U dây thần kinh thính giác phần lớn là khối u lành tính. Tuy nhiên, nếu không được chẩn đoán và điều trị kịp thời, nó có thể gây nguy cơ liệt các dây thần kinh lân cận, dẫn đến hôn mê và nguy hiểm đến tính mạng.
U dây thần kinh thính giác thường phát triển chậm và có thể kéo dài nhiều năm. Tuy không lan sang các bộ phận khác nhưng khi khối u lớn dần, nó sẽ tạo áp lực và chèn ép vào các dây thần kinh, mạch máu và các cấu trúc não xung quanh, gây ra nhiều biến chứng nguy hiểm. Cùng Long Châu tìm hiểu nhé!
Bệnh u dây thần kinh thính giác là gì?
U dây thần kinh thính giác hay u dây thần kinh số 8, là một loại khối u lành tính, phát triển chậm, thường bắt đầu từ dây thần kinh tiền đình của não. Khối u này có thể ảnh hưởng tới một hoặc cả hai bên tai, đa số là một bên. Nó có kích thước tương đương đầu ngón tay hoặc quả trứng gà, nằm trong hố sau não sọ và có thể gây ra nhiều rối loạn nghiêm trọng.
Căn bệnh này chiếm khoảng 8% tổng số khối u phát triển trong não. Nhóm tuổi thường mắc bệnh là từ 30 đến 60 tuổi. Nguyên nhân chính gây ra bệnh u dây thần kinh số 8 đến nay vẫn chưa được xác định rõ. Tuy nhiên, yếu tố di truyền từ bố mẹ mang rối loạn gen thần kinh tuýp 2 có thể làm tăng nguy cơ mắc bệnh cho con.
Dấu hiệu và triệu chứng của bệnh
U dây thần kinh thính giác thường phát triển chậm. Ở giai đoạn đầu, các triệu chứng thường không rõ ràng, dẫn đến việc người bệnh không nhận ra bệnh từ sớm. Triệu chứng bệnh phụ thuộc vào kích thước, vị trí và sự lan rộng của khối u. Các dấu hiệu bệnh đặc trưng ở giai đoạn đầu bao gồm:
Nghe kém: Phát triển chậm, có thể kéo dài từ vài tháng đến vài chục năm, thường xảy ra trong khoảng 2 năm. Việc mất thính giác có thể xảy ra đột ngột hoặc thoáng qua.
Ù tai: Trong tai thường xuất hiện tiếng chuông hoặc âm thanh rít.
Mất thăng bằng: Xuất hiện hội chứng tiền đình kiểu trung ương (rung giật nhãn cầu).
Khi khối u lan vào hố não sau và gây liệt một số dây thần kinh sọ sẽ có triệu chứng:
Liệt dây thần kinh số 5: Giảm phản xạ của mắt, giảm cảm giác da mặt ở nửa bên có khối u và liệt cơ nhai.
Việc chẩn đoán sớm bệnh u dây thần kinh thính giác là rất quan trọng, giúp nâng cao hiệu quả điều trị. Bác sĩ có thể chẩn đoán bệnh này qua các phương pháp sau:
Chẩn đoán lâm sàng: Dựa vào các triệu chứng được mô tả bởi người bệnh như đau đầu, giảm hoặc mất thính lực, liệt một bên mặt, hội chứng tiền đình,... mà bác sĩ sẽ đưa ra chẩn đoán ban đầu về bệnh.
Đo thính lực đồ: Phương pháp này giúp đánh giá khả năng nghe của người bệnh, cho phép bác sĩ nhận biết mức độ tổn thương thính giác và phát hiện sớm các dấu hiệu của bệnh.
Chụp cộng hưởng từ (MRI): Kết quả này sẽ giúp bác sĩ đánh giá cấu trúc của dây thần kinh thính giác để phát hiện khối u, xác định vị trí, kích thước và tính chất của u.
Chụp CT não: Hình ảnh 3D từ CT não giúp bác sĩ đánh giá chính xác vị trí và kích thước của khối u.
Cách điều trị bệnh
Mỗi phương pháp điều trị bệnh đều có lợi ích và hạn chế riêng. Phụ thuộc vào tiến triển, kích thước khối u và tình trạng sức khỏe của bệnh nhân, bác sĩ sẽ chọn phương pháp điều trị thích hợp. Ba phương pháp điều trị phổ biến là:
Phương pháp theo dõi
Phương pháp này bao gồm việc chụp cộng hưởng từ (MRI) thường xuyên để theo dõi khối u và phát hiện bất thường hoặc thay đổi kích thước. Tuy nhiên, phương pháp này không thể điều trị triệt để căn bệnh. Nó được áp dụng khi khối u nhỏ, không phát triển, không gây triệu chứng hoặc khi bệnh nhân không thể áp dụng xạ trị hoặc phẫu thuật.
Xạ trị
Xạ trị có thể được sử dụng cho khối u nhỏ, phần u còn sót lại sau phẫu thuật hoặc bệnh nhân có sức khỏe yếu, người cao tuổi. Sử dụng tia phóng xạ gamma bắn trực tiếp vào khối u giúp hạn chế sự tăng trưởng và làm giảm kích thước của u. Trong nhiều trường hợp, phương pháp này cần kết hợp với phẫu thuật để nâng cao hiệu quả điều trị.
Phẫu thuật
Đây là phương pháp phổ biến giúp tách bỏ hoàn toàn hoặc phần lớn khối u, làm giảm sự chèn ép các cấu trúc lân cận. Phẫu thuật có thể bảo tồn các dây thần kinh và cấu trúc não khi khối u nhỏ. Nếu khối u lớn, gây chèn ép nhiều dây thần kinh và cấu trúc não lân cận, phẫu thuật có thể không loại bỏ hoàn toàn khối u. Vùng góc cầu tiểu não có không gian hẹp, chứa nhiều cấu trúc thần kinh và mạch máu quan trọng, nên cố gắng tách bỏ hoàn toàn khối u sẽ gây tổn thương mạch máu, dây thần kinh và mô não lành.
Tùy thuộc vào từng trường hợp cụ thể, bác sĩ sẽ cân nhắc và chọn lựa phương pháp điều trị tốt nhất cho người bệnh.
U dây thần kinh thính giác là một loại u lành tính. Vì vậy, nếu được chẩn đoán sớm và điều trị đúng cách theo hướng dẫn của bác sĩ chuyên khoa, tỷ lệ khỏi bệnh sẽ rất cao. Điều này còn giúp bảo tồn chức năng thính giác và giảm thiểu nguy cơ biến chứng nguy hiểm sau khi điều trị.
Thông tin và sản phẩm gợi ý trong bài viết chỉ mang tính chất tham khảo, vui lòng liên hệ với Bác sĩ, Dược sĩ hoặc chuyên viên y tế để được tư vấn cụ thể. Xem thêm
Dược sĩ chuyên khoa Dược lý - Dược lâm sàng. Tốt nghiệp 2 trường đại học Mở và Y Dược TP. Hồ Chí Minh. Có kinh nghiệm nghiên cứu về lĩnh vực sức khỏe, đạt được nhiều giải thưởng khoa học. Hiện là Dược sĩ chuyên môn phụ trách xây dựng nội dung và triển khai dự án đào tạo - Hội đồng chuyên môn tại Nhà thuốc Long Châu.