Dược sĩ Đại học có nhiều năm kinh nghiệm trong việc tư vấn Dược phẩm và hỗ trợ giải đáp thắc mắc về Bệnh học. Hiện đang là giảng viên cho Dược sĩ tại Nhà thuốc Long Châu.
Ứng dụng Nhà Thuốc Long Châu
Siêu ưu đãi, siêu trải nghiệm
Mặc định
Lớn hơn
Trước đây, bệnh gai cột sống cổ thường xảy ra ở đối tượng nam giới lao động nặng hay phụ nữ trong độ tuổi mãn kinh. Tuy nhiên, hiện nay bệnh đang có xu hướng gia tăng ở giới trẻ, đặc biệt là nhân viên văn phòng thường ngồi nhiều và ít vận động.
Gai cột sống cổ là một dạng của thoái hóa cột sống và bệnh tiến triển âm thầm khiến người bệnh chủ quan. Nếu không được điều trị triệt để, các gai cột sống khác sẽ tiếp tục mọc ra khiến người bệnh tiếp tục bị hành hạ bởi những cơn đau cổ và vai gáy, từ đó hạn chế chức năng hoạt động của cổ, dẫn đến biến chứng bại liệt có thể xảy ra.
Bệnh gai cột sống cổ do những nguyên nhân sau đây:
Thoái hóa cột sống: Khi các gai cột sống xuất hiện báo hiệu cột sống của bạn đang dần bị thoái hóa. Do đốt sống cổ hoạt động nhiều nhất, nếu không chăm sóc đúng cách và thường xuyên sẽ rất dễ bị thoái hóa.
Quá trình thoái hóa khiến sụn khớp bị hao mòn dần, làm xẹp đĩa đệm và thoát vị, các dây chằng nối hai đốt sống bị chùng giãn. Theo cơ chế phản ứng tự điều hòa, cơ thể sẽ tăng cường lượng canxi ở cấu trúc dây chằng nhằm tăng diện tích tiếp xúc giữa thân đốt sống và phân bố đều lực lên đốt sống bị tổn thương.
Theo thời gian, sự lắng đọng canxi ở dây chằng hình thành nên các gai xương. Các mỏm xương thường mọc gai quanh vùng đĩa đệm thoát vị, ở mặt trước và bên hông của vùng cột sống cổ.
Các gai thường không gây đau khi có độ dài chỉ vài mm nhưng đến khi chúng ngày càng to dần, khiến ống tủy và các lỗ tiếp hợp ở cột sống bị hẹp, gây chèn ép lên rễ thần kinh và ảnh hưởng cấu trúc cơ, từ đó gây nên cơn đau dữ dội cho người bệnh.
Bệnh lý về xương khớp: Gai cột sống có thể do viêm cột sống dính khớp, lao cột sống, viêm đốt sống đĩa đệm do nhiễm khuẩn dù tình trạng này ít gặp.
Vận động sai tư thế, chấn thương: Sự vận động hay chấn thương làm cọ xát, va chạm liên tục gây áp lực lên cột sống, làm tổn thương khớp hoặc xương, cơ thể phản ứng để tự phục hồi sẽ gây nên gai cột sống.
Gen di truyền, sinh hoạt, lối sống:
Xương đốt sống và đĩa đệm của người có mang gen di truyền yếu hơn người bình thường.
Tình trạng thừa cân, béo phì tạo thêm nhiều áp lực lên cột sống.
Những tư thế sai trong sinh hoạt hàng ngày cũng tác động xấu đến sức khỏe cột sống, ví dụ thói quen ngửa cổ hoặc ngủ ngồi, nhân viên văn phòng ngồi máy tính không đúng cách... đều có nguy cơ mắc bệnh gai cột sống cổ.
Người bị gai cột sống cổ có những triệu chứng như sau:
Chế độ dinh dưỡng khoa học giữ vai trò rất quan trọng, quyết định cả quá trình điều trị gai đốt sống cổ có thành công hay không. Bữa ăn thiếu canxi và các dưỡng chất cần thiết cho cơ thể sẽ làm tăng nguy cơ bị loãng xương, dễ bị thoái hóa xương khớp.
Các quy tắc để thiết lập chế độ dinh dưỡng hợp lý cho người bệnh gai cột sống cổ như sau:
Canxi là thành phần tạo nên cấu trúc và sự chắc khỏe cho xương. Muốn hệ xương luôn rắn chắc và khắc phục tình trạng thoái hóa, người bệnh cần xây dựng một chế độ ăn uống giàu canxi bằng cách bổ sung các thực phẩm như hải sản, sữa và các sản phẩm sữa ít chất béo (sữa chua, phô mai…), các loại rau lá xanh, các sản phẩm đậu phụ, thức uống làm từ đậu nành.
Vitamin D góp phần vào quá trình hấp thu canxi giúp hệ xương phát triển. Cách tốt nhất để bổ sung vitamin D cho cơ thể là tiếp xúc với ánh nắng mặt trời. Ngoài ra, bạn vẫn có thể bổ sung vitamin D qua một vài loại thực phẩm tự nhiên như cá béo (cá mòi, cá hồi, cá ngừ), gan bò, lòng đỏ trứng, sản phẩm từ đậu nành, phô mai, sữa và các sản phẩm từ sữa…
Vitamin C có chức năng phục hồi các mô, góp phần vào sự hình thành collagen, cơ thể sử dụng collagen để thúc đẩy quá trình hình thành sụn khớp. Theo khẩu phần dinh dưỡng được khuyến khích (RDA), mỗi người có nhu cầu vitamin C là 60mg/ngày. Người bị gai cột sống cổ nên tập trung vào chế độ dinh dưỡng với những thực phẩm giàu vitamin C như các loại rau họ cải (bông cải xanh, súp lơ, cải xoăn, cải bắp), các loại quả họ nhà cam (cam, quýt, bưởi, chanh), trái cây nhiệt đới (dứa, đu đủ, kiwi, xoài), dưa hấu, dâu tây, việt quất, quả mâm xôi, khoai lang, khoai tây, cà chua.
Vitamin K có khả năng thúc đẩy mật độ xương, từ đó ngăn ngừa các bệnh về xương khớp. Người bệnh gai cột sống cổ nên bổ sung vitamin K thông qua các loại thực phẩm như thịt, phô mai, trứng, rau lá xanh…
Chế độ ăn uống quá mặn có tác hại là làm suy giảm mật độ xương. Để ngăn ngừa tình trạng này, người bệnh gai cột sống cổ nên tăng cường bổ sung các thực phẩm giàu kali để loại bỏ lượng muối thừa trong cơ thể và giảm thiểu lượng muối trong chế biến món ăn. Các loại trái cây và rau củ giàu kali như chuối, dưa lê, đậu trắng, đậu lăng, bí đỏ, khoai lang, khoai tây…
Người đang bị thoái hóa xương khớp cần tránh dùng cà phê và các loại thức uống chứa nhiều caffeine như nước ngọt, đồ uống có gas, trà, sôcôla nóng. Nếu tiêu thụ quá lượng 300mg caffeine/ngày có thể làm xương mất đi thành phần canxi mà cơ thể vốn đang thiếu.
Ngoài ra, khi uống rượu bia, cơ thể sẽ hạn chế hấp thu các vitamin và khoáng chất cần thiết, làm suy giảm mật độ xương. Người bệnh nên tránh những loại thức uống không lành mạnh này và thay vào đó hãy uống nhiều nước lọc, nước trái cây, trà thảo dược.
Hợp chất tự nhiên Glucosamine được tìm thấy ở mọi mô trong cơ thể, kích thích mô liên kết của xương và sự phát triển các tế bào sụn, hỗ trợ ức chế các enzym phá hủy sụn khớp, hạn chế tình trạng mất canxi, tăng sản sinh chất nhầy ở dịch khớp. Ngày nay, sử dụng thực phẩm chức năng chứa Glucosamine được xem là xu hướng mới trong chữa trị các bệnh về xương khớp, giảm tiến triển quá trình thoái hóa cột sống, thoái hóa đốt sống cổ ngăn ngừa gai cột sống.
Tóm lại, bệnh gai cột sống cổ ảnh hưởng nghiêm trọng đến sức khỏe và chất lượng cuộc sống của người bệnh. Do đó, nếu phát hiện những triệu chứng như trong bài viết đã nêu, bạn nên đến bệnh viện để khám ngay và điều trị sớm.
Xem thêm: Bị gai cột sống có chữa được không?
Dược sĩ Đại họcNguyễn Mỹ Huyền
Dược sĩ Đại học có nhiều năm kinh nghiệm trong việc tư vấn Dược phẩm và hỗ trợ giải đáp thắc mắc về Bệnh học. Hiện đang là giảng viên cho Dược sĩ tại Nhà thuốc Long Châu.