Ứng dụng Nhà Thuốc Long Châu

Siêu ưu đãi, siêu trải nghiệm

Long Châu
  1. /
  2. Góc sức khỏe/
  3. Phòng & chữa bệnh/
  4. Kiến thức y khoa

Đo áp lực nhu động thực quản là gì? Quy trình thực hiện và một số tác dụng phụ có thể gặp phải

Ngày 13/06/2024
Kích thước chữ
  • Mặc định

  • Lớn hơn

Đo áp lực nhu động thực quản là phương pháp mới và đóng vai trò rất quan trọng trong chẩn đoán rối loạn vận động dạ dày thực quản. Phương pháp sử dụng các cảm biến áp lực chuyên dụng để đo áp lực trong đường tiêu hóa, từ đó phân tích nhu động của thực quản và chức năng của cơ thắt thực quản trên và dưới.

Quy trình đo áp lực nhu động thực quản như thế nào và những người đối tượng nào thì cần thực hiện phương pháp này? Bài viết sau đây của nhà thuốc Long Châu sẽ giải đáp thắc mắc về phương pháp này qua bài viết dưới đây.

Thế nào là đo áp lực nhu động thực quản?

Thực quản là một cơ quan quan trọng trong hệ tiêu hóa của con người, là ống cơ dài nối từ cổ họng xuống đến dạ dày. Chức năng chính của thực quản là vận chuyển thức ăn từ cổ họng vào dạ dày thông qua một loạt các phản ứng co bóp cơ học.

Trong quá trình nuốt, có hai thành phần chính của thực quản tham gia vào quá trình này là cơ thắt thực quản trên và cơ thắt thực quản dưới. Cơ thắt thực quản trên là một cơ cửa nằm ở phía dưới của cổ họng, có vai trò chủ đạo trong việc mở rộng để cho phép thức ăn đi vào thực quản sau khi bạn nuốt.

Tiếp đó là cơ thắt thực quản dưới, nằm ở phần trên của dạ dày, có nhiệm vụ mở ra để thức ăn đi từ thực quản xuống dạ dày. Cơ chế này giúp đảm bảo thức ăn di chuyển xuống tiêu hóa một cách trơn tru và hiệu quả.

Đo áp lực nhu động thực quản (HRM) là một kỹ thuật giúp kiểm tra chức năng hoạt động của thực quản bằng cách đo các cơn co bóp và sự phối hợp của các cơ thực quản trong quá trình vận chuyển thức ăn đến dạ dày. Kỹ thuật này được sử dụng để chẩn đoán xem bạn có bị trào ngược dạ dày thực quản hay không, hay nhầm lẫn với các bệnh lý khác. Từ đó, các bác sĩ có thể đưa ra phương pháp điều trị kịp thời và hợp lý.

Đo áp lực nhu động thực quản (HRM) là một kỹ thuật giúp kiểm tra chức năng hoạt động của thực quản
Đo áp lực nhu động thực quản (HRM) giúp kiểm tra chức năng hoạt động của thực quản

Trường hợp nào cần thực hiện kỹ thuật đo áp lực nhu động của thực quản?

Kỹ thuật đo áp lực nhu động của thực quản giúp chẩn đoán được các triệu chứng như:

  • Co thắt thực quản lan tỏa: Đây là một vấn đề nuốt hiếm gặp, được đặc trưng bởi các cơn co thắt cơ thực quản nhiều lần, mạnh mẽ và phối hợp kém.
  • Xơ cứng bì: Đây là một bệnh lý tự miễn hệ thống hiếm gặp, gây tổn thương đến nhiều cơ quan và biểu hiện qua việc da bị xơ và cứng. Ở nhiều người mắc bệnh này, chức năng co bóp của thực quản và các cơ của thực quản có thể bị suy giảm, dẫn đến trào ngược dạ dày thực quản nghiêm trọng.
  • Co thắt tâm vị: Đây là tình trạng cơ thắt thực quản dưới không thể giãn nở bình thường, khiến thức ăn từ thực quản không thể vận chuyển xuống dạ dày, gây ứ đọng. HRM là phương pháp chẩn đoán sớm, giúp lựa chọn phương pháp điều trị phù hợp như điều trị bằng thuốc, nong thực quản hoặc phẫu thuật.
  • Xác định cơ thắt thực quản dưới để thực hiện đo pH - trở kháng thực quản trong suốt 24 giờ. Phương pháp này hiện được coi là tiêu chuẩn vàng trong chẩn đoán tình trạng GERD.
  • Trước và sau khi phẫu thuật ảnh hưởng đến cơ thắt thực quản dưới.
  • Nếu bạn bị đau ngực không liên quan đến tim và không đáp ứng với điều trị trào ngược dạ dày thực quản (GERD), bạn có thể nên áp dụng phương pháp đo thực quản.
  • Nếu bạn đã được chẩn đoán mắc GERD nhưng không đáp ứng với điều trị thuốc theo chỉ định của bác sĩ, phương pháp này cũng có thể được xem xét.
Co thắt tâm vị có thể được chẩn đoán bằng kỹ thuật đo áp lực nhu động của thực quản
Co thắt tâm vị có thể được chẩn đoán bằng kỹ thuật đo áp lực nhu động của thực quản

Bệnh cạnh đó, phương pháp này chống chỉ định với một số đối tượng như:

  • Bệnh nhân có tiền sử phẫu thuật cắt đoạn thực quản, nghi ngờ hoặc đã được chẩn đoán ung thư thực quản, hẹp thực quản, hoặc mắc bệnh lý mũi họng không thể đưa catheter vào, xuất huyết tiêu hóa trên, xơ gan có tăng áp lực tĩnh mạch cửa (giãn tĩnh mạch thực quản).
  • Phụ nữ có thai.
  • Bệnh nhân mắc bệnh lý tim mạch và hô hấp nặng.
  • Bệnh nhân có bệnh lý tâm thần hoặc thần kinh không thể hiểu hoặc không thể làm theo hướng dẫn của kỹ thuật viên.
  • Bệnh nhân lơ mơ, suy giảm ý thức.

Quy trình thực hiện kỹ thuật này như thế nào?

Quy trình đo áp lực nhu động của thực quản HRM được tiến hành như sau:

Chuẩn bị trước khi đo

Trước khi tiến hành đo HRM, người bệnh cần chú ý đến một số vấn đề quan trọng sau đây:

  • Nhịn ăn 4 - 6 giờ trước khi thực hiện đo HRM.
  • Người mắc bệnh tiểu đường nên tham khảo ý kiến bác sĩ trước khi tiến hành xét nghiệm đo HRM.
  • Ngưng uống tất cả các loại thuốc có chứa Opioid trước 48 tiếng làm xét nghiệm.
  • Ngưng uống thuốc chẹn kênh canxi như diltiazem, nifedipine và verapamil, các loại chứa nitrat và nitroglycerin như isosorbide trước 24 giờ làm xét nghiệm.
  • Tránh uống thuốc an thần như alprazolam, diazepam trước 12 giờ làm xét nghiệm.
  • Nếu nội soi dạ dày hoặc đại tràng có tiền mê, kỹ thuật được thực hiện khi bệnh nhân đã tỉnh táo hoàn toàn sau ít nhất 1 giờ.
Cần nhịn ăn 4-6 tiếng trước khi đo áp lực như động của thực quản
Cần nhịn ăn 4 - 6 tiếng trước khi đo áp lực như động của thực quản

Đo trở kháng thực quản ở độ phân giải cao

Toàn bộ quá trình đo áp lực nhu động thực quản (HRM) kéo dài khoảng 20 - 30 phút. Đầu tiên, bác sĩ xác nhận người bệnh không ăn bất kỳ thứ gì trong vòng 4 giờ trước đó.

Để bắt đầu xét nghiệm, người bệnh sẽ được xịt gây tê vùng họng bằng lidocain 10% và xịt mũi bằng dung dịch xylometazolin 0,1%. Sau đó, người bệnh ngồi thẳng, và bác sĩ tiến hành đưa catheter đã được bôi trơn qua mũi, di chuyển xuống thực quản. Khi catheter vào được khoảng 10 - 12 cm, người bệnh thực hiện các động tác cúi gập cổ và nuốt nước theo chỉ dẫn, đồng thời bác sĩ tiếp tục đẩy catheter xuống thực quản mỗi lần khoảng 3 - 4 cm.

Khi hình ảnh đường áp lực màu của cơ thắt thực quản trên và dưới xuất hiện đúng vị trí trên màn hình phần mềm, bác sĩ sẽ cố định catheter. Người bệnh sẽ thực hiện 10 lần nuốt đơn và 2 lần nuốt nhanh nhiều lần. Thời gian thực hiện không vượt quá 20 - 30 phút.

Sau khi hoàn tất xét nghiệm, ống sẽ được rút ra, và người bệnh có thể tiếp tục hoạt động, ăn uống, sinh hoạt, và dùng thuốc bình thường.

Lưu ý sau khi đo

Mặc dù quá trình đo áp lực nhu động thực quản có thể gây khó chịu, nhưng người bệnh sẽ không cảm thấy đau do mũi đã được gây tê. Sau khi đưa ống vào, người bệnh vẫn có thể thở và nói chuyện bình thường. Sau khi xét nghiệm hoàn tất, người bệnh có thể quay lại sinh hoạt và ăn uống như bình thường.

Đo áp lực thực quản có tác dụng phụ gì không?

Tác dụng phụ của phương pháp đo áp lực nhu động thực quản (HRM) thường không đáng kể, với tỷ lệ biến chứng dưới 1%. Các tác dụng phụ thường gặp nhất là chảy máu mũi, đau họng nhẹ, chảy nước mắt, và sưng nề vùng mũi họng.

Trong quá trình thực hiện, bác sĩ sẽ theo dõi sát sao tình trạng sinh hiệu, mạch đập, huyết áp, và hô hấp của người bệnh. Sau thủ thuật, người bệnh cần tuân thủ các hướng dẫn theo dõi tại nhà và tái khám ngay nếu xuất hiện đau bụng, nôn ói, hoặc các dấu hiệu bất thường khác.

Có những trường hợp hiếm khi có thể xảy ra vấn đề về xoang do kích ứng hoặc tắc nghẽn ống dẫn từ xoang vào mũi. Tình trạng nguy hiểm nhất là khi ống đưa vào được đặt sai vào thanh quản, gây ra nghẹt thở. Trong trường hợp này, bác sĩ cần nhận ra vấn đề ngay lập tức để rút ống ra kịp thời. Do đó, kỹ thuật này đòi hỏi sự kinh nghiệm của bác sĩ.

Chảy máu cam là một trong những tác dụng phụ của đo áp lực nhu động thực quản
Chảy máu mũi là một trong những tác dụng phụ của đo áp lực nhu động thực quản

Trên đây là tổng hợp tất cả các thông tin về phương pháp đo áp lực nhu động thực quản. Hy vọng rằng qua những chia sẻ này, người bệnh đã được cung cấp thêm nhiều thông tin hữu ích để hiểu rõ hơn về quy trình kiểm tra và điều trị bệnh lý thực quản, đồng thời nâng cao nhận thức về sức khỏe và các phương pháp chăm sóc sức khỏe hiệu quả.

Có thể bạn quan tâm

Thông tin và sản phẩm gợi ý trong bài viết chỉ mang tính chất tham khảo, vui lòng liên hệ với Bác sĩ, Dược sĩ hoặc chuyên viên y tế để được tư vấn cụ thể. Xem thêm

Dược sĩ Đại học Trần Huỳnh Minh Nhật

Đã kiểm duyệt nội dung

Dược sĩ chuyên khoa Dược lý - Dược lâm sàng. Tốt nghiệp 2 trường đại học Mở và Y Dược TP. Hồ Chí Minh. Có kinh nghiệm nghiên cứu về lĩnh vực sức khỏe, đạt được nhiều giải thưởng khoa học. Hiện là Dược sĩ chuyên môn phụ trách xây dựng nội dung và triển khai dự án đào tạo - Hội đồng chuyên môn tại Nhà thuốc Long Châu.

Xem thêm thông tin