do thai nhi đã lớn.

Nguy cơ của các phương pháp đình chỉ thai

Nguy cơ của các phương pháp đình chỉ thai có thể kể đến như:

Phương pháp nội khoa

  • Đau bụng: Có thể sử dụng thuốc giảm đau nhưng cần đến cơ sở y tế nếu đau tăng nhiều.
  • Chảy máu: Nếu thấy ra máu nhiều cần đến cơ sở y tế ngay.
  • Sốt: Có thể dùng thuốc hạ sốt.
  • Buồn nôn và nôn: Thường tự hết, có thể sử dụng thuốc chống nôn nếu cần.
  • Tiêu chảy: Thường tự hết, nếu nhiều có thể sử dụng thuốc chống tiêu chảy và uống nước đủ.
  • Nhiễm trùng: Nếu nghi ngờ, cần khám bác sĩ, sau khi xác định, cần sử dụng kháng sinh và thực hiện hút buồng tử cung. Đồng thời cần nhập viện điều trị khi cần.

Phương pháp ngoại khoa

  • Băng huyết: Các thủ thuật nạo hoặc hút thai khi không thực hiện đúng kỹ thuật có thể gây rách thủng cổ tử cung hoặc vỡ tử cung. Nếu không được xử trí thích hợp, có thể gây choáng mất máu đe dọa tính mạng.
  • Nhiễm trùng: Trường hợp nghiêm trọng cần nhập viện điều trị. Nếu phát hiện muộn và không được xử trí kịp thời, có thể gây nguy hiểm đến tính mạng.
  • Thủng tử cung: Cần theo dõi và điều trị nội khoa hoặc thực hiện nội soi thám sát. Nếu có tổn thương ruột, mạch máu hoặc các cơ quan khác, có thể phẫu thuật để xử trí.
  • Dính buồng tử cung: Có thể gây kinh ít, vô kinh hoặc vô sinh.
  • Các biến chứng gây mê, gây tê: Bao gồm co giật, choáng do thuốc, choáng do đau, ngưng tim ngưng thở.
Đình chỉ thai là gì? Các phương pháp thực hiện và nguy cơ có thể gặp phải - 2
Áp dụng phương pháp ngoại khoa để định chỉ thai có thể gây ra băng huyết

Cần chuẩn bị gì khi muốn đình chỉ thai?

Dưới đây là những việc chị em cần chuẩn bị trước khi thực hiện đình chỉ thai:

  • Tham khảo ý kiến của bác sĩ để được tư vấn về thời điểm thích hợp để đình chỉ thai.
  • Trước khi đình chỉ thai cần thăm khám và kiểm tra sức khỏe kỹ lưỡng để đảm bảo rằng quy trình được thực hiện an toàn.
  • Chuẩn bị tâm lý thoải mái và ổn định, tránh căng thẳng hay lo lắng quá mức.
  • Chọn cơ sở y tế có chuyên khoa uy tín, đội ngũ bác sĩ giàu kinh nghiệm và trang bị hệ thống máy móc hiện đại để đảm bảo an toàn cho quá trình đình chỉ thai.
  • Nên có người thân đi cùng để được hỗ trợ và chăm sóc trong suốt quá trình trước và sau khi đình chỉ thai.
  • Cần trang bị kiến thức cơ bản về phương pháp đình chỉ thai, các triệu chứng có thể gặp phải trong và sau phá thai, cũng như các dấu hiệu bất thường cần đến ngay bệnh viện để được can thiệp kịp thời, tránh biến chứng và đảm bảo sự hồi phục nhanh chóng.
Đình chỉ thai là gì? Các phương pháp thực hiện và nguy cơ có thể gặp phải - 3
Tham khảo ý kiến của bác sĩ trước khi tiến hành đình chỉ thai

Chăm sóc sau đình chỉ thai

Chăm sóc sau khi đình chỉ thai đòi hỏi sự quan tâm đặc biệt và tuân thủ các hướng dẫn sau:

  • Kiêng quan hệ tình dục: Quan hệ tình dục nên được kiêng ít nhất trong vòng một tháng đầu sau đình chỉ, nạo phá thai. Điều này giúp hạn chế việc mang thai ngoài ý muốn và giảm nguy cơ tổn thương cho cổ tử cung.
  • Nghỉ ngơi và không làm việc nặng: Cần kiêng cử vận động mạnh và nên nghỉ ngơi điều độ để giúp cơ thể hồi phục. Tâm trạng tích cực cũng giúp quá trình hồi phục diễn ra nhanh chóng hơn.
  • Chú ý đến dinh dưỡng: Cung cấp đầy đủ chất dinh dưỡng cho cơ thể thông qua chế độ ăn uống là quan trọng. Bổ sung nhiều vitamin và dưỡng chất qua thực phẩm, rau củ quả.
  • Vệ sinh cá nhân: Thực hiện vệ sinh vùng kín sạch sẽ theo hướng dẫn của bác sĩ, không sử dụng các dung dịch vệ sinh không được chỉ định và thường xuyên tái khám theo đúng thời gian quy định.
  • Không thụt rửa âm đạo và không sử dụng các hóa chất tẩy rửa mạnh: Tránh thao tác này để hạn chế gây tổn thương cho âm đạo và giảm nguy cơ nhiễm trùng.
  • Theo dõi các dấu hiệu bất thường: Bác sĩ sẽ hướng dẫn bạn những dấu hiệu cần lưu ý và báo ngay cho phòng khám nếu cần thiết. Các dấu hiệu bao gồm mệt mỏi, sốt, ra máu nhiều hơn thường, đau bụng dữ dội hoặc có mùi hôi khi ra khí hư.
Đình chỉ thai là gì? Các phương pháp thực hiện và nguy cơ có thể gặp phải - 4
Chú ý theo dõi các dấu hiệu bất thường sau khi đình chỉ thai

Nhiều nữ giới đã chọn lựa đình chỉ thai để bảo vệ cuộc sống của họ thay vì đối mặt với việc sinh con không mong muốn. Dù trong bất kỳ trường hợp nào, việc làm này đều mang lại tổn thương cho sức khỏe cả về thể chất và tinh thần của phụ nữ nên thường không được khuyến khích. Tuy nhiên, nếu buộc phải đối mặt với tình huống này, hãy xem xét kỹ lưỡng và chọn các phương pháp phá thai an toàn. Đồng thời tìm đến bệnh viện hoặc các cơ sở y tế uy tín để được tư vấn và thực hiện quy trình đúng theo các tiêu chuẩn y tế.

Có thể bạn quan tâm

Thông tin và sản phẩm gợi ý trong bài viết chỉ mang tính chất tham khảo, vui lòng liên hệ với Bác sĩ, Dược sĩ hoặc chuyên viên y tế để được tư vấn cụ thể. Xem thêm

Dược sĩ Đại học Nguyễn Thị Hồng Nhung

Đã kiểm duyệt nội dung

Tốt nghiệp đại học Khoa Dược. Có kinh nghiệm hơn 10 năm trong lĩnh vực Dược phẩm, tư vấn thuốc và thực phẩm chức năng. Hiện đang là giảng viên cho Dược sĩ tại Nhà thuốc Long Châu.

Xem thêm thông tin