Trong cuộc sống hiện nay, việc định nhóm máu ABO được thực hiện phổ biến với nhiều mục đích khác nhau. Không chỉ giúp hỗ trợ trong việc điều trị bệnh mà còn chủ động ngăn ngừa các tình huống về sức khỏe có thể xảy ra. Vậy phương pháp này được thực hiện như thế nào và nguyên tắc thực hiện ra sao?
Định nhóm máu ABO là gì?
Khái niệm định nhóm máu ABO
Định nhóm máu ABO là cách gọi khác của quá trình xét nghiệm xác định nhóm máu theo hệ ABO. Nhóm máu hệ ABO được xác định dựa vào sự xuất hiện hoặc không của kháng nguyên A, B trên bề mặt hồng cầu và sự xuất hiện hoặc không của kháng thể chống A, B trong huyết thanh.
Vậy theo hệ ABO thì có mấy loại nhóm máu? Khoa học đã chứng minh rằng trong hệ này, các nhóm máu ở người sẽ bao gồm 4 nhóm chính và tên nhóm máu sẽ tương ứng với tên của kháng nguyên có trên bề mặt hồng cầu:
- Nhóm máu A: Trên bề mặt hồng cầu có kháng nguyên A.
- Nhóm máu B: Trên bề mặt hồng cầu có kháng nguyên B.
- Nhóm máu O: Trên bề mặt hồng cầu không có kháng nguyên A và B.
- Nhóm máu AB: Trên bề mặt hồng cầu có đồng thời cả kháng nguyên A và B.
Định nhóm máu ABO là việc xét nghiệm để xác định nhóm máu theo hệ ABO
Tại sao lại cần định nhóm máu ABO?
Trong các trường hợp cần truyền máu, người hiến máu phải làm xét nghiệm trước khi truyền máu cho người nhận. Việc này nhằm xác định nhóm máu của người nhận và người cho có tương thích và phù hợp với nhau hay không. Đây là bước cực kỳ quan trọng, không thế bỏ qua vì nó phải tuân thủ đúng nguyên tắc an toàn cho quá trình truyền máu.
Nếu nhóm máu cho và nhận “đối kháng” với nhau, không có sự tương thích trong cơ thể thì sẽ gây ra các phản ứng truyền máu nguy hiểm như gây sốc, sốt, bị nổi mẩn... thậm chí dẫn đến tử vong. Do đó, việc xét nghiệm cần phải có kết quả chính xác nhất, không được phép đưa ra những kết quả sai lệch dẫn đến trường hợp xấu cho bệnh nhân.
Việc định nhóm máu ABO là nguyên tắc cần phải tuân thủ trước khi truyền máu
Khi nào cần định nhóm máu ABO?
Tuy rất quan trọng nhưng định nhóm máu ABO không phải là một biện pháp chữa bệnh mà là phương pháp kiểm tra nhóm máu của từng đối tượng. Vì thế nên trong những trường hợp khẩn cấp, hiến máu cho người khác hoặc dùng kết quả để làm bằng chứng pháp lý... thì mới cần thực hiện quy trình xét nghiệm xác định nhóm máu ABO. Dưới đây là một vài trường hợp cụ thể cần phải thực hiện xét nghiệm:
- Trường hợp người nhà bệnh nhân không có nhóm máu tương thích với người bệnh, cần người hiến máu thì người cho và cả người nhận cần phải làm xét nghiệm trước khi thực hiện truyền máu.
- Đối với những ca cần thay thế nội tạng, xương, tủy... mà người hiến tặng muốn đăng ký. Việc xét nghiệm là cần thiết để kiểm tra độ tương thích giữa nhóm máu cho và nhận.
- Xét nghiệm xác định nhóm máu dùng làm bằng chứng pháp lý, phân chia tài sản hay nhằm mục đích xác định huyết thống.
- Đối với phụ nữ mang thai cũng cần làm xét nghiệm xác định nhóm máu của người mẹ nhằm đánh giá trước những nguy cơ không tương thích với nhóm máu của con.
Người bệnh truyền máu cần được chắc chắn về độ tương thích của máu truyền
Định nhóm máu ABO bằng cách nào?
Như vậy, định nhóm máu ABO là xác định xem một người nào đó thuộc nhóm máu A, nhóm máu B, nhóm máu AB hay nhóm máu O. Hiện nay, cách thực hiện phổ biến nhất để định nhóm máu ABO là bằng kỹ thuật ống nghiệm. Việc định hệ nhóm máu này cần được tiến hành theo hai phương pháp là huyết thanh và hồng cầu mẫu, dựa trên nguyên lý của phản ứng ngưng kết.
Quy trình thực hiện định nhóm máu ABO như sau:
Bước 1: Nhân viên y tế chuẩn bị đầy đủ các dụng cụ và hóa chất cần thiết, sau đó nhận mẫu bệnh phẩm của người bệnh để bắt đầu tiến hành định nhóm máu.
Bước 2: Nhân viên y tế sẽ sử dụng ống máu không chống đông ly tâm 3000 vòng/3 phút, sau đó tách lấy huyết thanh. Đồng thời rửa hồng cầu bệnh nhân với NaCl 0,9% 3 lần và pha thành huyền dịch 5%.
Bước 3: Tiếp theo cần chuẩn bị 2 bộ trong đó mỗi bộ gồm 6 ống nghiệm sạch được ghi nhãn lần lượt anti A, anti B, anti AB, hồng cầu mẫu A, hồng cầu mẫu B và hồng cầu mẫu O.
Bước 4: Tiến hành định nhóm máu ABO theo 2 phương pháp huyết thanh mẫu và hồng cầu mẫu. Thao tác này sẽ được lặp lại thêm lần thứ 2 để đảm bảo độ chính xác.
Nếu kết quả của hai lần định nhóm trùng khớp với nhau thì dấu nhóm máu A, B, AB, hoặc O sẽ được đóng vào phiếu xét nghiệm. Từ đó có thể đọc kết quả xét nghiệm máu. Ngược lại, nếu kết quả giữa hai lần định nhóm máu không khớp thì buộc phải tiến hành kiểm tra lại các bước ban đầu và lặp lại xét nghiệm.
Nhận mẫu bệnh phẩm để tiến hành định nhóm máu ABO
Ngoài hệ nhóm máu ABO, hệ nhóm máu quan trọng không kém trong thực hành truyền máu chính là hệ nhóm máu Rh. Vậy tiến hành thực hiện xét nghiệm nhóm máu ABO Rh là gì?
Nhóm máu hệ Rh được xác định dựa trên sự có mặt hoặc không có mặt của kháng nguyên D trên bề mặt hồng cầu. Nghĩa là người nào trên bề mặt hồng cầu có xuất hiện kháng nguyên D thì được gọi là người có nhóm máu Rh (D) dương, ngược lại người có nhóm máu Rh (D) âm là người không có sự xuất hiện kháng nguyên D trên bề mặt hồng cầu.
Như vậy, bài viết đã giúp bạn hiểu rõ hơn về định nhóm máu ABO, mục đích, phương pháp thực hiện cũng như xét nghiệm nhóm máu ABO Rh. Việc định nhóm máu hệ ABO Rh có ý nghĩa cực kỳ quan trọng trong lâm sàng nhằm giảm thiểu các nguy cơ không tương thích giữa người cho và nhận máu. Do đó, bạn cần trang bị cho bản thân và gia đình những kiến thức cơ bản về vấn đề này để chủ động phối hợp cùng bác sĩ trong việc điều trị.
Thanh Hương
Nguồn tham khảo: Tổng hợp