Ứng dụng Nhà Thuốc Long Châu

Siêu ưu đãi, siêu trải nghiệm

  1. /
  2. Góc sức khỏe/
  3. Phòng bệnh & Sống khoẻ

Đo thính lực​ là gì? Khi nào cần đo thính lực?

Ngày 26/11/2024
Kích thước chữ

Đo thính lực là phương pháp cần thiết để kiểm tra và bảo vệ thính giác. Việc thực hiện kiểm tra thính lực định kỳ giúp phát hiện sớm các vấn đề, đảm bảo thính lực luôn trong trạng thái tốt nhất, từ đó nâng cao chất lượng cuộc sống.

Mất thính lực không chỉ xuất hiện ở người lớn tuổi mà có thể ảnh hưởng đến bất kỳ ai, bất kỳ độ tuổi nào. Theo nghiên cứu trên American Family Doctor, khoảng 25% người trên 50 tuổi và 50% người trên 80 tuổi gặp vấn đề về thính giác. Đặc biệt, những người thường xuyên làm việc trong môi trường tiếng ồn lớn, tiếp xúc với âm thanh công nghiệp hoặc nghe nhạc với âm lượng cao là những đối tượng có nguy cơ cao.

Đo thính lực là gì?

Đo thính lực là một phương pháp y học nhằm kiểm tra khả năng nghe của con người thông qua việc trình bày biểu đồ thính lực, hay còn gọi là thính lực đồ. Thính lực đồ này cung cấp thông tin chi tiết về mức độ nghe, từ đó xác định xem khả năng thính giác của bạn có bất thường hay không. Đây là bước kiểm tra cơ bản nhưng quan trọng, giúp phát hiện và chẩn đoán sớm các vấn đề liên quan đến tai và thính giác.

Với sự phát triển của công nghệ y học, các kỹ thuật đo thính lực ngày càng hiện đại và chính xác. Các bác sĩ chuyên khoa tai mũi họng có thể dễ dàng chẩn đoán các bệnh lý liên quan đến thính giác thông qua việc phân tích đường dẫn truyền âm thanh trong tai. Phương pháp này không chỉ giúp tiết kiệm thời gian mà còn mang lại sự an tâm cho người bệnh bằng cách cung cấp cái nhìn rõ ràng và toàn diện về chức năng nghe.

Đo thính lực​ là gì? Khi nào cần đo thính lực? 1
Đo thính lực là một phương pháp y học nhằm kiểm tra khả năng nghe của con người

Vì sao nên đo thính lực?

Đo thính lực là cách hiệu quả để kiểm tra chức năng thính giác, đánh giá cường độ và âm sắc của âm thanh mà tai có thể cảm nhận. Thông qua kết quả thính lực đồ, bác sĩ có thể xác định mức độ nghe kém, tình trạng mất thính lực và đưa ra các giải pháp điều trị phù hợp. Đặc biệt, đo thính lực còn hỗ trợ phát hiện sớm các vấn đề tiềm ẩn như:

  • Suy giảm thính lực do tuổi tác.
  • Dị tật bẩm sinh ở tai.
  • Nhiễm trùng tai mãn tính.
  • Bệnh lý di truyền như xơ cứng tai.
  • Chấn thương tai hoặc tiếp xúc với tiếng ồn lớn trong thời gian dài.

Nhìn chung, đo thính lực là phương pháp kiểm tra khả năng tiếp nhận âm thanh của tai, giúp đánh giá tình trạng thính giác và phát hiện các tổn thương nếu có. Đây là biện pháp an toàn và hiệu quả để xác định chức năng nghe, đồng thời hỗ trợ các bác sĩ lập kế hoạch điều trị phù hợp nhằm cải thiện sức khỏe thính giác.

Những trường hợp cần đo thính lực

Đo thính lực là cần thiết trong các trường hợp sau đây:

Trẻ sơ sinh và trẻ nhỏ

Trẻ sơ sinh hoặc trẻ mới biết đi

Không có phản ứng với âm thanh hoặc không giật mình khi có tiếng động lớn.

Trẻ trong độ tuổi tập nói

Không bập bẹ, bắt chước âm thanh hoặc chậm nói bất thường.

Trẻ lớn hơn

Có xu hướng xem tivi, điện thoại với âm lượng lớn một cách bất thường hoặc nói chuyện quá lớn.

Người cao tuổi

Người trên 60 tuổi thường có nguy cơ suy giảm thính lực do lão hóa. Nếu có dấu hiệu nghe kém hoặc giảm khả năng tiếp nhận và dẫn truyền âm thanh, nên thực hiện kiểm tra thính lực để xác định nguyên nhân và có biện pháp can thiệp.

Đo thính lực​ là gì? Khi nào cần đo thính lực? 2
Người trên 60 tuổi thường có nguy cơ suy giảm thính lực do lão hóa

Người làm việc trong môi trường ồn ào

Những người tiếp xúc lâu dài với tiếng ồn lớn như công nhân xây dựng, thợ mộc, thợ hàn, nhân viên nhà máy hoặc người lái tàu hỏa, có nguy cơ bị tổn thương thính giác cao hơn.

Người mắc bệnh lý liên quan

Bệnh tai mũi họng

Các bệnh lý như viêm tai giữa, viêm màng não hoặc các nhiễm trùng tai mãn tính có thể gây suy giảm thính lực.

Bệnh toàn thân

Người mắc bệnh như huyết áp cao, tiểu đường hoặc tim mạch cũng có thể gặp các vấn đề về thính giác.

Tác dụng phụ từ thuốc

Một số loại thuốc điều trị các bệnh mãn tính như tim mạch, lao hoặc ung thư có thể gây tác dụng phụ làm suy giảm chức năng thính giác. Nếu xuất hiện triệu chứng ù tai hoặc nghe kém, cần thực hiện đo thính lực để đánh giá tình trạng.

Người bị chấn thương vùng tai

Chấn thương ở tai có thể làm tổn hại cấu trúc tai trong và dẫn đến suy giảm khả năng nghe. Đo thính lực là cách tốt nhất để kiểm tra mức độ ảnh hưởng của tổn thương này.

Dấu hiệu cần đo thính lực ngay lập tức

Nếu bạn hoặc người thân có các biểu hiện sau đây, cần thực hiện đo thính lực ngay:

  • Nghe kém hơn bình thường hoặc điếc đột ngột.
  • Thường xuyên bị ù tai hoặc cảm giác mất khả năng nghe tạm thời.
  • Không thể tiếp nhận thông tin khi ở trong môi trường có tiếng ồn nhẹ.

Phương pháp đo thính lực phù hợp cho từng độ tuổi

Đo thính lực là quy trình cần thiết để đánh giá khả năng nghe và phát hiện các vấn đề liên quan đến thính giác. Việc lựa chọn phương pháp đo phù hợp sẽ dựa trên độ tuổi, mức độ phát triển và khả năng nhận thức của từng đối tượng. Dưới đây là những phương pháp đo thính lực phù hợp cho từng nhóm tuổi cùng với ý nghĩa của các kết quả đo.

Đo thính lực​ là gì? Khi nào cần đo thính lực? 3
Việc chọn phương pháp đo phù hợp sẽ dựa trên độ tuổi, mức độ phát triển và khả năng nhận thức 

Trẻ sơ sinh và trẻ chậm phát triển

Trẻ sơ sinh (0 - 5 tháng tuổi)

Ở giai đoạn này, trẻ chưa thể phản hồi trực tiếp với các bài kiểm tra thính giác. Do đó, các phương pháp đo thính lực khách quan được sử dụng, bao gồm:

  • Thử phản xạ mi mắt ốc tai (OAE): Kiểm tra khả năng phản hồi của tai trong đối với âm thanh.
  • ABR (Auditory Brainstem Response): Ghi lại các tín hiệu điện từ não khi tai nhận được âm thanh.
  • ASSR (Auditory Steady-State Response): Đánh giá khả năng dẫn truyền âm thanh qua đường thần kinh thính giác.

Trẻ từ 5 - 30 tháng tuổi

Ở độ tuổi này, các phương pháp đo kết hợp cả đo nhĩ lượng và phản xạ âm được áp dụng để kiểm tra chức năng tai giữa:

  • Đo nhĩ lượng: Xác định độ đàn hồi và chức năng của màng nhĩ.
  • Đo phản xạ âm: Kiểm tra phản xạ co cơ tai khi tiếp xúc với âm thanh lớn.
    Ngoài ra, các phương pháp như VRA (Visual Reinforcement Audiometry) và các kỹ thuật đo khách quan (OAE, ABR, ASSR) cũng được áp dụng.
Đo thính lực​ là gì? Khi nào cần đo thính lực? 4
Trẻ từ 5 - 30 tháng tuổi cần kết hợp đo nhĩ lượng và phản xạ âm để kiểm tra chức năng tai giữa

Trẻ chậm phát triển

Trẻ chậm phát triển thường khó phản ứng với các bài kiểm tra thông thường. Do đó, các phương pháp khách quan như OAE, ABR, và ASSR được ưu tiên để đưa ra kết quả chính xác.

Trẻ dưới 5 tuổi

Với trẻ từ 3 - 5 tuổi, khi khả năng phối hợp tốt hơn, có thể áp dụng:

  • Đo thính lực qua chơi (Play Audiometry).
  • Kết hợp các trò chơi để trẻ hợp tác trong quá trình đo.
  • Đo thính lực bằng lời nói.
  • Sử dụng từ hoặc câu nói để đánh giá khả năng nghe.
  • Đo nhĩ lượng và phản xạ âm.
  • Tiếp tục được áp dụng để kiểm tra chức năng tai giữa.

Các phương pháp khách quan như OAE, ABR và ASSR vẫn hữu ích khi trẻ không hợp tác hoặc cần đánh giá chuyên sâu.

Trẻ trên 5 tuổi và người lớn

Đối với trẻ lớn và người trưởng thành, các phương pháp đo thính lực tiêu chuẩn được sử dụng, bao gồm:

Đo thính lực đơn âm chủ quan

Người thực hiện phản hồi khi nghe thấy âm thanh qua tai nghe.

Đo thính lực đơn âm khách quan

Ghi nhận tín hiệu từ cơ thể mà không cần phản hồi từ người đo.

Ý nghĩa của kết quả đo thính lực

Kết quả đo thính lực được biểu diễn qua thính lực đồ, một biểu đồ minh họa khả năng nghe của người được kiểm tra. Thính lực đồ này bao gồm các chỉ số cụ thể giúp bác sĩ chuyên khoa tai mũi họng đánh giá tình trạng thính giác và xác định mức độ mất thính lực nếu có.

Đo thính lực​ là gì? Khi nào cần đo thính lực? 5
Người có thính lực bình thường có thể nghe rõ lời nói, tiếng thì thầm và tiếng đồng hồ tích tắc

Một người có kết quả đo thính lực bình thường khi:

  • Có thể nghe rõ lời nói, tiếng thì thầm và tiếng đồng hồ tích tắc.
  • Khả năng nghe qua đường khí và đường xương nằm trong giới hạn bình thường.
  • Nghe được âm thanh từ 250-8000 Hz ở mức 25 dB hoặc thấp hơn.

Lựa chọn phương pháp đo thính lực phù hợp cho từng độ tuổi là bước quan trọng trong việc phát hiện và điều trị các vấn đề về thính giác. Việc đo thính lực không chỉ giúp đánh giá khả năng nghe mà còn hỗ trợ bác sĩ đưa ra hướng điều trị hiệu quả, cải thiện chất lượng cuộc sống. Ngay khi có dấu hiệu nghe kém, bạn hãy đi khám bác sĩ chuyên khoa để được tư vấn và kiểm tra thính lực kịp thời nhé.

Có thể bạn quan tâm

Thông tin và sản phẩm gợi ý trong bài viết chỉ mang tính chất tham khảo, vui lòng liên hệ với Bác sĩ, Dược sĩ hoặc chuyên viên y tế để được tư vấn cụ thể. Xem thêm

Dược sĩ Đại họcNguyễn Mỹ Huyền

Đã kiểm duyệt nội dung

Dược sĩ Đại học có nhiều năm kinh nghiệm trong việc tư vấn Dược phẩm và hỗ trợ giải đáp thắc mắc về Bệnh học. Hiện đang là giảng viên cho Dược sĩ tại Nhà thuốc Long Châu.

Xem thêm thông tin