Ứng dụng Nhà Thuốc Long Châu

Siêu ưu đãi, siêu trải nghiệm

Long Châu

Định lượng canxi niệu là gì? Tăng canxi niệu có nguy hiểm không?

Ngày 18/04/2023
Kích thước chữ
  • Mặc định

  • Lớn hơn

Định lượng canxi trong nước tiểu là một xét nghiệm thường được ứng dụng nhằm kiểm tra nồng độ canxi có trong nước tiểu khi nghi ngờ về những rối loạn trong quá trình chuyển hóa canxi của cơ thể. Vậy định lượng canxi niệu là gì? Tăng canxi niệu có nguy hiểm không?

Khi thực hiện xét nghiệm định lượng canxi trong nước tiểu sẽ biết được nồng độ canxi niệu cao, thấp hay bình thường. Từ đó, bác sĩ đưa ra các chẩn đoán về tình trạng cơ thể của bạn. Vậy định lượng canxi niệu là gì? Tăng canxi niệu là gì? Tăng canxi niệu có nguy hiểm không? Nhà thuốc Long Châu sẽ cung cấp những thông tin để giúp bạn đọc giải đáp các thắc mắc trên trong bài viết dưới đây nhé!

Vai trò của canxi đối với cơ thể 

Canxi là một khoáng chất rất quan trọng đối với cơ thể con người. Nó là nguyên tố chính tham gia vào quá trình cấu tạo lên xương và răng của con người, đồng thời trong máu cũng chứa nồng độ canxi nhất định. Theo các chuyên gia, canxi cũng là một ion kim loại được tìm thấy nhiều nhất trong cơ thể con người và chiếm khoảng 1,5 - 2% tổng trọng lượng.

Canxi có chức năng chính là xây dựng và sửa chữa các cấu trúc của xương và răng, giúp chúng chắc khỏe hơn. Ngoài ra, khoáng chất này còn tham gia vào quá trình đông máu, hỗ trợ các hoạt động của hệ thần kinh cơ, kích hoạt cơ xương và cơ tim, bảo vệ tính thẩm thấu và tính toàn vẹn của tế bào. Đối với trẻ em, nếu bổ sung đầy đủ hàm lượng ion canxi, trẻ có thể phát triển cao lớn và đảm bảo được chất lượng men răng của trẻ.

Cơ thể hấp thu canxi từ các loại thực phẩm trong các bữa ăn hàng ngày. Một số loại thực phẩm giàu canxi giúp bổ sung cho cơ thể có thể kể đến như trứng, sữa, các loại hạt… Canxi được cơ thể hấp thụ chủ yếu thông qua đường tiêu hóa và được đào thải qua thận, có khoảng 99% lượng canxi được lọc qua cầu thận và tái hấp thu tại các ống thận. Do đó, để kiểm tra nồng độ canxi trong nước tiểu, người bệnh sẽ được chỉ định làm xét nghiệm định lượng canxi niệu. Vậy định lượng canxi niệu là gì?

Định lượng canxi niệu là gì? Tăng canxi niệu có nguy hiểm không? 1
Canxi có vai trò quan trọng trong quá trình hình thành và phát triển hệ xương

Định lượng canxi niệu là gì?

Định lượng canxi niệu hay còn gọi là xét nghiệm Ca2+, là một loại xét nghiệm được thực hiện nhằm xác định lượng canxi đào thải ra ngoài cơ thể thông qua nước tiểu. 

Hầu hết, canxi được lưu trữ trong xương và răng của cơ thể (có trọng lượng khoảng từ 1 - 2 kg). Ngoài ra, một lượng canxi nhỏ sẽ được phân bố trong dịch ngoại bào và giữa các mô khác nhau trong cơ thể nhằm duy trì sự sống. 

Như đã biết, canxi là một ion kim loại có tỷ trọng cao nhất trong cơ thể người, tuy nhiên chỉ có khoảng 0,5% trong tổng lượng ion này được trao đổi và chuyển hóa. Khi nồng độ canxi trong máu bị hạ xuống quá thấp, xương sẽ giải phóng canxi cho đến khi mức độ canxi trong máu trở lại bình thường. Ngược lại, khi nồng độ canxi máu tăng quá cao, hàm lượng canxi dư thừa sẽ được lưu trữ vào lại trong xương, răng hoặc sẽ bị bài trừ ra khỏi cơ thể qua đường tiêu hóa hoặc đường nước tiểu.

Hàm lượng canxi có trong cơ thể phụ thuộc vào nhiều yếu tố, cụ thể là:

  • Lượng canxi được bổ sung qua thực phẩm.
  • Lượng canxi và vitamin D được hấp thụ qua đường ruột.
  • Nồng độ phosphat máu.
  • Nồng độ protein máu.
  • Nồng độ các hormone có vai trò trong quá trình chuyển hoá của cơ thể như estrogen, calcitonin và hormone tuyến cận giáp.
  • Độ pH máu.
  • Sự đào thải canxi qua thận.

Trong máu, canxi được thể hiện dưới 2 dạng chính là dạng bất hoạt (có gắn protein) và dạng không gắn protein được lưu hành dưới dạng ion hóa. Sự thay đổi nồng độ dưới dạng ion hóa sẽ gây ra các biến đổi lâm sàng thật sự. 

Định lượng canxi niệu là gì? Tăng canxi niệu có nguy hiểm không? 2
Định lượng canxi niệu là gì không phải ai cũng hiểu rõ

Khi nào cần làm định lượng canxi niệu?

Nồng độ canxi trong nước tiểu có liên quan chặt chẽ đến quá trình thải trừ canxi qua thận, đồng thời cũng có liên quan đến:

  • Lượng canxi được hấp thụ thông qua thức ăn: Với chế độ ăn có hàm lượng canxi < 200mg/ngày, lượng canxi được thải trừ qua nước tiểu sẽ đạt < 200mg/24 giờ. Đối với khẩu phần ăn có chứa lượng canxi > 1000mg/ngày, lượng canxi được thải trừ qua thận là 300mg/24 giờ.
  • Liên quan đến chức năng sinh lý của các ống thận.
  • Liên quan đến các loại thuốc đang sử dụng như thuốc lợi tiểu hoặc truyền dịch NaCl 0,9% sẽ làm tăng canxi niệu. 
  • Nồng độ vitamin D và các hormone như hormone cận giáp làm tăng sự hấp thu canxi tại ống thận; ngược lại, hormone calcitonin làm giảm quá trình hấp thu canxi tại ống thận.

Trong các trường hợp sau đây, người bệnh nên được chỉ định thực hiện xét nghiệm đo lượng canxi trong nước tiểu như:

  • Sỏi thận: Việc định lượng nồng độ canxi trong nước tiểu cao có liên quan đến sự hình thành và phát triển của bệnh lý sỏi thận.
  • Đánh giá lượng canxi được hấp thu vào cơ thể qua chế độ dinh dưỡng có đáp ứng đủ nhu cầu hay không.
  • Khả năng hấp thu canxi của đường ruột: Thực hiện định lượng canxi niệu sẽ giúp bác sĩ đánh giá được khả năng hấp thu canxi của đường ruột tốt hay không. 
  • Phát hiện ra nguyên nhân gây hủy xương lấy canxi.
  • Đánh giá chức năng của thận thông qua việc tái hấp thu canxi tại các ống thận.
  • Hỗ trợ bác sĩ trong việc chẩn đoán các bệnh lý có thể xảy ra trên tuyến cận giáp.

Ngoài ra, thực hiện định lượng canxi niệu cũng như đo lường hàm lượng canxi trong máu sẽ giúp bác sĩ đưa ra chẩn đoán các bệnh lý về xương, huyết học, ung thư, bệnh lý tuyến tụy… Vậy khi hàm lượng canxi niệu tăng cao có nguy hiểm không?

Định lượng canxi niệu là gì? Tăng canxi niệu có nguy hiểm không? 3
Định lượng canxi niệu nhằm đánh giá chức năng của thận

Tăng canxi niệu có nguy hiểm không?

Kết quả của xét nghiệm định lượng canxi niệu sẽ phụ thuộc vào chế độ dinh dưỡng, đồng thời có sự khác nhau giữa nam và nữ. Vậy tăng canxi niệu là gì? 

Giá trị bình thường của xét nghiệm nồng độ canxi trong nước tiểu có chỉ số nằm trong khoảng 1,5 - 9 mmol/l. Bệnh nhân được chẩn đoán là tăng canxi niệu khi kết quả của xét nghiệm này có chỉ số > 9 mmol/l. Tình trạng nồng độ canxi tăng cao có thể là dấu hiệu cảnh báo một số bệnh lý nghiêm trọng như:

  • Các bệnh lý ung thư như ung thư phổi, ung thư vú, ung thư di căn có tiêu xương, đa u tủy xương… 
  • Mắc bệnh loãng xương.
  • Suy thận: Chức năng tái hấp thu canxi vào máu bị suy giảm hoặc mất.
  • Hội chứng Cushing: Đây là một bệnh lý nội tiết xảy ra do sự rối loạn chức năng của tuyến vỏ thượng thận, từ đó làm tăng nồng độ glucocorticoid - hormone tham gia vào quá trình chuyển hóa canxi. Nếu glucocorticoid không kìm hãm sẽ gây ảnh hưởng nghiêm trọng đến sức khỏe của người bệnh.
  • Hội chứng Fanconi: Là một bệnh lý về rối loạn chức năng của ống thận, từ đó gây tổn thương xương, khiến cho cơ thể chậm phát triển và gây ảnh hưởng nghiêm trọng đến tính mạng.
  • Bệnh lý cường giáp hoặc cường chức năng của tuyến cận giáp.
  • Ngộ độc vitamin D: Khi cơ thể hấp thụ một lượng lớn vitamin D.
  • Hội chứng kiềm sữa: Xảy ra khi tiêu thụ quá nhiều canxi.
  • Bệnh Wilson: Đây là một bệnh di truyền gây tích tụ một lượng lớn chất đồng trong cơ thể, từ đó gây ảnh hưởng đến nhiều cơ quan trọng của cơ thể như tim, gan, thận, xương, mắt, hệ thần kinh…
Định lượng canxi niệu là gì? Tăng canxi niệu có nguy hiểm không? 4
Tăng canxi niệu là một dấu hiệu cảnh báo bệnh loãng xương

Tóm lại, canxi là khoáng chất có vai trò quan trọng trong các hoạt động sống của cơ thể. Nó được hấp thu vào cơ thể qua đường ruột và đào thải ra ngoài cơ thể qua đường nước tiểu. Việc làm xét nghiệm định lượng canxi niệu sẽ giúp bác sĩ đánh giá được nồng độ canxi trong nước tiểu bình thường hay bất thường. Và tăng canxi niệu là một dấu hiệu cảnh báo một số bệnh lý nguy hiểm. Do đó, khi được bác sĩ chỉ định thực hiện xét nghiệm này, người bệnh cần tuân thủ theo đúng y lệnh để có thể biết được rõ tình trạng sức khỏe của bản thân.

Ánh Vũ

Nguồn tham khảo: vinmec.com, medlatec.vn

Có thể bạn quan tâm

Thông tin và sản phẩm gợi ý trong bài viết chỉ mang tính chất tham khảo, vui lòng liên hệ với Bác sĩ, Dược sĩ hoặc chuyên viên y tế để được tư vấn cụ thể. Xem thêm