Ứng dụng Nhà Thuốc Long Châu

Siêu ưu đãi, siêu trải nghiệm

Long Châu
  1. /
  2. Góc sức khỏe/
  3. Tin tức sức khỏe

ESR là gì? Ý nghĩa của xét nghiệm ESR

Ngày 20/06/2024
Kích thước chữ

Ngày nay, vấn đề kiểm tra sức khỏe định kì đang được nhiều người dành sự quan tâm đặc biệt. Không những thế, việc đọc kết quả xét nghiệm máu và hiểu về các chỉ số của chính mình luôn là thắc mắc của rất nhiều người. Trong đó, ESR là gì được hầu hết các bệnh nhân tìm hiểu.

Khi bệnh nhân nhận được chỉ định thực hiện kiểm tra ESR của bác sĩ điều trị, nhân viên y tế sẽ tiến hành lấy một lượng máu nhất định và đưa máu lấy được vào một chiếc ống nghiệm thẳng đứng, sau đó kiểm tra trong 60 phút. Trường hợp mẫu máu của người bệnh có dấu hiệu bị viêm, các protein bất thường có trong máu sẽ làm tế bào hồng gom lại thành từng khối máu nhỏ. Các khối máu được gom lại sẽ nặng hơn so với bình thường và rơi xuống đáy ống nhanh hơn. Khi các tế bào khối máu chìm xuống đáy một cách nhanh chóng, điều này chứng tỏ quá trình viêm nhiễm bên trong cơ thể bệnh nhân đang xảy ra. 

Hãy cùng Nhà Thuốc Long Châu chúng tôi tìm hiểu chi tiết hơn về ESR là gì và ý nghĩa của việc thực hiện xét nghiệm ESR qua bài viết này nhé!

ESR là gì?

ESR là viết tắt của tên tiếng anh “Erythrocyte Sedimentation Rate” - là một xét nghiệm nhằm kiểm tra tốc độ lắng của hồng cầu (RBC) trong máu người bệnh. Đây là một xét nghiệm không đặc hiệu dành cho việc chẩn đoán bệnh, giúp phát hiện một cách sơ bộ tình trạng bất thường của cơ thể có liên quan đến các phản ứng viêm.

Thông thường, các tế bào hồng cầu lắng xuống tương đối chậm. Khi tốc độ lắng của hồng cầu trong máu nhanh hơn mức bình thường, điều này là dấu hiệu cho thấy cơ thể của bạn đang bị viêm. Lúc này, phản ứng viêm có thể sinh ra bởi một phần của hệ thống phản ứng miễn dịch của cơ thể hoặc có thể là một phản ứng với sự nhiễm trùng hay phản ứng với sự chấn thương. Tuy nhiên, phản ứng viêm còn có thể được xem như dấu hiệu của một căn bệnh mãn tính, của sự rối loạn hệ miễn dịch và là triệu chứng của một vài bệnh lý khác.

Do đó, xét nghiệm tốc độ lắng của tế bào hồng cầu trong máu ESR còn có thể giúp bác sĩ xác định xem người bệnh có mắc phải bất kì tình trạng gây viêm nào khác hay không, chẳng hạn như viêm khớp hoặc viêm ruột...

 ESR là gì? Ý nghĩa của xét nghiệm ESR 1
ESR là gì là thắc mắc của rất nhiều bệnh nhân

Ý nghĩa của việc thực hiện xét nghiệm ESR là gì?

Ngoài thắc mắc ESR là gì thì ý nghĩa của việc thực hiện xét nghiệm tốc độ máu lắng cũng được rất nhiều bệnh nhân đặt câu hỏi.

Khi bệnh nhân có các dấu hiệu như sốt không hạ không rõ nguyên nhân, nhức đầu, mệt mỏi, sụt cân không rõ nguyên nhân… bác sĩ sẽ chỉ định bạn thực hiện xét nghiệm ESR. Việc thực hiện xét nghiệm ESR - tốc độ máu lắng đối với bác sĩ điều trị có rất nhiều ý nghĩa, một trong số đó chính là giúp bác sĩ sàng lọc sơ bộ, theo dõi tiến triển của bệnh lý và giúp chẩn đoán tình trạng các bệnh lý chính xác, hỗ trợ việc điều trị nhanh chóng và dễ dàng hơn. 

Có rất nhiều nguyên nhân khác nhau khiến cho chỉ số tốc độ máu lắng tăng lên hoặc giảm xuống so với mức bình thường. Khi tăng lên, bệnh nhân có nguy cơ bị mắc các bệnh như nhiễm nấm do ký sinh trùng, nhiễm trùng do vi khuẩn, viêm ruột thừa, bệnh lao, viêm phổi, viêm xương khớp, viêm tiết niệu, hoại tử mô hoặc người bệnh mắc phải bệnh tự miễn như Lupus ban đỏ… Nguy hiểm hơn, bác sĩ cũng không loại trừ khả năng bệnh nhân mắc phải các bệnh lý nghiêm trọng như nhồi máu cơ tim cấp hoặc các bệnh liên quan đến khối u đang hình thành bên trong cơ thể.

Trường hợp xét nghiệm ESR này cho ra kết quả thấp hơn so với ngưỡng bình thường, điều này cũng cho thấy, người bệnh đang mắc phải nhiều bệnh lý không mong muốn trong đó có suy tim xung huyết.

Mặc dù vậy, nếu kết quả nhận được có sự sai khác so với bình thường, bệnh nhân cũng không cần phải lo lắng quá. Bởi nhìn chung, việc xét nghiệm ESR nhằm giúp sàng lọc các khả năng có nguy cơ xảy ra. Lúc này, các bác sĩ sẽ chỉ định thực hiện thêm các kỹ thuật và các xét nghiệm khác nhằm tìm ra nguyên nhân và chẩn đoán chính xác hơn tình trạng bệnh của cơ thể.

 ESR là gì? Ý nghĩa của xét nghiệm ESR 2
Dựa vào kết quả của xét nghiệm ESR, bác sĩ có thể chẩn đoán và điều trị bệnh

Các phương pháp xét nghiệm tốc độ máu lắng - ESR

Hiện nay, có hai phương pháp chính được áp dụng để đo độ lắng của hồng cầu trong máu như sau:

Phương pháp xét nghiệm Westergren

Đây là phương pháp được đánh giá có độ tin cậy tương đối cao và được áp dụng rộng rãi tại nhiều bệnh viện và các phòng xét nghiệm. Với Westergren, lượng máu của bệnh nhân sẽ được cho vào một chiếc ống lắng có tên là Westergren-Katz. Cho đến khi mức máu đạt đến 200 milimet (mm), chiếc ống này sẽ được lưu trữ theo chiều thẳng đứng và giữ nguyên vị trí ở nhiệt độ phòng trong 60 phút. Các kỹ thuật viên sẽ đo lại khoảng cách giữa điểm đỉnh đầu của phần hồng cầu lắng đọng và đưa ra kết quả về tốc độ lắng hồng cầu của bệnh nhân xem bình thường hay không.

Phương pháp xét nghiệm Wintrobe

Với Wintrobe, ống lắng được sử dụng cho việc xét nghiệm sẽ dài hơn và mỏng hơn. Máu của bệnh nhân cũng sẽ được cho vào ống và lắng đọng trong một giờ. Sau đó, khoảng cách giữa điểm đỉnh của hỗn hợp máu và điểm đỉnh của hồng cầu lắng đọng sẽ được đo và cho ra kết quả cuối cùng. Tuy nhiên, phương pháp Wintrobe này có nhược điểm là độ nhạy kém hơn phương pháp Westergren.

 ESR là gì? Ý nghĩa của xét nghiệm ESR 3
Các phương pháp được áp dụng để đo ESR cần thực hiện trong một giờ để cho ra kết quả đúng

Kết quả xét nghiệm ESR như thế nào được xem là bình thường?

Theo các chuyên gia cho biết, tùy thuộc vào giới tính, độ tuổi và cơ địa riêng biệt của mỗi người mà độ máu lắng (đơn vị tính mm) sẽ có sự chênh lệch. Tuy nhiên, kết quả xét nghiệm ESR được xem là bình thường cụ thể như sau:

Đối với nam giới

Đối với nam giới, tốc độ máu lắng như sau được cho là bình thường:

  • Nam giới dưới 50 tuổi: < 15mm/1h.
  • Nam giới trên 50 tuổi: < 20mm/1h.

Đối với nữ giới

Đối với nữ giới, tốc độ máu lắng như sau được cho là bình thường:

  • Nữ giới dưới 50 tuổi: < 20mm/1h.
  • Nữ giới trên 50 tuổi: < 30mm/1h.
  • Phụ nữ đang hành kinh: < 40mm/1h.
  • Nữ giới giai đoạn các tháng cuối thai kỳ và sau sinh: < 50mm/1h.
 ESR là gì? Ý nghĩa của xét nghiệm ESR 4
Tùy thuộc vào giới tính của bệnh nhân mà kết quả xét nghiệm sẽ khác nhau

Trên đây là những thông tin về ESR là gì và ý nghĩa của việc thực hiện xét nghiệm ESR, hi vọng mang lại một giá trị nhất định cho bạn đọc. ESR là một xét nghiệm được đánh giá an toàn, rất ít rủi ro, quá trình lấy máu chỉ mất ít hơn vài phút và thậm chí bệnh nhân không cần phải nhịn ăn. Ngoài hỗ trợ cho việc chẩn đoán chính xác hơn, ESR còn có tác dụng giúp phát hiện nhanh chóng cơ thể bệnh nhân có đang xảy ra phản ứng viêm hay không. Do đó, khi nhận được chỉ định thực hiện xét nghiệm ESR này, bệnh nhân hãy thả lòng cơ thể và đừng quá lo lắng nhé!

Có thể bạn quan tâm

Thông tin và sản phẩm gợi ý trong bài viết chỉ mang tính chất tham khảo, vui lòng liên hệ với Bác sĩ, Dược sĩ hoặc chuyên viên y tế để được tư vấn cụ thể. Xem thêm

Dược sĩ Đại học Nguyễn Tuấn Trịnh

Đã kiểm duyệt nội dung

Từng làm ở Viện ISDS, nhiều năm cộng tác với CDC Thái Nguyên triển khai dự án phòng chống HIV/AIDS, 2 năm cộng tác với WHO.

Xem thêm thông tin