Ứng dụng Nhà Thuốc Long Châu

Siêu ưu đãi, siêu trải nghiệm

Long Châu
  1. /
  2. Góc sức khỏe/
  3. Phòng bệnh & Sống khoẻ

Thính lực là gì? Có cần kiểm tra thính lực cho trẻ không?

Ngày 05/05/2024
Kích thước chữ

Khoa học đã chứng minh, con người phát triển khả năng nói thông qua việc nghe âm thanh xung quanh. Đây cũng là yếu tố khẳng định tầm quan trọng của thính lực đối với khả năng giao tiếp, tiếp nhận, xử lý thông tin của con người. Đã có rất nhiều trường hợp trẻ em có thính lực kém dẫn đến chậm nói, thậm chí suy giảm hẳn khả năng giao tiếp.

Hiện nay, với sự tiến bộ không ngừng của khoa học, vật lý, quang học,… mà tầm quan trọng của thính lực ngày một được khẳng định chắc nịch hơn. Để phòng tránh các vấn đề về ngôn ngữ, giao tiếp,… bố mẹ được khuyến khích nên kiểm tra thính lực cho con từ sớm để phát hiện và xử lý kịp thời các vấn đề về thính lực.

Thế nào là thính lực?

Hiện nay, nhiều người vẫn chưa định nghĩa được một cách chính xác thính lực là gì. Thính giác của người bình thường không hoàn toàn giống nhau, mỗi người sẽ có những điểm khác biệt riêng. Chỉ số bình quân khi đo thính lực ở thanh niên không mắc bệnh tai mũi họng được chọn làm chuẩn mực thính lực cho người bình thường.

Vùng âm thanh nghe được của tai người là từ 16 – 20.000 Hz, mỗi tần số sẽ có ngưỡng nghe tối thiểu và tối đa. Nếu so sánh với thính giác của một số loài động vật thì thính giác ở người tương đối “thua kém”, ví dụ như dơi, chuột, mèo,… có thể nghe được đến tần số 60.000 Hz, riêng loài dơi có khả năng nghe kên đến 100.000Hz.

Thính lực là gì? Có cần kiểm tra thính lực cho trẻ không? 1
Thính lực là khả năng nghe được âm thanh

Tiếng nói của con người nằm trong vùng nhạy cảm nhất của trường âm thanh có thể nghe được với tần số từ 250 – 4.000 Hz, độ nhạy cảm của thính lực đạt tối đa trong tần số 1000 – 2000 Hz. Bàn về cường độ, tiếng nói thông thường sẽ nằm trong khoảng 30 – 70 dB. Chính vì vậy, sự giảm sút về thính lực trong vùng âm thanh tiếng nói được nhiều người chú ý, nhận biết.

Tuy nhiên, người ta lại ít quan tâm đến sự giảm sút thính lực ở những vùng âm thanh khác. Các máy đo thính lực thông thường cũng chỉ đo được khả năng nghe trong khoảng tần số từ 125 – 8000 Hz.

Về cường độ, sự giảm sút sức nghe lên đến 30 dB mới được người bệnh cảm nhận, chú ý sự bất thường. Cũng vì vậy mà nhiều người bị giảm sút thính lực khoảng 25 dB trở xuống khó cảm nhận được và cũng ít hoặc không gây ảnh hưởng đến đời sống hàng ngày.

Một lúc nào đó, những người bị cảm lạnh, cảm cúm, sức nghe giảm thêm 5 dB nữa mới nhận ra rằng thính lực của mình đã giảm, khả năng nghe kém hơn thông thường. Thậm chí còn người hoàn toàn không nghe được âm thanh từ tần số 8000 Hz trở lên nhưng điều này không quá ảnh hưởng đến đời sống hàng ngày của họ.

Đo thính lực là gì?

Đo thính lực là việc trình bày biểu đồ minh họa lại khả năng nghe khả dụng của một người và mức độ nghe kém ở mỗi bên tai của họ. Các con số của biểu đồ này sẽ dao động trong khoảng 125 – 8000 Hz. Trong lúc đo thính lực, chuyên viên sẽ mở một âm thanh với tần số nhất định, ở cùng một thời điểm để kiểm tra.

Âm thanh nhỏ nhất mà người ta có thể nghe được ở mỗi tần số sẽ được đánh dấu trên thính lực đồ kèm theo cường độ cụ thể. Đây gọi là ngưỡng nghe của một người.

Thính lực là gì? Có cần kiểm tra thính lực cho trẻ không? 2
Đo thính lực cho biết ngưỡng nghe của một người

Tại sao cần đo thính lực cho trẻ em từ sớm?

Như bạn đã biết, thính lực ảnh hưởng rất lớn đến khả năng ngôn ngữ, giao tiếp của trẻ em ở giai đoạn đầu đời bởi nghe kém thì vốn từ, vùng não ngôn ngữ cũng kém phát triển.

Ở người lớn, việc suy giảm thính lực sẽ dễ dàng, nhanh chóng nhận biết hơn. Trong khi đó, trẻ em không thể tự nhận biết được thính lực của mình. Những đứa trẻ được phát hiện suy giảm thính lực, thính lực kém đều ở thời điểm khá muộn. Ví dụ như trẻ đã được 2 – 3 tuổi mới nhận thấy thính lực yếu. Điều này khiến trẻ phải gánh chịu những khuyết tật về thính giác vĩnh viễn sau này, không có khả năng sửa chữa được, bao gồm cả việc phát âm, phát triển ngôn ngữ và nhận thức của bé.

Hầu hết các trường hợp trẻ em bị mất thính lực vĩnh viễn đến từ nguyên nhân thần kinh thính giác bị phá hủy hoặc mất chức năng ban đầu, từ đó không còn khả năng dẫn truyền tín hiệu âm thanh từ tai trong đến não bộ để xử lý và phản hồi lại.

Chỉ có khoảng 50% những trường hợp mất thính lực có thể xác định, khoanh vùng được nguyên nhân. Đa số những ca này bị mất thính lực là do trong quá trình mang thai và sinh nở hoặc một số yếu tố về gen di truyền. Do đó, việc kiểm tra, đo thính lực từ sớm có ý nghĩa quan trọng, được khuyến khích thực hiện trước khi bé bước qua cột mốc 6 tháng tuổi.

Thính lực là gì? Có cần kiểm tra thính lực cho trẻ không? 3
Đo thính lực giúp kiểm tra ngưỡng nghe của trẻ 

Khi nào cần đo thính lực cho bé?

Không phải tất cả trẻ em đều gặp vấn đề về thính lực, đặc biệt là mất thính lực. Tuy nhiên, nếu thấy bé có những biểu hiện bệnh về tai hoặc triệu chứng dưới đây, bố mẹ nên đặt lịch với bác sĩ chuyên khoa để đo thính lực cho trẻ càng sớm càng tốt, từ đó phát hiện và xử lý kịp thời những vấn đề liên quan.

  • Trẻ không có bất kỳ phản ứng nào với tiếng động lớn bất ngờ, ví dụ như tiếng sấm, tiếng rơi vỡ đồ đạc,…
  • Bé không quay đầu theo đúng hướng giọng nói của bố mẹ.
  • Bé không bập bẹ nói hay không cố gắng bắt chước âm thanh.
  • Trẻ không hiểu các cụm từ đơn giản, ngay cả khi đã trên 12 tháng tuổi.
  • Bé không đáp ứng với âm thanh gọi tên mình hoặc không xác định được nơi phát ra âm thanh.
  • Trẻ không bắt chước nói hoặc không sử dụng được những từ ngữ đơn giản về người hoặc đồ vật quen thuộc.
  • Bé không nghe tivi ở mức âm lượng bình thường.
  • Bé không sử dụng tiếng nói hoặc không có biểu hiện của sự phát triển ngôn ngữ như các bé cùng tuổi.
  • Trẻ nói chuyện quá lớn.
  • Bé phàn nàn giáo viên nói nhỏ với thái độ khó chịu.
  • Trẻ chậm nói hoặc nói không rõ.
  • Trẻ làm sai cách chỉ dẫn, hướng dẫn trước đó và có vẻ khá “mơ màng”.
  • Trẻ phàn nàn tiếng chuông, tiếng rít hoặc các âm thanh khác lạ trong tai mà con nghe được.
Thính lực là gì? Có cần kiểm tra thính lực cho trẻ không? 4
Bố mẹ nên đưa con đi khám sớm nhất khi phát hiện trẻ có biểu hiện nghe kém

Thính lực không chỉ quan trọng với người lớn mà còn có vai trò không thể thay thế ở trẻ nhỏ, là một phần thúc đẩy phát triển khả năng nghe nói, giao tiếp, sử dụng ngôn ngữ,… Nếu nhận thấy bé có dấu hiệu bất thường về thính lực, bố mẹ nên theo dõi con thường xuyên và đưa bé đi khám và điều trị càng sớm càng có hiệu quả tốt hơn.

Thông tin và sản phẩm gợi ý trong bài viết chỉ mang tính chất tham khảo, vui lòng liên hệ với Bác sĩ, Dược sĩ hoặc chuyên viên y tế để được tư vấn cụ thể. Xem thêm

Dược sĩ Đại họcNgô Kim Thúy

Đã kiểm duyệt nội dung

Tốt nghiệp loại giỏi trường Đại học Y Dược Huế. Từng tham gia nghiên cứu khoa học đề tài về Dược liệu. Nhiều năm kinh nghiệm làm việc trong lĩnh vực Dược phẩm. Hiện đang là giảng viên cho Dược sĩ tại Nhà thuốc Long Châu.

Xem thêm thông tin