Ứng dụng Nhà Thuốc Long Châu

Siêu ưu đãi, siêu trải nghiệm

Long Châu
  1. /
  2. Góc sức khỏe/
  3. Mẹ & bé/
  4. Mang thai

Ferritin cao khi mang thai sẽ ảnh hưởng như thế nào đến mẹ bầu?

Ngày 14/08/2023
Kích thước chữ

Trong quá trình thai nghén, việc duy trì cân bằng sắt trong cơ thể là điều cực kỳ quan trọng để đảm bảo sức khỏe cho cả mẹ và thai nhi. Thiếu hoặc thừa sắt đều có thể gây ra những vấn đề nghiêm trọng. Vậy ferritin cao khi mang thai sẽ ảnh hưởng như thế nào đến mẹ bầu? Cùng Long Châu tham khảo bài viết sau đây nhé!

Xét nghiệm ferritin được xem là một công cụ quan trọng để theo dõi và quản lý tình trạng sắt trong cơ thể phụ nữ mang thai. Thông qua kết quả xét nghiệm, bác sĩ sẽ có chỉ định phù hợp để bổ sung thêm sắt hoặc loại bỏ sắt ra khỏi cơ thể. Vậy mẹ bầu có ferritin cao khi mang thai sẽ ảnh hưởng như thế nào?

Xét nghiệm ferritin

Ferritin là một loại protein có mặt trong máu, có chức năng lưu trữ sắt. Xét nghiệm ferritin định lượng mức độ của protein này trong máu, từ đó cho phép bác sĩ đánh giá tình trạng sắt trong cơ thể khi đang mang thai. Duy trì mức độ sắt cân đối là yếu tố quan trọng đối với việc hình thành máu, vận chuyển oxy, năng lượng cũng như sự phát triển của thai nhi.

Xét nghiệm ferritin là một cách để bác sĩ đo lường lượng sắt mà cơ thể lưu trữ. Kết quả xét nghiệm này có thể tiết lộ thông tin quan trọng về tình trạng sắt trong cơ thể. Khi nồng độ ferritin trong máu thấp hơn so với mức bình thường, điều này cho thấy cơ thể đang gặp tình trạng thiếu sắt và có thể gây ra thiếu máu cho mẹ bầu.

Trái lại, nếu mức ferritin cao hơn bình thường, điều này có thể ám chỉ rằng cơ thể đang tích tụ sắt quá mức. Nguyên nhân có thể đến từ nhiều khía cạnh như các vấn đề liên quan đến gan, viêm khớp dạng thấp, bệnh cường giáp và thậm chí là một số loại ung thư.

Ferritin cao khi mang thai sẽ ảnh hưởng như thế nào đến mẹ bầu? 1
Xét nghiệm ferritin là một cách để bác sĩ đo lường lượng sắt mà cơ thể lưu trữ

Ferritin cao khi mang thai sẽ ảnh hưởng như thế nào?

Xét nghiệm ferritin trong thai kỳ được yêu cầu khi có nghi ngờ về tình trạng thiếu máu, thiếu sắt hoặc thừa sắt ở thai phụ. Những dấu hiệu như mệt mỏi, sức khỏe yếu, da xanh xao hay chóng mặt đều có thể là dấu hiệu của sự không cân đối về sắt trong cơ thể.

Nếu thai phụ gặp các tình trạng như viêm cơ khớp, tinh thần không tốt hoặc cảm giác không thoải mái, việc thực hiện xét nghiệm ferritin có thể được đề xuất để kiểm tra nồng độ sắt trong máu.

Nguyên nhân tình trạng thừa sắt ở phụ nữ mang thai có thể bao gồm:

  • Bổ sung sắt quá nhiều trong chế độ ăn uống có thể tác động lên mức sắt trong cơ thể.
  • Việc tăng nhẹ mức ferritin có thể liên quan đến những vấn đề như thiếu máu huyết tán, thiếu máu nguyên hồng cầu, lạm dụng rượu, viêm gan cấp tính và các tình trạng nhiễm trùng mãn tính.
  • Các đột biến ở các gen HAMP, HFE, HFE2, SLC40A1 và TFR2 có thể dẫn đến tình trạng thừa sắt. Những thay đổi này ảnh hưởng đến quá trình hấp thụ sắt trong tiêu hóa và sự phân bố sắt trong cơ thể.

Ferritin cao khi mang thai đồng nghĩa với thừa sắt. Điều này có thể gây ra nhiều hậu quả nghiêm trọng cho cả mẹ và thai nhi như:

  • Khi lượng sắt trong cơ thể tăng quá mức sẽ dẫn đến tình trạng tăng nồng độ sắt tự do và huyết sắc tố hemoglobin. Điều này ảnh hưởng đến quá trình vận chuyển oxy và máu từ mẹ đến em bé.
  • Lượng sắt dư thừa trong cơ thể mẹ có thể gây áp lực lên gan và lá lách, dẫn đến suy gan, suy thận và đái tháo đường do sự rối loạn chức năng tụy. Thừa sắt còn liên quan đến các bệnh về tim mạch, đột quỵ, bệnh parkinson và ung thư.
  • Trẻ sơ sinh từ mẹ có ferritin cao có thể gặp vấn đề về cân nặng, sinh non hoặc thậm chí tử vong.
Ferritin cao khi mang thai sẽ ảnh hưởng như thế nào đến mẹ bầu? 2
Ferritin cao khi mang thai có thể ảnh hưởng xấu đến sức khỏe cả mẹ và thai nhi

Cách phòng ngừa tình trạng thiếu hoặc thừa sắt ở phụ nữ mang thai

Việc bà bầu thừa sắt hay thiếu sắt đều có những ảnh hưởng không tốt cho cả mẹ và bé. Khi gặp phải tình trạng này, thai phụ cần đến gặp bác sĩ để được thăm khám và có phương án điều trị an toàn và tốt nhất. Bên cạnh đó, chế độ dinh dưỡng cũng có thể hỗ trợ cân bằng lượng sắt trong cơ thể:

Cách hạn chế thiếu máu thiếu sắt ở mẹ bầu

Các mẹ bầu có thể tham khảo những mẹo nhỏ dưới đây để hạn chế tình trạng thiếu sắt:

  • Với những người có nguy cơ cao thiếu sắt, việc bổ sung thêm sắt dưới dạng viên uống là điều cần thiết. Mẹ bầu nên duy trì chế độ ăn uống cân đối và kết hợp việc uống viên sắt đều đặn hàng ngày, mỗi ngày một viên từ thời kỳ mang thai cho tới một tháng sau khi sinh.
  • Tối ưu hóa chế độ ăn uống bằng cách đa dạng hóa thức ăn. Hãy bổ sung các loại thức ăn chứa hàm lượng sắt cao như thịt, trứng,...
  • Kết hợp sắt với protein, đặc biệt là từ thức ăn động vật như thịt đỏ, thịt gà và cá. Điều này cần thiết để tăng số lượng hồng cầu trong máu.
  • Tăng cường việc tiêu thụ các loại rau xanh, khoai tây, nho khô, đậu hà lan, quả lựu, mơ, chuối và nho đen, vì chúng đều chứa sắt với hàm lượng cao.

Cách hạn chế thừa sắt ở mẹ bầu

Nồng độ sắt trong máu tăng cao cũng gây nên những ảnh hưởng không tốt cho mẹ bầu. Dưới đây là những cách để mẹ bầu có thể hạn chế tình trạng thừa sắt hiệu quả:

  • Nếu mẹ đang sử dụng viên sắt, hãy ngừng uống ngay.
  • Tăng cường tiêu thụ chất xơ từ rau củ quả để hạn chế tăng ferritin cao khi mang thai vì chất xơ có khả năng giúp giảm hấp thu sắt.
  • Sử dụng các thực phẩm có tác dụng lợi tiểu như rau má, nước râu ngô để giúp loại bỏ sắt ra khỏi cơ thể, giảm lượng ferritin nhanh chóng.
  • Trường hợp có các triệu chứng nghiêm trọng hơn, cần tham khảo ý kiến bác sĩ để được chẩn đoán và điều trị.
Ferritin cao khi mang thai sẽ ảnh hưởng như thế nào đến mẹ bầu? 3
Nên ngừng viên uống bổ sung sắt ngay khi phát hiện lượng sắt trong máu tăng cao

Trên đây là thông tin chia sẻ về những ảnh hưởng của ferritin cao khi mang thai. Mong rằng sau khi đọc bài viết này, bạn sẽ hiểu rõ hơn về vai trò của ferritin cũng như cách phòng ngừa thiếu sắt hay thừa sắt cho mẹ bầu để đảm bảo mẹ bầu và thai nhi có một sức khỏe tốt nhất. Nhà thuốc Long Châu cảm ơn bạn đã tham khảo bài viết này.

Xem thêm:

Có thể bạn quan tâm

Thông tin và sản phẩm gợi ý trong bài viết chỉ mang tính chất tham khảo, vui lòng liên hệ với Bác sĩ, Dược sĩ hoặc chuyên viên y tế để được tư vấn cụ thể. Xem thêm