Ứng dụng Nhà Thuốc Long Châu

Siêu ưu đãi, siêu trải nghiệm

Long Châu
  1. /
  2. Góc sức khỏe/
  3. Phòng & chữa bệnh/
  4. Kiến thức y khoa

Loét thực quản có nguy hiểm không? Phương pháp điều trị loét thực quản hiện nay

Ngày 29/06/2024
Kích thước chữ
  • Mặc định

  • Lớn hơn

Cơ vòng thực quản dưới có nhiệm vụ ức chế sự trào ngược của các chất lỏng từ trong dạ dày lên thực quản, khi cơ này yếu đi sẽ gây tổn thương niêm mạc thực quản, lâu ngày dẫn đến loét. Vậy loét thực quản có nguy hiểm không?

Loét thực quản là tình trạng viêm loét dẫn đến xói mòn hình thành trong niêm mạc thực quản. Loét thực quản ít phổ biến hơn nhiều so với các loại loét khác ảnh hưởng đến đường tiêu hóa nhưng khi chúng xảy ra có thể đặc biệt gây khó chịu. Bài viết sau sẽ thảo luận về nguyên nhân, cách điều trị và cách nhận biết liệu bạn có bị loét thực quản hay không và tìm hiểu xem loét thực quản có nguy hiểm không?

Nguyên nhân gây loét thực quản

Nguyên nhân phổ biến nhất gây loét thực quản là axit dạ dày trào ngược lên thực quản. Tình trạng này được gọi là trào ngược dạ dày thực quản (viết tắt là GERD). Thực quản đóng vai trò là đường dẫn thức ăn đến dạ dày sau khi bạn nuốt. Mặc dù đường dẫn thường đi theo một hướng, nhưng đôi khi axit từ dạ dày có thể trào ngược lên thực quản và làm tổn thương lớp niêm mạc bảo vệ thực quản.

Các nguyên nhân khác gây loét thực quản có thể gồm:

  • Việc sử dụng thuốc NSAID có thể gây kích ứng niêm mạc thực quản, dẫn đến tổn thương vùng niêm mạc này do axit. Sử dụng NSAID lâu dài dẫn đến nguy cơ loét cao hơn.
  • Viêm thực quản do dị vật kẹt trong thực quản hay do thuốc gây viêm và phá vỡ lớp niêm mạc.
  • Nhiễm trùng nấm men hoặc vi rút như vi rút HIV và herpes simplex, có thể gây loét. Nấm Candida thường là thủ phạm gây loét do nấm men. Những loại loét này phổ biến hơn ở những người có tình trạng làm suy yếu hệ thống miễn dịch.
  • Việc nuốt phải các chất có tính axit hoặc kiềm mạnh có thể là vô tình hoặc cố ý, bao gồm các chất như thuốc tẩy, chất lỏng từ pin, chất tẩy rửa hóa học mạnh và các chất khác.
  • Ung thư thực quản có thể gây loét, mặc dù trường hợp này ít phổ biến hơn.
Loét thực quản có nguy hiểm không và những phương pháp điều trị bệnh? 1
Trào ngược dạ dày thực quản có thể gây loét thực quản

Triệu chứng của loét thực quản

Các dấu hiệu ban đầu của loét thực quản thường là do viêm thực quản, như ợ nóng, buồn nôn hoặc nôn. Đây có thể không phải là triệu chứng của loét thực quản, nhưng nếu viêm thực quản kéo dài đủ lâu, nó có thể phát triển thành loét. Khi loét thực quản phát triển, dấu hiệu sớm nhất sẽ là đau và kèm theo:

  • Ợ nóng;
  • Đau ngực;
  • Buồn nôn và ói mửa;
  • Ho khan (thường nặng hơn vào ban đêm khi bạn nằm thẳng trong khi ngủ);
  • Nôn ra máu;
  • Đau khi nuốt;
  • Khó nuốt;
  • Ăn mất ngon;
  • Giảm cân do ăn kém ở những người có triệu chứng nghiêm trọng;
  • Cảm giác như mắc xương hoặc có vật gì đó mắc kẹt trong cổ họng.

Các triệu chứng loét thực quản liên quan đến các nguyên nhân khác có thể là:

  • Các triệu chứng phổ biến nhất của loét thực quản do thuốc là đau khi nuốt, đau sau xương ức và khó nuốt.
  • Triệu chứng dễ nhận biết nhất của loét thực quản do nhiễm nấm là đau khi nuốt, thường ở ngay sau xương ức.
  • Nhiễm vi rút Herpes simplex (HSV) ở thực quản được biểu hiện bằng việc nuốt đau, cùng với chứng ợ nóng, đau ngực, buồn nôn và lở miệng.

Loét thực quản có nguy hiểm không?

Loét thực quản là một tình trạng nguy hiểm nếu không được phát hiện và điều trị kịp thời. Các biến chứng có thể gặp do loét thực quản bao gồm:

  • Xuất huyết đường tiêu hóa trên.
  • Loét dạ dày tá tràng tái phát.
  • Hẹp thực quản.
  • Ung thư thực quản.
  • Sụt cân do chán ăn và khó nuốt dẫn đến suy dinh dưỡng.
  • Vỡ thực quản.

Loét thực quản cũng có thể gây chảy máu rỉ rả theo thời gian, có thể dẫn đến tình trạng thiếu máu. Bản thân tình trạng chảy máu có thể không dễ nhận thấy, bạn có thể có các triệu chứng của tình trạng thiếu máu bao gồm chóng mặt, khó thở khi hoạt động hoặc khi nghỉ ngơi, mệt mỏi hoặc kiệt sức, da nhợt nhạt, yếu đuối.

Tử vong có thể gặp trong những trường hợp hiếm, do loét xuất huyết hoặc thủng.

Loét thực quản có nguy hiểm không và những phương pháp điều trị bệnh? 2
Loét thực quản có nguy hiểm không là thắc mắc của nhiều người

Điều trị loét thực quản

Sau khi đã biết loét thực quản có nguy hiểm không, chắc hẳn điều bạn quan tâm đó là loét thực quản có thể được điều trị bằng phương pháp nào. Can thiệp sớm là chìa khóa giúp ngăn ngừa các biến chứng của loét thực quản. Trong trường hợp trào ngược axit, phương pháp điều trị có thể bao gồm:

  • Thuốc: Thuốc thường được sử dụng như thuốc kháng axit, thuốc chẹn thụ thể H2 và thuốc ức chế bơm proton (PPI).
  • Hỗ trợ tiêu hóa, thay đổi chế độ ăn uống và lối sống.
  • Phẫu thuật có thể được đề xuất đối với các trường hợp nghiêm trọng. Các loại phẫu thuật bao gồm thắt chặt cơ thắt thực quản dưới gần đỉnh dạ dày.

Loét thực quản không phải do trào ngược có thể cần các biện pháp can thiệp khác nhau. Ví dụ, thuốc kháng sinh hoặc thuốc chống nấm có thể được kê đơn trong trường hợp loét do nhiễm trùng.

Thay đổi lối sống và chế độ ăn uống có thể có lợi trong việc giảm trào ngược axit và GERD, đây là những nguyên nhân phổ biến gây loét thực quản. Thay đổi lối sống và chế độ ăn uống bao gồm các hình thức sau:

  • Ăn chậm, không ăn quá nhiều.
  • Tránh nằm xuống trong khoảng 3 giờ sau khi ăn.
  • Duy trì cân nặng cơ thể khỏe mạnh.
  • Bỏ hút thuốc, vì người hút thuốc có nguy cơ mắc GERD cao hơn.
  • Kê cao đầu giường vào ban đêm để giảm trào ngược axit.
  • Thay đổi chế độ ăn uống bao gồm ăn một chế độ ăn cân bằng gồm protein nạc, ngũ cốc nguyên hạt, các loại hạt, hạt giống, trái cây và rau.
Loét thực quản có nguy hiểm không và những phương pháp điều trị bệnh? 3
Thay đổi lối sống là một trong những cách điều trị loét thực quản

Hy vọng bài viết trên đã giúp bạn hiểu rõ hơn về căn bệnh loét thực quản và trả lời được câu hỏi loét thực quản có nguy hiểm không. Điều trị loét thực quản có nhiều phương pháp đa dạng bao gồm thuốc, thay đổi lối sống và phẫu thuật trong trường hợp nghiêm trọng.

Có thể bạn quan tâm

Thông tin và sản phẩm gợi ý trong bài viết chỉ mang tính chất tham khảo, vui lòng liên hệ với Bác sĩ, Dược sĩ hoặc chuyên viên y tế để được tư vấn cụ thể. Xem thêm

Dược sĩ Đại học Trần Huỳnh Minh Nhật

Đã kiểm duyệt nội dung

Dược sĩ chuyên khoa Dược lý - Dược lâm sàng. Tốt nghiệp 2 trường đại học Mở và Y Dược TP. Hồ Chí Minh. Có kinh nghiệm nghiên cứu về lĩnh vực sức khỏe, đạt được nhiều giải thưởng khoa học. Hiện là Dược sĩ chuyên môn phụ trách xây dựng nội dung và triển khai dự án đào tạo - Hội đồng chuyên môn tại Nhà thuốc Long Châu.

Xem thêm thông tin