Thủng màng nhĩ có chữa được không? Nguyên nhân thủng màng nhĩ và phương pháp điều trị hiệu quả
Ngày 25/12/2024
Kích thước chữ
Mặc định
Lớn hơn
Tai là cơ quan giúp con người cảm nhận và xử lý các âm thanh từ môi trường xung quanh. Tuy nhiên, tình trạng thủng màng nhĩ lại khá phổ biến và dễ gặp trong cuộc sống. Do đó, không ít người đặt câu hỏi liệu thủng màng nhĩ có chữa được không?
Thủng màng nhĩ có thể xảy ra ở cả người lớn lẫn trẻ em do nhiều nguyên nhân khác nhau như nhiễm trùng, dị vật, chấn thương,... Vậy thủng màng nhĩ có chữa được không?
Làm thế nào để nhận biết tình trạng thủng màng nhĩ?
Màng nhĩ là lớp màng mỏng, bán trong suốt có hình bầu dục, độ dày trung bình chỉ khoảng 0,1 mm. Đây là bộ phận quan trọng giúp con người nghe âm thanh và bảo vệ tai giữa khỏi các yếu tố gây hại như bụi, vi khuẩn hay virus. Khi màng nhĩ bị thủng, người bệnh có thể gặp phải các vấn đề sau:
Giảm thính lực: Do vai trò khuếch đại âm thanh, khi màng nhĩ bị rách lớn, thính lực của người bệnh có thể giảm từ 20 – 30 dB.
Nhiễm trùng tai giữa: Lỗ thủng tạo điều kiện cho nước, bụi bẩn và vi khuẩn dễ dàng xâm nhập, dẫn đến tình trạng viêm tai giữa.
Dịch tai chảy ra ngoài: Người bệnh có thể thấy dịch viêm hoặc dịch tiết chảy ra qua lỗ thủng của màng nhĩ.
Chóng mặt, buồn nôn hoặc nôn: Nếu nhiễm trùng tai giữa lan đến hệ tiền đình ở tai trong, nó có thể gây ra viêm mê nhĩ hoặc viêm dây thần kinh tiền đình. Điều này dẫn đến mất thăng bằng, chóng mặt và ảnh hưởng tới khả năng nghe lẫn giữ thăng bằng của cơ thể.
Thủng màng nhĩ có chữa được không?
Nhiều người băn khoăn liệu thủng màng nhĩ có chữa được không? Câu trả lời phụ thuộc vào nguyên nhân gây bệnh và mức độ tổn thương màng nhĩ.
Lỗ thủng nhỏ, không biến chứng: Nếu nguyên nhân là chấn thương nhẹ và không có nhiễm trùng, lỗ thủng có thể tự hồi phục mà không cần can thiệp phẫu thuật nếu được theo dõi và chăm sóc đúng cách. Khi lỗ thủng không tự lành sau thời gian chăm sóc hoặc xảy ra sau viêm tai giữa, bác sĩ có thể chỉ định phẫu thuật vá màng nhĩ.
Nhiễm trùng nặng hoặc biến chứng: Nếu tai bị viêm nhiễm nghiêm trọng, xuất hiện biến chứng hoặc các tổn thương như cholesteatoma lan rộng, việc điều trị sẽ tập trung vào xử lý các vấn đề chính, thông qua nội khoa hoặc phẫu thuật. Trong trường hợp này, màng nhĩ có thể không được tái tạo lại hoàn toàn như ban đầu.
Thủng màng nhĩ do đâu?
Nguyên nhân gây thủng màng nhĩ thường gặp gồm:
Viêm tai giữa: Khi dịch mủ tích tụ trong tai giữa do vi khuẩn hoặc virus tấn công, áp lực tăng cao sẽ khiến lớp mô mỏng bảo vệ bị rách.
Dị vật trong tai: Việc sử dụng bông tăm không đúng cách, đẩy sâu vào trong tai hoặc đưa các vật sắc nhọn như bút, kẹp tăm để vệ sinh tai có thể làm tổn thương và làm rách màng nhĩ.
Tiếng ồn lớn hoặc sóng âm mạnh: Những âm thanh đột ngột, cường độ lớn như vụ nổ có thể gây chấn thương và dẫn đến thủng màng nhĩ.
Tác động vật lý đến đầu hoặc tai: Các chấn thương trực tiếp vào khu vực tai hoặc đầu có thể ảnh hưởng đến màng nhĩ, do đây là một lớp màng rất mỏng và nhạy cảm.
Nhiễm trùng tái phát ở tai: Nếu tai bị nhiễm trùng nhiều lần, dịch mủ tích tụ sẽ tạo áp lực lâu dài, dẫn đến nguy cơ rách màng nhĩ. Trường hợp này thường xuất hiện khi không điều trị dứt điểm các bệnh lý tai trước đó.
Chữa thủng màng nhĩ bằng cách nào?
Cách chữa trị thủng màng nhĩ gồm hai phương pháp chính:
Phẫu thuật vá màng nhĩ
Thủng màng nhĩ có chữa được không? Trước hết, bác sĩ sẽ tiến hành xử lý khu vực bị tổn thương bằng cách loại bỏ phần rìa xung quanh lỗ thủng. Sau đó, một mảnh cân cơ từ sau tai (lớp bao bọc cơ) hoặc một đoạn sụn từ trước tai sẽ được sử dụng làm vật liệu vá. Mảnh này được đặt vào vị trí sát bên dưới lỗ thủng và cố định bằng loại thuốc tự tan trong hòm nhĩ và ống tai. Người bệnh thường hồi phục nhanh, có thể xuất viện sau khoảng 2-3 ngày và màng nhĩ mới thường sẽ hoàn toàn lành sau 3-4 tuần.
Phẫu thuật vá màng nhĩ áp dụng cho người lớn và trẻ lớn trong các trường hợp:
Lỗ thủng không tự lành sau 3 tháng.
Viêm tai mãn tính hoặc tái phát.
Suy giảm thính lực do thủng nhĩ.
Chấn thương làm thủng màng nhĩ.
Điều trị nguyên nhân gây thủng nhĩ
Dị vật, chấn thương vật lý hay nhiễm trùng là những nguyên nhân phổ biến gây viêm tai và thủng nhĩ. Bác sĩ sẽ thực hiện việc làm sạch tai, loại bỏ dị vật nếu có và kê đơn thuốc giúp giảm viêm, điều trị nhiễm trùng, đồng thời hỗ trợ làm lành màng nhĩ.
Với một số trường hợp, đặc biệt khi lỗ thủng nhỏ và không có biến chứng, màng nhĩ có thể tự phục hồi mà không cần phẫu thuật. Nếu sau quá trình điều trị nội khoa mà màng nhĩ vẫn không liền, bác sĩ sẽ cân nhắc thực hiện phẫu thuật vá màng nhĩ.
Biện pháp phòng ngừa thủng màng nhĩ
Dù bạn đã từng bị thủng màng nhĩ hay trải qua phẫu thuật, việc thực hiện các giải pháp phòng tránh vẫn rất cần thiết. Điều này không chỉ giúp bạn ngăn ngừa bệnh tái phát mà còn bảo vệ sức khỏe tổng thể, đảm bảo các cơ quan hoạt động bình thường.
Dưới đây là một số cách hiệu quả để chăm sóc sức khỏe tai:
Hạn chế xì mũi mạnh: Việc xì mũi quá nhiều hoặc quá mạnh có thể không chỉ gây áp lực lên mũi mà còn ảnh hưởng đến màng nhĩ, vốn là lớp mô mỏng dễ tổn thương. Đặc biệt, người mắc các bệnh lý về tai - mũi - họng càng nên tránh hành động này.
Tránh tiếp xúc với âm thanh lớn: Ở những nơi có tiếng ồn vượt mức an toàn, hãy sử dụng nút bịt tai để giảm tác động của âm thanh đến tai và bảo vệ màng nhĩ.
Bảo vệ tai khi tiếp xúc với nước: Trong các hoạt động dưới nước như bơi lội hoặc tắm, bạn nên sử dụng thiết bị hỗ trợ để ngăn nước xâm nhập vào tai. Đừng quên lau khô tai sau khi tắm để tránh nguy cơ nhiễm trùng.
Không tự ý dùng thuốc điều trị tai: Chỉ sử dụng thuốc theo hướng dẫn của bác sĩ, tránh tự ý mua và sử dụng các loại thuốc không rõ nguồn gốc để tránh tác dụng phụ.
Điều trị triệt để các bệnh về tai: Nếu xuất hiện bất kỳ triệu chứng bất thường nào trong tai, hãy điều trị dứt điểm ngay từ đầu để tránh viêm nhiễm kéo dài.
Cẩn thận khi đi máy bay: Áp suất trên không có thể ảnh hưởng đến tai, đặc biệt với những người đang bị nghẹt mũi hoặc đau tai. Bạn có thể dùng bông bịt tai hoặc nhai kẹo cao su để giảm áp lực.
Không dùng vật nhọn lấy ráy tai: Thói quen dùng các vật nhọn như kẹp tóc hoặc bút để ráy tai rất nguy hiểm, dễ làm tổn thương màng nhĩ. Nhiều trường hợp đã bị thủng màng nhĩ nghiêm trọng, thậm chí mất thính lực, do những hành động này.
Hy vọng rằng bài viết này đã giúp bạn giải đáp câu hỏi thủng màng nhĩ có chữa được không? Có thể nói rằng, thủng màng nhĩ hoàn toàn có thể chữa khỏi nếu mức độ nhẹ, được phát hiện sớm và can thiệp kịp thời. Việc chủ động bảo vệ đôi tai giúp bạn duy trì khả năng nghe một cách tối ưu.
Có thể bạn quan tâm
Thông tin và sản phẩm gợi ý trong bài viết chỉ mang tính chất tham khảo, vui lòng liên hệ với Bác sĩ, Dược sĩ hoặc chuyên viên y tế để được tư vấn cụ thể. Xem thêm
Dược sĩ chuyên khoa Dược lý - Dược lâm sàng. Tốt nghiệp 2 trường đại học Mở và Y Dược TP. Hồ Chí Minh. Có kinh nghiệm nghiên cứu về lĩnh vực sức khỏe, đạt được nhiều giải thưởng khoa học. Hiện là Dược sĩ chuyên môn phụ trách xây dựng nội dung và triển khai dự án đào tạo - Hội đồng chuyên môn tại Nhà thuốc Long Châu.